Quy hoạch xây dựng ĐBSCL gắn liền với ứng phó thiên tai và BĐKH, trong đó, ngập lụt là yếu tố quan trọng hàng đầu tác động đến chiến lược thích ứng. Quy hoạch xây dựng cần lựa chọn chiến lược sống chung với lũ, đảm bảo xây dựng các giải pháp linh hoạt, mềm dẻo, hiệu quả, lâu dài và “không hối tiếc” trong điều kiện BĐKH.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nổi tiếng với sự đa dạng hệ sinh thái bởi vị trí địa lý nằm ở hạ lưu của sông Mekong, với ba hệ sinh thái tiêu biểu của vùng là rừng ngập mặn, đầm nội địa và vùng cửa sông. ĐBSCL là địa bàn đang có các thay đổi tự nhiên lớn, chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) do thiên nhiên và cả con người gây ra.
Các tác động điển hình là ảnh hưởng của lũ ở vùng đầu nguồn; xâm nhập mặn ở vùng ven biển; đất nhiễm phèn và sự lan truyền nước chua ở những vùng thấp trũng; thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở những vùng xa sông, gần biển; xói lở bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi và ngày càng nghiêm trọng.
Ngoài ra, việc xây dựng các thủy điện trên thượng nguồn đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế, văn hóa và định cư của gần 30 triệu cư dân đang phụ thuộc hoàn toàn vào tài nguyên nước trong vùng. BĐKH vừa là mối đe dọa vừa là cơ hội, là nét đặc trưng tự nhiên ở vùng ĐBSCL.
Đây là yếu tố tạo nên bản sắc thiên nhiên đa dạng. Nếu biết khai thác kinh tế và tổ chức định cư phù hợp với sự thay đổi của tự nhiên và BĐKH (như ngập lụt, xâm nhập mặn, hạn hán…), vùng ĐBSCL sẽ không phải chống chế với tự nhiên, mà sẽ luôn đổi mới và tạo nên nhiều cơ hội phát triển.
Vì vậy, việc xem xét các yếu tố biến đổi tự nhiên và BĐKH trong quy hoạch và phát triển đô thị ở ĐBSCL hết sức cần thiết.
1. Tác động của thượng nguồn và BĐKH đến quy hoạch và phát triển đô thị vùng ĐBSCL
Tác động thượng nguồn
Theo báo cáo của Ủy ban sông Mekong, Trung Quốc đã xây dựng 11 đập thủy điện, Lào và Campuchia có 11 dự án thủy điện trên dòng chính và hơn 100 các đập, hồ thủy điện nhỏ được quy hoạch hoặc đang xây dựng trên các nhánh. Khi dân số và nền kinh tế ở các quốc gia dọc sông Mekong bùng nổ, dự báo sẽ có thêm đập được xây dựng ở lưu vực trong vòng vài thập kỷ tới.
Theo Báo cáo Môi trường chiến lược của Ủy hội sông Mekong đưa ra các đánh giá về tác động của các đập thủy điện đến vùng hạ nguồn sông Mekong và vùng ĐBSCL bao gồm các vấn đề chính như sau: Làm thay đổi chế độ dòng chảy và bản chất của sông Mekong; tác động lên đánh bắt thủy sản nội vùng và an ninh lương thực; ảnh hưởng đến đa dạng thủy sinh học; làm thay đổi trong hệ sinh thái trên bờ; giảm khối lượng trầm tích; ảnh hưởng tới sinh kế và văn hóa.
Tác động của BĐKH và nước biển dâng (NBD) đến phát triển đô thị trong vùng
Theo “Kịch bản BĐKH, NBD ở Việt Nam” của Bộ TN&MT, đối với vùng Nam bộ (trong đó có ĐBSCL), ứng với mức theo kịch bản phát thải trung bình, nhiệt độ trung bình năm vùng đến năm 2050 tăng 0,5 - 1,6oC và đến năm 2100 tăng 1,5 - 2,8oC. Lượng mưa trung bình năm đến 2050 tăng 2 - 4% và năm 2100 tăng 4 - 8%.
Đáng lưu ý lượng mưa trong các tháng mùa khô và đầu mùa mưa (từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau) giảm 2,3 - 7,9% vào năm 2050, giảm 4,3 - 15,1% vào năm 2100. Như vậy, tuy lượng mưa cả năm có xu thế tăng, nhưng lượng mưa đầu mùa mưa giảm là nguy cơ thiếu hụt nước khiến nhu cầu nước lấy từ sông kênh lớn hơn.
Mực nước trung bình biển Đông vùng ĐBSCL tăng thêm 19 - 37 cm vào năm 2050 và cuối thế kỷ là 52 - 106 cm. Nếu mực nước dâng 100 cm thì 47,29% diện tích vùng có nguy cơ bị ngập. Các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tác động BĐKH và NBD đối với vùng ĐBSCL có liên quan mật thiết đến BĐKH vùng thượng lưu sông Mekong. Theo Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện BĐKH và NBD, dưới tác động của BĐKH và NBD, ngập lụt và xâm nhập mặn sẽ là 2 tác động lớn nhất, chi phối các tác động khác đến vùng ĐBSCL.
Xâm nhập mặn: Ứng với kịch bản dòng chảy kiệt thượng lưu giảm 15%, đối với ranh mặn cao nhất, độ mặn 4 g/l, trên sông Tiền qua TP Mỹ Tho 17 km (cao hơn hiện nay 20 km) và trên sông Hậu ngang TP Cần Thơ (cao hơn hiện nay 15 km). Nguồn nước các đô thị bị nhiễm mặn, ngoài các đô thị: Bến Lức, Tân An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, có thêm: Mỹ Tho, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Ngập lụt: Kết quả mô phỏng thủy lực cho thấy, đến năm 2050 do lũ thượng lưu tăng 15%, mực nước lũ tùy từng vùng có thể tăng 30 - 40 cm. Do mực NBD, mực nước trong đồng bằng có thể tăng 12 - 17 cm. Tổng hợp tác động bởi 2 yếu tố trên, mực nước ở ĐBSCL có thể gia tăng từ 50 - 60 cm.
Điều này dẫn đến ngoài các đô thị như: Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh thường xuyên ảnh hưởng bởi ngập lũ hiện nay, sẽ có thêm: Sa Đéc, Vĩnh Long, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vị Thanh, Sóc Trăng, Rạch Giá và Hà Tiên bị ngập trên 1,0 m, nghiêm trọng nhất là Cần Thơ và Vĩnh Long.
Trong mùa lũ, việc thoát nước của các đô thị càng khó khăn hơn, đặc biệt các đô thị như: Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, có thể phải nhờ đến sự hỗ trợ của tiêu động lực. Thời gian ngập (xét với mức ngập >0,5 m) kéo dài từ 2 - 5 tháng hiện nay sẽ tăng lên 5 - 7 tháng.
2. Các giải pháp đã và đang thực hiện
Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã có những chương trình, quy hoạch để phát triển vùng bền vững và ứng phó với BĐKH (Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH;
Nghị quyết số 13/NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Quy hoạch cấp nước, thoát nước Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL năm 2020; Quy hoạch thủy lợi vùng ĐBSCL trong điều kiện BĐKH và NBD; Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang;
Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL...). Các chính sách, chương trình, quy hoạch này đã và đang góp phần nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH của vùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì một số giải pháp ứng phó thiên tai trở nên kém hiệu quả trong điều kiện thay đổi tự nhiên và BĐKH. Phát triển cơ sở hạ tầng trong vùng đang ngày một khó khăn trước điều kiện tự nhiên thay đổi.
Chẳng hạn như hệ thống đê điều kiên cố đã làm mất đi các khu trữ nước, gây ra tác động tiêu cực đến công tác phòng chống lũ lụt ở hạ lưu, cung cấp nước ngọt ngày càng khó khăn trong mùa khô, xung đột về sử dụng đất giữa thủy sản và lúa, lún đất và cạn kiệt nguồn tài nguyên nước ngầm, lũ lụt và hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng… Giải pháp cấp nước vùng (Cần Thơ và An Giang) mặc dù giảm thiểu rủi ro xâm nhập mặn, nhưng vấn đề kết nối mạng lưới tới các đô thị không phải dễ dàng.
Về thoát nước, hiện nay một số đô thị cũng đã xây dựng hệ thống thoát nước bằng trạm bơm, kết hợp van 1 chiều cùng với hệ thống đê bao, kè chắn (ví dụ như Bạc Liêu) nhưng cũng mang tính chất tình thế và chưa chắc đảm bảo an toàn trong tương lai nếu gặp phải các sự cố như vỡ đê hay nước lũ, triều và mực NBD quá cao kết hợp với mưa lớn...
Vì vậy, cần phải có các giải pháp tổng hợp (kết hợp giữa giải pháp công trình và giải pháp phi công trình, tận dụng các giá trị của tự nhiên), đa ngành, đa lĩnh vực và có tham gia của các bên liên quan từ cấp vùng đến chi tiết tại đô thị nơi trực tiếp bị ảnh hưởng.
Phát triển cơ sở hạ tầng trong vùng đang ngày một khó khăn trước điều kiện tự nhiên và BĐKH như: Nhu cầu về phòng chống lũ lụt và sử dụng tài nguyên nước ngày càng tăng, hệ thống đê điều kiên cố làm mất đi các khu trữ nước, gây ra tác động tiêu cực đến công tác phòng chống lũ lụt ở hạ lưu.
3. Phân vùng tác động của BĐKH đến phát triển đô thị
Sơ đồ phân vùng phát triển đô thị dưới tác động của BĐKH.
ĐBSCL chỉ phải chịu thiệt hại do ngập lụt từ đợt lũ định kỳ hàng năm ở thượng nguồn sông Mekong (người dân vốn đã sống thích nghi tốt), thì dưới sự cộng hưởng của NBD, diện tích ngập lụt sẽ mở rộng, đặc biệt là vùng duyên hải. Cùng với đó là sự lấn sâu của nước biển vào đất liền, kéo theo quá trình nhiễm mặn.
Chính từ hai tác động tiền đề này mới dẫn đến hàng loạt các tác động khác: Sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển hay thiếu nước ngọt cho tưới tiêu và sinh hoạt hàng ngày. Căn cứ vào các tác động chính này có thể phân loại thành 5 vùng tác động tới quy hoạch và phát triển đô thị:
Vùng I: Vùng duyên hải phía Tây, chịu xâm nhập mặn khá nặng (tuy nhiên, không chịu ảnh hưởng nặng như vùng duyên hải phía Đông) và đồng thời chịu ngập lụt do lũ ở mức độ thấp. Do vậy, giải pháp thích ứng với BĐKH cho vùng này phần lớn tập trung vào các giải pháp công trình và phi công trình ứng phó và thích ứng với môi trường ngập mặn và nước biển dâng.
Vùng II: Vùng duyên hải phía Đông, chịu xâm nhập mặn nặng và ngập lụt khá nặng (mức ngập lụt chỉ đứng sau vùng trũng III). Giải pháp thích ứng tập trung cả hai vấn đề ngập và mặn. Vùng này sẽ là vùng bảo vệ vùng IV khỏi hoặc giảm tác động xâm mặn.
Vùng III: Vùng ngập nặng do lũ, nhưng không bị mặn hoặc mặn ít. Giải pháp chủ yếu thích ứng với ngập lụt. Vùng này có thể dùng làm khu trữ nước mùa lũ cho các vùng còn lại.
Vùng IV: Vùng nước ngọt, ngập lụt trung bình, ít nhiễm mặn. Giải pháp thích ứng hướng tới vấn đề thích ứng ngập lụt mức nhẹ và giảm thiểu xâm nhập mặn bằng giải pháp thủy lợi từ vùng II.
Vùng V: Vùng chịu ít tác động của ngập lụt do lũ nhất (1 - 1,5 m) và ít có hiện tượng xâm nhập mặn. Đây là vùng tương đối “lý tưởng” cho phát triển đô thị, tập trung dân cư đô thị cao, mô hình phát triển đô thị nén. Các vùng này cần được bảo vệ.
4. Giải pháp quy hoạch và mô hình phát triển đô thị
Chiến lược thích ứng
Sống chung với lũ: Quy hoạch xây dựng ĐBSCL gắn liền với ứng phó thiên tai và BĐKH, trong đó, ngập lụt là yếu tố quan trọng hàng đầu tác động đến chiến lược thích ứng. QHXD cần lựa chọn chiến lược sống chung với lũ, đảm bảo xây dựng các giải pháp linh hoạt, mềm dẻo, hiệu quả, lâu dài và “không hối tiếc” trong điều kiện BĐKH.
Quản lý tổng hợp hệ thống sông MeKong: Hợp tác với các nước trong lưu vực sông MeKong để cùng chia sẻ lợi ích chung của sông Cửu Long trong việc phát triển cả lưu vực để giảm thiểu lũ lụt và hạn hán.
Phát triển kinh tế trong một quy hoạch tổng thể: Cần tính toán lại, xây dựng một quy hoạch tổng thể, gắn phát triển của các ngành kinh tế với không gian của vùng, phù hợp với điều kiện tự nhiên môi trường của từng khu vực.
Giải pháp về quy hoạch vùng
Lựa chọn mô hình phát triển vùng: Do tác động của BĐKH, các yếu tố tạo vùng có thể bị tác động ở mức độ khác nhau. Với những cực đoạn về lũ và hạn - mặn ngày càng thường xuyên, các biện pháp ứng phó khác nhau tại mỗi tiểu vùng sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố của mô hình phát triển vùng, vùng giáp biên giới chịu ảnh hưởng của lũ, vùng giáp biển đông chịu tác động của mặn, vùng trung tâm đồng bằng chịu ảnh hưởng của cả 2 yếu tố.
Sự phân hóa về tác động của BĐKH làm mất đi sự đồng nhất vốn có của vùng. Trung tâm vùng hiện nay là Cần Thơ đứng trước nguy cơ vừa chịu tác động của lũ thoát ngày càng nhanh từ thượng lưu, vừa chịu ảnh hưởng NBD sẽ ngập ngày càng trầm trọng. Khi dòng chảy cạn kiệt, hệ thống giao thông thủy, vốn là thế mạnh của trục trung tâm, là yếu tố hạ tầng, bị ảnh hưởng lớn nhất, từ đó ảnh hưởng đến trục trung tâm dọc sông Tiền và sông Hậu.
Một mặt các cực phát triển đô thị giáp biên giới phía Tây chịu tác động của lũ, mặt khác, các cực phát triển phía Đông, giáp biển chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn và NBD. Vì vậy, trong nghiên cứu mô hình phát triển vùng cần quan tâm chi tiết đến tác động trên diện rộng của BĐKH và NBD.
Theo đó, vùng phát triển theo mô hình bán tập trung, thay vì tập trung, chỉ phát triển tập trung ở những cực đô thị an toàn. Ngoài ra, cần chuyển dần sang phát triển các hành lang theo trục ngang dọc quốc lộ thay vì các trục dọc sông hiện nay.
Cấu trúc không gian và phân vùng chức năng: Trong điều kiện BĐKH và NBD, cấu trúc không gian vùng cần tính đến sự suy giảm dòng chảy kiệt có thể ảnh hưởng lớn đến các hành lang đường thủy và mức độ khai thác các cảng đường sông.
Do đó, cấu trúc không gian cần dựa trên mạng lưới đường bộ, vốn đã phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây. Sự hình thành các tuyến đê biển theo Quyết định số 667/QĐ-TTg kết hợp tuyến đê biển vùng ĐBSCL với đường giao thông ven biển có thể tạo ra một hành lang ven biển mới gắn với kinh tế biển.
Ngoài ra, các đô thị hạt nhân trong tiểu vùng trung tâm giữa sông Tiền - sông Hậu có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng dưới tác động của lũ, đặc biệt là thành phố Cần Thơ, dưới tác động kép từ lũ thượng nguồn và triều cường - NBD từ phía biển.
Do đó, nên phát triển theo cấu trúc bán tập trung, phân tán và dành không gian cho nước nhiều hơn. Việc phân vùng chức năng cũng cần thực hiện lại theo chức năng phù hợp hơn, gồm 3 vùng: Vùng giảm lũ (vùng trên), vùng phát triển (vùng giữa), vùng thích nghi (ven biển).
Hạ tầng kỹ thuật vùng: Hai vấn đề lớn nhất mà quy hoạch hạ tầng vùng phải giải quyết là ngập lụt (do lũ, NBD) và hạn hán - xâm nhập mặn.
Thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn: Giữ nước ngọt trong đồng bằng bởi các công trình ngăn sông quy mô vừa như thiết lập hệ thống cống đầu kênh, nạo sông, kênh và rạch, thiết lập hồ chứa nước… Ngoài ra, cần biến một số đầm lầy, ao hồ… thành hồ chứa nước ngọt, khuyến khích việc tích trữ nước mưa trong các thùng hoặc bể xây. Nghiên cứu áp dụng đập ngầm cửa sông.
Thích ứng với ngập lũ và triều: Thiết lập đê biển theo Quyết định số 667/QĐ-TTg, kết hợp tuyến đê biển vùng ĐBSCL với đường giao thông ven biển; chuyển nước giảm lũ bằng hướng thoát lũ ra biển Tây, sang sông Vàm Cỏ và qua sông Tiền, tận dụng khả năng trữ lũ, chậm lũ của sông, hồ, kênh…; sử dụng đê bao với quy mô nhỏ, đê mềm, cao trình và tuyến phù hợp; nâng cấp cơ sở hạ tầng dân cư, kết hợp chặt chẽ các công trình thủy lợi, giao thông, dân cư trong tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng chung.
Tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL.
Mô hình quy hoạch và phát triển đô thị
Các ý tưởng quy hoạch đô thị trong vùng ĐBSCL cần xuất phát từ yếu tố nước trong đô thị.
- Đối với các đô thị vùng thượng lưu ĐBSCL (Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười), mô hình phát triển đô thị theo nguyên tắc thích ứng với lũ. Các đô thị hạn chế phát triển tập trung, dành không gian chứa nước và chuyển nước kết nối với hồ chứa.
- Đối với các đô thị trung tâm ĐBSCL, là các đô thị thường xuyên chịu tác động kép của lũ và NBD, triều cường. Do đó, một mặt dành không gian giữ nước tạm thời, mặt khác cần kiểm soát ngập lụt phát triển tập trung với đê bao, cống kiểm soát lũ, triều.
- Đối với các đô thị ven biển, chịu tác động của NBD, triều cường, xâm nhập mặn. Đô thị phát triển phi tập trung, gắn với không gian mở dựa trên khung thiên nhiên (rừng ngập mặn, sông nước…).
Dựa trên việc phân vùng tác động của BĐKH tới phát triển đô thị một số mô hình cho quy hoạch và phát triển đô thị được đề xuất như sau:
Mô hình 1: Không có yếu tố nước, dạng xương cá theo cả quốc lộ và tỉnh lộ.
Quốc lộ, tỉnh lộ, kè cứng được nâng cao hơn mực nước dâng dự báo, hai bên tập trung các khu vực trung tâm có các tiện ích công cộng từ cấp đô thị đến cấp khu dân cư.
Vùng phát triển an toàn cho phép bán kính không quá đi bộ 400m tới đường/ đê/ kè cứng (với đô thị quy mô nhỏ).
Để tăng an toàn cho người dân đô thị và giao thông liên tỉnh, có thể xây dựng đường song hành nội bộ, cầu vượt đi bộ để tránh xung đột giao thông
Kè mềm phân tán theo cụm dân cư phân tán bên ngoài quốc lộ/ tỉnh lộ như lối thoát hiểm, tránh nạn
Mô hình 2: Đô thị tại cửa sông/ biển, yếu tố nước đi xuyên và giao thông cắt ngang đô thị.
Quốc lộ, tỉnh lộ được nâng cao hơn mực nước dự báo - liên kết với các cụm chức năng đô thị.
Các cụm dân cư và trung tâm đô thị kết nối với nhau bằng các trục giao thông/ đê cứng. Để tăng an toàn cho giao thông đô thị và liên tỉnh có thể xây dựng đường song hành nội bộ, cầu vượt đi bộ để tránh xung đột giao thông. Nên xem xét nắn tuyến quốc lộ. tỉnh lộ ngoài đô thị.
Kè mềm dọc sông/ biển và xen kẽ các cụm chức năng. Giữ khoảng cách an toàn với mép nước đối với công trình. Phát triển mô hình công viên sinh thái bờ sông nhằm tăng mặt phủ xanh, tạo thêm không gian chứa lũ.
Mô hình 3: Vị trí ven sông, biển có quốc lộ đi qua.
Khu vực phát triển về một bên trục giao thông chính nhằm giảm giao cắt đường liên tỉnh và nội đô. Khu vực bờ sông/ biển tạo thành các công viên, không gian xanh sinh thái tự nhiên.
Khi đô thị phát triển, đặc biệt các đô thị tại vùng IV, xem xét giải pháp “kéo” đô thị vào sâu bên trong bằng các trục đường giao cắt quốc lộ/ tỉnh lộ, dân cư có thể tập trung 2 bên các trục giao thông này. Mô hình góp phần giảm giao cắt giao thông và thích ứng tốt với ngập lụt.
Kè mềm dọc sông/ biển - bố trí kè mềm phân tán dọc theo khu vực dân cư tùy vào mực nước dâng.
Mô hình 4: Nước chia nhánh, có giao thông quốc lộ/ tỉnh lộ cắt ngang đô thị.
Quốc lộ, tỉnh lộ được nâng cao hơn mực nước dự báo - các tiện ích công cộng từ cấp đô thị đến cấp khu dân cư dọc hai bên, Khu vực dân cư phát triển về một bên quốc lộ/ tỉnh lộ nhằm giảm giao cắt đường liên tỉnh và nội đô. Khu vực bờ sông dành cho mô hình công viên sinh thái tự nhiên
Trong trường hợp các đô thị lớn, xem xét nắn tuyến quốc lộ/ tỉnh lộ ra ngoài. Khu vực đô thị được bao quanh bởi các đường giao thông cũ và mới đóng vai trò đê bao bảo vệ.
Đối với các đô thị nhỏ, mô hình đảo chức năng liên kết với nhau bằng các quốc lộ/ tỉnh lộ và đường đô thị lúc này đóng vai trò là đê. Xen kẽ giữa các cụm phát triển là không gian cảnh quan tự nhiên, điều tiết nước. Có thể xem xét giải pháp hồ điều hòa giữa các cụm phát triển cùng không gian xanh.
Mô hình 5: Nước chia nhánh có quốc lộ/ tỉnh lộ nằm một bên, đô thị một bên.
Đối với các đô thị lớn có lịch sử phát triển lâu đời vai trò con nước nằm một bên đô thị rất quan trong, nên cần xem xét khả năng nắn tuyến quốc lộ/ tỉnh lộ ra ngoài đô thị, tránh xung đột với giao thông và các hoạt động công cộng liên hệ với mặt nước. Giải pháp công viên sinh thái bờ sông áp dụng tại các đô thị này.
Kè mềm phân tán dọc theo khu vực dân cư tùy theo mực nước. Tổ chức các lối thoát nước và cây xanh trong các khu dân chức năng đô thị.
Mô hình 6: Nước dạng tuyến và quốc lộ/ tỉnh lộ cắt chia cắt một phần đô thị.
Kè mềm phân tán dọc theo khu vực dân cư tùy theo mực nước dâng.
Ưu tiên phát triển trong phạm vi được bảo vệ và có kế hoạch di dời các khu vực sát nước trả lại không gian xanh, tăng không gian chứa nước, giảm thiểu thiệt hại do rủi ro sạt lở. Trong trường hợp phát triển mở rộng, xem xét giãn dân vào sâu một bên quốc lộ/ tỉnh lộ.
Kết luận
Tóm lại, trước những tác động ngày một cực đoan, khó lường của diễn biến thiên tai và BĐKH tại ĐBSCL, việc rà soát, xem xét lại các quy hoạch xây dựng trong vùng đặt ra hết sức cấp bách, đảm bảo các giải pháp được thực hiện là hợp lý và “không hối tiếc”.
Việc thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL mà trọng tâm là lũ lụt cần được kết hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình, phù hợp với đặc trưng tác động của từng tiểu vùng.
Công tác ứng phó cũng cần được thực hiện ở tất cả các cấp độ, từ quản lý tổng hợp trên phạm vi lưu vực đến cấp vùng và trong mỗi đô thị, khu dân cư, từ chiến lược sử dụng không gian lãnh thổ đến sử dụng đất đai, thiết kế hạ tầng kỹ thuật hợp lý.
ThS.KTS Lê Thị Thúy Hà - Phó trưởng phòng Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển đô thị, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia;
ThS Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Viện Quy hoạch môi trường, hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
1. Đề tài Nghiên cứu các mô hình đô thị lồng ghép ứng phó BĐKH, thí điểm đề xuất mô hình phát triển đô thị tại vùng ĐBSCL. VIUP, 2021.
2. Hướng dẫn lồng ghép BĐKH trong quy hoạch đô thị. VIUP, 2018.
3. Kịch bản BĐKH cho Việt Nam. Bộ TN&MT, 2020.
4. Đô thị nước nhằm ứng phó với BĐKH. VIAP, 2013.
5. Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long (dự thảo). Hợp tác Việt Nam-Hà Lan, 2013.
6. Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
7. Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện BĐKH và NBD.
8. Tác động của BĐKH tới hạ tầng đô thị ĐBSCL - Hiện trạng và giải pháp. Lưu Đức Cường, Nguyễn Việt Dũng, 2013.
9. Ứng phó BĐKH và NBD từ quy hoạch xây dựng. Lưu Đức Cường, Nguyễn Huy Dũng. Tạp chí Kiến trúc, 2015.
10. Báo cáo thường niên của Ủy ban sông Mekong, 2021.
11. https://www.mrcmekong.org/our-work/topics/hydropower/
12. Đề tài Xây dựng giải pháp thích ứng BĐKH và NBD cho các đô thị thuộc vùng ĐBSCL, Viện Quy hoạch xây dựng Miền Nam (2016).
(Tạp chí Xây dựng)
- Vấn đề quy hoạch không gian ngầm thành phố
- Kinh nghiệm khai thác giá trị từ đất ở TPHCM: Phát triển khu Nam Sài Gòn
- Không gian công cộng với sự tham gia của 3 khu vực: Nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư
- Đà Nẵng: Xứng tầm thành phố đáng sống
- Đa dạng hóa mục tiêu khai thác quỹ đất khi triển khai mô hình TOD
- Mô hình "rừng trong thành phố" liệu có khả thi?
- “Không gian rừng trong trung tâm”: Cơ hội phát triển đô thị Hà Nội bản sắc - bền vững
- Một số suy nghĩ về quản lý và sử dụng hè phố tạo thuận lợi hơn cho người đi bộ
- Định hướng phát triển hạ tầng các huyện ngoại thành TP.HCM: Đặc biệt quan tâm tới Bình Chánh và Cần Giờ
- Tản mạn từ hồn đô thị đến các thành phố biển ở Việt Nam