Ashui.com

Tuesday
Jan 07th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Đô thị du lịch biển: "Không vội vàng tiến ra biển"

Đô thị du lịch biển: "Không vội vàng tiến ra biển"

Viết email In

Với 3.260km đường bờ biển, Việt Nam giàu tiềm năng phát triển du lịch. Biển đảo là động lực cho sự hình thành phát triển hệ thống đô thị của cả nước. Hiện có gần 130 đô thị cấp quốc gia, cấp vùng, khu vực được hình thành gắn với cửa biển, cửa sông… Tuy nhiên, do kinh nghiệm quản lý và tiềm lực kinh tế hạn chế, trước tác động của thị trường bất động sản phát triển nóng trong thời gian qua, cũng như do năng lực tư vấn trong quy hoạch đô thị, thiết kế kiến trúc - cảnh quan, môi trường… tài nguyên du lịch biển đang đứng trước nhiều thách thức. Đây là vấn đề được đề cập tại hội thảo “Kiến trúc du lịch biển Việt Nam” do Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam và UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì tổ chức mới đây.  

“Phân lô” bờ biển 

Mặc dù ghin nhận “Hình ảnh đô thị biển với diện mạo kiến trúc của nó đang dần dần tạo dựng đặc trưng cho mỗi đô thị, mỗi vùng đất, mỗi dự án. Kiến trúc du lịch biển đã làm biến đổi bộ mặt và cảnh quan, làm cho đô thị sinh động, đa dạng, hấp dẫn và thơ mộng hơn. Kiến trúc du lịch biển đã góp phần cải tạo, làm giàu thêm môi trường thiên nhiên và điều kiện sống của con người”, tuy nhiên KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cũng chỉ ra rất nhiều thách thức đối với sự phát triển đô thị du lịch biển: “Quá trình phát triển đô thị ven biển đang lấn át và làm mất đi giá trị cảnh quan thiên nhiên của hệ sinh thái biển và biển. Hiện tượng lạm dụng việc lấn biển để phát triển đô thị, phát triển công nghiệp như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Đồ Sơn (có xu hướng phổ biến ở nước ta)… đang cảnh báo về nguy cơ hủy hoại nguồn lợi thiên nhiên, hệ sinh thái và cảnh quan của các đô thị ven biển. 

Theo KTS Vạn, cấu trúc đô thị biển lấy du lịch làm động lực đang là vấn đề cần được nghiên cứu cả về lý luận quy hoạch cũng như thực tiễn xây dựng, giữa nhu cầu của nhà đầu tư du lịch với nhu cầu sống của các dân cư đô thị biển. 

Tương tự như vậy, đề cập đến những tồn tại của quy hoạch du lịch biển, KTS Nguyễn Văn Tất - Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam - đặt ra hàng loạt câu hỏi mang tính cấp bách: “Con đường ven mép nước có cần không?”, “Quy hoạch phân lô bờ biển cho dự án du lịch có là giải pháp hiệu quả?”, “Quy hoạch sử dụng đất hai bên đường ven biển có cần sự khác biệt”… KTS Tất cho biết: Nhiều đô thị biển đã quy hoạch, đầu tư xây dựng con đường ven mép nước chạy song song và cách bãi cát 1 đoạn 300 - 500m, rồi phân lô dự án. Mỗi dự án từ vài hecta đến hàng chục hecta, với yêu cầu quản lý quy hoạch giống nhau. Kết quả là hàng loạt tổ hợp du lịch giống hệt nhau sắp hàng ven biển. Chiều sâu lô đất lớn, giảm giá trị khai thác quỹ đất cách xa bãi biển. Đối với nhà đầu tư, suất đầu tư cao vì đất rộng và phải tự lo hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh. Đối với cư dân địa phương có nhu cầu hưởng thụ biển, họ bị cách ly thêm với biển. 

Phát triển đô thị biển sinh thái 

Theo KTS Nguyễn Quốc Thông, vấn đề quan trọng đối với đô thị du lịch sinh thái biển là làm thế nào để điều hòa và phát triển cân bằng lợi ích của 2 thành phần dân cư khác nhau trong cùng một không gian đô thị. Một thành phần là cư dân đô thị định cư tại chỗ, vốn sống ổn định, thuần nhất, có nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời có trách nhiệm tham gia tái tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường sống. Một thành phần dân cư còn lại là khách du lịch, có nhu cầu sinh hoạt, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Khách du lịch rất đa dạng, luôn thay đổi, đến đô thị biển theo chu kỳ, chủ yếu để thưởng ngoại các giá trị tài nguyên, môi trường nhưng họ không được coi là động lực chính cho sự phát triển kinh tế của đô thị. “Để phát triển hợp lý, bền vững, nhất thiết phải có sự cân bằng hài hòa 2 thành phần dân cư nói trên trong giới hạn, khả năng cho phép của môi trường sinh thái”. 

Đề cập đến giải pháp phát triển đô thị du lịch biển bền vững, KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng: Việt Nam nên theo mô hình đô thị sinh thái biển. Các chức năng của đô thị cần được phát triển hài hòa với tự nhiên, dựa vào tự nhiên và được tự nhiên chấp nhận như là thành phần hữu cơ của tổng thể.

Theo KTS Thông, khó khăn và mâu thuẫn lớn nhất đặt ra trong bố cục không gian kiến trúc đô thị du lịch biển cần phải giải quyết là mối quan hệ giữa công trình, nhất là công trình du lịch với biển. Càng gần biển, càng hấp dẫn khách du lịch nên công trình có xu hướng chiếm nhiều không gian bờ biển và phát triển cao tầng để thu nhiều nhất lợi nhuận. Nhưng như thế, công trình trước che chắn tầm nhìn ra biển của các công trình khác ở phía sau. Vì vậy, mật độ sử dụng đất ven biển và cách bố cục, khai thác không gian bờ biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không đơn thuần chỉ về sử dụng, tạo hình công trình mà còn về sự thông thoáng của đô thị. 

KTS Nguyễn Văn Tất cũng đề xuất: Các đô thị cần xác định vùng bãi biển chủ đạo, đóng vai trò hạt nhân đồng thời là mục tiêu phát triển. Đó có thể là một bãi tắm đẹp, an toàn, địa thế cảnh quan đẹp, có thể là bãi biển gắn liền với giá trị địa danh, công trình bảo tồn nổi tiếng thu hút khách du lịch. 

Cũng theo KTS Tất, các đô thị biển cần đánh giá quỹ đất khai thác du lịch biển; quy hoạch, tổ chức giao thông tiếp cận, xâu chuỗi linh hoạt các vệt dự án du lịch ven biển; tổ chức các mô hình giao thông từ cộng đồng dân cư tại chỗ, cắm nối vào trục ven biển ở những điểm nối thích hợp, tạo mối quan hệ hai chiều giữa du lịch biển và cơ sở hạ tầng địa phương; quy hoạch sử dụng đất vệt đối diện khu du lịch bờ biển, tạo dự án đối trọng thích hợp và xã hội hóa kinh doanh để hỗ trợ sinh hoạt du lịch và khai thác giá trị cộng hưởng với khu du lịch biển. 

Với quan điểm “Du lịch biển nói riêng, phát triển đô thị biển nói chung đòi hỏi tri thức, có năng lực kinh tế, khoa học công nghệ cao hơn các vùng khác”, KTS Nguyễn Tấn Vạn thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Kiến trúc du lịch biển cần hướng tới kiến trúc xanh, bảo vệ tài nguyên sinh thái và giữ gìn bản sắc văn hóa. Một khi chúng ta chưa đủ tiềm lực và tri thức thì hãy cùng nhau giữ gìn, nâng niu, bảo vệ nguồn tài sản quý giá đó, không vội vàng tiến ra biển”. 

Hòa Bình 

[ Chuyên đề : Quy hoạch Đô thị biển ]  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...