Ashui.com

Monday
Jan 06th
Home Cộng đồng Sinh viên Sinh viên kiến trúc Việt Nam & Thế giới - Khoảng cách & Đối lập

Sinh viên kiến trúc Việt Nam & Thế giới - Khoảng cách & Đối lập

Viết email In

Hàng năm, từ 13 cơ sở đào tạo kiến trúc sư (KTS) trình độ Đại học trên cả nước và một phần nhỏ từ nguồn đào tạo nước ngoài, chúng ta có thêm khoảng 1000 KTS tốt nghiệp ra trường.
 
Nguồn đào tạo chính là Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội và ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh , ngoài ra còn có ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Tổng hợp Huế và các ĐH mở và dân lập khác. Vì thế, hiện nay nước ta có khoảng 1,2 KTS/10,000 dân, một tỉ lệ không phải là quá thấp so với một số quốc gia phát triển khác như Đức (8 KTS/10,000 dân), Pháp (4 KTS/10,000 dân), Anh (5 KTS/10,000 dân) và Tây Ban Nha (5 KTS/10,000 dân). Tuy nhiên, chất lượng đào tạo KTS hiện nay ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, thậm chí nhiều người còn đặt câu hỏi là: Bao nhiêu phầm trăm trong hàng ngàn sinh viên Kiến trúc ra trường mỗi năm là KTS thực thụ?



Theo quy chế đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề như hiện nay thì phần lớn sinh viên chuyên ngành Kiến trúc của các trường Đại học sau khi tốt nghiệp ra trường đều trở thành KTS, nhưng đánh giá về chất lượng của đội ngũ này trong một tham luận của PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lại có những điểm đáng lưu ý sau:

-  Chưa có KTS lớn, có đẳng cấp quốc tế.
-  Có khoảng 30% số KTS tốt nghiệp ra trường là có khả năng sáng tác, làm chủ nhiệm đồ án.
-  Về năng lực nghề nghiệp: loại giỏi (25%), khá (40%), trung bình (30%) và kém (5%)
-  Trình độ ngoại ngữ, tin học còn thấp
-  Trình độ học vấn: Trên đại học khoảng 15%, trong đó PGS, GS chiếm 1.5%.

Từ những con số khá cụ thể nêu trên, chúng ta không khỏi thắc mắc là tại sao đào tạo quá nhiều Kiến trúc sư như vậy nhưng rồi chỉ có khoảng 30% số sinh viên tốt nghiệp ra trường là có khả năng sáng tác và làm chủ nhiệm đồ án? Chúng tôi đã có dịp trao đổi về vấn đề trên với TS.KTS Phạm Thúy Loan, hiện đang là giảng viên thuộc thế hệ trẻ của Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, ĐH Xây dựng Hà Nội, đồng thời chị cũng đã có một thời gian dài học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Với kinh nghiệm nhiều năm học tập ở Nhật Bản và trở lại giảng dạy, tiếp xúc nhiều với sinh viên Kiến trúc Việt Nam, những điều mà chị Loan chia sẻ thật sự phải khiến cho chúng ta cùng suy ngẫm về những vấn đề còn tồn tại trong dạy và học kiến trúc ở Việt Nam:


Về cách thức tuyển sinh đầu vào

Sự khác biệt trong đào tạo KTS trình độ Đại học ở Việt Nam so với các nước xuất phát ngay từ cách thức tuyển sinh đầu vào. Trước tiên, cần phải hiểu kiến trúc là một ngành đặc thù cần đến sự kết hợp khăng khít giữa kỹ thuật và nghệ thuật, trong đó kỹ năng tư duy logic, khoa học và các kiến thức kỹ thuật là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, các chuyên ngành đào tạo Kiến trúc hiện nay lại tính điểm đầu vào bằng cách nhân đôi môn năng khiếu, khiến cho đa số các bạn học sinh phải theo học các lớp vẽ từ trước đó hai năm. Thực ra, đây là điều không hoàn toàn cần thiết và không phải là cách hay để sinh viên làm quen với kiến trúc.


Phương thức đào tạo 

Đồ án sinh viên trường ĐH kiến trúc Hà Lan

Phương thức đào tạo KTS ở Việt Nam có phần hơi ngược so với nhiều nước khác trên thế giới. Trong hai năm đầu, sinh viên được học những môn đại cương theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời được học thêm một số môn cơ sở nền tảng cho chuyên ngành về sau. Tuy nhiên, ở nước ta, những môn cơ sở này chủ yếu tập trung trang bị cho sinh viên các kỹ năng thể hiện bản vẽ kiến trúc. ở đa số các nước khác, sinh viên lại được trang bị trước hết là phương pháp và cách thức tư duy, các kỹ năng thể hiện chỉ được xem là những công cụ truyền tải nội dung thiết kế chứ không phải là thiết kế sẽ được giảng dạy trong những năm sau. Đây là một điều rất hợp lý vì hình thành tư duy trong kiến trúc là yếu tố quan trọng bậc nhất để định hình một KTS.

Quan niệm về thể hiện ý tưởng của sinh viên Việt Nam cũng có nhiều điểm khác biệt. Do không được chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt lý luận, mặt tư duy nên đa phần sinh viên quan niệm phải làm sao thể hiện được ý tưởng của mình một cách “mỹ thuật” nhất, bắt mắt nhất với những thủ pháp nghệ thuật mà không chú trọng đến cái cốt lõi đằng sau mỗi công trình. ở một số nước phát triển, sinh viên kiến trúc thường thể hiện đồ án của mình trong một studio riêng với nhiều cách thể hiện khác nhau, chứ không dừng lại ở trên giấy tờ như chúng ta đang làm hiện nay. Dĩ nhiên những hạn chế về cơ sở vật chất chưa cho phép chúng ta làm giống họ nhưng đây cũng là một phương pháp hay cần khuyến khích. Có không gian thể hiện riêng, sinh viên kiến trúc sẽ dễ dàng hình dung được không gian để từ đó hình dung được tác phẩm của mình sẽ hình thành lên như thế nào chứ không chỉ đơn giản dừng lại ở việc vạch ra những đường nét trên giấy tờ. Về quá trình thể hiện đồ án, tôi không hoàn toàn tán thành với cách làm phổ biến hiện nay, đó là: mỗi sinh viên phải thể hiện đồ án của mình trên 4, 5 tờ giấy A1, in màu rất tốn kém để cho mỗi giáo viên chấm bài trong 5-10 phút. Theo tôi không nên khuyến khích các sáng tạo trong việc thể hiện đồ án thiết kế của sinh viên dưới nhiều hình thức, vật liệu không chỉ trên giấy mà còn mô hình bằng bìa, xốp, đất sét… và tăng cường thời gian trao đổi giữa giáo viên và sinh viên về phương án thiết kế, cụ thể là sinh viên nên tự trình bày và bảo vệ phương án thiết kế của mình. Cách này vừa đỡ tốn kém cho sinh viên, lại vừa thực chất hơn chính xác hơn trong việc chấm bài giáo viên có thể hiểu một cách đầy đủ nhất về ý tưởng mà sinh viên muốn thể hiện.

Trong khi sinh viên nước ngoài có khoảng không trong trường học để thực hành, có những bài tập thực tế. Còn sinh viên Việt Nam, đa phần muốn có cơ hội thực hành thường phải làm thêm ở các xưởng kiến trúc. Điều này cũng cho phép các bạn cọ sát nhiều nhưng theo ý kiến của tôi, cũng chỉ dừng lại ở mức độ “thợ vẽ” chứ rèn luyện được tư duy.

Giáo viên, giảng viên Kiến trúc ở nước ta cũng còn nhiều hạn chế. Các giảng viên hiện nay có thể phân thành hai dạng: một là những giáo viên có nhiều kinh nghiệm do họ có cơ hội tham gia thiết kế, xây dựng các công trình thực tế. Các thầy cô này có rất nhiều kinh nghiệm quý báu để truyền đạt cho sinh viên nhưng mặt khác, họ thường rất bận nên thời gian để hỗ trợ và gần gũi sinh viên là không nhiều. Ngoài ra, còn có những giảng viên chủ yếu làm công tác giảng dạy đơn thuần thì lại nắm rất chắc về vấn đề lý luận, nhưng thiếu nhiều kinh nghiệm thực tế, thành ra không thể hướng dẫn sinh viên một cách sâu sắc được.

Bên cạnh đó, phải nói thêm là đầu ra của các bạn còn tương đối dễ dàng (gần 90 – 95% sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp), khiến cho tính cạnh tranh trong học tập rất ít, dường như là không có tính thúc đẩy và động lực cho sinh viên là không cao. Các em toàn phải tự tìm ra động lực cho riêng mình mà không có mấy sức ép từ môi trường, đây là khuyết điểm trong đào tạo so với các nước khác trên thế giới. ở họ, tính cạnh tranh rất cao, sinh viên phải có nỗ lực cá nhân rất lớn mới hoàn thành được chương trình đại học, có như thế, chất lượng đầu ra mới đảm bảo và sinh viên mới cảm thấy tự tin khi đặt chân vào nghề Kiến trúc sư.


Phối cảnh tổng thể Trung tâm triển lãm văn hóa - nghệ thuật Khu đô thị sinh thái văn hóa Hạ Long.
Đồ án tốt nghiệp KTS khóa 46 - ĐH Xây dựng - SVTK: Nguyễn Trần Linh


Sinh viên Kiến trúc Việt Nam, mạnh và yếu?

Sinh viên kiến trúc Việt Nam nói chung rất nhanh nhạy với các nguồn thông tin, các bạn rất chịu khó tìm tòi các công trình, các thể hiện, chất liệu mới và cố gắng áp dụng vào bài tập, đồ án của mình. Nhưng do không được đào tạo quy củ về mặt lý luận và tư duy nên sự áp dụng này là chưa sâu. Mà chỉ chú trọng đến bề ngoài của công trình chứ không nhìn thấy được cái triết lý đằng sau công trình.

Nhìn nhận sinh viên của mình nói chung, tôi đánh giá rất cao tư chất của các bạn. Nhưng phần lớn các bạn chưa có nhiều đam mê, không biết cách tự học và quan trọng nhất là không biết mình thích cái gì, thành ra không thể chủ động trong học tập.
 

Kết  luận

Sẽ là khập khễnh nếu đem so sánh từng yếu tố trong đào tạo KTS của Việt Nam với những nước phát triển khác. Nhưng nhiều vấn đề đang tồn tại trong thực trạng đào tạo hiện nay hoàn toàn nằm trong khả năng khắc phục được. Sinh viên kiến trúc Việt Nam sẽ có được nhiều cơ hội trưởng thành và phát triển nhằm thay đổi vị trí của mình trong tương lai, vấn đề là cần có một sự thay đổi đồng bộ và thực chất từ các cấp lãnh đạo đến từng sinh viên.

 

Lời bình  

 
0 # nguyễn khánh 09/04/2015 13:34
cho em hỏi công trình vách nui trong hình dầu tiên ở trên tên gì vậy? em cảm ơn!
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
0 # Nguyễn Thị Kim Tâm 06/07/2015 20:59
Em hiện nay đang học lớp 11 và đang theo học vẽ được 1 năm. Tuy là nữ nhưng em rất đam mê ngành kiến trúc sư và nguyện vọng thi vào Đại học Kiến trúc TPHCM. Nhưng mọi người lại cho rằng nghề này không thích hợp cho nữ vì quá vất vả và khó kiếm việc sau khi ra trường, không đảm bảo được tương lai. Nên em xin đượcnhận lời khuyên từ add ạ!!! Cảm ơn!!!
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
0 # Tiến 15/08/2015 05:20
Cá nhân anh thấy con gái (có đam mê) lại rất giỏi trong việc hoàn thiện đồ án kiến trúc được giao đấy. Những người cho rằng nghề này ko thích hợp cho nữ vì họ chưa định nghĩa rõ KTS và Kỹ sư xây dựng là gì thôi. Nếu em thật sự có đam mê, nhất là ngay từ lớp 11 bây giờ, đó là dấu hiệu tốt để phát triển sau này. Hãy tiếp tục trau dồi thêm kỹ năng và kiến thức, luôn sáng tạo và đặc biệt, phải thuần thục "những điều cơ bản", đừng quá chú trọng vào những thứ cầu kỳ vô nghĩa. ;)
Chúc em thành công và thực hiện được ước mơ của mình.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
0 # hg 13/01/2017 20:57
mình khuyên bạn nên dừng lại ngay, đừng theo nganh này nữa,mình đã học và thấy rất hối hận.!!!!
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 5739 khách Trực tuyến

Quảng cáo

  


Loading...