Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Kiến trúc quảng trường ở các đô thị Việt Nam

Kiến trúc quảng trường ở các đô thị Việt Nam

Viết email In

Quảng trường là một thành phần không thể thiếu trong cấu trúc không gian các đô thị từ xưa đến nay. Về bản chất, quảng trường là một không gian công cộng, đảm nhiệm những chức năng công cộng và chung sống của dân cư đô thị, như là nơi tổ chức hoạt động sự kiện xã hội, những sinh hoạt văn hóa - lễ hội, buôn bán và, đơn giản, là nơi để thị dân sum họp hoặc dạo chơi.

Đồng thời  đóng vai trò tạo thị và tạo tính chất thành thị cho mỗi đô thị, tổ chức và gắn kết cộng đồng dân cư đô thị với đặc trưng nổi trội là sự cân bằng giữa cái “riêng” và cái “chung”.


Quảng trường Lam Sơn - TP Thanh Hóa

Hệ thống quảng trường

Về phương diện quy hoạch, mỗi thành phố cần thiết lập hệ thống quảng trường có tầng bậc để đảm trách vai trò định hướng không gian, góp phần tạo lập cơ thể và diện mạo thành phố, bao gồm các quảng trường chính (quảng trường trung tâm) và các quảng trường khu vực. Trong khi các quy chuẩn và quy phạm của Nhà nước về giao thông, về công trình hạ tầng xã hội và cây xanh sử dụng công cộng đã khá rõ ràng và đầy đủ, thì một thành phần đô thị rất quan trọng là quảng trường lại chưa được đề cập tới. Việc phát triển đô thị hiện nay theo kiểu “vết dầu loang”, thiếu sự kiểm soát, cùng với việc xem nhẹ vai trò quảng trường trong cấu trúc không gian đô thị đã hạn chế sự hình thành hệ thống quảng trường trong các đô thị lớn. Trong khi ở các khu vực mới phát triển, các quảng trường không xuất hiện, thì ở các khu vực cũ, thường là những trung tâm thành phố, các quảng trường sẵn có cũng mất đi vai trò mà chúng từng có.

Việc thiếu một hệ thống quảng trường trong các đô thị lớn ở Việt Nam có thể lý giải bởi: thiếu quảng trường (tỷ lệ diện tích quảng trường/diện tích đất đô thị chỉ chiếm 0,0040%; chỉ tiêu diện tích quảng trường trên đầu người rất thấp: 0,0220m2), đặc biệt là các quảng trường khu vực (trong số 18 thành phố được khảo sát, chỉ có 9 thành phố có quảng trường khu vực, với số lượng là 17/35 quảng trường...) và thiếu sự kết nối.

Về vị trí quảng trường

Mặc dù một quảng trường có thể tập hợp quanh nó các tòa nhà có chức năng không tương thích (ví dụ một nhà thờ và quanh nó là các tòa nhà văn phòng, quán cà phê, cửa hàng ăn uống ...), song người ta vẫn có thể xác định được công năng chính của quảng trường. Công năng này, về mặt vị trí, cần phù hợp với chức năng của khu vực đô thị. Ví dụ, trong khu vực hành chính và chính trị của một thành phố, không nên có các quảng trường chợ, quảng trường tôn giáo, hoặc một khu vực nghỉ ngơi gắn với cảnh quan thiên nhiên của thành phố thì chỉ nên bố trí các quảng trường nghỉ ngơi, dành cho các hoạt động văn hóa...

Trong khi đó, ở Long Xuyên, ở Quy Nhơn và ở Nha Trang, các quảng trường với những tượng đài mang ý nghĩa lớn, lại nằm ngay trong khu vực dân cư... Ngoài ra, trong số 35 quảng trường được khảo sát còn có 20 quảng trường khác cũng có những bất cập về vị trí như vậy.

Công năng và tính chất sử dụng

Một quảng trường thích hợp cho các hoạt động cộng đồng phải có sự phân định rõ ràng các không gian dành cho các hoạt động có tính chất khác nhau, đặc biệt là sự phân định giữa giao thông (cho cơ giới) với các hoạt động cộng đồng khác. Trong khi đó, theo khảo sát của chúng tôi có đến 23/35 quảng trường bị các phương tiện cơ giới lấn át, trong đó có 18 quảng trường được thiết lập gắn với chức năng giao thông chính của thành phố.

  • Ảnh bên: Quảng trường TP. Long Xuyên, nơi có tượng đài Tôn Đức Thắng

Quảng trường ở các đô thị lớn Việt Nam phát triển chú trọng lệch về chức năng chính trị, hành chính với các quảng trường trung tâm, trong khi chúng đang được sử dụng một cách tự phát, đa chức năng, không có sự quản lý (17/35 quảng trường). Theo số liệu từ các cuộc phỏng vấn, người dân đến quảng trường chủ yếu với mục đích thư giãn, dạo chơi, ngắm cảnh đường phố hoặc xem các hoạt động khác (cũng là tự phát) đang diễn ra, chiếm tỷ lệ 41% ở Hà Nội; 35% ở Đà nẵng và 44% ở thành phố HCM. Hơn thế nữa, một số quảng trường thường xuyên có các hoạt động không phù hợp, như sinh hoạt gia đình, đỗ xe bừa bãi, bán hàng rong, quảng cáo thiếu thẩm mỹ (8/35 quảng trường).

Yếu tố chủ đạo

Mặc dù không phải tất cả các quảng trường đều buộc phải có yếu tố chủ đạo, nhưng hầu hết, yếu tố chủ đạo vẫn thực sự cần thiết, đặc biệt đối với các cấu trúc không gian có trục. Trong khi hình thái không gian các quảng trường ở đô thị Việt Nam thường là có trục (31/35 quảng trường; trong đó có trục và đối xứng là 13/35; có trục nhưng không đối xứng là 18/35; chỉ có 4/35 quảng trường có cấu trúc không trục), thì yếu tố chủ đạo hầu hết lại chưa có vị trí và tỷ lệ phù hợp, hình thức và giá trị nghệ thuật chưa cao, làm mất đi vai trò chủ đạo mà chúng cần có.      

Yếu tố giới hạn không gian

Một quảng trường được giới hạn chiều ngang bởi mặt nền và theo chiều đứng bởi công trình kiến trúc hay các cấu trúc, vật thể khác.

Nghiên cứu về yếu tố giới hạn không gian của quảng trường ở đô thị Việt Nam, có thể thấy bố cục thường thiếu định hướng và không bộc lộ rõ ý đồ chủ đạo (ví dụ như bố cục theo trục, bố cục tạo không gian mở, không gian đóng...). Các mặt giới hạn đứng không có trật tự về chiều cao, khối tích (14/28 quảng trường có giới hạn đứng), hình thức thiếu sự hài hòa, thống nhất giữa các thành phần kiến trúc (21/28 quảng trường), nhiều khi còn không đẹp và xuống cấp.

Ở hầu hết các quảng trường, các công trình bao quanh thường là nhà ở tư nhân, có diện mạo kiến trúc tự phát, chiều cao lộn xộn, dẫn đến sự giảm tính văn hóa và thẩm mỹ của quảng trường. Mặt khác, các hoạt động thường nhật ở đây còn gây mất mỹ quan.

Một thành phần khác góp phần giới hạn và bố cục không gian, đó là các kiến trúc nhỏ và tác phẩm nghệ thuật. Một không gian quảng trường đẹp cần có các yếu tố này nhằm tạo cảnh quan, tạo tính tư tưởng và văn hóa, nhấn mạnh tính riêng biệt của quảng trường, chúng còn tạo bố cục và phân định các khu vực không gian chức năng... Theo khảo sát của chúng tôi, có đến 14/35 quảng trường, thiếu vắng các yếu tố này; 25/35 quảng trường không có các tác phẩm điêu khắc, các thành phần trang trí hay các hình thức tô điểm khác.


Mặt đứng quảng trường Chợ Cần Thơ (ảnh trên) và quảng trường trung tâm thành phố Rạch Giá (ảnh duới): các công trình có chiều cao không đồng đều, hình thức kiến trúc thiếu thống nhất với công năng là nhà ở tư nhân kiểu lô phố

Tổ chức lối vào

Việc tổ chức lối vào quảng trường quyết định tầm nhìn, hướng nhìn của người sử dụng, nó cũng quyết định bố cục của quảng trường, tác động đến cảm thụ thị giác. Nhìn chung, có ba dạng cơ bản của lối vào quảng trường: tới quảng trường, xuyên quảng trường và ngang quảng trường. Từ ba dạng cơ bản này, trong thực tế, chúng kết hợp với nhau và còn có thể biến đổi thành nhiều hình thái khác nữa, tùy thuộc vào số lượng lối vào quảng trường, hướng vào quảng trường (hướng thẳng, hướng chéo) và vị trí của lối vào (vào chính tâm, vào lệch tâm, vào ở góc).

Trong khi quảng trường ở các nước phương Tây, thường có lối vào cơ bản, thì các quảng trường ở Việt Nam, thường có lối vào kết hợp nhiều dạng, theo khảo sát của chúng tôi là 23/35 quảng trường. Đặc biệt, các quảng trường được hình thành ở thời hiện đại chiếm tỷ lệ cao trong số đó. Một đặc điểm khác của quảng trường thời này là chúng thường được gắn với những yếu tố tự nhiên, như sông nước, mặt biển... như là một yếu tố giới hạn không gian theo chiều ngang, trong khi lại thiếu, thậm chí không có, các yếu tố giới hạn đứng. Điều đó có thể lý giải tại sao chúng thường có không gian dạng mở, bố cục, hình thái không rõ ràng.

Tiếp cận quảng trường và một số vấn đề khác

Theo quan sát, có 20/35 quảng trường không thuận lợi khi tiếp cận bằng đi bộ hay xe bus do bị các phương tiện giao thông khác lấn át, hoặc xa các trạm dừng xe, hoặc không có sự liên kết giữa quảng trường với các không gian công cộng khác. Việc tiếp cận này dẫn đến người ta buộc phải chiếm hữu không gian quảng trường để đỗ xe, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Điều này được khẳng định qua kết quả phỏng vấn tại 03 thành phố lớn về cách thức tiếp cận quảng trường của người dân đô thị: tiếp cận chủ yếu bằng xe máy (66% - 88%), tiếp cận bằng đi bộ, xe đạp hay phương tiện giao thông công cộng chỉ chiếm 22% tại Hà Nội và T.P HCM; 7% tại Đà Nẵng.

Để một quảng trường có sức sống, cần thu hút được nhiều hoạt động cộng đồng. Với khí hậu của Việt Nam, việc cải thiện vi khí hậu cho các hoạt động ngoài trời tại quảng trường là một vấn đề lớn. Ngoài ra, các tiện nghi khác phục vụ cho cộng đồng như nhà WC công cộng, ghế ngồi, đèn chiếu sáng... hay các dịch vụ như cà-phê, ăn nhanh, các quán hoa, quán sách... chưa được chú ý. Hầu hết các quảng trường ở Việt Nam đều thiếu các tiện nghi này, hoặc có ở mức độ tối thiểu, thiếu thẩm mỹ...


Từ những kết quả điều tra và những nhận định trên, xin nêu ra một số vấn đề lớn cần được nghiên cứu và giải quyết nhằm nâng cao giá trị của quảng trường trong các đô thị hiện nay, nâng cao chất lượng tổ chức không gian kiến trúc và chất lượng sử dụng của quảng trường:

- Nhìn về lâu dài và căn bản, chúng ta cần xây dựng được các nguyên tắc, các quy định cụ thể về việc quy hoạch quảng trường đối với các đô thị mới và đối với các khu vực phát triển ở đô thị cũ. Đó là các nguyên tắc về phân cấp hệ thống quảng trường trong đô thị, về vị trí quảng trường, các quy định về tiêu chuẩn sử dụng, chỉ tiêu sử dụng công trình, sử dụng đất xây dựng quảng trường trong cơ cấu đất đô thị...

- Với các đô thị hiện hữu, chúng ta cần đưa ra những giải pháp thích hợp để tạo lập được một hệ thống quảng trường trong bộ khung cấu trúc của nó. Đó có thể là giải pháp cải tạo các không gian trống trong đô thị thành quảng trường, có thể là cải tạo các trục đường liên kết những không gian công cộng, các quảng trường hiện hữu thành một mạng lưới không gian công cộng...

- Việc nâng cao chất lượng tổ chức không gian kiến trúc quảng trường cũng cần được xem xét trên cả hai mặt, đó là tổ chức không gian kiến trúc các quảng trường mới, sẽ được xây dựng và cải tạo, kiện toàn không gian kiến trúc các quảng trường cũ hiện có.

Đối với các quảng trường mới, được xây dựng trong tương lai, chúng ta cần có các quy định, nguyên tắc cụ thể cho việc thiết kế, bố trí các công năng phù hợp, tổ chức giao thông, tạo dựng các yếu tố cấu thành quảng trường về diện mạo kiến trúc, tỷ lệ, khối tích hình học... Đối với các quảng trường hiện hữu, vấn đề cải tạo, kiện toàn không gian kiến trúc cần được xem xét thận trọng. Ngoài việc dựa trên các nguyên tắc tổ chức không gian, cần có những nghiên cứu cụ thể để đánh giá mức độ cải tạo, bảo tồn, đưa ra những giải pháp hợp lý.

- Song song với giải quyết các vấn đề trên, cũng cần có sự tổ chức, định hướng cho các hoạt động sử dụng (như tổ chức biểu diễn, triển lãm, tổ chức các gian hàng lưu niệm, bán hoa, sách, báo...). Kết hợp với việc xây dựng quy chế quản lý, quản lý chặt chẽ về mặt kiến trúc, xây dựng cũng như việc sử dụng các công trình trong không gian quảng trường.

KTS Tạ Nam Chiến (Tạp chí Kiến trúc Việt Nam - 8/2011) 

 

Lời bình  

 
+3 # Lâm Nguyen 07/12/2011 16:33
Kính gửi KTS Tạ Nam Chiến,

''Quảng trường là một thành phần không thể thiếu trong cấu trúc không gian các đô thị từ xưa đến nay''. Phải chăng KTS muốn đem cái nội dung Quảng Trường ở Roma , Paris ,, rồi áp dụng vào bối cảnh ,địa lý VN chăng ? . Chắc hẳn KTS phải nên biết rằng những nước ấy với địa lý nằm trong lục địa sâu ,diện tích rộng , từ ngàn xưa đã hình thành thành lũy (chống giặc ngoại xâm ) cùng với sự ra đời quảng trường. Nếu KTS đến Romas , Paris sẽ cảm nhận được ngay sự khác biệt đó . Ở tại VN có thành lũy nào to ,lớn đồ sộ như thế không (ngoài Huế, Hà nội, Thanh Hóa giới hạn kiêm tốn về qui mô )? Nếu không có thì làm sao lấy đâu ra cái văn hóa quảng trường ? Như vậy thấy rõ sự khác biệt về tác dụng ,chức năng và bối cảnh ra đời quãng trường ở Châu Âu và VN . Vì thế quảng trường lại chưa được đề cập tới là điều dễ hiểu với cái gọi là quảng trường VN như KTS nêu.

Chức năng của Quảng Trường như KTS định nghĩa ở trên thì vị trí quảng trường có gì là điều đáng nói . Từ thời kì cổ đại Athenian Agora quảng trường đã là một nơi nằm ở vị trí dân cư đông đúc ,chật chội trong đô thị . Có chức năng chính là trung tâm community ,nơi diễn ra hành lễ ,tín ngưỡng ,,trao đổi hàng hóa ,tôn giáo , chính trị v v .. Vậy trong khu vực hành chính và chính trị của một thành phố, tại sao lại không nên có các quảng trường chợ, quảng trường tôn giáo ? . Nếu có nó có ảnh hưởng gì ?

Công năng và tính chất sử dụng thì như đã trình bày quảng trường nằm ở nơi khu dân cư đông đúc thì 23/35 quảng trường bị các phương tiện cơ giới lấn át, là điều dễ hiểu . Bởi thiếu không gian, diện tích đất dành cho giao thông ,và những yếu tố phụ xung quanh như ý thức người điều khiển phương tiện giao thông v v . Người dân đến quảng trường chủ yếu với mục đích thư giãn, dạo chơi, ngắm cảnh đường phố hoặc xem các hoạt động khác (cũng là tự phát) đang diễn ra, chiếm tỷ lệ 41% ở Hà Nội; 35% ở Đà nẵng và 44% ở thành phố HCM là quá ít so với mục đích chính của quảng trường .

Yếu tố trục đây có phải là trục Đông Tây hoặc Nam Bắc không ? Nếu phải thì có thật sự đúng như KTS nêu là yếu tố chủ đạo hầu hết lại chưa có vị trí và tỷ lệ phù hợp, hình thức và giá trị nghệ thuật chưa cao .Ví dụ như Piazza San Marco bố trí theo chữ L ,được xem là quảng trường tuyệt mĩ trên thế giới .
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
+4 # Lâm Nguyen 07/12/2011 16:34
Để một quảng trường có sức sống, cần thu hút được nhiều hoạt động cộng đồng . Phải chăng KTS lại nhầm lẫn ,chuyển từ quảng trường sang công viên không vậy ?
Với bối cảnh như hiện nay ở các thành phố trực thuộc trung ương diện tích công viên (cây xanh+công viên + mảng xanh ,,,) chiếm tỉ lệ trên đầu người còn quá quá ,,,thấp so với quy chuẩn Bộ Xây Dựng ban hành thì lấy đâu ra đất mà xây dựng quảng trường thưa KTS .

Nói tóm lại để xây dựng quảng trường với bối cảnh nước ta bây giờ quá phung phí , không giải quyết được vấn đề gì cả .Nếu xây thì chỉ là một lô đất nào đó mọi người tự nghĩ là landmark và coi đấy là quảng trường. Điều bây giờ cần thực hiện là trước hết phải tập trung xây dựng, bảo vệ mảng xanh ,công viên . Nếu KTS đồng ý bảo vệ công viên thì xin hãy đi vài vòng xung quanh các thành phố lớn ở VN xem các công viên đang bị bóp chết như thế nào và tìm giải pháp bảo vệ chúng.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
+2 # Nguyen Thanh Binh 08/12/2011 13:14
Đây là bài viết kiểu điều tra, quan sát, phân tích hình thức, công năng và sự phát triển của quảng trường trong các đô thị Việt Nam. Bài viết đánh giá thực tế trên cơ sở nhiều nhận định được giới nghiên cứu về KGCC công nhận. Điều hạn chế của bài viết chính là tác giả (hay tạp chí?) không đăng đầy đủ thông tin về nguồn tư liệu sử dụng (trích dẫn/ reference). Điều mình chỉ không thích lắm là nhận định ở câu đầu tiên bài viết cho rằng: quảng trường là phần không thể thiếu được trong cấu trúc đô thị (cũng như một số nhận định khác khá chủ quan rải rác trong bài). Sự thực là cuộc sống đô thị làm nảy sinh nhu cầu có quảng trường và các không gian kiểu quảng trường đã ra đời bằng cách này hay cách khác, dưới hình thức này hay hình thức khác để phục vụ nhu cầu cuộc sống đô thị - bao gồm cả cuộc sống hàng ngày (thị dân) và cuộc sống của những lễ hội, nghi thức tôn giáo chính trị...

Chắc cũng cần phải thống nhất một chút về khái niệm thế nào là quảng trường. Minh họa của bài viết không phải là quảng trường: nó là tượng đại đặt tại đảo giao thông. Quảng trường Ba Đình là một kiểu quảng trường; sân chơi ở vườn hoa Lê Nin (nay là Chí Linh) là quảng trường; sân trước tượng Lý Thái Tổ là quảng trường, nhưng Quảng trường 19-8 (trước cửa nhà hát lớn) chỉ là bùng binh giao thông, không phải quảng trường. Quảng trường phải là không gian mở đô thị đủ rộng, dành cho người sử dụng (không phải xe cộ), tiếp xúc với các luồng giao thông. Tên gọi là quảng trường rất khác với việc không gian có thực sự được dùng như quảng trường hay không.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo