Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Công nghệ Công nghệ mới Thành phố tương lai: Những nhà cao tầng trồng tảo

Thành phố tương lai: Những nhà cao tầng trồng tảo

Viết email In

Các nhà quy hoạch, kiến trúc sư và kỹ sư thuộc doanh nghiệp PRIOR1 (Đức) giới thiệu thiết kế nhà cao tầng tự sản xuất năng lượng từ nuôi trồng tảo, được coi là mô hình của tương lai, khi số người sống ở đô thị ngày càng tăng. Họ đặt tên cho dự án này là “Trung tâm máy tính trồng tảo”. Cốt lõi của tòa nhà đa năng đồ sộ gồm 16 tầng này là một trung tâm máy tính, tích hợp trong tòa nhà có kết cấu hiện đại và tự sản xuất năng lượng từ nuôi trồng tảo.  

Nền kinh tế của chúng ta hầu như không thể thiếu các trung tâm máy tính. Nó cần có máy chủ và mạng lưới để xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ. Những loại trung tâm máy tính này thường tiêu hao tương đối nhiều năng lượng. Đây là điều mà PRIOR1 muốn thay đổi. Từ một trung tâm máy tính ngốn rất nhiều năng lượng, nó phải trở thành một tòa nhà cao tầng thông minh tự sản xuất ra năng lượng. 

Tảo, cụ thể là tảo Chlorella và tảo Chlamydomonas, là nền tảng cho sản xuất điện. Các tấm tảo ở mặt ngoài tòa nhà được nuôi bằng khí CO2 và được ánh sáng mặt trời kích hoạt quá trình quang hợp. Trong quá trình này, tảo tạo ra sản phẩm trung gian là khí methane, có thể dùng để chạy nhà máy điện. Khí thải CO2 hình thành trong sản xuất điện được dùng để nuôi tảo, từ đó chu trình được khép kín.

Tảo được nuôi cả trong các bể lớn ở tầng dưới tòa nhà. Tại đây có trạm điện gió cố định cỡ nhỏ để cung cấp điện cho hệ thống đèn LED là nguồn ánh sáng bổ sung cho quá trình quang hợp. Sinh khối của tảo tuy là rác thải nhưng vẫn có thể được tận dụng để phát triển một số sản phẩm khác (như mỹ phẩm và nhựa). 

Chưa hết: Nhiệt lượng từ nhà máy điện dùng để sưởi ấm bên trong hoặc ngoài tòa nhà. Trong trường hợp lý tưởng sẽ hình thành một chu trình khép kín về năng lượng và tòa nhà từ tư cách người tiêu dùng năng lượng trở thành nhà sản xuất năng lượng. 

Bố trí sử dụng các tầng của tòa nhà hoàn toàn không có giới hạn: người ta có thể dùng để hội họp, làm công tác hành chính, trưng bầy, triển lãm và cũng có thể bố trí nhiều tầng để làm nông nghiệp giữa đô thị. Khi tận dụng mặt bằng một cách tối ưu, lại gần nơi tiêu thụ trong điều kiện tự tạo ra năng lượng thì có thể biến hàng nghìn mét vuông diện tích sàn của tòa nhà thành diện tích sản xuất. 

Các siêu thị, nhà trẻ, văn phòng, nhà ở có thể bố trí cạnh nhau hoặc ở trên các tầng khác nhau. Thậm chí có thể tạo ra những vườn cây hoặc công viên mini. Những sinh cảnh cực nhỏ này sẽ là nơi trú ngụ của cây cối và động vật và sẽ trở thành một phần của quá trình tái tạo thiên nhiên cho các đô thị. Năng lượng từ tảo cũng có thể phục vụ các nhà tắm hơi, bể bơi và trung tâm thể dục thể thao.

Ý tưởng của PRIOR1 có hoàn toàn mới không? Thực ra đã có nhà cao tầng sử dụng rất ít hoặc không dùng đến năng lượng. Thí dụ tại thành phố Freiburg năm 2011 đã khai trương “tòa nhà thụ động” (passive house – tức loại nhà có các tiêu chuẩn cao về hiệu quả sử dụng năng lượng) cao 15 tầng. Hành lang tảo cũng đã có. Cụ thể là ở tòa nhà tảo BIQ (BIQ Algenhaus), các tấm tảo cung cấp năng lượng cho tòa nhà. Tại Pháp cũng đang triển khai các tòa nhà tảo đầu tiên. Một công viên bên trên và bên trong một cao ốc cũng đã ra đời ở Italia. 

Cái mới ở đây là ý tưởng tích hợp trung tâm máy tính với các căn hộ, địa điểm sinh hoạt và phòng làm việc, bổ sung chức năng của một xã hội hiện đại. Giờ đây người ta hồi hộp chờ xem bao giờ thì viễn cảnh này sẽ trở thành hiện thực./. 

Xuân Hoài (dịch từ Tuần Kinh tế /Đức) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...