Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Hiện đại và bản sắc

Hiện đại và bản sắc

Viết email In

Quy hoạch đô thị hậu hiện đại có tính đa phương và gồm nhiều loại: từ không gian lịch sử, không gian trí tuệ, không gian tinh thần, không gian nghệ thuật và không gian văn hóa đến không gian tự nhiên và không gian vật chất thực sự.

Tính hậu hiện đại là một hiện tượng toàn cầu. Sự năng động và khác biệt của nó có tính toàn cầu thích ứng với địa phương.



Giữ hồn đô thị Sài Gòn - TPHCM

Quy hoạch đô thị hiện đại bản sắc địa phương là quy hoạch đô thị hậu hiện đại, nó không phải là sự hoài cổ mà cố gắng diễn dạt văn hóa khu vực theo quan điểm văn hóa thế giới đang tồn tại ngày nay. Trong xu thế toàn cầu hóa quy hoạch đô thị hậu hiện đại không chỉ có phân khu chức năng hợp lý, linh hoạt mà còn cần bảo tồn không gian ký ức để giữ gìn bản sắc địa phương. Sự phong phú về lịch sử, những ký ức về môi trường tự nhiên, bản sắc địa phương là dấu hiệu cho thấy môi trường đô thị được nhân dân và khách du lịch yêu thích.

Trường hợp TPHCM cũng không là ngoại lệ.

TPHCM ngày nay được hình thành từ trung tâm Bến Nghé xưa, Bến Nghé ở vào vị trí rất độc đáo:

  • Sát bờ biển Khánh Hội là ranh giới của rừng sác chạy tới biển. 
  • Ở ranh từ Tây Nguyên đổ xuống.
  • Ở ranh thấp ăn xuống đồng bằng sông Cửu Long đến Đồng Tháp Mười.

Đó là đặc điểm về địa lý và là cơ sở để tạo nên đặc thù của TPHCM. TP HCM có 2 con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, gặp nhau ở trung tâm thành phố ở các đoạn sông Nhà Bè và Soài Rạp, tổng chiều dài 80km, từ những con sông này tỏa vào thành phố 11 con kênh lớn (riêng ở nội thành có tới 14 kênh rạch lớn nhỏ) tổng chiều dài kênh rạch lên tới 700km. Diện tích kênh rạch nội thành khoảng 835ha, hầu hết tập trung vào phía Nam và Đông thành phố. Đây là yếu tố thiên nhiên khá thuận lợi để tạo ra môi trường trong lành cho nhân dân lao động làm việc sinh hoạt nghỉ ngơi và cũng là cơ sở để tạo nên một đặc thù của đô thị TPHCM.

Do vậy, việc khôi phục và bảo tồn cảnh quan hệ thống sông rạch thành phố do bị lấn chiếm và ô nhiễm là việc là tất yếu và không thể nào khác được, để khôi phục lại giao thông thủy trên sông rạch như trước đây, nhằm hình thành một hệ thống sông rạch cảnh quan cây xanh kết hợp với mặt nước trong cơ cấu bảo vệ môi trường sinh thái.

Các đoạn từ Bến Nhà Rồng, cột cờ Thủ Ngữ đến rạch Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ, rạch Ruột Ngựa, sẽ nghiên cứu các tuyến giao thông thủy kết hợp du lịch để khôi phục hình ảnh trên bến, dưới thuyền.

Không gian lịch sử

Trung tâm Sài Gòn được thành lập năm 1689, khi đó nó trở thành một đơn vị hành chính của nhà nước Việt Nam.

Khu vực Hội trường Thống Nhất nơi ghi nhận thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Khu lưu niệm Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi gần cầu Công Lý (Q.3). Công viên trước Bảo tàng Lịch sử là nơi trò Trần Văn Ơn đã ngã xuống ngày 9 tháng giêng 1950 để chống Pháp xâm lược  và ngụy quyền. Công viên "23 tháng 9" là nơi khởi dầu cùa cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ (1945), và bến cảng Nhà Rồng (Q.4) đối diện là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 và cột cở Thủ Ngữ (Q.1) v.v..


Hình ảnh trên bến dưới thuyền của Sài Gòn xưa

Các di sản kiến trúc cần bảo tồn

Trung tâm Sài gòn còn là nơi tụ hội nhiều công trình cổ thời Pháp: Bến Nhà Rồng (1862); Tòa án (1885); Thảo cầm viên (1865), trong Thảo cầm viên có: Đền thờ Hùng Vương (1929) , Bảo tàng Lịch sử (1929); Bưu điện (1886); Công viên Văn hóa Tao Đàn, tên cũ: Vườn Boulogne (1869); Bệnh viện Nhi đồng 2, tên cũ: BV Grall (1870); Trường Lê Quý Đôn , tên cũ: trường Indigène (1874); Nhà thờ Tân Định (1874); Cầu Mống (1874); Nhà thờ Đức Bà (1880); Bảo tàng cách mạng, tên cũ: Dinh Gia Long (1890); Khách sạn Continental (1897); Nhà hát thành phố (1900); Trụ sở UBNDTP, tên cũ: Tòa Đô Chánh (1909); Chợ bến Thành (1914); Viện Pasteur (1918); Trường Nguyễn Thị Minh Khai, tên cũ: trường Nữ sinh (1918); Bảo tàng Mỹ thuật , tên cũ: Nhà Chú Hỏa (1920); Khách sạn Majestic (1925); Trường Cao đẳng Sư phạm, tên cũ: trường Pháp-Hoa (1925); Trường Lê Hồng Phong , tên cũ: Petrus Ký (1927); Chợ Tân Định (1927); Ngân hàng Nhà nước Việt nam (1930); Khu Biệt thự (Q.3) v.v...

Thách thức quan trọng hiện nay là quy hoạch đô thị hậu hiện đại chỉnh trang và phát triển các đô thị lớn sao cho có thể làm tăng hạnh phúc của cư dân đô thị.

Di sản kiến trúc đô thị của Pháp ở Sài Gòn dù sao cũng rất đáng kể. Chính di sản kiến trúc và cảnh quan này đã góp phần vào đặc thù của Sài Gòn và Sài gòn đã có danh hiệu là Hòn ngọc Viễn Đông. Cảnh quan Sài Gòn cần được bảo tồn mới giữ được đặc trưng của Sài Gòn xưa. Tuy nhiên bảo tồn không có nghĩa là không phát triển các công trình xây dựng mới song cần  thiết kế đô thị sao cho không lấn át không gian các công trình lịch sử.

Thật thiếu sót nếu nói về Trung tâm Sài gòn lại không nói đến Trung tâm Chợ Lớn. Chợ Lớn trên thực tế gồm nhiều làng mà được biết đến nhiều nhất là làng Minh Hương được thành lập từ năm 1698.

Khu vực Chợ Lớn đường nhỏ chằng chịt, nhà cửa phần lớn nằm áp ra lòng đường, chen chúc hỗn tạp.

Điểm cổ nhất của Chợ Lớn là phố Triệu Quang Phục ngày nay, bắt đầu từ chùa Quán Đế chạy dài đến tận mé sông, đáng được liệt kê vào di tích cổ, không nên vì lý do nào mà cho tháo dỡ, sửa đổi, xây cất mới lại, làm mất đi tích chất lịch sử của nó. Trong các di tích cổ thuộc đường Triệu Quang Phục đáng kể nhất là Thất phủ Quan Võ Miếu, xem xét kỹ mới thấy đây là di tích cổ gần như duy nhất để chỉ trung tâm điểm của Chợ lớn xưa.

Ở xúm xít góc đường Triệu Quang Phục và Nguyễn Trãi có 3 chùa trong đó có Phò Miếu hoặc chùa Bà, ở đây thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (1760) là chùa có tiếng xưa nhất và đáng bảo tồn nhất trong vùng. Nay truy ra mới biết 3 chùa này đích thị là trung tâm Chợ lớn xưa, bằng cớ là những chùa này vần còn giữa y chỗ cũ, mặc dù ngày nay trung tâm buôn bán đã dời qua địa điểm khác, nhưng tại chỗ cũ vẫn còn nhiều hiệu buôn đồ sộ, có cái lâu đời đến 200 năm. Chùa Ông (1840) là nơi thờ Quan Vân Trường.

Tuy nhiên khu phố Triệu Quang Phục chỉ là phần nhỏ của di sản kiến trúc nhà ở Chợ lớn, còn hàng loạt các khu phố khác không kém độc đáo như dãy nhà trên đường Trần Hưng Đạo, chợ Bình Tây - chợ bán sỉ (1928) và các nhà liên kế dọc quanh 4 mặt chợ, dãy nhà kho gạo dọc kênh Bến nghé… cũng tạo được ấn tượng cho đô thị trên bến dưới thuyền.

Xét trên khía cạnh bảo tồn ký ức cảnh quan lịch sử , trung tâm Chợ Lớn cũng đóng góp vào đặc thù của Sài Gòn không phải là nhỏ.

Các cảnh quan nêu trên được đan xen hài hòa trong các khu quy hoạch phân khu linh hoạt sẽ tạo ra cảnh quan bản sắc (ethnoscapes) địa phương Sài Gòn - TPHCM đặc trưng.



Công bằng xã hội - không gian - môi trường

Sài Gòn TPHCM đã trải qua rất nhiều biến cố lịch sử và hiện nay đang phát triển theo xu thế hiện đại. Là một đô thị trẻ, thành phố được hình thành từ nhiều nguồn nhập cư qua hơn 3 thế kỷ nay. Nguồn nhập cư ấy có đủ thành phần và dân tộc. Đó là những nông dân, những người thợ thủ công những người buôn bán, hoặc những người Việt từ miền Trung, miền Bắc, là người Hoa, người Chăm, người Khmer vì nhiều lý do phải bỏ quê hương đi phiêu bạt, hội tụ về đây, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác cho đến ngày nay.

Nếu nhìn vào bản đồ tổng thể thì sẽ thấy những con hẻm dày đặc và chi chít. Trong số đó có nhiều hẻm nghèo. Phần lớn các hẻm này là nơi sinh sống của người dân lao động. Những con hẻm như thế còn tồn tại rất nhiều ngay ở các quận trung tâm. Hầu hết các hẻm này có kiến trúc không đẹp và rất lộn xộn. Nhiều hẻm còn nhếch nhác và mất vệ sinh. Nhà cửa trong hẻm được xây bằng vật liệu tôn, gỗ, gạch v.v..

Dự án nâng cấp đô thị vay vốn của Ngân hàng Thế giới đã tập trung vào các hẻm nghèo, ngõ nghèo của TPHCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Nam Định.

Nội dung nâng cấp là từng bước điều kiện sống của cộng đồng được đảm bảo, giảm thiểu tối đa việc tái định cư hay xây dựng lại, nhằm duy trì cơ cấu xã hội. Cải tạo ở đây gồm cả nâng cấp cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công ích (cấp nước, cấp điện, thoát nước, đường xá v.v..) và cơ sở hạ tầng xã hội (trường tiểu học, các phòng khám đa khoa, chợ v.v.) . Dự án gồm cả tín dụng nhỏ để người dân có thể mua bán nhỏ hoặc sản xuất nhỏ giúp người dân tăng thu nhập và cung cấp sử hỗ trợ đối với việc sử dụng dất đai, cung cấp tài chính nhà ở, chương trình huấn luyện tay nghề cho các bạn trẻ và chương trình khuyến khích trẻ em tới trường v.v.. nhằm bảo đảm sự công bằng về không gian.

Sự công bằng về không gian có nghĩa là tiếp tục nâng cấp môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo đô thị. Điều đó bao gồm việc cải thiện chỗ ở, hệ thống giao thông công cộng, công viên công cộng, không gian cây xanh chỗ nghỉ ngơi giải trí, các phương tiện y tế giáo dục v.v..

Đây là quy hoạch đô thị hiện đại - bản sắc XHCN Viêt Nam. Đi đôi với công bằng xã hội còn có công bằng về không gian và công bằng về môi trường.

Hy vọng rằng Sài Gòn TPHCM mặc dù mức tăng trưởng dân số rất cao nhưng sẽ hoàn toàn không có khu phố nghèo khổ nhếch nhác.

Một trong những thách thức quan trọng nhất hiện nay là quy hoạch đô thị hậu hiện đại chỉnh trang và phát triển các đô thị lớn sao cho có thể làm tăng hạnh phúc của cư dân đô thị.

Nguyễn Đăng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & Phát triển hạ tầng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo