Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Cộng đồng Kiến trúc sư "Chúng tôi là những Chú Rùa Ninja lập bản đồ"

"Chúng tôi là những Chú Rùa Ninja lập bản đồ"

Viết email In

Perween Rahman đã tham gia cùng chúng tôi tại cuộc họp mặt rất đông đủ của ACHR toàn Châu Á tại Bangkok, vừa tổ chức từ 23-28/02/2013. Một cuộc hội ngộ rất quý hiếm để có được sự tham dự của người lãnh đạo nữ rất bận rộn đầy trách nhiệm này; để cô rời bỏ công việc của mình tại Karachi. Ngày thứ hai của hội thảo, trong phần tham luận đặc biệt về kỹ năng khảo sát và lập bản đồ cộng đồng, Perween và các bạn đồng nghiệp đã có một bài trình bày rất thú vị đầy cảm hứng về lập bản đồ cùng cộng đồng – cái mà họ đã được thực hiện và sử dụng trong 32 năm qua ở Karachi và các khu vực khác của Pakistan.  

"Tất cả chúng tôi đều trở thành người vẽ bản đồ", cô nói với chúng tôi, với giọng nói thánh thót vui nhộn như tiếng sáo. “Chúng tôi yêu bản đồ! Tất cả chúng tôi đều là những Chú Rùa Ninja trong công việc lập bản đồ! Bản đồ đối với công việc của chúng tôi giống như X-quang cần cho bác sĩ: nó cho chúng tôi biết vấn đề là gì và làm thế nào đề giải quyết nó.” Tại thời điểm ấy, chúng tôi đã không ngờ đây là bài phát biểu cuối cùng của Perween dành cho bạn bè và các đồng nghiệp của Châu Á, lời nhắn nhủ cuối cùng của cô ấy từ giã chúng ta. Dưới đây là phiên bản đầy đủ ghi chép bài trình bày của Perween. 

Vì sao bản đồ rất quan trọng cho chúng tôi? Một bản đồ đối với chúng tôi giống như một bản chụp xquang dành cho bác sĩ. Chúng ta, những nhân viên phát triển, nếu không biết những gì đang tồn tại trong bất kỳ một khu định cư của bất kỳ một thành phố nào, vậy e rằng chúng ta đang làm những gì mà chính quyền đã thực hiện rồi – đôi khi, thậm chí những gì đã được thực hiện và tài trợ bởi Ngân Hàng Châu Á (ADB), tổ chức LHQ hay Ngân hàng Thế Giới (WB)! Khi họ tiến hành một dự án tại một khu vực mới, họ không hề quan tâm liệu đã có 1 đường dây điện thoại, một hệ thống cấp nước sạch. Họ chỉ muốn lắp đặt một đường cống thoát nước. Vì vậy trong tiến trình lắp đặt cống thoát nước họ đụng chạm và làm hư hại các hệ thống khác. Chính vì thế, đối với chúng tôi bản đồ là một công cụ x-quang giúp chúng tôi biết vấn đề là gì và cách giải quyết.

Những gì được thể hiện trên bản đồ? Bắt đầu tại Orangi: vào năm 1982, chúng tôi đã bắt đầu lập bản đồ cho thị trấn Orangi. Orangi là một thị trấn nằm trong thành phố Karachi, nơi có 113 khu định cư nghèo với dân số khoảng 1 triệu rưỡi. Chúng tôi đã tự thực hiện vẽ bản đồ. Có lúc chúng tôi cũng có nghĩ đến việc thuê tư vấn hay các chuyên gia thực hiện việc này. Tuy nhiên, chúng tôi đã không làm như vậy, chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ đi đến một khu nghèo và chỉ thực hiện nó mà không cần có những giao tiếp với cộng đồng. Đối với chúng tôi, việc quan trọng khi chúng tôi lập bản đồ, ai là cộng đồng – như vậy bản đồ hỗ trợ chúng tôi mời gọi sự tham gia của các bạn thanh niên vào tiến trình thực hiện, giúp cho mọi người hiểu biết về cộng đồng của họ và ngồi lại cùng nhau. Trước tiên, chúng tôi đã vẽ các đường cống thoát nước thải sinh hoạt, thoát nước mưa, hệ thống cấp nước sinh hoạt tại Orangi, rồi tiếp tục vẽ các trạm xá, trường học, các xưởng đóng gạch.

Tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng, bất kỳ nơi nào trên toàn Pakistan đều có hoạt động tự lực. Mọi nơi. Đôi khi chúng tôi tự hỏi, chính phủ ở đâu? Một sự thật đó là 85% ngân sách của chính phủ dùng để trả các món nợ quốc gia từ IMF và WB và dùng chi cho quốc phòng. Vì vậy, phần còn lại dành cho người dân là rất ít, hầu như chẳng có nguồn nào cho việc phát triển. Đó là lý do tại sao người dân phải tự lực, bởi họ cần phải tồn tại. Họ tự lắp đặt các đường cống, đường cấp nước; họ tự xây dựng trường học và trạm xá. Và hẳn nhiên họ làm doanh nghiệp tư nhân cho chính họ và tự xây các căn nhà của mình.

Vì vậy đối với chúng tôi, điều quan trọng là cần phải hiểu AI đang làm GÌ – đó là đường cống của nhà nước hay do dân tự lực? Các loại thông tin chúng tôi thu thập được và thể hiện trên bản đồ đã được mở rộng trên mọi lĩnh vực ở Orangi, và có sự tham gia của tất cả các nhân tố. Bản đồ này hiện được mở rộng trên toàn thành phố Karachi.

Lập bản đồ các khu định cư "Goth" trong thành phố Karachi: Hiện nay chúng tôi đang tiến hành việc lập bản đồ cho các khu định cư mà 6 năm trước đây được gọi là “các làng nông thôn”. Tuy nhiên, khi chúng tôi tiến hành lập bản đồ, chúng không còn là các ngôi làng nông thôn nữa, tất cả đã thành khu đô thị. Đầu tiên chúng tôi thực hiện ‘bản đồ đi bộ’ vẽ phác thảo bằng cách đi bộ tham quan các khu định cư. Sau đó, đánh dấu chúng trên các bản đồ vệ tinh và tập hợp hai bản đồ lại cùng nhau. Chúng tôi thực hiện cùng người dân, các vị cao tuổi của ngôi làng trước đây cùng các lãnh đạo cộng đồng, và chúng tôi đã có thể thực hiện cho từng khu định cư cũng như tất cả các ngôi làng đã bị đô thị hóa. Theo số liệu của chính phủ chỉ có 400 khu định cư. Nhưng bản đồ của chúng tôi đã thể hiện có đến 2000 khu định cư như vậy. Trong thực tế, việc nhận diện 2000 khu định cư này, chúng tôi và các tổ chức dối tác của chúng tôi đã và đang vận động đến tất cả mọi người. Tôi nghĩ ý tưởng về việc vận động chính sách là làm cho chính quyền hiểu được rằng có rất nhiều các cộng đồng – không thể nào giải tỏa di dởi tất cả họ. Các cộng đồng là ‘việc đã rồi’ – không thể làm gì khác hơn cho các khu định cư đã ổn định lâu đời này, vì vậy hãy xác định chủ quyền đất cho họ. 

Chúng tôi đã bắt đầu tiến hành lập bản đồ cho các khu định cư Goth từ năm 2006 và đến năm 2010, chính phủ đã thông báo hơn 50% các làng đô thị hóa mới này – 1063 khu – được chấp nhận cấp chủ quyền đất... Và chính nhờ các bản đồ đã làm được điều đó. Chỉ là các bản đồ. Tôi nhớ một lần khi chúng tôi nói chuyện với các cụ cao tuổi trong làng, chúng tôi đã hỏi nếu như đây là việc quan trọng, vì sao trước đến nay họ không vận động về vấn đề sở hữu đất ? Họ trả lời, họ thường đi vận mà không có bản đồ, không ai nghĩ rằng lập bản đồ là rất quan trọng và đã không quan tâm thực hiện nó. Tuy nhiên khi họ đi vận động với bản đồ, chúng tôi trở nên hiện hữu. Bản đồ giúp chúng tôi hiện hữu. Bản đồ đã làm cho chính phủ phải nghiêm túc nhận diện chúng tôi. Đấy chính là sức mạnh của bản đồ. 

Ai tiến hành lập bản đồ? Tất cả chúng tôi cùng thực hiện! Thậm chí Naheed lập bản đồ với các ngôi làng tại các khu vực nông thôn bị ảnh hưởng lụt, nơi cô ấy đang làm việc. Cô ấy thực hiện, con gái cô ấy cũng thực hiện. Anh này cũng thực hiện. Chị này cũng làm. Chúng tôi đều là những chú Rùa Ninja lập bản đồ! Chúng ta không thể biết mọi thứ trừ khi một ai đó cho chúng ta thấy một bản đồ. Tất cả chúng tôi – là những nhóm xen lẫn kết hợp với người dân của các cộng đồng, người dân có các tổ chức cộng đồng của họ kết hợp với các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật – chúng tôi cùng nhau thực hiện lập bản đồ. Và các bản đồ có chất lượng chuyên môn cao. Chúng được trước tiên phác họa bằng những ‘bản đồ ghi chép đi bộ’, nhưng sau đó chúng tôi kết hợp nó với các bản đồ vệ tinh. Chúng tôi cũng đã từng thử nghiệm ứng dụng hệ thống GIS . Tuy nhiên, nó tốn quá nhiều thời gian, và nó không gẫn gũi với các cộng đồng. Vì thế, bản đồ ghi chép đi bộ và bản đồ vệ tinh Google là những kỹ thuật bản đồ giúp chúng tôi nối kết và thiết lập các mối quan hệ. 

Thanh niên của cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc lập bản đồ. Từ năm 1981 đến nay, thanh niên của các cộng đồng đã tham gia thực hiện lập bản đồ trên quy mô toàn quốc. Chúng tôi là thành viên của mạng lưới phát triển cộng đồng. Mạng lưới bao gồm 80 các tổ chức đối tác và 3000 tổ chức của cộng đồng của 2 tỉnh đông dân nhất – Sindh và Punjab. Các bạn thanh niên tham gia trong tất cả các tổ chức này. Vì sao lại là thanh niên? Các bạn là những người ưa thích nói chuyện và họ có thời gian. Họ thiết lập các mối quan hệ và những mối quan hệ này được thực hiện cả 2 chiều: hiểu rõ các hoạt động mà cộng đồng đang thực hiện; đồng thời truyền bá các thông tin đến mọi thành phố, thị trấn và cộng đồng. Bản đồ giúp chúng tôi xây sựng các mối quan hệ này. 

Những gì bản đồ đã đem lại? bản đồ giúp các nhà chuyên môn nắm bắt thực tế và khuyến khích họ nhìn nhận rõ hơn thực tế – điều này rất quan trọng. Bản đồ cũng giúp chính quyền hiểu rõ rằng nhiều người khác cũng đã nắm rõ các thông tin này, vì vậy họ có thể gây áp lực. Chính vì thế không chỉ chúng ta hay chỉ ADB hay tổ chức UN mới có thể thực hiện và có được các thông tin – người dân và các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức thông tin đại chúng tất cả đều có thông tin này. Thông tin đại chúng rất cần cho công việc này, bởi vì trong trường hợp của chúng tôi, giới truyền thông có tất cả các bản đồ của chúng tôi. Hiện nay, chính phủ, các cơ quan truyền thông thậm chí các nhà chính trị đều đang sử dụng tất cả bản đồ của chúng tôi. Điều này rất tốt cho chúng tôi. Ở đây chúng tối có một chiến lược. Đôi khi trên các bản đồ chúng tôi không đưa tên tổ chức của chúng tôi. Chúng tôi cũng đồng ý cho họ đưa tên của tổ chức của họ: tên của ông Bộ Trưởng; tên của cơ quan chính phủ – một khi họ đồng ý với bản đồ. Đó cũng là một chiến lược của chúng tôi đứng lùi lại phía sau, chúng tôi không hiện hữu. Thỉnh thoảng, người dân sử dụng bản đồ và đóng dấu tên của tổ chức của mình – chúng tôi thích như vậy! Đó là điều tuyệt vời cho chúng tôi. 

Và tất nhiên các bản đồ giúp tăng sự hiểu biết của cộng đồng. Bởi vì người dân trong các khu định cư có thể hiểu rõ công việc của chính họ, hiểu biết một vài các ngõ hẻm – nhưng để hiểu biết toàn bộ khu định cư, cũng là một điều cần thiết. Một khi đã có sự hiểu biết rộng hơn trong khu vực, việc vận động đã tiến lên mức cao hơn. Bởi trong cộng đồng, có những người biết rõ công việc tại đường hẻm của mình, người khác biết rõ công việc trong phường/quận; người khác hiễu rõ cộng việc của thị trấn/thành phố. Vì thế những hỗ trợ này sẽ giúp cho việc vận động và tạo ảnh hưởng đến chính quyền ở cấp cao hơn. Tất nhiên các viên chức chính phủ của các phòng ban chuyên môn khác nhau cũng sử dụng và ủng hộ các bản đồ này. Có rất nhiều các mối quan hệ được phát sinh trong cộng đồng trong tiến trình lập bản đồ. Một khi các thông tin được thu thập, thông qua các cuộc gặp gỡ nói chuyện, các thảo luận diễn ra trong khu vực. Đối với chúng tôi, việc xây dựng các mối quan hệ là một yếu tố then chốt giúp cho việc vận động và thực hiện nâng cấp cải thiện toàn thành phố. 
 

Những gì bản đồ đem lại ở quy mô rộng hơn, một vài ví dụ.. 

1. Sử dụng bản đồ nhằm ngăn chặn dự án vay tiền ADB vô ích nhằm lắp đặt cống thoát nước thải: năm 1999 chúng tôi đã tham gia cùng thành phố Karachi nhằm cố gắng ngăn chặn một hợp đồng vay tai tiếng US$ 100 triệu đô-la từ ADB cho hệ thống cống thải trong một thị trấn – không phải tại thị trấn Orangi mà là 1 thị trấn khác phía bên kia của thành phố. Làm thế nào để ngăn chặn nó? Chúng tôi lập bản đồ khu định cư. Chính quyền ký thỏa thuận mà không có một bản đồ kèm theo. Chẳng từng có bất kỳ bản đồ nào. Toàn bộ hợp đồng vay vốn được phê duyệt mà không có một bản đồ nào. Chúng tôi bắt đầu đặt dấu hỏi. Không có bản đồ ư? OK, chúng tôi sẽ tự làm nó. Và chúng tôi đã thực hiện, chúng tôi phát hiện rằng vốn vay chính phủ đang nhận tiền vay cho hệ thống cống thoát nước thải và thoát nước mưa cho toàn bộ thị trấn, với dân số khoảng 1 triệu. 80% các hệ thống HTCS là đã tồn tại. Vậy tại sao phải vay vốn? Rồi chúng tôi ước tính nếu như 80% đã có chỉ còn 20% thị trân có nhu cầu lắp đặt và cần khoảng 15 triệu đô la. Tôi nhớ lại trong một buổi họp với ông thị trưởng, hợp đồng vay đã bị hủy, cơ quan chính phủ đang nhận vốn vay đang cố gắng vận động; không, chúng tôi cần vay vốn, chúng tôi không thể thực hiện nếu không có vốn vay. Ông thị trưởng sau khi xem xét tấm bản đồ ( tất nhiên sau rất nhiều sự vận động) đã trả lời: "nếu chúng ta có thể lắp đặt một máy bơm vì sao chúng ta không thể tự lắp đặt hệ thống cống nước thải?" Ý của ông thị trưởng là không muốn vay tiền, tuy nhiên chưa có đủ thông tin hỗ trợ cho ý tưởng quyết định này. Bản đồ đã giúp việc này. Đó là một cuộc vận động rất lớn – tổ chức URC đã tham gia, rất nhiều các tổ chức trong thành phố Karachi cũng đã hưởng ứng. Bản đồ đã cũng cố sức mạnh và làm cho việc vận động trở thành hiển thị rõ ràng. 

Trong công việc của OPP-RTI (Viện Nghiên Cứu Huấn Luyện), của URC (Trung Tâm Nguồn Đô Thị) và của TTRC (…), chúng tôi đã bắt đầu thực hiện tại các khu định cư, sau đó mở rộng cho toàn thị trấn và toàn thành phố. Việc mở rộng trong toàn thành phố cũng như lan rộng đến các thành phố khác là nhờ vào các bản đồ. Bởi bản đồ là con mắt của chúng tôi – tương tự như X-quang. Bản đồ nói cho chúng tôi việc gì cần phải làm và ở đâu cần phải đến, ai cần vận động. 

2. Sử dụng bản đồ để bảo đảm quyền sở hữu đất cho các khu làng đô thị hóa "Goth": Đối với chúng tôi, câu chuyện làm thế nào các làng bị đô thị hóa đã dành được chủ quyền đất cho họ, là sự phát triển cực kỳ thú vị. Tôi nhớ đến lần Diana Mitlin ghé thăm năm 2010, cô ấy đã gặp gỡ một số các thành viên trong cộng đồng lúc ấy mọi người còn đang rất phẫn nộ “ vì sao chính phủ cấp chủ quyền đất cho người giàu nhưng không cấp cho chúng tôi? Chúng tôi đã sống ở đây nhiều năm. Chúng tôi là những cư dân lâu đời nhất của Karachi. Các khuđịnh cư này đã tồn tại và chúng tôi ở đây trước khi các di dân từ nơi khác đến Karachi – đây là thành phố của di dân. Tất cả các khu định cư này đã có trước sự ra đời của Pakistan năm 1947. Các cư dân mới đã được cấp chủ quyền đất, tại sao chúng tôi lại không được cấp? Đây cũng là một sự xung đột chính trị giữa các di dân mới và các cư dân cũ. Nhưng bản đồ đã làm được. Khu định cư ngày ấy Diana thăm nay đã nhận được chủ quyền đất – chủ quyền cho từng hộ! 

Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng nếu chúng ta phải chết, chúng ta sẽ chết trong niềm hạnh phúc, bởi những gì chúng tôi đã làm được. Karachi đang trong tình trạng nóng bỏng. Một trong những nguyên nhân của bạo lực là vấn đề đất đai: ai có được chủ quyền đất là rất quan trọng. Những di dân mới gần đây, họ được đại diện bởi một phe đảng chính trị rất bạo lực, tất cả họ đều được cấp chủ quyền đất. Họ đến sau những năm 1980. Còn những cư dân của các ngôi làng bị đô thị hóa Goth là những người đã sống ở đây trước khi có sự phân vùng năm 1947, họ chưa bao giờ nhận được chủ quyền đất. Khi chúng tôi tiến hành lập bản đồ tại các khu định cư Goth, có rất nhiều bạn trẻ bất bình, họ thường nói: "Ồ các khu định cư đằng kia ấy ư? Họ là những dân mới nhập cư nhưng họ đều có chủ quyền đất. Chúng tôi là cư dân gốc ở đây nhưng không được cấp chủ quyền.” Các bản đồ đã giúp chúng tôi thay đổi được tình hình này. Và hiện nay chúng tôi đang thực hiện rất nhiều các hoạt động nâng cấp hạ tầng cơ sở tại các cộng đồng và thành lập các nhóm tiết kiệm. Chủ quyền đất là một bước tiến tới hòa bình cho Karachi. Đó là sự đóng góp cho nền hòa bình và sự cân bằng các thế lực chính trị – vì vậy nó là sức mạnh. 

Về thân thế và sự nghiệp của Perween:

Cô tốt nghiệp Khoa Kiến Trúc, trường Đai học Kỹ Thuật Dawood vào năm 1981. Sau khi tốt nghiệp cố đã từng làm việc cho một công ty thiết kế danh tiếng. Tuy nhiên cô nhanh chóng thất vọng vì mục tiêu phục vụ xã hội quá nhỏ hẹp của các nhà tư vấn thiết kế thương mại. Cô đã tham gia tổ chức Dự Án Thí Điểm tại Orangi (Orangi Pilot Project – OPP) ngay từ giai đoạn đầu thành lập với sự lãnh đạo của Dr. Akhtar Hameed Khan, nhà xã hội học và hoạt động phát triển nổi tiếng của Pakistan và vị Giáo sư Kiến trúc sư nổi tiếng Arif Hasan. Orangi là khu ổ chuột lớn nhất của thủ đô Karachi của Pakistan. Chương trình OPP được đánh giá là một trong những điển hình thành công nhất về giải pháp vệ sinh môi trường do cộng đồng chủ động thực hiện. Từ 1980 đến nay OPP đã hỗ trợ khoảng 2 triệu người dân tự giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường không chỉ tại karachi mà đã lan rộng trên quy mô toàn quốc. Cô đã nhận được Giải Thưởng của UN-Habitat năm 2001. Ngoài ra cô còn tham gia giảng dạy tại một số trường Đại Học như University of Karachi, NED University, Indus Valley School of Art and Architecture và Dawood College of Engineering and Technology. 

Về cái chết của Perween: Theo nguồn tin từ báo chí của Pakistan, cô đã bị ám sát ngay trên xe trên đường đi làm về nhà vào khoảng 17:00 thứ 4 ngày 13/3/2013. Hai kẻ đi motor và bịt mặt đã áp sát chiếc xe hơi của cô và nổ súng trong một cự ly rất gần. Người lái xe đã cố gắng đưa cô đến một bệnh viện gần nhất nhưng cô đã tắt thở trước đó. Cùng trong đêm đó cảnh sát thành phố đã tuyên bố cùng báo chí trong nước – đây là vụ ám sát có chủ đích. Ngay sau đó, các báo chí đã tranh cãi khá nhiều về những kẻ chủ mưu trong vụ ám sát này với 2 giả thiết quan trọng: giả thiết thứ nhất là, nhóm Hồi giáo cực đoan (Taliban)và họ thường nhắm tới các chuyên viên nữ làm cho các tổ chức xã hội và phát triển, tổ chức NGO; giả thiết thứ 2 là nhóm chủ đất giàu có câu kết với các đảng phái chính trị tranh giành ảnh hưởng và đất đai tại Karachi, nơi mà cô Perween và tổ chức của cô đang tiến hành lập các bản đồ vạch trần các âm mưu thủ đoạn tham nhũng về đất đai và bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng nghèo. 

Thậm chí, ngay khi cảnh sát thành phố công bố đã bắn hạ được kẻ tham gia ám sát cô Perween ngay hôm sau (14/3/2013) tại một khu vực không xa. Báo chí đã nghi ngờ đây là một màn kịch dựng của cảnh sát và thế lực chính trị nhằm đổ lỗi cho phía Taliban và ém nhẹm các mưu đồ của các phe phái chính trị và nhóm giàu có. 

Trần Minh Châu (dịch từ AHCR

 

Lời bình  

 
+1 # Trung Le 25/03/2013 23:03
Không ngờ kết cục lại như vậy. RIP Perween Rahman. Read about OPP in school... :(
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...