Đà Nẵng - thành phố đáng sống là cụm từ được nhiều người dân và du khách trong nước và quốc tế nhắc đến trong những năm gần đây và được lưu truyền với nhau dù cụm từ này chưa có bất cứ tổ chức hay chuyên gia nào đánh giá đưa ra. Cụm từ này không phải đề xướng để quảng cáo, giới thiệu, mà thực tế, Đà Nẵng xứng danh với cụm từ ấy.
Tiên phong trong quy hoạch xây dựng thành phố đáng sống
Kể từ ngày chia tách và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã định hướng xây dựng Đà Nẵng trở thành một đô thị có nhiều điểm khác biệt từ diện mạo đô thị cho đến môi trường sống và là nơi thu hút được nhiều nhà đầu tư và nhiều người dân. Đà Nẵng đã mất gần 20 năm mới đạt được điều này. Công tác quy hoạch đô thị được xác định là bước đi đầu tiên để vạch định hướng cho việc phát triển đô thị Đà Nẵng và Đà Nẵng thành công với công tác này. Đô thị Đà Nẵng được xây dựng bài bản, tận dụng được ưu thế của thành phố có biển, có sông, có núi. Đà Nẵng là thành phố đã tạo nên thương hiệu và bản sắc riêng của mình.
(Ảnh minh họa: Ashui.com)
Không dừng ở đó, Đà Nẵng luôn hoàn thiện mình trong công tác quy hoạch phát triển đô thị để ngày càng xứng danh thành phố đáng sống. Hiện nay theo kế hoạch, thành phố đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ để triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó có nội dung liên quan đến công tác lập, phê duyệt quy hoạch phân khu. Việc thực hiện các quy hoạch phân khu là căn cứ, cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết đô thị. Chính vì vậy vấn đề về tiến độ và chất lượng của các đồ án quy hoạch phân khu hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc triển khai các Nghị quyết, Chương trình, Đề án, Kế hoạch, Dự án phát triển kinh tế - xã hội, công trình trọng điểm của thành phố và các địa phương đã đề ra.
Mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng Đà Nẵng không chỉ trở thành một thành phố đáng sống mà còn trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.
Nơi đáng sống cho nhiều người dân
Anh Nguyễn Đức Hải, sống ở Hà Nội khi đến ở Đà Nẵng 1 tuần du lịch đã chia sẻ: Đường phố ở đây sạch sẽ, trật tự. Về hệ thống giao thông đô thị, Đà Nẵng thực sự là nơi có sự khác biệt, ngay cả đèn đỏ và phân làn giao thông cũng có sự khác biệt. Xe làn nào sẽ đi làn đường đó. Ở một số tuyến đường có làn xe dành riêng cho làn rẽ, dù không làn đường đó trống nhưng những xe khác vẫn không chen vào.
Để đạt được những điều này, đó là một quá trình mà Đà Nẵng đã phát huy tối đa nội lực sẵn có, nâng tầm vị thế cho Đà Nẵng, thu hút đội ngũ chuyên gia nước ngoài, nhân sự chất lượng cao, đòi hỏi thành phố phải tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, song song mở rộng thu hút đầu tư, phát triển các khu đô thị bài bản, để Đà Nẵng không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là hình mẫu về không gian sống đẳng cấp với cư dân sống chất lượng. Trong suốt những năm vừa qua Đà Nẵng còn là nơi đáng sống vì môi trường trong sạch, ít ô nhiễm, các mô hình dịch vụ đa dạng phong phú, mức sống dễ chịu, cơ sở hạ tầng ổn định. Du khách đến Đà Nẵng luôn được chào đón không bị chặt chém, du khách có thể an toàn tham quan đi lại trên các tuyến phố.
Không chỉ quy hoach xây dựng một thành phố đáng sống, Đà Nẵng còn hướng đến là nơi đáng ở cho mọi người dân, thu hút lực lượng người dân đến Đà Nẵng học tập, sinh sống và làm việc. Dân số Đà Nẵng tăng lên hàng năm, trong giai đoạn 10 năm gần đây, dân số tăng mỗi năm bình quân là 2,45%, số lượng người tăng lên là từ các tỉnh thành và người nước ngoài đến Đà Nẵng sinh sống và làm việc. Theo số liệu của tổng điều tra dân số và nhà ở, TP Đà Nẵng có 1,234 triệu người là địa phương có tỷ lệ dân cư sống trong khu vực thành thị cao nhất nước, với 988.561 người (87,7%), mật độ dân số khoảng 883 người/km2, nhân khẩu thực tế thường trú 3,6 người/hộ. So với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước thì TP Đà Nẵng đứng hàng thứ 60 về diện tích, thứ 39 về dân số.
Dự án nhà ở xã hội The Ori Garden là một trong những dự án nhà ở xã hội lớn nhất của Đà Nẵng hiện nay.
Dân số tăng, diện tích đất hạn chế nhưng Đà Nẵng vẫn quyết tâm thực hiện việc có nhà ở cho người dân an cư lạc nghiệp song song với việc xây dựng đô thi và Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện chương trình có nhà ở cho người dân. Qua hơn 20 năm thực hiện chương trình này, hàng chục nghìn căn hộ đã được xây dựng và đáp ứng nhu cầu có nhà ở, an cư lạc nghiệp cho người dân và cho cả người dân nghèo và người có thu nhập thấp.
Theo Sở xây dựng Đà Nẵng cho biết: Tính đến nay, nhà ở xã hội đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, thành phố đã đầu tư hoàn thành 39 dự án chung cư với 10.579 căn hộ và 2 dự án ký túc xá sinh viên tập trung với 1.146 phòng. Đang thực hiện thủ tục chuyển đổi công năng 2 dự án ký túc xá sinh viên sang nhà ở xã hội cho công nhân với 728 căn hộ và đang triển khai 1 dự án với 209 căn hộ. Bên cạnh nhà ở xã hội đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, Thành phố đã triển khai kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Ngoài cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo quy định, thành phố còn ưu tiên bố trí quỹ đất đã giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh để giao nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm tiếp cận quỹ đất sạch để triển khai dự án.
Hiện nay, thành phố đang kêu gọi đầu tư 4 dự án nhà ở xã hội tại 4 khu đất đã giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh. Từ năm 2009, thành phố đã triển khai kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Đến nay, đã triển khai 9 dự án với 7.511 căn hộ đã hoàn thành 4.634 căn hộ, đang xây dựng 2.877 căn hộ. Đang tiếp tục triển khai kêu gọi đầu tư 4 dự án nhà ở xã hội tại khu đất B4-1, B4-2 thuộc Khu tái định cư Hòa Hiệp 4, Dự án Nhà ở xã hội tại KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2), dự án Nhà ở xã hội tại khu đất chung cư số 3 thuộc Khu B - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ và dự án Nhà ở xã hội tại khu đất chung cư số 5 thuộc Khu B - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ với khoảng 3.500 căn hộ.
Nỗ lực của Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, giữ vững là thành phố đáng sống, không dừng ở đó, Đà Nẵng còn đề ra mục tiêu phát triển đến năm 2045, TP Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Nguyễn Nam
(Báo Xây dựng)
- Định hướng phát triển không gian kiến trúc các làng nghề truyền thống Hà Nội phục vụ du lịch
- Phát triển đô thị thông minh gắn kết với quá trình chuyển đổi số
- Vấn đề quy hoạch không gian ngầm thành phố
- Kinh nghiệm khai thác giá trị từ đất ở TPHCM: Phát triển khu Nam Sài Gòn
- Không gian công cộng với sự tham gia của 3 khu vực: Nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư
- Đa dạng hóa mục tiêu khai thác quỹ đất khi triển khai mô hình TOD
- Quy hoạch và mô hình phát triển đô thị vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi tự nhiên
- Mô hình "rừng trong thành phố" liệu có khả thi?
- “Không gian rừng trong trung tâm”: Cơ hội phát triển đô thị Hà Nội bản sắc - bền vững
- Một số suy nghĩ về quản lý và sử dụng hè phố tạo thuận lợi hơn cho người đi bộ