Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 02/CT-TTg về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Bộ Xây dựng (cơ quan thường trực của Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018, sau đây gọi tắt là Đề án 950) đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung của Đề án, đồng thời triển khai các chương trình, kế hoạch nghiên cứu về phát triển đô thị thông minh (ĐTTM).
Phát triển ĐTTM là để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị tại địa phương, lấy người dân làm trung tâm nhưng phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, không tách rời. (Ảnh: T/L).
Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển ĐTTM
Sau khi Đề án 950 được Chính phủ ban hành, các mục tiêu, quan điểm về phát triển ĐTTM bền vững tại Việt Nam được chỉ rõ với các quan điểm chỉ đạo về các nội dung trọng tâm xây dựng ĐTTM bền vững Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đến năm 2025, gồm: Quy hoạch ĐTTM; Xây dựng và quản lý ĐTTM; Cung cấp các tiện ích ĐTTM.
Trong đó, các tiện ích ĐTTM với cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT, bao gồm cơ sở dữ liệu không gian ĐTTM được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.
Đề án 950 đã xác định 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được phân công cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng 2014, trong đó bổ sung quy định về việc khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị sinh thái, ĐTTM, quy định về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng ĐTTM.
Bộ đồng thời hoàn thiện việc “Xây dựng danh mục hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng phục vụ phát triển ĐTTM tại Việt Nam”, là cơ sở để cụ thể hóa trong Đề án hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng; Ban hành “Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển ĐTTM” phục vụ mục tiêu thiết lập, duy trì và vận hành cơ sở dữ liệu trên nền GIS tại các đô thị.
Bộ cũng đã hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu “Tiêu chí đánh giá các ĐTTM tại Việt Nam” và đang dự thảo Hướng dẫn áp dụng Bộ Tiêu chí ĐTTM bền vững - phiên bản 1.0, trong đó hướng dẫn quy trình và phương pháp đánh giá các tiêu chí ĐTTM bền vững.
Ngoài ra, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện các đề tài nghiên cứu gồm: Quy chế quản lý đầu tư phát triển Khu ĐTTM; Xây dựng cơ chế thí điểm hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông dân cư, đất đai, giao thông, quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng phát triển đô thị hướng đến phát triển ĐTTM tại Việt Nam; Xây dựng nhiệm vụ trọng tâm chương trình thí điểm phát triển đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long thông minh.
Kết quả của các đề tài nghiên cứu là cơ sở để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển ĐTTM theo Đề án 950.
Đến thời điểm hiện nay, cả nước có 48/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM, gồm đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh hoặc đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh.
Có khoảng 57 địa phương triển khai phát triển tiện ích ĐTTM, dịch vụ thông minh. Việc phát triển các tiện ích thông minh đã giúp nâng cao chất lượng sống và trải nghiệm của người dân.
Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỉ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng...
Trung tâm điều hành ĐTTM Bắc Giang vừa mới được đưa vào vận hành trong tháng 9/2023.
Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
Bên cạnh những nỗ lực chung đã đạt được, việc phát triển ĐTTM tại Việt Nam vẫn còn gặp một số khó khăn, tồn tại về nhận thức và thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên; về nguồn lực. Tính kết nối, cơ chế chia sẻ kinh nghiệm giữa các đô thị đang tiến hành xây dựng ĐTTM còn chưa cao...
Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển ĐTTM bền vững trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng đề xuất một số nhóm giải pháp.
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển ĐTTM bền vững. Trong đó, cần thống nhất nhận thức xuyên suốt, phát triển ĐTTM là để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị tại địa phương, lấy người dân làm trung tâm nhưng phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, không tách rời. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo phát triển ĐTTM bền vững đã được xác định tại Quyết định số 950/QĐ-TTg.
Phát triển ĐTTM cần được bắt đầu từ công tác quy hoạch. Quyết tâm xây dựng ĐTTM phải được khẳng định trong các đồ án quy hoạch xây dựng và các chương trình, đề án, dự án phát triển đô thị. Cần có các quy chế, quy chuẩn đảm bảo các cấu phần ĐTTM có thể kết nối với nhau thành một tổng thể ĐTTM bền vững.
Cần coi ĐTTM như một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả, không phải một tập hợp rời rạc các ứng dụng công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành; coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác.
Việc xây dựng ĐTTM đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các cấp các ngành, không phải nhiệm vụ riêng của bất kỳ ngành hay cơ quan cụ thể nào.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc triển khai ĐTTM. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, hướng dẫn cho các đối tượng người sử dụng là cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ.
Thứ hai, tập trung vào các nhiệm vụ để triển khai trọng tâm xây dựng theo Đề án 950 trong thời gian tới. Theo đó, các địa phương phải chủ động xác định những vấn đề của mình để xem xét các nội dung, giải pháp phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương mình và xác định thứ tự ưu tiên trong triển khai.
Các nội dung triển khai ĐTTM phải hướng đến phục vụ người dân, cần được đề xuất, thiết kế dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và cách người dân muốn tương tác với chính quyền... Xây dựng công cụ cho phép đo lường mức độ quan tâm, mức độ hài lòng và mức độ sử dụng dịch vụ của người sử dụng để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ.
Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp tỉnh phục vụ cho cả chuyển đổi số và phát triển ĐTTM. Thu hút, bồi dưỡng các chuyên gia phân tích dữ liệu để khai thác dữ liệu được chia sẻ hiệu quả.
Việc phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam cần sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, cơ quan Trung ương chỉ xây dựng chính sách, các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn để thúc đẩy phát triển; Địa phương phải chủ động trong triển khai phù hợp với thực tế và đồng bộ với tiến trình chuyển đổi số của địa phương mình…
Người đứng đầu địa phương cần trực tiếp vào cuộc để xác định tầm nhìn, chiến lược dài hạn cho phát triển ĐTTM; trực tiếp chỉ đạo tổ chức triển khai và giám sát, đánh giá kết quả, hiệu quả triển khai ĐTTM tại địa phương.
Phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam phải có sự tham gia của các bên liên quan. Người dân phải được tham gia ngay từ đầu trong quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng Đề án ĐTTM bền vững.
Các địa phương tiến hành dần từng bước, tổ chức thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân; đảm bảo hiệu quả đầu tư ngắn hạn và dài hạn, không phát triển tự phát, tràn lan, theo phong trào.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục cùng với các Bộ, ngành Trung ương đồng hành cùng các địa phương trong phát triển ĐTTM gắn kết với quá trình chuyển đổi số.
Linh Anh
(Báo Xây dựng)
- Hiện thực hóa những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đô thị bền vững
- 5 chính sách quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam
- Hanoi Ad Hoc: Một quan điểm về thành phố – bảo tàng
- Tổ chức tư vấn, cá nhân tham gia lập quy hoạch đô thị và nông thôn phải đáp ứng điều kiện gì?
- Định hướng phát triển không gian kiến trúc các làng nghề truyền thống Hà Nội phục vụ du lịch
- Vấn đề quy hoạch không gian ngầm thành phố
- Kinh nghiệm khai thác giá trị từ đất ở TPHCM: Phát triển khu Nam Sài Gòn
- Không gian công cộng với sự tham gia của 3 khu vực: Nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư
- Đà Nẵng: Xứng tầm thành phố đáng sống
- Đa dạng hóa mục tiêu khai thác quỹ đất khi triển khai mô hình TOD