Với bộ tiêu chí đánh giá đơn giản hơn so với các hệ thống tiêu chuẩn xanh đang tồn tại tại Việt Nam như LEED, LOTUS, Green Mark, EDGE - một hệ tiêu chuẩn đánh giá của Tổ chức IFC ra mắt tại Việt Nam, sẽ giúp cho các chủ đầu tư chủ động tự định lượng được về khả năng tiết kiệm năng lượng của công trình như thế nào trước khi quyết định đầu tư.
Tại sao quá ít công trình xanh?
Một dự án giảm 20,02% mức tiêu thụ năng lượng, 20,3% mức tiêu thụ nước và 30,04% vật liệu khi đạt chứng nhận EDGE.
Hiện nay, những công trình đạt chứng chỉ xanh trên cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là những tòa nhà văn phòng, siêu thị. Ngay tại TP.HCM mới có một công trình kiến trúc được chứng nhận công trình xanh theo hệ thống đánh giá LEED của Mỹ, 2 công trình được chứng nhận công trình xanh theo hệ thống Green Mark của Singapore, đặc biệt, chưa có công trình nào đạt chứng nhận LOTUS của Việt Nam.
Trong khi đó, tại Bangkok (Thái Lan) đã có 38 công trình nhận chứng chỉ LEED; Kuala Lumpur (Malaysia) có đến 89 công trình đạt chứng nhận LEED; Singapore có tới 56 công trình nhận chứng chỉ LEED và hơn 1.500 công trình đạt chứng nhận Green Mark. Ngay cả Phnom Penh (Campuchia), dù chưa có hệ thống đánh giá công trình xanh cho riêng mình, cũng đã có 7 công trình nhận chứng chỉ LEED.
Lý giải về điều này, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng Nguyễn Công Thịnh cho rằng: Có rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta chưa quan tâm đến việc xây dựng công trình xanh để tiết kiệm năng lượng (TKNL).
Về mặt cơ chế chính sách, Bộ cũng đã ban hành QC 09 nhưng phần lớn chúng ta chưa tuân thủ, công tác thanh kiểm tra cũng hạn chế. Năng lực quản lý của các sẵngây dựng còn rất yếu, nhiều sở còn chưa nắm được những quy định này để cấp phép.
Mặt khác, những dự án có vốn ngân sách muốn ứng dụng các tiêu chí TKNL không được vì không thể tự điều chỉnh đơn giá. Năng lực tư vấn hạn chế, chủ đầu tư chưa quan tâm. Hơn nữa là bản thân người đi mua nhà cũng không quan tâm đến nơi mình mua có lắp vòi nước tiết kiệm hay không, nước thải có qua xử lý không?
KTS.Trần Khánh Trung - TGĐ Công ty Thiết kế TTT, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc xanh cho rằng, mấu chốt nằm ở ý thức cộng đồng, ở nước ngoài những dự án có chứng nhận xanh sẽ thu hút nhiều người vào ở, tăng được giá trị đầu tư… Còn ở Việt Nam, người tiêu dùng chưa nhận thức được chỉ cần rẻ là mua.
Khách hàng chưa quan tâm đến chất lượng công trình tiết kiệm năng lượng. Làm sao chúng ta nâng cao ý thức cộng đồng cũng như có những khuyến khích cụ thể cho các chủ đầu tư. Đồng thời Bộ Xây dựng cũng nên đưa ra mức phạt cụ thể, vừa khuyến khích người thực hiện và vừa phạt người chưa nghiêm túc có như vậy luật mới đi vào cuộc sống.
Tiêu chuẩn EDGE
Hệ thống chứng chỉ EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) của IFC là hệ thống chứng chỉ tự nguyện mang tính toàn cầu cho công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả, đưa đến những giải pháp kỹ thuật xanh, đồng thời có khả năng giảm chi phí đầu tư và tiết kiệm của công trình. Được công nhận và triển khai ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, những công trình đạt được chứng chỉ này đều góp phần không nhỏ vào xu hướng xây dựng “xanh”, đồng thời tạo nên không gian sống trong lành, góp phần phát triển cộng đồng bền vững.
Đây được xem là cú hích cho các công trình xanh, bởi EDGE đơn giản hơn các tiêu chuẩn LEED, LOTUS khi đưa vào triển khai, các tiêu chí xanh đánh giá phù hợp với chi phí của doanh nghiệp. Với 3 tiêu chí đánh giá về mức tiết kiệm năng lượng: Nước, năng lượng và vật liệu nên dễ được các chủ đầu tư quan tâm vì thế dễ dàng đạt được.
Để được cấp chứng nhận, dự án đạt tiêu chuẩn EDGE phải cải thiện ít nhất 20% mức tiêu thụ năng lượng, nước, vật liệu so với các công trình điển hình. EDGE áp dụng cho các loại hình công trình như nhà ở, chung cư, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, văn phòng, cơ sở y tế, trung tâm thương mại. Được cho là bộ tiêu chuẩn phù hợp với quốc gia có nền kinh tế đang lên, EDGE được IFC cung cấp phần mềm miễn phí cho doanh nghiệp tự đánh giá.
“Sau nhiều năm tư vấn cho khách hàng, 2 chứng nhận xanh LEED và LOTUS đưa ra những tiêu chí không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được. Nhưng nếu công trình nào đạt những chứng nhận này sẽ tiết kiệm được năng lượng rất lớn. EDGE với tiêu chí đơn giản nên sẽ có nhiều dự án đạt được và môi trường được cải thiện nhiều hơn. Vì tiêu hao năng lượng trong xây dựng taị Việt Nam rất lớn, các tòa nhà chiếm 30%”, KTS Trung chia sẻ.
Công ty SGS Việt Nam - đơn vị kiểm định và cấp chứng nhận EDGE kỳ vọng trong 6 năm tới sẽ có khoảng 70.000 đơn vị nhà được xây mới được cấp chứng nhận EDGE, sẽ giảm 19.000 tấn khí nhà kính phát thải mỗi năm, tiết kiệm được 43.500MW/giờ điện mỗi năm, tương đương 8 triệu USD.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc khối quản lý thiết kế Cty CP Đầu tư Nam Long, đã nói về dự án Ehome 5 đạt chứng nhận EDGE đầu tiên: Chi phí chỉ tăng hơn 1,2% nhưng chúng tôi tiết kiệm được 20,2% năng lượng, 21,7% nước và 26,8% từ hiệu quả vật liệu. Khách hàng sẽ được hưởng lợi rất lớn khi ở trong dự án xanh này với các hóa đơn tiền điện, nước chi trả thấp hơn.
Bùi Hiền
(Báo Xây dựng)
- Ngôi nhà của Năng lượng / thiết kế: BG Architekture
- Nhà container: Lối mới cho đầu tư bất động sản?
- Chống ngập lụt hiệu quả nhờ đường bê-tông "khát nước"
- Xây dựng công trình bền vững trong thời tiết lũ lụt, mưa nhiều tại Việt Nam
- Sure House - ngôi nhà dùng năng lượng mặt trời, thiết kế đặc biệt để chống bão
- Những kiểu nhà bất chấp thiên tai, bão lụt
- Ứng dụng ánh sáng LED trong hệ thống tàu điện ngầm ở Nhật Bản
- Hitachi đề xuất giải pháp kinh tế hiệu quả để quản lý thất thoát nước cho khu vực Đông Nam Á
- Giải pháp không đọng nước cho sân bóng cỏ nhân tạo
- Ngôi nhà đầu tiên được xây bằng nước của KTS Matyas Gutai