Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Hành trình giành sân chơi trong phố

Hành trình giành sân chơi trong phố

Viết email In

5 năm thiết kế 150 sân chơi trẻ em trong phố của nhóm Think Playgrounds là hành trình họp lên họp xuống với tổ dân phố, xin tiền nhà tài trợ, thuyết phục các phụ huynh.

Năm 2014, KTS Chu Kim Đức gặp một phụ nữ Mỹ chuyên chu du chụp ảnh các sân chơi. Bà Judith Hansen nhận thấy “trẻ con Hà Nội rất thiếu chỗ chơi”, xung quanh các em toàn đồ chơi điện tử, game online. Trò chuyện với chị Kim Đức, bà Judith ngỏ ý muốn tặng một cái cầu trượt hình con rùa cho trẻ em tại khu vực Hồ Gươm. Tuy nhiên Ban quản lý Phố cổ từ chối nhận vì đây là không gian di sản cấp độ 1. Thiết kế sân chơi kích thích sáng tạo mà giá thành rẻ đã không hề dễ, giành được khoảnh đất để làm sân chơi mới là thử thách.


Sân chơi Nhà văn hóa Hà Lỗ (Đông Anh) do TPG thi công được UNESCO VN trao giải 3 về Nghệ thuật tái chế

Quyền lực của “tổ trưởng dân phố”

KTS Chu Kim Đức cùng bạn bè lập nhóm tình nguyện thiết kế sân chơi nhỏ tại các khu tập thể. Sau này nhóm phát triển thành công ty có tên “Think Playgrounds” (TPG) (Nghĩ về sân chơi trong phố) với mong muốn cộng đồng dần dần thấu hiểu sự cần sân chơi của trẻ em. Logo của công ty có hình cầu trượt con rùa như một dấu ấn về sự thay đổi nhận thức của chính những người sáng lập TPG. Tìm được một vườn xoài trên bãi giữa Sông Hồng, các thành viên thuyết phục được chủ nhân “may quá lại là tổ trưởng dân phố” đồng ý để nhóm tạo một sân chơi có bập bênh, cầu trượt bằng vật liệu tái chế. Tác phẩm sân chơi đầu tiên của nhóm tình nguyện trở thành điểm đến cuối tuần nhiều gia đình.

"Tôi từng được giới thiệu rằng tác phẩm quả địa cầu phủ lá xanh và con chim bồ câu ởcửa ngõ phía tây thành phố là biểu tượng “Hà Nội- thành phố Hòa Bình”. Trong khi đó ở nhiều nước, sân chơi trẻ em chính là biểu tượng của thành phố hòa bình”.

-KTS Chu Kim Đức

Hầu hết không gian công cộng ở thành phố đều bị hàng rong, hộ buôn bán hoặc những người kinh doanh trông xe chiếm dụng. Năm 2015, TPG thuyết phục được Ban quản lý Phố cổ cho rào 100 mét phố Đào Duy Từ làm không gian cho các bé vào tối cuối tuần. Đồ chơi được chở đến lúc 18h và thu dọn vào 22h. KTS Chu Kim Đức chia sẻ: trẻ em, người già thuộc nhóm yếu thế “không được quyền đòi hỏi”, vì thế chúng tôi phải trông vào tiếng nói của Mặt trận Tổ Quốc quận phường, tổ dân phố.

Sân đình làng Ngọc Hà vốn là không gian chỉ được sử dụng vào những ngày hội làng, TPG sau nhiều cuộc họp đã thương lượng với lãnh đạo phường mở sân chơi cho trẻ em vào các sáng chủ nhật. “Dẹp chỗ đỗ của 2 cái taxi là được một sân chơi rồi. Trẻ em chỉ cần có riêng 50-70 m² là thấy hạnh phúc”. Sau này không chỉ trẻ em, người cao niên cũng ra đình tụ tập, chơi ô ăn quan, tận hưởng không khí vui nhộn.

Tương tự tại sân K7-K8 Tập thể Thành Công (Hà Nội), một tổ trưởng dân phố đã mời TPG về thiết kế chỗ chơi cho trẻ. Để có được sân bác tổ trưởng phải nhờ phường cưỡng chế đuổi một nửa bãi đỗ xe. TPG tìm được một doanh nghiệp cà phê tài trợ dự án. Cuộc giành sân thắng lợi, cư dân hả dạ, trẻ em thích thú, phường được tiếng thơm, doanh nghiệp tài trợ rất hài lòng.

Đồng sáng lập TPG - anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cho biết, không phải việc thương lượng với cư dân lúc nào cũng thành công. Tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân), chỉ vì một cư dân phản đối mà dự án phải chuyển sang phường Tân Mai (quận Hoàng Mai).


Chu Kim Đức và Nguyễn Tiêu Quốc Đạt
(ảnh: Thanh Hằng /Nhịp cầu Đầu tư)

Sáng tạo, giá rẻ, chơi miễn phí

Đó là ba tiêu chí vận hành của TPG- Nghĩ về sân chơi trong phố. Cư dân thành phố ngày càng thấy nhu cầu sân chơi trẻ em là cần thiết. Nhiều đại diện dân phố sau một lần bắt gặp “sân chơi mẫu” ở một khu nào đó, họ gọi điện trực tiếp cho TPG. TPG cử người xuống khảo sát, nếu khả thi sẽ viết đề án xin tài trợ từ doanh nghiệp. Có nhiều lần TPG xin được quĩ nước ngoài và mời nghệ sĩ quốc tế thiết kế. Khi công trình hoàn thành, chỉ có một logo nhỏ của quĩ hoặc doanh nghiệp tài trợ ở bảng nội qui. Dù là sân chơi được đầu tư rẻ hay đắt tiền thì đại diện khu dân cư phải cam kết trẻ em được chơi miễn phí.

Năm 2018, sân chơi Nhà văn hóa thôn Hà Lỗ (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) do TPG thi công đã được UNESCO VN trao giải 3 về Nghệ thuật tái chế. Dự án có sự tham gia của các chuyên gia, nghệ sỹ Pháp và Đức. Các chuyên gia đã sử dụng lốp xe tái chế, gạch sinh thái để làm thành bập bênh, xích đu, khu cầu trượt. Núi và đường hầm bằng lốp xe được sắp đặt tự nhiên để các em khám phá, sáng tạo.

Mới đây, theo mô hình của Nhật Bản, TPG đã hoàn thiện “sân chơi phiêu lưu” đầu tiên của Việt Nam tại Ecopark. Trong sân chơi này các em được nghịch nước, trộn cát, bùn, cưa đục, nhóm lửa...những trò chơi vốn bị người lớn cấm. Để an toàn, luôn có một người quản lý đứng trông. Phụ huynh cũng phải ngầm cam kết không điều khiển can thiệp vào trí tưởng tượng và sáng tạo của con. Họ chỉ tham gia khi con trẻ có nguy cơ gặp nguy hiểm.


Sân chơi phiêu lưu khuyến khích trẻ em sáng tạo, làm điều mình muốn

Theo anh Quốc Đạt, tại các trường quốc tế phụ huynh phải trả rất nhiều tiền cho môn kỹ năng “xử lý vấn đề” trong khi đó sân chơi ngoài trời, với cát, bìa rác, gỗ tạp... chính là lớp học tốt nhất để các em luyện “xử lý vấn đề”. Tại đó trẻ được tự do một mình sáng tạo, làm điều mình muốn, mỗi đứa trẻ đều có thể thành nghệ sĩ trong trò chơi của mình.

Chị Đinh Thị Phương Lan, đại diện công ty chuyên đầu tư về giáo dục và hai con của chị là fan ruột các sân chơi của TPG “TPG có sân mới là nhà tôi đến trải nghiệm luôn”. Trước đây chị hay nhận thi công sân chơi cho các trường quốc tế, phải nhập nguyên liệu, đồ chơi từ các nước giá thành lên đến vài trăm triệu một sân. “Từ ngày biết TPG, sử dụng nguyên liệu tái chế, giá thành chỉ khoảng 100 triệu trở xuống, nhiều sân chơi của họ như một tác phẩm điêu khắc, tôi chỉ cộng tác với họ thôi”.

Hoàng Hoa

(Tiền Phong)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo