Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Triết lý phát triển đô thị

Triết lý phát triển đô thị

Viết email In

Phát triển đô thị chính là sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội với mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân đô thị phải khá giả hơn, sống tiện nghi và hạnh phúc hơn.

Những năm gần đây tiến trình phát triển đô thị ở nước ta diễn ra rất nhanh, quy mô phát triển của các đô thị thay đổi rất nổi bật.

Vì dân

Tuy nhiên mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi sắc thái, nhưng hầu như đều gặp phải một số vướng mắc. Nổi bật nhất có lẽ là ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Mỗi khi gặp phải những vấn đề khó khăn, nhiều người lại đặt câu hỏi: “Diện mạo của thành phố trong 10 năm hay 20 năm nữa sẽ như thế nào?”.


Giao thông TPHCM (Ảnh: Lê Hồng Thái /SGTT)

Một trong những nhiệm vụ chiến lược chung thường được đề cập trong các văn kiện chính thức của nhiều đô thị cả nước là “Xây dựng (tên đô thị) thành một thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn cho tiến trình phát triển khu vực và cả nước, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ và khoa học công nghệ”. Từ nhiệm vụ chiến lược này, nổi lên vấn đề: thế nào là thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh hiện đại?

Hiện nay trên thế giới có nhiều lý thuyết và quan điểm khác nhau về phát triển đô thị: thành phố sống tốt, thành phố toàn cầu, thành phố phát triển bền vững, thành phố thông minh hơn… và nhiều cách đánh giá khác nhau. Tuy có nhiều điểm khác biệt, nhưng nhìn chung khi nói đến phát triển đô thị người ta đều luôn đề cập đến một sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội một cách bền vững với mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân đô thị phải khá giả hơn lên, sống tiện nghi hơn và hạnh phúc hơn. Tất cả những tiêu chí này nên là cơ sở tham khảo để có thể đề ra một triết lý phát triển đô thị sao cho có sự hài hòa phù hợp giữa tiêu chí văn minh hiện đại với đặc điểm văn hóa Việt Nam.


Chợ Hoa tại khu Nghi Tàm - Quảng An, Hà Nội (ảnh: photobucket.com)

Trọng tâm của phát triển

Cơ sở để xây dựng triết lý phát triển đô thị phải xuất phát từ những thế mạnh về vị trí địa lý, dân số, lịch sử, kinh tế, văn hóa, vai trò và tầm quan trọng của đô thị đối với khu vực và cả nước, cơ sở pháp lý của các văn bản luật, các văn kiện mà Đảng và Chính phủ ban hành. Các tiêu chí cơ bản được xây dựng trên các khía cạnh về: quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng chế độ chính sách, giao thông vận tải, bảo vệ môi trường, chống quan liêu, tham nhũng và lãng phí, nâng cao mức sống và điều kiện sống của nhân dân. Có thể nói triết lý phát triển đô thị thường xuất phát từ bốn quan điểm phát triển đô thị cốt lõi như sau:

1. Mang tính bền vững. Cụ thể là trong lĩnh vực kinh tế phải có sự tăng trưởng liên tục và ổn định lâu dài; tăng trưởng kinh tế phải hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các tiêu chí về dịch vụ đô thị. Sự hài lòng của người dân về dịch vụ đô thị và dịch vụ công là cơ sở để đánh giá chất lượng phát triển. Để đạt được yếu tố bền vững trong phát triển thì mọi kế hoạch và chương trình mục tiêu luôn phải đảm bảo thỏa mản được tất cả các tiêu chí bền vững về: xã hội, môi trường, kỹ thuật và tài chính.

Phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội. Đặt người dân đô thị vào vị trí trung tâm của sự phát triển và mục tiêu cuối cùng là hướng tới sự phát triển con người toàn diện. Văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực cho phát triển kinh tế. Sự giàu có về vật chất phải đi liền với sự phát triển tương xứng về đời sống tinh thần, để đảm bảo cho một xã hội phát triển văn minh, hiện đại, thành phố xã hội chủ nghĩa.

Có thể một vấn đề rất cấp thiết hiện nay nhưng lại chưa được quan tâm đúng mực là văn hóa đô thị. Từ đây nổi lên nhiều vấn đề về cuộc sống đô thị gắn kết với người dân. Ý thức về văn minh đô thị cũng được xây dựng từ đây. Vậy thế nào là văn hóa đô thị cũng cần được quan tâm làm rõ.

  • Ảnh bên : Giao thông đô thị ở Singapore (nguồn: Ashui.com)

2. Gắn liền với tình hình phát triển đô thị. Kinh tế phải mang đặc điểm của một nền kinh tế đô thị hiện đại. Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển đô thị sẽ thể hiện trên tất cả các mặt như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch và xây dựng đô thị, bố trí dân cư, và mặt bằng xây dựng và không gian kiến trúc đô thị.

3. Gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế vùng. Mỗi đô thị phải là hạt nhân động lực cho sự phát triển toàn Vùng. Do đó, các vấn đề như quy hoạch, bố trí lực lượng sản xuất, cung cấp dịch vụ hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, và xử lý môi trường phải được tích hợp và gắn kết chặt chẻ trên phạm vi toàn vùng.

4. Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi đô thị  phải được đặt trong bối cảnh nước ta đang từng bước hội nhập toàn diện với nền kinh tế toàn cầu. Do đó, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh ở góc độ địa phương, doanh nghiệp và sản phẩm là rất quan trọng. Xây dựng lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế thành phố phải được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của chiến lược phát triển đô thị. 

TS Trương Tiến Hải - Chuyên gia Quản lý Chiến lược

Hiện nay trên thế giới đang rất phổ biến tiêu chí đánh giá cuộc sống đô thị của Công ty Mercer, là doanh nghiệp tư vấn của Vương quốc Anh hoạt động trên nhiều lĩnh vực như nguồn nhân lực, tài chính và tiền tệ. Đặc biệt trong việc nghiên cứu chất lượng cuộc sống của các thành phố trên thế giới, Mercer là đơn vị đánh giá thuộc loại có uy tín. Hàng năm, Mercer đều công bố bảng xếp hạng các thành phố lớn trên thế giới theo 10 nhóm vấn đề với 39 tiêu chí như sau:
  1. Nhóm về môi trường chính trị xã hội có 5 tiêu chí là xuất nhập cảnh dễ dàng, quan hệ với các quốc gia khác, tuân thủ pháp luật, sự ổn định, và tội phạm.
  2. Nhóm về môi trường kinh tế có 2 tiêu chí là các dịch vụ ngân hàng và những quy định trao đổi tiền tệ.
  3. Nhóm về môi trường văn hóa xã hội có 2 tiêu chí là truyền thông đại chúng và kiểm duyệt, những giới hạn trong quyền tự do cá nhân.
  4. Nhóm về y tế và chăm sóc sức khỏe có 8 tiêu chí là ô nhiễm không khí, động vật và côn trùng gây hại, các dịch vụ bệnh viện, các nguồn cung cấp y tế, các bệnh truyền nhiễm, nước uống việc thu gom rác thải và nước thải.
  5. Nhóm về giáo dục và đào tạo có 1 tiêu chí là tổng số các trường học.
  6. Nhóm về dịch vụ công và vận chuyển có 7 tiêu chí là nguồn cấp nước, ách tắc giao thông, cấp điện, dịch vụ điện thoại, dịch vụ thư tín, vận chuyển công cộng và sân bay.
  7. Nhóm về vui chơi giải trí có 4 tiêu chí là số lượng và chủng loại nhà hàng, rạp chiếu bóng, biểu diễn sân khấu và ca nhạc và các hoạt động thể thao, giải trí.
  8. Nhóm về cung cấp sản phẩm tiêu dùng có 5 tiêu chí là thực phẩm (trái cây và rau xanh), thực phẩm (thịt và cá), đồ dùng hàng ngày, thức uống có cồn, và xe ô tô.
  9. Nhóm về nhà ở có 3 tiêu chí là đồ đạc và dụng cụ gia dụng, bảo trì và sửa chữa nhà ở, số lượng và quy mô nhà ở.
  10. Nhóm về môi trường tự nhiên có 2 tiêu chí là khí hậu thời tiết và thiên tai.
Trong bối cảnh chung của đất nước đang mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế, phải chăng là các đô thị trong cả nước cũng cần tham khảo các tiêu chí của Mercer kết hợp với phát huy mạnh mẽ những lợi thế và thành tựu đã đạt được, đồng thời kiểm soát tốt những vấn đề nảy sinh, thực thi những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tiến tới xây dựng, phát triển thành phố “theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng văn hóa của nhân dân. 
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo