Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Quy hoạch giao thông trong sự phát triển bền vững của đô thị

Quy hoạch giao thông trong sự phát triển bền vững của đô thị

Viết email In

Có thể khẳng định, việc hình thành quy hoạch giao thông trước hay sau ở các đô thị rất linh hoạt. Chỉ sau khi bố cục tổ chức không gian đô thị và hệ thống giao thông chính được xác định, bộ xương cốt của đô thị mới được hình thành và đó là căn cứ để người ta xác lập những quy hoạch trong phạm vi nhỏ hơn. TPHCM cũng đã làm như vậy nhưng do làm không hoàn chỉnh, nhất là ở những khu vực phát triển đô thị mới, nên đã để xảy ra tình trạng phát triển giao thông không đồng bộ với phát triển đô thị, tạo ra vấn nạn về giao thông.

Theo quy luật, trong các quy hoạch của các phạm vi nhỏ hơn, quy hoạch giao thông với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác kèm theo phải đi trước một bước, rồi sau đó mới có thể tiến hành lập các quy hoạch chi tiết 1/500 cho các khu ở hoặc các khu chức năng nhỏ khác. Lâu nay ta thường làm ngược quy trình này nên hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ, không hoàn chỉnh. Vấn đề chủ yếu ở đây là trước khi giao dự án đầu tư chi tiết với các chức năng cụ thể cho các chủ đầu tư riêng lẻ, trước tiên phải có một chủ đầu tư chung về hạ tầng kỹ thuật cho cả khu vực.

Mạng lưới giao thông trục chính của các đô thị lớn

Mạng lưới giao thông chính của các đô thị lớn là các đường vành đai và các trục xuyên tâm. Mạng lưới này không chỉ có ý nghĩa về giao thông đơn thuần mà còn là đường ranh giới khống chế sự phát triển đô thị theo quy hoạch. Ngoài ra còn có các đường xuyên tâm để nối kết các khu vực đô thị với khu trung tâm và cũng để nối kết các đường vành đai lại với nhau.

Nhược điểm lớn ở TPHCM là không có quy hoạch mạng lưới giao thông này rõ ràng từ đầu và quan trọng hơn là thiếu kế hoạch đầu tư kịp thời. Nếu đường Nguyễn Văn Linh được thực hiện đồng thời với việc xây dựng cầu Phú Mỹ và trục đường 25, chúng ta đã giải phóng được từ lâu nạn xe tải, xe container đi xuyên qua trung tâm TP và giảm tải cho quốc lộ 1 (đoạn qua quận 12, Thủ Đức).

Việc hình thành các đường xuyên tâm cũng không rõ ràng, đến sau này ta mới xây dựng trục Đông Tây, còn trục Bắc Nam vẫn chưa hình thành rõ. Ở các thành phố hiện đại, trục xuyên tâm thường là những tuyến giao thông đi nổi hoặc đi ngầm. Việc sớm xây dựng các tuyến tàu điện nổi hoặc ngầm là vô cùng bức xúc đối với TPHCM.

  • Ảnh bên : Xe 2 bánh tràn ra phần đường dành cho ô tô (Ảnh chụp trên đường Nơ Trang Long) - Ảnh: ĐỨC TRÍ

Quy hoạch chỉnh trang cải tạo nội thành và việc cải tạo mạng lưới đường giao thông hiện hữu

Diện tích giao thông quá nhỏ, nhiều tuyến đường quá chật hẹp và hàng ngàn con hẻm nhỏ, không có chỗ đậu xe… là hiện trạng mạng lưới giao thông của TPHCM. Có lẽ cần phải có những giải pháp như sau: Mở rộng đường theo đúng lộ giới đã quy định.

Dĩ nhiên không phải tất cả tuyến đường đã có lộ giới quy định đều phải mở rộng, mà hết sức cần thiết ở một số tuyến quan trọng hoặc quá tải. Nghiên cứu xây dựng cầu vượt hoặc hầm chui ở các ngã tư, ngã năm, vòng xoay… Việc cải tạo các con hẻm phải đồng thời với việc chỉnh trang từng cụm dân cư, từng ô phố.

Bên cạnh việc đề ra những quy hoạch cụ thể hợp lý, cần có những chính sách cần thiết để người dân có thể góp sức vào sự nghiệp này. TPHCM đang trong quá trình hiện đại hóa với việc xây dựng hàng loạt nhà cao tầng, trong đó các tầng hầm có thể giải quyết khá tốt vấn đề đậu xe, nhất là ở khu trung tâm.

Ngoài ra việc chỉnh trang cải tạo các khu dân cư nhếch nhác hiện nay cũng như việc mở rộng các tuyến đường lớn, rất cần có quy hoạch dành đất cho những bãi đậu xe kể cả xe cá nhân và xe công cộng. Việc kêu gọi đầu tư xây dựng những bãi đậu xe ngầm cũng rất cần thiết.

Thay đổi phương thức di chuyển của người dân

Ở TPHCM hiện nay, phương thức vận chuyển chính là xe 2 bánh, bởi xe 2 bánh cộng sinh với cấu trúc đô thị nhà riêng lẻ, nhà phố, với hàng ngàn con hẻm và nó đã thành thói quen của người dân, khi bước ra khỏi cửa là ngồi ngay lên xe. Nhưng mặt khác phải thấy rằng xe 2 bánh dễ tạo nên sự đi lại tùy tiện và là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên nạn ùn tắc giao thông và gây ô nhiễm môi trường.

Do vậy về lâu dài rất cần thiết phải thay đổi phương thức vận tải riêng lẻ đơn giản này thành phương thức vận tải công cộng hiện đại. Việc thay đổi thói quen sử dụng xe 2 bánh phải đồng thời với việc thay đổi cấu trúc đô thị bằng những chung cư tập trung, bằng một lối sống đô thị mới và bằng những phương tiện vận chuyển văn minh hơn, thuận tiện hơn. Ngay từ bây giờ TPHCM phải sớm xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, nổi và có những chính sách hạn chế dần xe 2 bánh.

Hiện nay TPHCM sử dụng khá nhiều xe buýt cỡ lớn chạy trên nhiều tuyến đường, nhưng hiệu quả không cao (hàng năm thừa hàng triệu chỗ trống trên xe và nhà nước phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng). Bởi xe buýt cỡ lớn chưa thật thuận tiện với người dân mà còn chiếm diện tích mặt đường quá lớn, ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông khác.

Nên chăng, có một phương tiện “quá độ” nào đó thích hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại như các loại xe buýt nhỏ, như xe lam ở Sài Gòn trước đây, như dạng xe tuktuk ở Bangkok (Thái Lan) và Mumbai (Ấn Độ), như loại xe Jeep cải tiến ở Manila (Philippines). Các loại xe này có thể chạy trên những tuyến đường nhỏ hẹp, ngóc ngách, không kềnh càng trên đường và có thể dừng đậu linh hoạt, tiện lợi cho hành khách.

TPHCM có nhiều sông và kênh rạch, là một lợi thế mà ta chưa biết phát huy. Sông Sài Gòn cũng như hệ thống kênh Đôi, Tẻ, Bến Nghé, Tàu Hủ… chảy qua nhiều quận huyện, nếu được cải tạo thỏa đáng, có thể khai thác tốt những tuyến giao thông đường thủy, giảm tải giao thông đường bộ đồng thời có thể kết hợp với việc cải tạo môi trường đô thị.

KTS Lưu Trọng Hải

[ Chuyên đề : Giao thông đô thị

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo