Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Những không gian nghệ thuật phá cách

Những không gian nghệ thuật phá cách

Viết email In

Manh nha hình thành tại Việt Nam từ gần 20 năm trước ở Hà Nội, để tới khoảng 3-4 năm trở lại đây, cả nước đã có gần 10 địa chỉ có thể gọi là không gian nghệ thuật mới - không gian “phá cách”, hay không gian nghệ thuật phi lợi nhuận.

Salon Natasha (30 Hàng Bông, Hà Nội)

Năm 1994, từ cuộc tìm kiếm hương xa của Eric Leroux đối với sơn mài, lụa, mực tàu… ở Hà Nội, nghệ sĩ này gặp gỡ cách làm việc phóng khoáng của salon Natasha, họ đã tương tác để làm một triển lãm “không giống ai”. Eric chỉ dùng màu đỏ và vàng rồi cảm tác theo âm nhạc mà vẽ những tác phẩm; khi trưng bày, họ cũng yêu cầu khán giả bôi mặt bằng hai màu đỏ và vàng. Hành động này đã mặc nhiên biến nơi đây thành địa chỉ tiên phong trong việc thiết lập không gian phá cách ở Việt Nam. 15 năm qua, nơi đây đã trở thành cầu nối cho nghệ sĩ địa phương và quốc tế, tạo điều kiện để nghệ thuật phá cách của Việt Nam có thể hiện diện ở Australia, Canada, Singapore, Hong Kong, Đức, Anh… Chủ trì chính là bà Natalia Kraevskaia (thường gọi là Natasha).

Nhà sàn (Ngõ 462, Đường Bưởi, Quận Ba Đình , Hà Nội)

Từ cuộc triển lãm sắp đặt đầu tiên năm 1998 của nghệ sĩ Trần Lương, đây trở thành địa chỉ thường xuyên của các triển lãm, trình diễn cá nhân và nhóm của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. Với khoảng hơn 100 sự kiện, triển lãm, hội thảo nghệ thuật đã tổ chức tại đây, Nhà sàn là một trong những không gian nghệ thuật có mật độ hoạt động dày đặc. Tham khảo thêm tại: http://nhasanstudio.org.

Anh Khánh studio (Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội)



Không gian trình diễn nằm trong khu vực nhà sàn được dựng vào năm 1994 của nghệ sĩ Đào Anh Khánh. Năm 1999 tại đây diễn ra cuộc trình diễn đầu tiên có tên Du hành vào vũ trụ. Các chương trình trình diễn của Đào Anh Khánh tại địa chỉ này về sau thu hút nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia, năm sau trội hơn năm trước về quy mô trình diễn và sắp đặt, với kinh phí tổ chức có thể lên tới hàng tỷ đồng. Do khả năng tổ chức này, các nghệ sĩ cộng tác với anh cũng ngày một nhiều hơn. Mặc dù vậy, nghệ thuật Đào Anh Khánh vẫn là trung tâm.

Himiko Visual café (324 Bis, Điện Biên Phủ, Q.10, TP.HCM)



Bắt đầu hoạt động từ ngày 19/11/2005, sau vài lần chuyển địa điểm, Himiko Visual café dưới sự điều hành của Himiko Nguyễn (Nguyễn Kim Hoàng) đã tổ chức hơn 30 cuộc triển lãm cá nhân cho nghệ sĩ trong và ngoài nước, gần 20 cuộc hội thảo, giao lưu gặp gỡ văn nghệ sĩ. Himiko Visual café có bán tác phẩm nghệ thuật được trưng bày, tuy nhiên mục đích chính của nó là tạo môi trường tương tác với nhiều nghệ sĩ thị giác. Tham khảo thêm tại: www.himikocafe.com.
Himiko Visual café (324 Bis, Điện Biên Phủ, Q.10, TP.HCM)

Sàn Art (3 Mê Linh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)



Thành lập vào tháng 10/2007, với sự tận tâm góp sức làm việc của Đinh Q.Lê, Zoe Butt, Tuấn Andrew Nguyễn, Phù Nam Thúc Hà và Tiffany Chung. Đây có vẻ là không gian phá cách chuyên nghiệp nhất, với nhiều hoạt động và nhiều mô hình nghệ thuật, văn hóa khác nhau. Họ có một kết nối rộng rãi đến nhiều thành phố và nhiều quốc gia, để tạo ra những cuộc giao lưu, trao đổi tác giả và tác phẩm. Đây là địa chỉ thường được nhắc đến, nếu nhìn từ quốc tế vào nghệ thuật đương đại Việt Nam. Tham khảo thêm tại: www.san-art.org.

New Space Arts Foundation (thôn Lại Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế)

Thành lập từ cuối năm 2008, với một tiêu chí khá ngông của hai anh em song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải đến từ Quảng Bình, đại ý: không lệ thuộc vào việc xin tài trợ, tự bỏ tiền ra tài trợ và làm nghệ thuật. Nơi đây thường xuyên có các hoạt động nghệ thuật, từ bảo tồn văn hóa cho đến thể nghiệm nghệ thuật. Đặc biệt, đã có gần 60 nghệ sĩ đến lưu trú sáng tác, trình diễn như Hoàng Đăng Nhuận, Nguyễn Duy, Lê Thiết Cương, Laval Sebatien, Kristine McCarroll, Geoff Levitus, Fuasi Abdul-Khaliq, Nguyễn Minh Phước, Vũ Nhật Tân, Như Huy… Tham khảo thêm tại: www.newspacearts.com.

Zero Station (Cư xá 288, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM)



Thành lập năm 2010, Ga 0 (Zero Station) ban đầu là cuộc chung sức của Như Huy, Việt Đặng, Ngô Lực và một hai người khác. Gần đây họ rã nhóm, nên Ga 0 dời về địa chỉ mới. Hiện được điều hành bởi Như Huy (giám đốc nghệ thuật) và Phí Từ Việt (giám đốc điều hành). So với các nơi khác, không gian này nặng về tính lý thuyết. Tham khảo thêm tại: http://zerostationvn.org.

Khoan cắt bê tông (46/8 đường 18, Kha Vạn Cân, Thủ Đức, TP.HCM)

Thuộc diện non trẻ nhất, không gian này đúng nghĩa tùy hứng và giang hồ, vì không câu nệ vào bất kỳ mô phạm nào. Chẳng có đường hướng và kế hoạch cụ thể, Ngô Lực và các cộng sự của mình muốn đây là nơi thư giãn và tự do nhất của các nghệ sĩ. Từ đầu năm 2011 đến nay, ở đây đã có những cuộc trình diễn đáng chú ý của Lê Anh Hoài, Mẹ Đốp… Xét về bình diện cộng đồng, đây là nơi thu hút được nhiều công chúng bình dân, từ anh bán cháo lòng, bò bía cho tới những người lượm rác, xích lô… Không những phá cách mà còn tỏ ra “phá phách”, không gian này luôn đạt đến sự hào hứng mỗi khi có sự kiện. Kinh phí để duy trì nơi đây là do nghệ sĩ và công chúng tự góp sức, không lệ thuộc vào một tài trợ cụ thể nào.

Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình)

Do họa sĩ Vũ Đức Hiếu bỏ tiền túi xây dựng, bảo tàng là một xã hội Mường thu nhỏ được xây dựng trên diện tích 2 ha trên một vạt đồi trong một thung lũng đá vôi nhỏ vốn là nơi sinh sống của người Mường. Một phần của bảo tàng được dùng làm trại sáng tác, tổ chức đối thoại giữa văn hóa đương đại và văn hóa bản địa. Các nghệ sĩ không chủ tâm làm những tác phẩm bền vững. Mỗi tác phẩm ở đây chỉ tồn tại một năm, 6 tháng, thậm chí ít hơn, để nghệ sĩ khác đến làm những tác phẩm tiếp theo, tạo ra sự luân chuyển nghệ thuật. Không gian này cũng hướng tới việc hình thành một trung tâm hoạt động và sáng tạo theo hình thức nghệ sĩ lưu trú (Artist in residence) trong tương lai.

Factory (11 Bảo Khánh, Hà Nội)



Do nghệ sĩ Lê Quảng Hà và bạn bè tổ chức với hình thức một quán bar, đồng thời cũng là điểm hoạt động nghệ thuật ngay trung tâm Hà Nội. Các tác phẩm, nghệ sĩ được mời trưng bày, biểu diễn ở đây phần lớn rất hiện đại theo nghĩa đã tiếp cận nhiều với nghệ thuật nước ngoài, nghệ thuật tiên phong. Factory hiện lấy tranh Lê Quảng Hà làm trung tâm, chưa “mở cửa” nhiều hơn cho tranh các họa sĩ khác. Tham khảo thêm tại: http://factory.org.vn.

Như Hà - Kiều Trinh

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 2576 khách Trực tuyến

Quảng cáo