Doanh nghiệp tìm cơ hội trong SmartCity

Chủ nhật, 10 Tháng 12 2017 08:27 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Đô thị thông minh (SmartCity) là dự án lớn, dài hơi đang được TPHCM xây dựng triển khai, các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng, Vũng Tàu, Đà Lạt... cũng quan tâm hướng tới. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước cung cấp hạ tầng, ứng dụng. 

Tầm nhìn và mục tiêu của xây dựng SmartCity nhằm hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao năng lực quản lý của nhà nước, phát triển kinh tế. Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã được UBND TPHCM phê duyệt theo Quyết định số 6179/QĐ-UBND ngày 23/11/2017 vừa qua (gọi tắt là Đề án). Là thành phố đi đầu trên cả nước, mô hình SmartCity của TPHCM đã và đang được nhiều tỉnh thành nghiên cứu, tham khảo.  


(Nguồn: Ashui.com) 

Nói về cơ hội của doanh nghiệp trong sân chơi SmartCity, dễ dàng nhận thấy hạ tầng nền tảng, phần cứng đương nhiên đã thuộc về các tập đoàn công nghệ lớn, song để triển khai hầu hết vẫn phải qua các đối tác trong nước đảm nhận. Điều quan trọng hơn, để chủ động nguồn cơ sở dữ liệu, theo định hướng của thành phố sẽ khuyến khích, ủng hộ sử dụng giải pháp, ứng dụng của doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà ngay cả startup, chỉ cần có giải pháp tốt hoàn toàn có thể tham gia vào dự án lớn này. Dưới đây là trích dẫn các nhóm giải pháp của từng lĩnh vực, cách sử dụng nguồn tài chính, lộ trình triển khai của đề án để các doanh nghiệp nắm bắt dự phần của mình trong hệ sinh thái này. 

Dữ liệu mở, đón nhận hệ sinh thái tiện ích

Đề án xác định, đô thị thông minh sẽ tạo cơ hội để thành phố đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, các giải pháp ứng dụng Internet of Things (IoT), xây dựng nguồn dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp và chính quyền đẩy mạnh hợp tác xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích và có giá trị cao, kiến tạo môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ theo định hướng mở. Những dự án mang lợi ích đến cho người dân đã được Đề án ưu tiên triển khai đáp ứng nhu cầu bức xúc của người dân trong các lĩnh vực giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, môi trường, chống ngập, nguồn nhân lực, an ninh trực tự, chính quyền điện tử, chỉnh trang và phát triển đô thị.

Trong lĩnh vực giao thông, người dân sẽ được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao với vé điện tử liên thông, giải pháp thu phí, đỗ xe thông minh, cập nhật lưu thông, ùn tắc. Theo đó, giải pháp cho giao thông có đầu tư nâng cấp hệ thống giám sát điều khiển và số hóa cơ sở dữ liệu (CSDL) hạ tầng giao thông; triển khai nền tảng tích hợp dữ liệu quản lý giao thông và hình thành trung tâm điều khiển giao thông tích hợp; xây dựng mô hình dự báo tình hình giao thông toàn thành phố; hệ thống thanh toán điện tử xuyên suốt cho xe buýt, BRT, metro, phà...; triển khai các giải pháp thu phí lưu thông, giám sát hành trình, bãi đỗ xe thông minh cho việc đỗ xe bên lề đường, bao gồm việc quản lý từ xa, ứng dụng trên di động giúp tìm vị trí còn trống, thanh toán phí tự động; sử dụng cảm biến IoT để giám sát tình trạng và tuổi thọ cơ sở hạ tầng.

Lĩnh vực chống ngập, các hệ thống cảnh báo và giám sát ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp theo dõi và cung cấp các thông tin về dòng chảy và thực hiện cảnh báo khi xuất hiện các tổ hợp bất lợi cho thành phố như mưa, triều cường và mực nước dâng cao để áp dụng các kịch bản ứng phó phù hợp của hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp. Nhóm giải pháp chống ngập sẽ là xây dựng hệ thống dự báo thời tiết tiểu vùng thời gian thực, lấy thông tin từ các trạm quan trắc khí tượng thủy văn có sẵn kết hợp với các trạm mới; xây dựng hệ thống cảm biến giám sát ngập (theo dõi mực nước, lưu tốc, dòng chảy...), cảm biến trong hệ thống cống thoát nước cảnh báo khi mực nước trong lòng cống dâng cao; xây dựng hệ thống dự báo lụt; hệ thống giám sát và điều khiển hồ chứa kết nối với hệ thống dự báo lũ; xây dựng hệ thống cảnh báo xả lũ; xây dựng các trạm quan trắc trên sông; Tích hợp viễn thám và GIS phục vụ thoát nước, chống ngập của thành phố.

Nhóm giải pháp cho y tế là xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe người dân và bệnh án điện tử, kết hợp với chuẩn hóa và liên thông dữ liệu trong ngành; số hóa kho hồ sơ bệnh án và hồ sơ y tế tại các bệnh viện; triển khai cho tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) tích hợp với hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống chẩn đoán hình ảnh (PACS), song song nghiên cứu triển khai thêm các giải pháp về thẻ khám thông minh, đăng ký khám bệnh từ xa, thanh toán bảo hiểm y tế, hội chẩn từ xa, điều trị từ xa, các công cụ hỗ trợ, quản lý sức khỏe theo mô hình bác sĩ gia đình; triển khai hệ thống quản lý mạng lưới cấp cứu vệ tinh 115; hệ thống GIS cho y tế dự phòng phục vụ công tác dự báo và phòng chống dịch bệnh; xây dựng cổng tích hợp dữ liệu sở y tế, cho phép tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế gửi dữ liệu khám chữa bệnh hàng ngày lên sở, đồng thời cung cấp thông tin cho người dùng biết các cơ sở khám chữa bệnh, lãnh đạo bệnh viện, khai thác dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở; xây dựng hệ thống phân tích dự báo về y tế, thu thập và phân tích dữ liệu cá nhân, bệnh án, thiết bị, dữ liệu từ các thiết bị cảm ứng, thông tin từ mạng xã hội để các định các giải pháp hành động phù hợp.

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, sẽ tiến hành xây dựng cổng thông tin điện tử thực hiện cấp phép bằng dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp, tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm. Triển khai phần mềm quản lý các cơ sở kiểm nghiệm, đảm bảo liên thông số liệu cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước, phân tích về an toàn thực phẩm. Triển khai các giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa thực phẩm, bảo đảm các thực phẩm lưu thông trong thành phố đều có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng, liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh, từng bước tiến đến xác thực nguồn gốc toàn bộ các khâu trong chuỗi cũng như tiến đến mức cao hơn cung cấp thông tin chi tiết về quá trình xử lý trong từng khâu. Triển khai các ứng dụng trên các thiết bị máy tính bảng, cho phép truy cập thông tin đăng ký cấp phép của các cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm, lịch sử vi phạm, hỗ trợ các bảng kiểm tra theo một quy trình định sẵn để hỗ trợ cán bộ kiểm tra, cho phép chụp ảnh, lưu bằng chứng, cập nhật dữ liệu thời gian thực. 

Về nguồn nhân lực, người lao động và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cao chất lượng dự báo nguồn nhân lực. Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực là triển khai dự báo cung cấp nguồn nhân lực bằng việc xây dựng CSDL nhu cầu lao động từ kết nối CSDL doanh nghiệp qua cổng thông tin, cấp tài khoản, yêu cầu doanh nghiệp định kỳ cập nhật hoặc điều chỉnh nhu cầu tuyển dụng; đồng thời sử dụng các công cụ tìm kiếm, phân tích dữ liệu lớn để bổ trợ thông tin cho việc dự báo nhu cầu sử dụng lao động và kỹ năng đào tạo; kết nối CSDL sinh viên các trường nắm bắt ngành nghề, bằng cấp và cung cấp dữ liệu mở cho thị trường tuyển dụng.

Các giải pháp cho môi trường là ưu tiên mở rộng hệ thống giám sát thu gom rác thải thời gian thực (hệ thống bao gồm các thiết bị giám sát lắp đặt trên xe chở rác và lắp đặt tại thùng rác); xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường thành phố; xây dựng cổng thông tin điện tử về lĩnh vực môi trường, cung cấp các số liệu về đo đạc thời gian thực tới người dân và doanh nghiệp; xây dựng ứng dụng phân tích và dự báo về môi trường thời gian thực; hệ thống giám sát liên tục phục vụ cho các bãi rác, lò xử lý rác thải (bao gồm giám sát không khí tại các ống khói của lò đốt rác, giám sát chất lượng mặt nước và nước ngầm xung quanh bãi rác); hệ thống tính toán dữ liệu quy hoạch môi trường.

Nhóm giải pháp về an ninh trật tự sẽ bao gồm xây dựng Trung tâm An ninh - ứng cứu khẩn cấp thành phố sử dụng đầu số 112 (trên nền tảng tích hợp các hệ thống 113, 114, 115 đã liên thông của các đơn vị công an thành phố, cảnh sát PCCC, cấp cứu 115), với những nội dung chính như hệ thống định vị thuê bao, tích hợp camera giám sát, thiết bị thông tin liên lạc hiện đại, nhận diện khuôn mặt, phát hiện đám đông, nhận diện biển số, tích hợp hệ thống báo động tự động, hệ thống cảm biến ghi nhận tiếng súng, tiếng nổ tại các khu vực công cộng, gửi tin thông báo đến người dân trong phạm vi ảnh hưởng. Triển khai số hóa và chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu quan trọng (lưu trú, tạm trú, vi phạm giao thông...). Bên cạnh đó, nâng cấp mở rộng, kết nối các hệ thống camera an ninh và camera xã hội hóa (7.000 camera) quản lý tập trung tại các công an quận huyện.

Để chỉnh trang đô thị sẽ xây dựng ứng dụng hỗ trợ tự chọn phương án tái định cư - hệ thống đưa ra lựa chọn địa điểm tái định cư phù hợp với nhu cầu của người dân trong diện giải tỏa. Xây dựng hệ thống quản lý quy hoạch và phát triển đô thị có khả năng số hóa các công trình kiến trúc trong thành phố và lưu trữ tại CSDL dùng chung. Dựa trên các thông tin này sẽ đưa ra mô hình mô phỏng thành phố dưới dạng 3D, khi có công trình mới được xin cấp phép xây dựng, phần mềm sẽ tự động phân tích dựa trên các thông tin của công trình định xây như chiều cao, diện tích, không gian chiếm lĩnh...; xây dựng hệ thống quản lý đèn chiếu sáng công cộng thông minh. 

Cơ chế hợp tác công - tư

Để thực hiện các mục tiêu trên, đề án cho biết sẽ xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sử dụng dữ liệu mở để tạo những sản phẩm giá trị mới đóng góp cho hệ sinh thái ứng dụng của thành phố. Khung kiến trúc CNTT-TT cho đô thị thông minh của TPHCM trong đề án được định hướng “mở”, cho phép liên thông, chia sẻ hạ tầng, cơ sở dữ liệu, tích hợp thiết bị, đồng vận hành các giải pháp của nhiều nhà cung cấp và sử dụng chung các công cụ phân tích dữ liệu, tương tác với người dùng.

Cho nên, các nhà cung cấp giải pháp khi muốn tham gia cung cấp giải pháp cho đô thị thông minh TPHCM cần phải đáp ứng các yêu cầu về đồng vận hành và tuân thủ các chuẩn mở của thế giới theo từng chuyên ngành, và cần công bố, trao đổi thảo luận với đơn vị thường trực về công nghệ của thành phố cũng như các đơn vị chủ quản của lĩnh vực để đảm bảo phù hợp nhất với khung kiến trúc công nghệ của đơn vị và của thành phố.

Đề án cũng nêu rõ giải pháp tài chính áp dụng cho các dự án đô thị thông minh của thành phố. Cụ thể, đối với các dự án liên quan đến hạ tầng công nghệ (có chi phí đầu tư cao, công nghệ thay đổi nhanh và đòi hỏi nhiều nguồn lực vận hành) sẽ ưu tiên thuê dịch vụ từ các doanh nghiệp để giảm chi phí đầu tư ban đầu và tránh bị lạc hậu về công nghệ. Đối với các dự án/dịch vụ có nguồn thu rõ ràng (kể cả dự án/dịch vụ công ích), sẽ xem xét xã hội hóa toàn phần hoặc chia theo khu vực để xã hội hóa, giúp tận dụng nguồn lực của các doanh nghiệp tư nhân, tạo môi trường cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đối với các dự án/dịch vụ chưa có cơ chế về nguồn thu, sẽ xem xét áp dụng hình thức hợp tác công - tư (PPP), kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vận hành (ví dụ đổi đất lấy dịch vụ), hoặc Nhà nước chủ động xây dựng các cơ chế về nguồn thu (ví dụ như thu phí bảo vệ môi trường từ các doanh nghiệp sản xuất để đầu tư vận hành hệ thống quan trắc môi trường) và tự thực hiện. Cuối cùng, đối với các hệ thống liên quan đến an ninh, dữ liệu cần bảo mật, các dịch vụ không thể tạo nguồn thu, sẽ xem xét tự đầu tư vận hành với quy mô phù hợp, vừa phải.

Theo lộ trình đề án, giai đoạn 1 (2017-2020) triển khai xây dựng nền tảng công nghệ cho đô thị thông minh, trong đó tập trung vào hạ tầng điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu dự phòng, nền tảng dữ liệu mở, nền tảng phân tích dữ liệu lớn, kho dữ liệu dùng chung và các CSDL dùng chung, trung tâm điều hành thông minh (IOC) với các nền tảng dịch vụ công dân, và trung tâm giám sát an ninh thông tin (SOC). Bên cạnh đó, ưu tiên triển khai một số các giải pháp thông minh đáp ứng những nhu cầu cấp thiết hiện nay của thành phố theo các chương trình đột phá, bao gồm chính quyền số, giao thông, môi trường, chống ngập, an ninh trật tự, y tế và sức khỏe người dân.

Giai đoạn 2 (2020-2025), tập trung triển khai các giải pháp thông minh trong các lĩnh vực chuyên ngành một cách đồng bộ. Giai đoạn 3 (sau 2025), tiếp tục đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ hướng đến tầm nhìn dài hạn hơn. 

Ô Lâu 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: