Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Quản lý xây dựng công trình ngầm tại các đô thị Việt Nam

Quản lý xây dựng công trình ngầm tại các đô thị Việt Nam

Viết email In

Ngày nay cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh, không gian ngầm đô thị đã được nhiều nước trên thế giới và các nhà chuyên môn, chính quyền nhiều đô thị lớn ở Việt Nam quan tâm. Công trình ngầm là một bộ phận của hạ tầng kỹ thuật đô thị đóng vai trò quan trọng cho phát triển đô thị hiện đại, bền vững.

Tuy nhiên tốc độ xây dựng các công trình ngầm còn chậm so với yêu cầu, nhiều công trình đã xây dựng bộc lộ những bất cập và hạn chế. Trong quá trình xây dựng một vài công trình ngầm (tầng hầm nhà cao tầng, các đường cống thoát nước...) đã có sự cố như hư hỏng, sụt lún, nứt gãy… đã xảy ra.

Những thách thức

Công tác GPMB là nhiệm vụ cực kỳ nan giải hiện nay, nhiều công trình trong tình trạng không biết bao giờ xong bởi vì vướng mặt bằng. GPMB khó khăn kéo theo nhiều hậu quả như việc tăng giá thành công trình, trượt giá, làm khó tiến độ dự án, kéo dài thời gian đưa công trình vào hoạt động…

Điều kiện thi công chật hẹp, nhiều công trình đường dây, đường ống ngầm hiện có đan xen chằng chịt dưới lòng đất gây rất nhiều khó khăn cho công tác cải tạo, đại tu và xây dựng mới. Chỉ đến khi thi công đào đâu đụng đó mới biết… điều này gây thiệt hại lớn về thời gian, kinh phí và ảnh hưởng đến hoạt động và đời sống của nhân dân.

Thi công công trình mới song vẫn phải đảm bảo hoạt động bình thường của các công trình hiện hữu. Thi công xây dựng công trình ngầm gây các ảnh hưởng rất lớn đến công trình xung quanh trong một phạm vi nhất định (theo diện và theo chiều sâu) kể cả các công trình trên mặt đất đến vị trí phân bố công trình ngầm.

Thi công công trình ngầm phải đối mặt với những thách thức về môi trường địa chất phức tạp với các tầng đất đá có mức độ phong hóa và cấu trúc khác nhau… chứa đựng nhiều rủi ro về cấu tạo địa tầng, động đất, kasto, cát chảy, nước ngầm.

Liên quan đến quản lý xây dựng công trình ngầm: Chưa có một hệ thống những số liệu điều tra cơ bản về địa chất công trình, địa chất thủy văn… phục vụ cho công tác xây dựng công trình ngầm tại các đô thị. Chưa có bản đồ hiện trạng công trình ngầm. Chưa có các cơ sở dữ liệu về công trình ngầm đô thị. Chưa có quy hoạch không gian xây dựng công trình ngầm. Năng lực nghiên cứu, khảo sát, thiết kế còn hạn chế và còn thiếu những tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến xây dựng công trình ngầm… Chưa có cơ quan thống nhất quản lý công trình ngầm.

Nâng cao hiệu quả quản lý

Khai thác, sử dụng không gian ngầm hiệu quả là mục tiêu và hướng phấn đấu của các đô thị Việt Nam trong thế kỷ XXI. Xây dựng công trình ngầm phải đối mặt với nhiều thách thức và cũng chứa đựng những rủi ro, chính vì vậy cần phải có những bước đi hợp lý phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn. Để quản lý xây dựng công trình ngầm có hiệu quả, một số đề xuất như sau:

Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về công trình ngầm bao gồm: Các dữ liệu về hiện trạng công trình ngầm (các bản vẽ hoàn công các công trình ngầm đặc biệt có các thông tin: Vị trí, mặt bằng, mặt cắt dọc, các đấu nối kỹ thuật...); Các thông tin về cấp, loại công trình ngầm, quy mô, tính chất thời gian hoàn thành xây dựng công trình; Bản đồ hiện trạng hệ thống công trình ngầm được lập cho toàn đô thị hoặc cho từng khu vực đô thị tùy theo yêu cầu quản lý trong đó có các thông tin: Loại công trình, quy mô, vị trí, hệ thống kết nối kỹ thuật...; Bản đồ quy hoạch đô thị, quy hoạch không gian xây dựng ngầm.

Tổ chức lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị. Không gian ngầm phải được quy hoạch nhằm khai thác hợp lý tài nguyên ngầm, quy hoạch phải đi trước một bước. Hoàn thiện nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị (cho cả 3 loại quy hoạch đô thị). Thí điểm lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị (có thể lựa chọn 1 đô thị loại I hoặc loại II và lập cùng với giai đoạn đô thị đó đang lập điều chỉnh quy hoạch). Ban hành sổ tay hướng dẫn lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị.

Xây dựng các tiêu chuẩn, ban hành các quy chuẩn có liên quan đến xây dựng công trình ngầm đô thị. Rà soát, sửa đổi bổ sung quy chuẩn quy hoạch xây dựng, quy chuẩn công trình hạ tầng kỹ thuật và quy chuẩn xây dựng công trình ngầm. Ban hành các quy chuẩn riêng về thiết kế công trình giao thông ngầm, các công trình công cộng ngầm. Xây dựng tiêu chuẩn thiết kế hào, tuynen kỹ thuật, cống bể cáp… Xây dựng và ban hành các chỉ tiêu, định mức kinh tế kỹ thuật về công trình ngầm.

Nghiên cứu về xây dựng công trình ngầm (công tác dự báo, công nghệ và kỹ thuật thi công xây dựng...) và ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng công trình ngầm. Hoàn thiện chương trình đào tạo kỹ sư xây dựng ngầm; có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật, quản lý, các chuyên gia về công trình ngầm. Thành lập cơ quan quản lý xây dựng công trình ngầm/ trung tâm thông tin về công trình ngầm.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo