Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Những tiền đề của design Việt Nam

Những tiền đề của design Việt Nam

Viết email In

LTS: Chuyên mục Ghi chép văn hóa tập tục xin giới thiệu tiếp loạt bài mới của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng về các thiết kế Việt Nam trong thế kỷ 20. Vốn ít được nói đến, song các thiết kế (design) này vừa là kết quả và vừa phản chiếu trung thực những biến chuyển trong đời sống người Việt trong thế kỷ 20 nhiều biến động.  

Hàng năm kiến trúc sư Nguyễn Luận có tổ chức lớp học về design cho những ai yêu thích môn học này, chủ yếu là các kiến trúc sư và các họa sĩ thiết kế. Ông có mời tôi nói về chuyên đề do chính ông đặt ra: Trăm năm design Việt Nam, tức là những thiết kế của người Việt Nam trong thế kỷ 20 và có thể tham khảo những thiết kế từ bên ngoài vào Việt Nam. Ông cũng là người biên soạn cuốn sách sớm về design ở nước ta, khi ngành này còn ít ai biết đến, mang tên Design thị giác


Những guồng nước từ thời thượng cổ của dân tộc Mường phía Bắc Việt Nam 

Trong chuyên đề Ghi chép văn hóa tập tục này, chúng tôi sẽ trích đăng những ghi chép về design ở Việt Nam trong thế kỷ 20, dưới cả hai mặt: những design do người Việt Nam thiết kế (ví dụ như áo dài) và những design học tập từ nước ngoài ứng dụng ở Việt Nam (ví dụ như đầu tàu hỏa), và tại sao từ design thường được dùng nguyên, hơn là dịch ra tiếng Việt (thiết kế)? Design hiện được coi là nghệ thuật thứ tám, hay một nền công nghệ mới thống trị sáng tạo và sản xuất toàn cầu. 

Khái niệm design - thiết kế được dùng từ thời Phục hưng ở châu Âu, thế kỷ 15, khi người ta muốn nói đến việc thiết kế và làm ra những cuốn sách, từ đó trong đời sống sáng tạo và sản xuất, bất cứ việc gì sản phẩm nào đều có một thiết kế trước dưới dạng đồ họa - bản vẽ tay, và thường do các họa sĩ thực hiện, có thể là theo ý tưởng của nhà sản xuất. 

Họa sĩ đã gắn với công việc thiết kế ngay từ ngày đầu. Ví dụ như thiết kế kiến trúc, thiết kế thời trang, vẽ một cái máy từ cấu tạo bên trong đến hình dáng bên ngoài. Người sáng tạo có thể nói rằng: Tôi design cái máy này, tôi design cuốn sách này, tôi đang design ngôi nhà này. Cho đến thế kỷ 20, khái niệm design được hiểu hoàn toàn khác, nó không phải là sự thiết kế có trước hay sáng tạo mơ mộng của nhà sáng chế nào đó, mà là một hoạt động bao giờ cũng có ba mặt: kinh tế - kỹ thuật - thẩm mỹ, có ý nghĩa đưa vào quy trình sản xuất như thế nào để ra thị trường. Người ta bắt đầu hình thành những tổ hợp design bao gồm ít nhất ba thành phần: nhà kinh tế, kỹ sư kỹ thuật và họa sĩ công nghiệp. Ba người này cùng nhau làm việc lo cho sản phẩm sao cho rẻ nhất, tiện dụng nhất và đẹp nhất. Trên thực tế những tổ hợp design làm việc với nhau có hiệu quả không nhiều và là niềm mơ ước của các công ty. 

Đặc điểm này cho thấy sự khác nhau về bản chất của các xã hội và sản xuất khi cùng dùng khái niệm design. Nếu hiểu là thiết kế thì hoàn toàn chỉ ít nhất hai ý nghĩa kỹ thuật và thẩm mỹ mà không có ý nghĩa kinh tế, cái quyết định để cho sản phẩm ấy ra đời, và hoàn toàn không có ý nghĩa song hành của ba mặt này. Do đó vai trò của người họa sĩ thiết kế cao hơn rất nhiều, anh ta không chỉ vẽ cái vỏ sản phẩm sao cho đẹp, mà còn phải hiểu cơ cấu bên trong - cái đẹp của cấu trúc, một cái đẹp có thật để đưa vào đời sống.


Vẫn được đồng bào các dân tộc miền núi sử dụng hiện nay.. 

Ở Việt Nam, khái niệm thiết kế đươc dùng phổ biến trong thế kỷ 20 gắn liền với nền sản xuất tiền tư bản, và tư bản sơ khai thời kỳ là thuộc địa của Pháp. Thời phong kiến, khái niệm thiết kế được hiểu nhưng không được dùng. Lúc đó nếu làm ra đồ vật gì người ta gọi là tác (theo tiếng Hán) hay gọi là làm (theo tiếng Việt). Tôi làm ngôi nhà này, tôi làm cái quạt này. Từ thiết kế chỉ giai đoạn trước khi làm ra sản phẩm có ý tưởng và bản vẽ về sản phẩm. Nhưng trong thời phong kiến, ý tưởng nằm trong đầu của thợ cả của một phường thợ sản xuất, anh ta có thể vẽ ra hay không, hoặc trực tiếp làm ngay không cần thiết kế gì cả. Xã hội có sẵn những mẫu mã cho tất cả những ngành nghề, không nhiều lắm và được tiêu chuẩn hóa, ví dụ các đồ thờ tự.

Hàng trăm năm liền người ta không thay đổi được bao nhiêu mẫu mã sản xuất trong xã hội, khiến bước tiến của công nghệ rất chậm chạp. Ví dụ cái xe đẩy bánh gỗ (xe cút kít) có thể xuất hiện từ thời thượng cổ được dùng cho đến tận thế kỷ 19, cái guồng nước vẫn còn được dùng đến ngày nay ở những vùng dân tộc miền núi. Mặc dù các công trình phong kiến và đồ cổ thời xưa còn lại khá nhiều, nhưng lại hầu như không còn bản vẽ thiết kế nào, ngay cả những xây cất lớn như Kinh thành Huế chẳng hạn.

Hóa ra bản chất của design phong kiến và hiện tại lại khá gần nhau là người ta định design cái gì thì đã nghĩ đến việc làm cho ai, bán ra thị trường thế nào, chứ không phải định làm ra sản phẩm mà không biết nó có được sản xuất và tiêu thụ hay không. Người thợ thời phong kiến không làm ra đồ thừa, mà luôn làm cho đơn đặt hàng. Nhà design hiện tại cũng vậy, anh ta design cho một công ty, sẽ không làm ra cái gì mà cái đó chỉ là ý tưởng.

Nói như vậy không có nghĩa là design chỉ mang tính thực dụng, trên thực tế lại là ngành chắp cánh cho các mơ ước nhiều nhất. Ở đây design có nghĩa là sáng tạo và theo các nhà kinh tế, kỹ thuật thì khách hàng chính là nguồn động lực của sáng tạo trong thế giới này.


..và thiết kế làm đồ lưu niệm

Thay vì chỉ gọi là thiết kế, khái niệm design bắt đầu được dùng nhiều ở Việt Nam vào những năm 1980, tức là 5 năm sau ngày thống nhất đất nước, nền sản xuất được phục hồi sau chiến tranh bắt đầu tìm hướng đi mới. Lúc đó, khái niệm này được các họa sĩ của Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp nhắc đến trong các tạp chí nội bộ của trường, cũng như các chuyên gia người Nga và người Đức giảng giải về design ở Việt Nam.

Năm 1960, Hội đồng quốc tế các tổ chức mỹ thuật công nghiệp (ICSID) thông qua việc sử dụng thuật ngữ tiếng Anh Industrial Design, từ đó khái niệm design được dùng phổ biến trên thế giới. Nhưng 40 năm sau, tức là năm 2000, khái niệm này mới thường được dùng nguyên nghĩa design mà không dịch ra là thiết kế nữa, hoặc dùng song song. Có lẽ phải còn rất lâu thì khái niệm design mới được vận hành đúng nghĩa ở nước ta, cho thấy nền sản xuất ở ta còn đang bước đi rất loạng choạng trong nền kinh tế thị trường toàn cầu. 

Phan Cẩm Thượng (Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 1499 khách Trực tuyến

Quảng cáo