Ashui.com

Sunday
Nov 10th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Định mệnh của đô thị hiện đại?

Định mệnh của đô thị hiện đại?

Viết email In

“Đô thị hiện đại ở đâu mà chẳng thế, giống nhau, chán ngắt ấy mà”. Anh chàng họa sĩ đi nhiều nói với tôi cái câu chán chường ấy cách đây hàng chục năm. Tôi tin. Những tấm ảnh chụp Tokyo, New York, Hong Kong với rừng nhà cao tầng làm tôi thật sự kinh hãi. Năm 2004, tôi bắt đầu cuộc “phiêu lưu” đến những chốn cứ tưởng là cũng “kinh hãi” như thế: Paris, London, Roma, Berlin, Amsterdam và một vài thành phố khác của Pháp, Anh, Ý, Đức, Hà Lan, Bỉ (nơi ở ít nhất là một tuần, lâu nhất là một tháng, đi theo kiểu “Ta ba lô”) mới vỡ lẽ là mình đã vội tin lời “phán” của một kẻ chán đời, và Hong Kong, Tokyo, New York không phải là tất cả thế giới.


Paris

Đô thị nơi tôi đi qua là của những nước văn minh, làm sao có thể lạc hậu được? Hiện đại đâu chỉ là bê tông, kính, thép, nhà chọc trời, hệ thống giao thông nhiều tầng v.v... mà còn là cách xử sự với thiên nhiên, với cái cũ, với truyền thống, là tổ chức không gian sống và vẻ mỹ quan theo khuynh hướng tự nhiên và phong cách văn hóa riêng biệt của cộng đồng cư dân sở tại. Những cái đó tạo nên sự khác biệt. Brugge (Bỉ) khác Lille (Pháp) tuy cả hai đều thơ mộng như nhau, Paris khác Roma tuy cả hai đều vĩ đại như nhau v.v... Những nơi này đều có những cái ta cho là giống nhau (sự hiện đại) nhưng nó có rất nhiều khác biệt được tạo ra bởi những cái cũ có từ lâu đời mà những trào lưu mới trong kiến trúc và quy hoạch đô thị không động chạm đến...


Colosseum, Roma 

Đến London tôi mới vỡ lẽ ra rằng bản sắc của một đô thị nằm ở sự kết nối của cả ba thì: quá khứ (sự khác biệt lớn nhất), hiện tại và tương lai. Một đô thị không quá khứ, hoặc đánh mất quá khứ (khi các dấu vết của nó bị xóa sạch trong quá trình hiện đại hóa) thì sẽ khó có thể tạo ra được bản sắc. Tôi nhớ London bởi sự không giống ai (phải chăng xuất phát từ tính bảo thủ của người Anh?) với chiếc xe bus hai tầng hiện đại mà cũng rất cổ xưa (khi muốn xuống bến phải giật chuông bằng sợi dây thừng!); taxi đồng loạt sơn màu đen, kiểu dáng không thay đổi từ khi nó xuất hiện đến bây giờ; tượng đài cũng đen; cột điện cao áp, biển báo giao thông cũng đen như thế; rồi những ngôi nhà xây bằng gạch để trần màu đỏ sậm khói hun, những con đường nhỏ hẹp uốn cong theo sườn đồi lộng lẫy cỏ cây hoa lá, những cây cầu tráng lệ bắc qua sông Thames, tháp đồng hồ Big Ben sừng sững, cung điện Buckingham giờ đổi gác v.v., tất cả đều là những hình ảnh được lưu giữ qua năm tháng. Nếu không có nó, những thứ dường như cũ kỹ này, mà London chỉ có khu trung tâm tài chính, khu đô thị mới xây dựng trên đảo Chó với những tòa cao ốc cực kỳ hiện đại thì có còn là London nữa không?


Tháp đồng hồ Big Ben, một biểu tượng không thể thiếu của nước Anh
 
Tôi có qua Singapore, một đô thị mà bạn bè tôi chê là “không có bản sắc”, là đô thị “sạch sẽ và vô cảm” điển hình trong thời đại toàn cầu hóa. Thế nhưng mỗi lần qua là một lần khám phá. Lần đầu khám phá ra khu phố Tàu (China town), một quá khứ được tân trang bằng màu sắc của hội họa, với những dãy phố lầu được sơn màu rực rỡ, khác hẳn và thú vị hơn nhiều những khu phố Tàu mà tôi từng biết ở London, Paris, Malacca, ở Hải Phòng ngày xưa (từ Nhà Hát Lớn đổ về Chợ Sắt) và ở TP.HCM (khu Chợ Lớn); khám phá ra nơi bị gọi là “chán ngắt” này là một “khu vườn phương Đông” kiến tạo theo thẩm mỹ Trung Hoa (ở Singapore, người Hoa là chủ yếu) với cỏ hoa cây cối chim chóc , làm mềm mại, làm dịu đi rất nhiều cái vẻ thô cứng của bê tông, kính, sắt, thép của những công trình mới xây dựng trong vòng vài chục năm nay, và nhất là những khoảng trống rộng lớn phủ đầy cây xanh (nhiều cây cỡ cổ thụ) đã che giấu cái vẻ đơn điệu của các tòa cao ốc. Lần thứ hai khám phá ra khu phố của người Malaysia (khu Geylang) có phần hơi nghèo nàn cũ kỹ, một tương phản với vẻ xa hoa, lộng lẫy và vô cùng hiện đại của khu trung tâm giải trí và thương mại nằm bên bờ vịnh Marina. Lần thứ ba khám phá ra khu Ấn Độ (Little India) pha Tàu với kiến trúc nửa Ấn nửa Trung Hoa của thập niên 30, 40 thế kỷ trước, và do đi xem Đội tuyển Quốc gia đá giao hữu với Tuyển Singapore ở sân bóng ngoại vi, tình cờ “phát hiện” suốt dọc đường, những khu đô thị hiện đại lẩn khuất trong rừng.


Thành phố di sản Malacca (Malaysia)
 
Singapore là một thành phố mới, xây dựng trên một làng chài, quá khứ đô thị rất mỏng. Nhưng người Singapore biết chắt chiu từng chút một vẻ đẹp của quá khứ để lại (nhà cửa, hệ sinh thái của một hòn đảo nhiệt đới, truyền thống làm vườn cảnh của người Trung Hoa), làm nó sống dậy, tươi mới trong đời sống đương đại và quan trọng là tạo được sự hòa nhập với hiện tại và nếu cứ với một cách làm như thế, nó cũng sẽ hòa nhập được với tương lai. Vậy có thể coi Singapore là “đô thị không bản sắc”, “sạch sẽ và vô cảm” được không?


Deepavali, Little India, Singapore

Tôi nghĩ đến đô thị của chúng ta, lớn như TP.HCM, Hà Nội, nhỏ như Hưng Yên, Cam Ranh v.v... các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư, các doanh nhân kinh doanh bất động sản, các chủ đầu tư lớn bé, các cấp chính quyền v.v... đang làm gì với nó? Vô tình (hay cố ý) mà đang tìm cách xóa sạch các dấu vết của quá khứ? Phố cổ Hà Nội chỉ còn sót lại mỗi ngôi nhà 84 Mã Mây. Di tích Hà Nội thời bao cấp “biến” gần hết. Sài Gòn đang “mất” dần quận 1, quận 3 (các building đang lấn át và thay thế những ngôi biệt thự “thế kỷ”, những dãy phố thương mại của một thời “Sài Gòn hòn ngọc viễn đông”). Hệ sinh thái điển hình của vùng Nam Sài Gòn ngập nước, với bạt ngàn dừa nước, bần ổi, mắm, tràm, sen, súng, và không biết bao nhiêu loài chim, thú quý hiếm cũng không còn nữa để rồi hứng chịu một “Sài Gòn triều cường” lụt lội trong ngày nắng.


Phố cổ Hà Nội

“Đô thị không bản sắc”, “vô cảm và chán ngắt” không phải là một định mệnh, một hệ quả tất yếu của quá trình hiện đại hóa đô thị. London, Singapore và nhiều đô thị khác trên thế giới đã cho chúng ta một cách nhìn tích cực hơn. Thực ra tôi đã mơ về một Hà Nội khác, một TP.HCM khác, và những đô thị khác của Việt Nam. Và giấc mơ ấy chắc chắn đâu chỉ của riêng tôi. Nhưng liệu tôi có còn sống đến ngày ấy để được nhìn thấy nó. Nhưng có giấc mơ là có lòng tin. Và trong thời buổi này điều cần nhất không chỉ là sự tỉnh táo mà còn cả lòng tin nữa. Tin vào sự thay đổi, bắt đầu từ chính mình.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo