Ashui.com

Tuesday
Jan 07th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Tính an toàn của không gian công cộng

Tính an toàn của không gian công cộng

An toàn là chỉ số quan trọng của không gian công cộng. Trong vòng vài thập niên trở lại đây đã có nhiều cố gắng nghiên cứu giải quyết vấn đề an toàn của không gian công cộng. Do vấn đề mang tính đa ngành, có nhiều cách hiểu khác nhau. Bài viết này trình bày một cách hiểu về tính an toàn trong không gian công cộng dưới góc nhìn kiến trúc quy hoạch. Mục đích bài viết nhằm xác định các quan điểm kiến trúc quy hoạch cơ bản có tác dụng nâng cao tính an toàn của không gian công cộng.

An toàn xã hội & không gian công cộng

Bất ổn, hỗn loạn có lẽ là bản tính tự nhiên của mọi không gian công cộng, trong khi an toàn là nhu cầu cơ bản của mọi người. Để không gian công cộng an toàn, nhận thức về các yếu tố gây mất an toàn cũng quan trọng như các nỗ lực tính cực từ phía chính quyền và xã hội.

Trong cuốn sách Public space and place [Không gian và nơi chốn công cộng], Brill đã mô tả đường phố châu Âu trong những năm 1700-1850 là nơi của người nghèo, bạo loạn, và thiếu chăm sóc (Brill, 1989:19). Lynes trong cuốn Urban open space [Không gian mở đô thị] nhắc lại thực trạng không gian công cộng New York, Mỹ những năm đầu thế kỷ 20 với đủ sự chen chúc, lộn xộn người xe, tai nạn, hàng hóa, rác thải (Lynes, 1981). Dưới con mắt của Newman, không ít khu chung cư tại New York, Mỹ trong những năm 1970 là trung tâm tội phạm vì sự vô tính, thiết kế sai lầm, khiến nó trở nên rất mất an toàn trước các biến động xã hội, trước sự bất lực của cảnh sát và chính quyền (Newman, 1972).

Về cơ bản, sự an toàn của không gian công cộng phụ thuộc vào xã hội vì xã hội trực tiếp sử dụng, quản lý, và phát triển không gian công cộng (Light and Smith, 1998). Không gian công cộng có thể trở nên rất mất an toàn khi có xung đột xã hội hay thay đổi thể chế chính trị như một nghiên cứu về không gian công cộng của Roma trong thời kỳ phát xít (Atkinson, 1998). Sự sử dụng xe cơ giới tràn lan, với mật độ cao, cũng là nguyên nhân cơ bản làm không gian công cộng mất an toàn (Appleayard, 1981, Gehl and Gemoze, 1996). Như trường hợp của Mỹ, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra rằng tâm lý lo sợ là nguyên nhân cơ bản khiến mọi người cho rằng không gian công cộng ngày càng thiếu an toàn, để cuối cùng nhiều mối lo sợ thành hiện thực (Bannister and Fyfe, 2001, Silverman and Della-Giustina, 2001, Dawson, 2006, Yesil, 2006). Mẫu thuẫn mang tính văn hóa, tôn giáo, hay ứng xử xã hội yếu kém của nhiều nhóm người khác nhau trong xã hội, nhất là thanh niên, cũng là nguồn gốc của sự mất an toàn và xung đột.  

Cảnh sát, luật pháp, bảo vệ, camera theo dõi là các công cụ phổ biến hiện nay đang được sử dụng để nâng cao tính an toàn của không gian công cộng. Tuy nhiên, dựa trên quan sát và phân tích về hoạt động tuần tra trấn áp tội phạm, Herbert cho rằng hoạt động này chỉ có tác dụng duy nhất là dồn tội phạm từ nơi dễ kiểm soát sang nơi khó kiểm soát hơn; cảnh sát không thể hiện diện mọi nơi mọi lúc nên thể ngăn hết tội phạm (Herbert, 1998). Tương tự như vậy, tác dụng của camera theo dõi nơi công cộng tới an ninh chung cũng bị nhiều học giả nghi ngờ, cho rằng nó chỉ có tác dụng xua đuổi tội phạm sang nơi khác camera không với tới, trong khi đó tự do công cộng lại bị đặt dưới sự giám sát có tổ chức (Fyfe and Bannister, 1998).

Chỉ trích trên dựa trên nhận định cho rằng giám sát mang tính xã hội là tự nhiên và nhân văn nhất; tội phạm xảy ra một phần do xã hội lơi lỏng sự quan tâm đến nhau; xã hội sẽ càng thờ ơ, vô trách nhiệm với tội phạm và với nhau hơn nếu có ảo tưởng cho rằng đó là việc riêng của cảnh sát và camera – hai yếu tố thực sự không thể thiên giảm tội phạm. Tuy nhiên, một số quan điểm khác cho rằng sự thay đổi mối quan hệ xã hội là điều không tránh khỏi (Brill, 1989), trong khi công nghệ camera theo dõi phát triển không ngừng và thực sự có tác dụng trước mắt; ngoài ra, đa số dân chúng, vì lo sợ ủng hộ mạnh việc sử dụng camera theo dõi; ngay cả vấn đề tự do công cộng cũng được lý giải là không ở đâu và không khi nào có sự tự do tuyệt đối; về mặt thực tế, không có sự khác biệt nhiều giữa giám sát xã hội hay giám sát bằng camera (Siebel and Wehrheim, 2006, Yesil, 2006)

Bên cạnh các bàn luận mang tính chính trị xã hội, không ít nhà nghiên cứu đã đi theo hướng tìm hiểu mối liên hệ giữa tính an toàn của không gian công cộng và kiến trúc quy hoạch. Bài viết này điểm lại những cố gắng kiến trúc quy hoạch nổi bật nhằm tạo ra các không gian công cộng an toàn hơn. Câu hỏi chung là: đã có những quan điểm và giải pháp gì trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch nhằm làm không gian công cộng trở nên an toàn hơn?


Dự án Living Art của Urban Landscape Group (nguồn: Ashui.com)

Các ý tưởng đầu tiên

Một quan niệm khá phổ biến trong sách vở về không gian công cộng, cho rằng tội phạm chỉ xảy ra ở những nơi tối tăm và ít người qua lại vì tội phạm là mặt trái của xã hội loại người. Vì thế, nếu các không gian công cộng đều sáng sủa và trong tầm giám sát của xã hội, tội phạm sẽ có ít cơ hội diễn ra (Williams and Green, 2001:8).

Jane Jacobs là người đầu tiên có tiếng nói rõ ràng và ảnh hưởng nhất về quan niệm này, dựa trên sự quan sát cuộc sống hàng ngày ở nhiều nơi khác nhau trong các thành phố Mỹ (Jacobs, 1961). Bà gọi sự giám sát xã hội đó là ‘eye on the street’ [con mắt trên đường phố] và kịch liệt lên án các cấu trúc đô thị hạn chế sự tiếp xúc giữa con người với không gian công cộng. Theo quan sát của Jacobs, các không gian công cộng rộng mênh mông, tiếp xúc với các mảng tường lớn không cửa sổ hoặc các đường cao tốc, thường không khuyến khích người sử dụng, do đó hay trở nên hoang phế, mất an toàn. Ngược lại nhiều không gian công cộng nhỏ, nhưng gần nơi ở, đi lại thuận tiện, tiếp xúc với nhiều cửa sổ, lại được sử dụng nhiều hơn, an toàn hơn, mang nhiều ý nghĩa xã hội và văn hóa hơn.

Vai trò quan trọng của giám sát xã hội tới sự an toàn không gian công cộng đã được nhiều nhà nghiên cứu sau này khẳng định vì nó mang tính thường xuyên và gần gũi. Newman đã chứng minh rằng những nơi dễ quan sát từ bên ngoài an toàn hơn (Newman, 1972:194). Còn Carr và một số nhà nghiên cứu khác cho rằng mọi không gian công cộng muốn an toàn cần phải duy trì visual access [sự tiếp cận hình ảnh] và physical access [sự tiếp cận trực tiếp] từ bên ngoài. Các sự tiếp cận trên từ bên ngoài càng dễ dàng và đơn giản càng làm kẻ xấu ý thức rõ rệt rằng các hành động tội phạm của chúng sẽ nhanh chóng bị phát hiện và ngăn chặn. Tất nhiên ngoài tính tiếp cận dễ dàng, không gian công cộng phải đặt trong nơi tập trung các hoạt động của xã hội thì xã hội mới có thể duy trì sự giám sát một cách có hiệu quả (Carr et al., 1992). Nói cách khác, không gian công cộng càng có nhiều tiếp xúc với xã hội càng an toàn. Vấn đề là làm thế nào để các mối quan hệ giữa xã hội với không gian công cộng được duy trì mạnh mẽ và thường xuyên.     

Nhiều nghiên cứu đánh giá “tính sử dụng thường xuyên” là yếu tố hàng đầu giúp không gian công cộng an toàn, có ích lợi, và có ý nghĩa xã hội nhân văn (Cooper, 1970, Whyte, 1980, Cooper Marcus and Wischemann, 1987, Whyte, 1988, Lofland, 1998, Francis, 2003). Không gian công cộng đã từng rất có ích và được sử dụng thường xuyên ở các thành phố châu Âu. Nhưng sự phát triển của phương tiện cơ giới, sự thay đổi phương thức sống, và sự ra đời các loại dịch vụ công cộng thay thế trong nhà đã khiến vai trò không gian công cộng giảm sút nhiều. 


Hoạt động thương mại của phố đi bộ Nam Kinh - Thượng Hải - Trung Quốc   

Hạn chế ảnh hưởng của phương tiện cơ giới

Giao thông cơ giới là thành tựu của thế kỷ 20 nhưng nó cũng làm thay đổi phương thức sống. Đô thị từ vai trò dành cho người đi bộ trở thành phục vụ xe cộ. Đường ô tô, parking, đường cao tốc, các khu mua bán tập trung, các khu ở xa trung tâm ngày càng nhiều, diện tích dành cho xe cộ ngày càng lấn át diện tích cho người đi bộ. Xã hội ngày càng mất dần giao tiếp giữa người và người khi phần lớn thời gian được dành cho lái xe. Gehl phân đô thị làm 3 loại: loại 1 là đô thị của con người – là các đô thị trước thời công nghiệp hóa; loại 2 là đô thị của xe cộ, vì xe cộ, trong thời công nghiệp hóa; loại 3 là đô thị mới – hậu công nghiệp – khi sự ảnh hưởng của xe cộ với đời sống con người được kiểm soát, đô thị trở lại phục vụ con người. Copenhagen, Đan Mạch và Melbourne, Úc là hai thành phố thuộc loại 3 (Gehl and Gemoze, 1996).

Ảnh hưởng tiêu cực của giao thông cơ giới đến đời sống công cộng được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định. Trong nghiên cứu quan sát người sử dụng không gian công cộng, Appleayard nhận thấy cường độ giao thông cơ giới tỷ lệ nghịch với các hoạt động giao tiếp và sử dụng không gian công cộng hai bên đường (Appleayard, 1981). Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy sự nguy hiểm của xe cơ giới khiến cha mẹ lo lắng đến nỗi không cho phép con cái đi bộ đến trường, cuối cùng càng làm tăng thêm cường độ giao thông (Hillman, 1996).

Ngay từ những năm 1930, người Anh và Mỹ đã nhận ra tác hại do bụi bặm và tiếng ồn của xe cộ đối với người đi bộ. Trong thiết kế khu ngoại ô Radburn ở New Jersey, Mỹ năm 1929 của Henry Wright và Clarence Stein, mô hình culs-de-sac [phố cụt] đã được áp dụng để xe cộ vào nhà từ phía sau, không gây ảnh hưởng đến lối đi bộ trước mặt (Whittick, 1974:300). Hiện vẫn còn tranh luận liệu mô hình culs-de-sac có thực sự cải thiện sự an toàn của khu vực. Dù mô hình trên được giảm được lưu lượng giao thông cơ giới và phù hợp với quan điểm của Newman (Newman, 1972), Coleman (Coleman, 1990) về lãnh thổ – không gian tự vệ [territoriality and defensible space] (sẽ nói kỹ hơn ở phần sau), quan điểm lo ngại cho rằng culs-de-sac là hình thức tách rời một khu vực ra khỏi xã hội, sẽ ít được xã hội quan tâm bản vệ, và do đó sẽ còn dễ bị xâm hại hơn các khu vực khác (B.  Hillier and Hanson, 1984, B. Hillier, 1996, Shu, 2000). Dù vậy, ở nhiều nước cấu trúc mạng lưới đường theo mô hình culs-de-sac nhằm hạn chế số nút giao cắt và lưu lượng giao thông cơ giới trong các khu ở ngoại ô đã có những bước tiến đáng kể.

Ở một số nơi tại châu Âu ngay từ những năm 1969, một số đường phố trong khu ở được xác định là home zone [khu nhà ở] để hạn chế hoạt động của xe cơ giới. Mô hình này có vẻ nổi trội ở Hà Lan dưới cái tên woonerf  (Williams and Green, 2001:15).

Sự tiến hóa của mạng lưới đường các khu ở ngoại ô phương Tây theo xu hướng sử dụng nhiều mô hình culs-de-sac. Nguồn: Southworth & Owens 1993, trích dẫn từ Southworth and Parthasarathy (Southworth and Parthasarathy, 1996:255)

Lãnh thổ & không gian tự vệ

Cơ sở cơ bản của thuyết lãnh thổ và không gian tự vệ là nghiên cứu của Newman, chứng minh rằng mâu thuẫn xã hội sẽ giảm nếu lãnh thổ của các cá nhân được phân định rõ ràng. Khi các không gian mang thông điệp rõ ràng về chủ quyền, người lạ sẽ ngần ngại xâm phạm, và do đó mâu thuẫn sẽ không xảy ra. Có thể có ba loại thông điệp về chủ quyền: sở hữu cá nhân, sở hữu mang tính cộng đồng, và sở hữu mang tính công cộng. Trong ba loại, sở hữu thể hiện thông điệp ‘không xâm phạm’ rõ nhất, trong khi sở hữu mang tính công cộng dễ bị xâm phạm nhất. Với không gian công cộng phải có các biện phòng ngừa thêm, ví dụ như sự giám sát xã hội, mới giảm được các xâm phạm tiêu cực. Ngoài ra để tránh mâu thuẫn giữa các nhóm khác nhau trong không gian công cộng, phải có thêm các giải pháp phân định rõ ràng lãnh thổ của các nhóm (Newman, 1972).

Tại Mỹ đã có thực nghiệm chứng tỏ tầm quan trọng của tính sở hữu tới sự an toàn. Người ta để 2 xe ô tô tương tự nhau ở một khu vực tương đối nhiều tội phạm, một xe có biển số và một xe không có biển số và tiến hành quan sát. Chỉ trong một thời ngắn, đã có nhiều thanh niên nhòm ngó vào chiếc xe không có biển kiểm soát và sau đó là đập phá, lấy cắp từng phần của chiến xe. Trong trường hợp này, biển kiểm soát là dấu hiệu quan trọng chỉ sự vô chủ và thiếu chăm sóc đến chiếc xe, vì thế nó dễ dàng bị xâm hại. Một nghiên cứu khác ở Anh về nhà ở năm 1996 cũng cho thấy, tại những khu ở mà có chất lượng không khí thấp, thì tỷ lệ tội phạm, rác thải, graffiti, đập phá cũng tăng vọt. Tại các khu này chất lượng môi trường nhà ở cá nhân cũng như không gian công cộng đều thấp. Có quan điểm cho rằng sự thiếu chăm sóc không gian cá nhân thể hiện sự thiếu quan tâm đến môi trường sống, càng làm các biểu hiện tiêu cực gia tăng (Williams and Green, 2001:11,12).

Trong thực tế, phân định ranh giới các khu bằng các hệ thống ký hiệu màu sắc biểu tượng kiến trúc, cây xanh, và vật liệu lát sàn là các giải pháp được áp dụng phổ biến trong thiết kế không gian công cộng. Phong trào thiết kế theo các lý thuyết trên khá phổ biến ở Bắc Mỹ, châu Âu, Anh, và Úc, và được biết đến dưới cái tên CPTED hay Crime Prevention Through Environmental Design [ngăn chặn tội phạm bằng thiết kế môi trường]. Nội dung cơ bản của loại hình thiết kế này là xác định các yếu tố nhạy cảm với tội phạm trong không gian đô thị để xác định các giải pháp phòng ngừa. Ví dụ như đóng các cửa hướng ra chỗ khuất, tạo thêm đèn chiếu sáng, lắp gương ở chỗ ngoặt, khuyến khích cửa hàng mở về đêm, mở cửa sổ ra không gian công cộng, hay xóa bỏ các nơi khuất tầm nhìn.
 

Docklands, Melbourne, Úc – các không gian công cộng được phân định một cách ước lệ thành nhiều khu vực lãnh thổ với những tính chất riêng bằng sự phân chia sàn nền, biểu tượng kiến trúc, cây xanh. Nguồn: Drake and Giannini (Drake and Giannini, 2003)

Tăng tiện nghi và tính hấp dẫn

Để làm nhiều người sử dụng không gian công cộng hơn, qua đó nâng cao tính an toàn, một giải pháp phổ biến là cải tạo nâng cao tiện nghi và tính hấp dẫn của không gian công cộng.

Trong các dự án cải tạo không gian công cộng tại trung tâm đô thị gần đây của Gehl Architects ApS (một tổ chức tư vấn có uy tín toàn cầu) tại Copenhagen, Melbourne, Sydney, hay Adelaide, mục tiêu chính không phải là hạn chế mà là giảm bớt ảnh hưởng hoạt động của xe cơ giới, chú trọng nâng cao tiện nghi, không gian sử dụng, và sự hấp dẫn của các loại hình giao thông khác như đi bộ, xe đạp, phương tiện công cộng. Hệ thống bãi đỗ xe được chú trọng phát triển để xe cộ không chiếm hết khoảng không của đường phố, không choán tầm nhìn của vỉa hè (Gehl and Gemoze, 2001, Gehl Architects ApS, 2002, Gehl Architects ApS, 2007).

Trong nghiên cứu khác, Jefferson cho rằng giao thông công cộng bánh ray (tàu điện, tàu điện trên cao) thân thiện với người đi bộ và môi trường hơn xe bus vì ít gây ô nhiễm, không phụ thuộc vào mạng đường sãn có, và có khả năng đưa nhiều người vào sâu trong công viên, góp phần gia tăng lượng sử dụng. Nghiên cứu của Comedia và Demos khẳng định khoảng cách từ nhà hoặc nơi tập trung người đến các không gian công cộng là yếu tố cơ bản quyết định sử dụng. Vì thế các không gian công cộng cần được chú trọng xây dựng cạnh các khu ở hay đầu mối giao thông tập trung, nơi có nhiều người, như trung tâm thương mại, thắng cảnh, bến xe. Giữa các không gian công cộng phải có sự liên kết mạnh về mặt giao thông. Tổ chức các tuyến đi bộ giữa các điểm tập trung đông người là giải pháp thường được tiến hành (Williams and Green, 2001:12).

Về mặt lý thuyết, Gehl cho rằng con người sử dụng không gian công cộng theo ba thể loại hành động khác nhau: một là hành động thiết yếu [compulsory activity]; hai là hành động phụ [optional activity]; và ba là hành động mang tính xã hội [social activity]. Trong ba thể loại trên, loại đầu, vì là thiết yếu, sẽ luôn diễn ra bất kể điều kiện bất lợi của môi trường, vì sự lựa chọn hết sức hạn chế. Hai loại sau chỉ diến ra khi người ta cảm thấy thích môi trường đô thị, muốn ở lại lâu hơn yêu cầu, và vì thế, được Gehl coi như là thước đo chất lượng không gian đô thị. Lập luận của Gehl là không gian công cộng có chất lượng càng cao nếu trong đó có càng nhiều các hoạt động mang tính phụ và xã hội. Vì thế, nghiên cứu và tìm ra các giải pháp thúc đẩy hoạt động phụ và xã hội là làm tăng chất lượng không gian công cộng, tất nhiên bao hàm cả việc gia tăng tính an toàn (Gehl, 1987).  

Xuất phát từ Appelayard và Whyte, phương pháp cơ bản hiện nay nhằm tăng tính tiện nghi và hấp dẫn của sử dụng là quan sát, phân tích cách con người sử dụng không gian công cộng, và tham vấn ý kiến cộng đồng. Thông qua quan sát, cả Whyte và Gehl đều nhận ra rằng, yếu tố quan trọng nhất lôi cuốn người ta sử dụng không gian công cộng chính là sự hiện diện của con người: people beget more people [người kéo nhiều người hơn], và vì vậy, các không gian nhỏ thường là những không gian sống động nhất với nhiều giao tiếp xã hội nhất (Whyte, 1980, Gehl, 1987).

Trái ngược với nhận định của không ít kiến trúc sư, sự kém hấp dẫn của nhiều không gian công cộng thường xuất phát từ các quan điểm nghệ thuật độc đáo, thậm chí của những người có uy tín nhất. Để phục vụ quan điểm của mình, nhiều kiến trúc sư đã bỏ qua nhu cầu sử dụng của người dân, khiến không gian công cộng trở nên mất tiện nghi và không thân thiện với con người. Một ví dụ mà Carr đưa ra là Boston City Hall Plaza: chỉ nhằm diễn tả sự hoành tráng, các KTS đã tạo ra một không gian công cộng ít sử dụng nhất. Nó quá rộng để nhìn thấy nhau, quá nóng khi trời nắng, quá gió để dừng lại, gần như không có chỗ ngồi, không có dịch vụ xung quanh, không có bất cứ lý do gì níu kéo người ta dừng lại (Carr et al., 1992:88,89).
 

Boston City Hall Plaza, một không gian công cộng kém hấp dẫn sử dụng, luôn vắng người. Nguồn: Elizabeth March, trích từ Carr (Carr et al., 1992:89)

Trả lời câu hỏi, người sử dụng quan tâm gì đến không gian công cộng nhất, qua nhiều quan sát, Carr và các nhà nghiên cứu khác đã tìm ra năm nhu cầu cơ bản nhất là: 1) comfort [tiện nghi]; 2) relaxation [thư giãn]; 3) passive engagement [tham dự bị động]; 4) active engagement [tham dự chủ động]; và 5) discovery [khám phá] (Carr et al., 1992). Francis về sau phát hiện thêm nhu cầu thứ sáu là fun [vui nhộn], được coi là không kém phần quan con trọng tạo nên sức hút và giá trị sử dụng của không gian công cộng (Francis, 2003). Trong số các nhu cầu trên thì an toàn được giải thích là điều kiện cơ bản của tiện nghi và thư giãn.

Dù đã có nhiều biện pháp được đề cập nhằm đáp ứng các nhu cầu kể trên, việc chọn lựa mức độ và các giải pháp cụ thể vẫn luôn là vấn đề trong thiết kế không gian công cộng. Theo quan điểm chung hiện hành, công việc lựa chọn tốt nhất nên tiến hành với sự tham dự của đông đảo những người liên quan đến không gian công cộng. Cơ sở cơ bản của quan điểm trên là khi mọi vấn đề được đưa ra thảo luận và quyết định từ trước, công tác phát triển không gian công cộng sẽ khả thi hơn, mâu thuẫn sẽ được giảm thiểu. Hai phong trào nổi bật PPS (project for public space) [dự án cho không gian công cộng] và Placemaking [tạo dựng nơi chốn] phổ biến ở Úc, thậm chí đặt ý nguyện của cộng đồng cao hơn vai trò kiến trúc sư. Trong hai phong trào này, dân chúng, nhà đầu tư, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia trở thành người trực tiếp tạo ra các không gian công cộng cho mình, theo đúng ước nguyện và nhu cầu sử dụng chung (Winikoff et al., 1995, Project for Public Spaces, 2006).



Giải pháp cho phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em và thiếu niên

Đặc điểm của phụ nữ là đối tượng dễ bị xâm hại bằng lời nói hay bạo hành ở những nơi công cộng. Không gian công cộng vì thế cần có những thay đổi bổ xung để phụ nữ có thể kiểm soát được môi trường xung quanh và phát hiện sớm các nguy hiểm. Tại Canada và châu Âu, đã hình thành những phong trào phụ nữ tham gia phát hiện, ghi lại những khu vực mất an toàn trong không gian công cộng để giúp chính quyền bổ xung các biện pháp tăng cường an ninh. Tầm nhìn và tầm nghe là hai chỉ số hay được áp dụng để xác định tính an toàn của một khu vực với phụ nữ (Kallus and Churchman, 2004). Tại Đài Loan, phụ nữ còn tổ chức các buổi hoạt động rầm rộ đề nghị chính quyền có các giải pháp thiết kế nhà vệ sinh công cộng an toàn hơn (Bih, 2006).

Với người khuyết tật, các cố gắng đều nhằm làm không gian công cộng dễ sử dụng, phù hợp, và an toàn hơn với đặc điểm của những đối tượng khiếm thị, khiếm thính, hay sử dụng xe lăn. Lối đi bộ thường được lát gạch đặc biệt để chỉ hướng đi cho người khiếm thị, tại vị trí các lối sang đường đều có đánh dấu bằng gạch lát đặc biệt. Nút bấm sang đường có tín hiệu rung và âm thanh hỗ trợ cho người khiếm thính và khiếm thị. Tại các nơi lên xuống vỉa hè đều có lát gạch chống trượt và dốc lên cho người đi xe lăn, xe đẩy, hoặc xe nôi. Nói chung các giải pháp này khá thông thường và được đề cập đầy đủ trong các quy chuẩn thiết kế.

Một nghiên cứu gần đây ở Scotland cho thấy trẻ em và thiếu niên thích chơi ở những nơi thể hiện cuộc sống xã hội hơn là những nơi được thiết kế xây dựng một cách nhân tạo cho các đối tượng này. Cửa hàng, đường phố, những nơi có các đồ vật lạ mắt như nơi chứa lốp xe hỏng, gốc cây chết, lại là các địa điểm gây sự tò mò chú ý của các đối tượng này (Esley, 2004:158). Để vừa đáp ứng nhu cầu chơi và khám phá của lứa tuổi này, có giải pháp ở Mỹ đưa ra là tổ chức các sân chơi nhỏ mang tính khám phá ngay cạnh đường phố hay các khu mua sắm. Các sân này bao gồm nhiều vật liệu rời như cát, lốp xe, sỏi, nước. Tuy nhiên, giảm thiểu sự có mặt của xe cơ giới nơi có sân chơi của trẻ em và thiếu niên vẫn là giải pháp cơ bản nhất đảm bảo an toàn cho các đối tượng này.


Ảnh : la.curbed.com/tags/public-art

Kết luận:   

An toàn trong không gian công cộng là một nhu cầu cơ bản của xã hội. Không gian công cộng sẽ trở nên an toàn hơn nếu tác dụng tiêu cực của giao thông cơ giới được hạn chế và mối liên hệ với xã hội được tăng cường. Để đạt được điều này, cần áp dụng các biện pháp điều chỉnh giao thông cơ giới, tăng cường giao thông công cộng. Không gian công cộng phải có tính hấp dẫn, tiện nghi, thân thiện hơn với người đi bộ. Nhu cầu của các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em và thiếu niên phải được đáp ứng bằng các giải pháp phù hợp.

Nghiên cứu về vấn đề an toàn trong không gian công cộng có rất nhiều tại nước ngoài nhưng còn khá hiếm hoi tại Việt Nam.

Với đặc thù đô thị Việt Nam hiện nay, có thể có nhận định rằng chúng ta hiện có sự giám sát xã hội khá mạnh tại đường phố dù chất lượng không gian công cộng còn thấp. Chỉ với các hoạt động mang tính thiết yếu, đường sá các đô thị tại Việt Nam đã chật người. Với phương tiện chủ yếu là xe máy, tốc độ thấp, tính con người vẫn nổi trội trên hầu hết các đường phố. Sự giám sát xã hội có phần yếu hơn tại các khu đô thị mới như Mỹ Đình, Hà Nội, khi bao xung quanh là các tuyến đường lớn, ít của hàng mặt phố, nhiều xe ô tô chạy nhanh, khiến tính con người bị xe cộ lấn át.

Tại các công viên, nhất là các công viên lớn, giám sát xã hội yếu nhất và chỉ thực sự có trong thời gian người dân tập thể dục. Việc tồn tại nhiều công trình bao quanh công viên với hàng rào đã giảm đáng kể sự tiếp cận bằng mắt và trực tiếp từ bên ngoài. Thêm vào đó, việc thu vé cửa, cũng làm giảm nhu cầu sử dụng công viên của người dân. Hầu như chưa có giải pháp phòng chống tội phạm tích cực tại các công viên của Việt Nam. Hầu như chưa có chương trình nào, ngoại trừ việc xây dựng phố thương mại đi bộ ở một số nơi, đề ra các giải pháp đồng bộ để nâng cao tiện nghi và tính hấp dẫn của không gian công cộng Việt Nam.

Hệ thống đường, ngõ, ngánh kiểu xương cá của nhiều đô thị Việt Nam, hình thành do phát triển tự phát, vô tình tạo ra mô hình culs-de-sac mà các nước đã mất nhiều công sức mới tạo được. Hiện chưa rõ sự an toàn của các khu ở theo mô hình culs-de-sac ở Việt Nam so với các khu nhà khác thế nào.

Nói tóm lại, dù đã có nhiều nghiên cứu đi trước trên thế giới về vấn đề an toàn trong không gian công cộng, chúng ta vẫn rất cần các nghiên cứu đánh giá cụ thể các trường hợp của Việt Nam. An toàn chỉ là một khía cạnh của không gian công cộng, nhưng là khía cạnh cần thiết nhất. Để đảm bảo không gian công cộng an toàn, cần rất nhiều các giải pháp đồng bộ để giải quyết các vấn đề liên quan./.

Danh mục trích dẫn:

APPLEAYARD, D. (1981) Livable streets, Berkeley, University of California Press.

ATKINSON, D. (1998) Totalitarianism and the street in fascist Rome. in FYFE, N. R. (Ed.) Images of the Street – Planning, identity and control in public space. London and New York, Routledge.

BANNISTER, J. & FYFE, N. (2001) Introduction: Fear and the City. Urban Studies, 38, 807-813.

BIH, H.-D. (2006) Women and Public Facilities in Taiwan – Revising Policies on Public Spaces. Women & Environments, Spring/Summer.

BRILL, M. (1989) Transformation, Nostalgia, and Illusion in Public Life and Public Place. in ALTMAN, I. & ZUBE, H. E. (Eds.) Public Places and Spaces. New York, Plenum Press.

CARR, S., FRANCIS, M., RIVLIN, G. L. & STONE, M. A. (1992) Public space, Cambridge [England] ; New York, NY, USA, Cambridge University Press.

COLEMAN, A. (1990) Utopia on Trial: Vision and Reality in Planned Housing. London, Hilary Shipman.

COOPER, C. (1970) Adventure Playgrounds. Landscape Architecture, 61, 18-29, 88-91.

COOPER MARCUS, C. & WISCHEMANN, T. (1987) Outdoor Spaces for Living and Learning Landscape Architecture, 78, 54-61.

DAWSON, A. (2006) Geography of Fear: Crime and the Transformation of Public Space in Post-apartheid South Africa. in LOW, M. S. & SMITH, N. (Eds.) The Politics of Public Space. New York; London, Routledge.

DRAKE, S. & GIANNINI, E. (2003) Docklands and the public realm. Architecture Australia, 92, 76-81.

ESLEY, S. (2004) Children’s Experience of Public Space. Children & Society, 18, 155-164.

FRANCIS, M. (1989) Control as a Dimension of Public-Space Quality. in ZUBE, E. H. A. M., GARY T. (Ed.) Advances in Environment, Behavior, and Design. New York, Plenum Press.

FRANCIS, M. (2003) Urban open space : designing for user needs, Washington, DC, Island Press.

FYFE, N. R. & BANNISTER, J. (1998) ‘The Eyes Upon the Street – Closed-Circuit Television Surveillance and the City. in FYFE, N. R. (Ed.) Images of the Street – Planning, identity and control in public space. London and New York, Routledge.

GEHL ARCHITECTS APS (2002) Public Spaces and Public Life – City of Adelaide : 2002. Adelaide, Australia.

GEHL ARCHITECTS APS (2007) Public Spaces – Public Life Sydney 2007. Sydney. 

GEHL, J. (1987) Life between buildings : using public space, New York, Van Nostrand Reinhold.

GEHL, J. & GEMOZE, L. (1996) Public Spaces Public Life, Copenhagen, Danish Architectural Press.

GEHL, J. & GEMOZE, L. (2001) New City Spaces, Copenhagen, Danish Architectural Press.

HERBERT, S. (1998) Policing Contested Space – On Patrol at Smiley and Houser. in FYFE, N. R. (Ed.) Images of the Street – Planning, identity and control in public space. London and New York, Routledge.

HILLIER, B. (1996) Space is the Machine, Cambridge, Cambridge University Press.

HILLIER, B. & HANSON, J. (1984) The Social Logic of Space, Cambridge, Cambridge University Press.

HILLMAN, M. (1996) In favour of the compact city. in JENKS, M., BURTON, E. & WILLIAMS, K. (Eds.) The Compact City: A Sustainable Urban Form? London, E&FN Spon.

JACOBS, J. M. (1961) The Death and Life of Great American Cities, New York, Random House.

KALLUS, R. & CHURCHMAN, A. (2004) Women’s Struggle for Urban Safety. The Canadian Experience and its Applicability to the Israel Context. Planning Theory & Practice, 5, 197-215.

LIGHT, A. & SMITH, J. M. (Eds.) (1998) The Production of Public Space, Lanham; Boulder; New York; Oxford, Rowman & Littlefield Publishers, Inc.

LOFLAND, L. (1998) The Public Realm: Exploring the City’s Quintessential Social Territory, New York, Aldine De Gruyter.

LYNES, R. (1981) Utopia Wasn’t Yesterday – Things aren’t what they were-and they never have been. in TAYLOR, L. & COOPER-HEWITT MUSEUM. (Eds.) Urban open spaces. Rev. ed. New York, Rizzoli.

NEWMAN, O. (1972) Defensible Space: People and Design in the Violent City, London, Architectural Press.

PROJECT FOR PUBLIC SPACES (2006) Eleven Principles for Creating Great Community Places.

SHU, S. C. F. (2000) Housing layout and crime vulnerability. Urban Design International, 5, 177-188.

SIEBEL, W. & WEHRHEIM, J. (2006) Security and the Urban Public Sphere. German Policy Studies, 3, 19-46.

SILVERMAN, E. B. & DELLA-GIUSTINA, J.-A. (2001) Urban Policing and the Fear of Crime. Urban Studies, 38.

SOUTHWORTH, M. & PARTHASARATHY, B. (1996) The Suburban Public Realm I: Its Emergence, Growth and Transformation in the American Metropolis. Journal of Urban Design, 1, 245-263.

WHITTICK, A. (1974) Encyclopedia of urban planning, New York, McGraw-Hill Book Company.

WHYTE, W. H. (1980) The social life of small urban spaces, Washington DC., The Conservation Foundation.

WHYTE, W. H. (1988) City – Rediscovering the centre, New York, Doubleday.

WILLIAMS, K. & GREEN, S. (2001) Literature Review of Public Space and Local Environments for the Cross Cutting Review. Department for Transport, Local Government and the Regions – Research Analysis and Evaluation Division, Oxford Centre for Sustainable Development, Oxford Brookes University.

WINIKOFF, T., BARNES, L., MURPHY, C. & NICHOLSON, A. M. (Eds.) (1995) Places not Spaces – Placemaking in Australia, Sydney, Environment Book Publishing.

YESIL, B. (2006) Watching ourselves – Video surveillance, urban space, and self-responsibilization. Cultural Studies, 20, 400-416. 

Nguyễn Thanh Bình

[ Chuyên đề : Không gian công cộng

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm


Loading...