Ashui.com

Wednesday
Jan 08th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Phản tự nhiên, xây dựng phải trả giá!

Phản tự nhiên, xây dựng phải trả giá!

Viết email In
Để xây dựng một khu nghỉ dưỡng, chung cư hay khách sạn, người ta phải thay đổi hình thái học tự nhiên có sẵn như: đào đắp, san ủi, lấn chiếm, di dời. Những nguyên tắc của sinh thái là tiết giảm việc đập phá, mà nên “nương theo tự nhiên” để đảm bảo sự cân bằng vốn có của trời đất.


Ảnh minh họa: Lê Quang Nhật

Hậu quả nhãn tiền

Ở Phan Thiết, để có được một bãi biển đẹp, người ta làm kè chắn sóng, nhưng hệ quả là làm cho dòng chảy thuỷ triều đổi chiều và chỉ sau vài năm, những làng chài gần sát đó bị biển ngoạm mất. Hay để khách có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp, người ta phá bỏ một cánh rừng thông ở Đà Lạt và hệ quả là, cánh rừng trơ lại một màu đỏ quạch, dẫn đến hiện tượng lở đất. Tương tự, ở Cần Giờ của TP.HCM, để lấn biển làm khu nghỉ dưỡng, người ta đã phá bỏ nhiều cánh rừng đước làm tổn hại đến cái áo bảo vệ khu dân cư ở phía bên trong, do vậy, mỗi khi có giông, làng xóm bị gió quật tơi tả.

Trong những năm gần đây, các đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đã đua nhau xây các nhà cao tầng theo dạng hình hộp. Các cao ốc này được bọc kín như bưng bằng kính phản quang, kính cường lực, kính chân không,… Để nuôi dưỡng những cao ốc đồ sộ như vậy, cần phải tốn một lượng điện lớn và một lượng nước khổng lồ. Việt Nam sẽ thiếu điện triền miên chính vì những thiết kế phi sinh thái này.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến ngập nước mưa và làm không khí nóng lên là do mức độ bêtông hoá bề mặt nơi sống quá cao. Có những thành phố, khu dân cư bị bêtông hoá đến 90 – 100%. Tuy nhiên, người ta tính được 1m2 đất trống quanh một cái cây không làm gờ chắn có thể ngấm được hơn 2,5m3 nước mưa. Những khoảng bêtông lớn khiến cho nước mưa không những không thấm được, mà lại gây ra hiện tượng đảo nhiệt trong những ngày nóng. 

Lấy bao nhiêu phải trả bấy nhiêu

Muốn trả cũng không xong

Nếu năm 1990, ở TP.HCM chỉ cần khoan xuống 7 – 10m là có nước, thì nay, phải khoan sâu 40 – 45m mới có nước. Việc hút nước lên với số lượng lớn làm các túi nước bị rỗng và hệ quả xảy ra là thành phố bị lún. Một số khu vực ở TP.HCM đang bị lún như: quận Bình Thạnh, quận 7, Bình Tân,… Các nhà khoa học của trường đại học Bách khoa đưa ra sáng kiến thu nước mưa từ trên các nóc nhà để đưa trở lại bổ sung tầng nước ngầm, nhưng xem ra đó chỉ là một thí nghiệm mini, hơn là một phương án khả thi. Tại thành phố Mexico, có những khu vực bị lún rất nhanh, mỗi năm khoảng 1 – 1,5cm, chính quyền thành phố thử bơm nước trở lại, nhưng thất bại. 

Trong khi xây dựng, khó tránh khỏi hiện tượng san lấp, di dời để lấy mặt bằng thi công và tạo dựng công trình theo ý đồ thiết kế, nhưng theo nguyên tắc của sinh thái, anh lấy của thiên nhiên bao nhiêu, phải trả lại bấy nhiêu. Nhiều chung cư của TP.HCM ở các vùng trũng như: quận 6, 7, Bình Chánh được xây dựng trên nền đất mà trước đó là các ao hồ và kênh rạch, nhưng các nhà xây dựng đã không trả lại phần san lấp đi bằng các hồ sinh thái, hoặc kênh thoát nước mới, cho nên, hậu quả là gây ngập nước khắp nơi; các chung cư do có cốt nền cao, nên vào mùa mưa không bị ngập, nhưng nó lại trở thành ốc đảo bị cô lập, người dân không đi lại được. 

Xu hướng nhân tạo hoá thiên nhiên là rất mạnh ở các nước châu Á. Nhiều người cho rằng, một công trình càng hoành tráng, càng sử dụng nhiều vật liệu tân kỳ như: inox, kính, ximăng, thép, composite,… càng chứng tỏ quyền uy và nghệ thuật kiến trúc. Điều đó chưa hẳn là đúng. 

Mô hình các toà nhà xanh, cao ốc sinh thái xuất hiện rất nhiều trên thế giới. Đó là những toà nhà thiết kế nhằm tận dụng triệt để thiên nhiên như: đưa gió tự nhiên vào tất cả các góc nhà; trồng nhiều cây xanh, cứ cách năm đến bảy tầng, lại bỏ trống một tầng làm công viên cây xanh; sử dụng loại vật liệu ít hấp thụ nhiệt; làm hồ nước giảm nóng trên sân thượng; tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời; giảm thiểu hoặc không sử dụng máy điều hoà nhiệt. Một thành phố nóng hơn nông thôn ở cùng khu vực từ 2 – 3oC là vì hàng triệu máy điều hoà nhiệt độ cùng lúc toả hơi nóng ra khắp thành phố. Nếu đến các nước châu Âu trong khoảng mười năm trở lại đây, sẽ thấy việc xây nhà cao tầng đã giảm hẳn, ở nhiều nước như: Hà Lan, Áo, Bỉ,... không xây nhà cao quá bảy tầng nữa. 

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...