Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Sự kiện Khánh thành cầu Rạch Miễu

Khánh thành cầu Rạch Miễu

Viết email In

Sáng nay (19-1) cầu Rạch Miễu - cầu dây văng đầu tiên do kỹ sư và công nhân VN thiết kế, thi công - chính thức khánh thành. Đây là công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long, nhất là đối với tỉnh Bến Tre.

  • Ảnh bên : Ngày 18-1, các em học sinh đã đi bộ qua cầu Rạch Miễu và không giấu được sự phấn khích - Ảnh: V.TR.

Với những người thợ xây cầu VN, cầu Rạch Miễu là công trình đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của họ. Khi bắt tay xây dựng cây cầu này họ gặp muôn vàn khó khăn, nhất là chưa có kinh nghiệm làm cầu dây văng. Nhưng cũng chính từ đó, trí tuệ Việt đã liên tục “sinh sôi nảy nở”, giúp họ hoàn thành dự án.

“Cái khó ló cái khôn”

Tháng 10-2003, kỹ sư trẻ Võ Công Giang khi đó mới 27 tuổi (chỉ huy công trường thi công trụ tháp T.18 thuộc Công ty cổ phần Cầu 12) là một trong những người đầu tiên có mặt tại công trường cầu Rạch Miễu. Ngày 17-1-2009, khi cùng chúng tôi bách bộ trên cầu Rạch Miễu, Giang tâm sự: “Đây là cây cầu lớn nhất, có ý nghĩa nhất đối với nghề làm cầu của cá nhân tôi. Lẽ ra giờ này tôi đã về Hà Tĩnh ăn tết với gia đình, nhưng tôi ở lại thêm vài ngày để chứng kiến sự kiện khánh thành”.

Công ty cổ phần cầu 12 và 14 (Cienco1) là hai đơn vị được giao thi công những hạng mục quan trọng nhất của cầu Rạch Miễu. Kỹ sư Nguyễn Duy Thắng, nguyên giám đốc Ban điều hành dự án cầu Rạch Miễu - Cienco1, nói hồi mới nhận nhiệm vụ hầu như ai cũng rất lo lắng. Việc thiết kế do Tổng công ty Tư vấn thiết kế Bộ GTVT (TEDI) thực hiện, nhưng quá trình triển khai thi công thực tế mới cho thấy hết những khó khăn. Hầu hết kỹ sư và công nhân của hai đơn vị này chưa từng làm những hạng mục quan trọng của cầu dây văng, nên khi thi công phải tuân theo nguyên tắc vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thắng nói: “Mỗi lần tính toán phương án thi công, anh em chúng tôi thường nói khích với nhau rằng chẳng lẽ Nhật, Úc, Mỹ làm được cầu dây văng mà mình không làm được. Có lẽ vì lòng tự ái dân tộc mà ai cũng động não rất nhiều và đưa ra những sáng kiến có giá trị”.

  • Ảnh bên : Cầu Rạch Miễu nối liền Tiền Giang với Bến Tre - Ảnh: V.TR.

Theo kỹ sư Giang, trong công đoạn xây dựng trụ tháp dây văng cao 106m, các kỹ sư của Cienco1 có sáng kiến thiết kế xe leo tự nâng để đúc thân trụ theo nguyên tắc “bám vào đốt này và đúc đốt tiếp theo”. Giang cho biết thiết kế thi công ban đầu chỉ nói chung chung là dùng xe leo chứ không nói rõ xe này hình thù ra sao, thiết kế, vận hành thế nào. Rồi các kỹ sư tại công trường tự mày mò thiết kế, lắp ráp xe leo theo sự hiểu biết của mình. Giang khẳng định xe leo của các anh thiết kế có thể đúc được những trụ tháp cao hàng trăm mét mà không gặp khó khăn gì. Tuy nhiên, việc đúc trụ tháp ở độ cao trên dưới 100m trong điều kiện gió mạnh cấp 5, cấp 6 như tại công trình cầu Rạch Miễu thật sự là thử thách đối với công nhân.

Theo kỹ sư Trần Phú Vịnh - Công ty cổ phần Cầu 14, mỗi lần đúc một đốt của trụ tháp cần tới 50m3 bêtông. Hệ thống cẩu tại công trường chỉ có thể cẩu được 1,5m3 bêtông/lần, thời gian di chuyển từ dưới bệ trụ tháp lên và ngược lại mất 20 phút, nên thi công rất khó khăn và nguy hiểm. “Thời gian đổ bêtông đúc một đốt trụ tháp phải mất trung bình 5-7 giờ, nhưng nếu gặp gió to hoặc mưa thì phải mất cả ngày. Chúng tôi phải cảm ơn những công nhân làm việc trên cao. Nếu không có những người như họ thì sẽ rất khó xây được trụ tháp cao chọc trời như vậy” - Vịnh nói.

Chuyên gia Esko (người Phần Lan) khi đến chuyển giao công nghệ đúc dầm dây văng cầu Rạch Miễu đã tỏ ra ngạc nhiên và bày tỏ sự thán phục khi nghe các kỹ sư của TEDI và Cienco1 đưa ra phương án đúc dầm dây văng không cần hệ trụ tạm mà chỉ cần dùng dây cáp neo ngược vào bệ trụ tháp. Cuối năm 2006, gặp chúng tôi trên công trường, Esko cứ nhắc đi nhắc lại sáng kiến rất hay của các kỹ sư VN. “Họ rất tuyệt vời” - chuyên gia Esko kết luận.

Esko cũng đánh giá rất cao sáng kiến của kỹ sư Võ Công Giang khi thiết kế thi công dầm dây văng khối K0. Khối dầm này nặng tới 1.400 tấn. Thiết kế đề xuất sử dụng hệ đà giáo dầm Y. Tuy nhiên, Giang lại cho rằng sử dụng ống vách bằng thép để làm đà giáo thì tốt hơn. Theo tính toán của Giang, ống vách có nhiều ưu điểm: dễ làm, khả năng chịu lực lớn và đặc biệt là không bị lún nên rất an toàn. Được chuyên gia và đồng nghiệp ủng hộ, biện pháp thi công của Giang được ứng dụng và thực tế chứng minh là rất hiệu quả.

Trong quá trình thi công cầu số 2 (từ cù lao Thới Sơn qua đất liền Bến Tre), Giang lại đưa ra đề xuất táo bạo “đúc dầm cầu mà không cần trụ tạm”. Rất nhiều đồng nghiệp không đồng tình với ý tưởng có vẻ rất “nguy hiểm” này. Nhưng khi Giang chứng minh được biện pháp thay trụ tạm bằng hệ thống đà giáo tam giác neo vào thân trụ vẫn đảm bảo an toàn khi thi công và tiết kiệm được tới 400-500 triệu đồng so với biện pháp lắp trụ tạm, mọi người mới dè dặt đồng ý cho áp dụng. Cuối tháng 1-2008, cầu số 2 hợp long thành công với việc ứng dụng sáng kiến của Giang.

  • Kỹ sư Võ Công Giang (bìa phải) cùng đồng nghiệp bên công trình cầu Rạch Miễu - Ảnh: V.TR.


Kỷ niệm đẹp...

Kỹ sư Trần Phú Vịnh cho biết hơn hai năm gắn bó với công trình cầu Rạch Miễu, anh đã ghi lại hàng chục sự kiện và rất nhiều kỷ niệm đẹp. Theo kế hoạch của Bộ GTVT, 8g sáng 20-8-2008 sẽ làm lễ hợp long cầu Rạch Miễu. Thế nhưng lúc này hệ thống cáp dây văng chỉ mới lắp vào vị trí chứ chưa căng kéo, nên việc hàng trăm người có mặt cùng lúc ở giữa cầu lúc đó rất nguy hiểm.

Từ sáng sớm 19-8-2008, Vịnh và Giang cùng hơn 30 kỹ sư, công nhân chui vào dầm cầu để lắp và căng bó cáp số 12 với mục đích giúp nhịp giữa đủ lực chịu tải trọng lớn, đảm bảo an toàn cho buổi lễ. “Do bó cáp dài 112m và có tới 19 sợi nên việc luồn cáp và căng cáp trong phạm vi hẹp rất khó khăn. Anh em phải ở trong đó suốt 24/24 giờ, vừa làm vừa run vì sợ không kịp. Cũng may là đến 4g sáng 20-8 chúng tôi đã hoàn thành việc căng cáp và thu dọn xong lúc 6g sáng. Khi buổi lễ thành công và an toàn tuyệt đối, tôi và Giang mới dám... cười” - Vịnh kể.

Một “kỳ tích” nữa mà các kỹ sư và công nhân xây dựng trụ tháp dây văng không thể quên là hạng mục hạ xe đúc dầm sau khi hợp long. Theo thiết kế, việc hạ xe đúc nặng 80 tấn phải dùng kích không tâm và cáp dự ứng lực với thời gian thực hiện là một tuần. Trong thời gian hạ xe đúc phải điều tiết giao thông thủy rất phức tạp và có khả năng gây ùn tắc. Các kỹ sư Công ty cổ phần cầu 12 và 14 bàn với nhau sử dụng múp và tời để hạ xe đúc xuống sà lan thay vì dùng kích. Thực tế chỉ mất ba giờ để hạ xong xe đúc khổng lồ này, tránh được ùn tắc giao thông thủy trên sông Tiền.

Trưởng thành vượt bậc!

Cầu Rạch Miễu nằm trên quốc lộ 60 bắc qua sông Tiền, cách bến phà hiện hữu khoảng 1km về phía thượng lưu. Dự án cầu Rạch Miễu có tổng chiều dài 8.331m, trong đó cầu dây văng dài 504m, phần cầu dẫn dài 2.374m, phần đường và nút giao thông dài 5.372m. Đây là chiếc cầu dây văng lớn thứ ba được xây dựng ở đồng bằng sông Cửu Long (cầu Mỹ Thuận do Úc thiết kế và thi công, cầu Cần Thơ do Nhật thiết kế và thi công) và Rạch Miễu là cây cầu đầu tiên do chính các kỹ sư VN thiết kế và thi công theo công nghệ mới.

Ông Nguyễn Thành Nam - tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) - cho biết cầu Rạch Miễu được Thủ tướng và Bộ Giao thông vận tải chấp thuận xây dựng bằng nguồn vốn và nội lực VN. Đây là chiếc cầu dây văng do Tổng công ty Tư vấn thiết kế (TEDI - Bộ Giao thông vận tải) đảm nhiệm thiết kế và giám sát, còn nhà thầu thi công là các tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, 5 và 6 (Bộ Giao thông vận tải).

Theo TEDI, thiết kế cầu dây văng đòi hỏi phải sử dụng công nghệ mới và điều này còn rất mới ở VN. Tuy nhiên, đơn vị này đã có kinh nghiệm từ thiết kế cầu dây văng ở dự án cầu Mỹ Thuận (được đào tạo, chuyển giao), cầu Kiền (quốc lộ 1), cầu Bãi Cháy (tham gia liên danh thiết kế) nên đã rút được nhiều kinh nghiệm. Đối với cầu Rạch Miễu, TEDI hoàn toàn chủ động trong khâu thiết kế, giám sát, thi công xây lắp, thử tải, bố trí hệ thống quan trắc theo dõi phục vụ thi công… Có thể nói việc thiết kế cầu dây văng với trụ tháp cao gần 110m và nhịp cầu dài hàng trăm mét là bước đột phá lớn trong kỹ thuật làm cầu ở VN.

Ông Nguyễn Đình Tuy - giám đốc Công ty cổ phần Cầu 14 (thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1), đơn vị thi công chính nhịp dây văng dài 270m - nói rằng khác với các cây cầu khác thi công nhịp dầm cứng, còn cầu Rạch Miễu thi công dây văng - dầm mềm, đặc biệt phải bảo đảm sơ đồ chịu lực theo thiết kế rất chặt chẽ.

Cụ thể, trong quá trình thi công có đến bốn lần điều chỉnh lực căng kéo dây cáp: lúc đổ bêtông lần một và lắp dây cáp vừa xong là phải căng cáp lần thứ nhất, lúc đổ bêtông lần hai căng dây cáp tiếp lần hai, trong thời gian thi công nếu có sự thay đổi về lực căng và độ võng thì tiếp tục điều chỉnh cáp, khi hợp long cầu xong tiếp tục điều chỉnh; sau khi hoàn chỉnh lan can, chiếu sáng, thảm bêtông mặt cầu (kết thúc phần tĩnh tại - tải trọng) thì điều chỉnh cáp dây văng lần cuối cùng. Cầu Rạch Miễu được thi công trên vùng sông nước gần biển có gió lớn và phải căng cáp dây văng trên trụ tháp cao gần 110m nên đòi hỏi thời gian thi công kéo dài hơn so với các công trình xây cầu bình thường khác. Việc hoàn thành chiếc cầu này là bước trưởng thành về tay nghề của kỹ sư và công nhân VN.

Trong quá trình xây dựng cầu, vào lúc cao điểm có hơn 600 kỹ sư và công nhân VN thi công và chỉ có một số kỹ sư, chuyên gia nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ phần thi công dây văng. Theo ông Nguyễn Đình Tuy, từ công trình này những kỹ sư và công nhân VN có thể thi công những chiếc cầu lớn như cầu Cần Thơ.

Ngọc Ẩn

 

Cầu Rạch Miễu: Sáu năm đáng nhớ

Nhân sự kiện lớn này của Đồng bằng sông Cửu Long, phóng viên TTO xin điểm lại những cột mốc đáng nhớ của công trình lịch sử này từ ngày khởi công cho đến ngày khánh thành.


Ngày 30-4-2002 các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã phát lệnh khởi công dự án cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền trên QL60 nối liền “ốc đảo” Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và cả nước.


Sau khi khởi công trở lại, cầu Rạch Miễu được đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến tháng 2-2005 các cọc khoan nhồi hai trụ tháp dây văng T.18 và T.19 đã được thi công gần xong.


Ngày 26-8-2005, Công ty CP Bê tông 620 Châu Thới tiến hành lao dầm hai nhịp đầu tiên của công trình cầu Rạch Miễu phía bờ Tiền Giang.


Sau khi hoàn thành hạng mục bệ trụ tháp, ngày 2-9-2005 Công ty CP Cầu 12 (Cienco1) đã đổ mẻ bê tông đầu tiên xây dựng trụ tháp dây văng T.18 có chiều cao tới 106m.


Ngày 9-10-2005, đến thăm công trình cầu Rạch Miễu, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đề nghị đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân VN phải phát huy tối đa khả năng sáng tạo của người Việt để hoàn thành công trình cầu dây văng “Made in Việt Nam” đúng tiến độ, chất lượng cao, thẩm mỹ.


Khi hai trụ tháp dây văng bắt đầu định hình, chuyên gia Esko (người Phần Lan) có mặt để chuyển giao công nghệ đúc dầm dây văng. Ảnh chụp ngày 9-6-2006.


Tháng 7-2007, hai trụ tháp dây văng T.18 và T.19 cơ bản được xây dựng xong. Công ty CP cầu 12 và 14 bắt đầu thi công hạng mục phức tạp khác là đúc dầm cầu dây văng bằng kỹ thuật đúc hẫng với sự hỗ trợ về kỹ thuật của chuyên gia nước ngoài.


Ngày 14-7-2007, Công ty VSL VN tiến hành căng bó cáp dây văng đầu tiên tại trụ tháp T.19.



Đầu năm 2008, chiếc cầu dây văng Rạch Miễu dần được định hình, như hai chiếc quạt khổng lồ đang xòe ra trên sông Tiền. Ảnh chụp ngày 30-1-2008.


Trí tuệ Việt trên công trường cầu Rạch Miễu. Ảnh chụp ngày 1-5-2008



Ngày 20-8-2008, cầu Rạch Miễu được hợp long trong niềm hạnh phúc vô bờ của hàng chục triệu dân tỉnh Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL.


Năm tháng sau, tháng 1-2009, công trình cầu Rạch Miễu đã hoàn thành. Một ngày trước lễ khánh thành, nhiều trẻ em tỉnh Bến Tre vinh dự được đặt chân lên cầu Rạch Miễu tham quan. Bọn trẻ đã nhảy cẫng lên vì hạnh phúc. Từ nay, con đường từ Bến Tre đến TP.HCM và các địa phương khác đã gần hơn rất nhiều.


Cầu Rạch Miễu như con rồng vươn mình qua sông Tiền

VÂN TRƯỜNG thực hiện 

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo