Ngày Định cư Thế giới / World Habitat Day 2012

Thứ hai, 01 Tháng 10 2012 15:22
In

Chúng ta đang sống ở một thế kỷ của đô thị khi tổng dân số thế giới là 7 tỷ 21 triệu người trong đó có hơn 50% người dân sống ở đô thị. Ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, tỷ lệ đô thị hóa là 42,2%. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, đến năm 2025, Châu Á ước tính sẽ có hơn 50% dân số sinh sống ở các đô thị, và các xu hướng cho thấy con số này sẽ tăng lên hai phần ba dân số thế giới trong vòng hai thế hệ tiếp theo.

Tại Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa hiện nay là 30,4% với dân số đô thị chiếm khoảng 27 triệu người và tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 50% vào năm 2040. Với tốc độ tăng GDP tại các khu vực đô thị khoảng 12,6% và đóng góp gần 70% trong tổng GDP quốc gia, các đô thị Việt Nam đang đóng vai trò động lực trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đô thị hóa nhanh cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ cho cuộc sống đô thị:

Những thành phố là động lực của sự phát triển. Những thành phố cũng là nơi biến những giấc mơ thành hiện thực. Chính vì vậy, một thành phố được quy hoạch tốt, phát triển bền vững, giải quyết được những thách thức của đô thị hóa sẽ tạo ra những cơ hội sống tốt hơn cho những con người hiện đang và sẽ sinh sống ở những thành phố đó.

Phát triển đô thị bền vững là phát triển một cách toàn diện, bao gồm 6 lĩnh vực mà các thành phố tùy thuộc và điều kiện và khả năng của mình để ưu tiên phát triển. Đó có thể là thành phố với năng lực thích ứng cao, được chuẩn bị tốt để ứng phó với những rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Đó là thành phố xanh, chú trọng đến việc phát triển với lượng phát thải carbon thấp và thân thiện với môi trường. Hay một thành phố an toàn và khỏe mạnh với môi trường sống tốt, đưa ra được những giải pháp cho những thách thức mà đô thị hóa đặt ra, đưa ra những chương trình nghị sự liên quan đến kinh tế, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, an ninh lương thực... Đó là thành phố bình đẳng mà phụ nữ, trẻ em, những người nghèo, những người dễ bị tổn thương được đối xử bình đẳng, được tham gia vào tất cả những hoạt động của xã hội mà không có sự phân biệt nào. Một thành phố, để phát triển bền vững, còn phải gắn với một quá trình ra quyết định có sự tham gia và khuôn khổ thể chế chú trọng đến việc cân đối những nhu cầu về kinh tế, xã hội và môi trường. Một thành phố hiệu quả tạo ra nhiều cơ hội hơn cho dân cư thành phố tham gia vào những hoạt động phát triển sinh kế và và nắm bắt những cơ hội để phát triển kinh tế. Có thể thấy được, vai trò của các kiến trúc sư là hết sức quan trọng trong việc quy hoạch và xây dựng các đô thị của Việt Nam từng bước hướng tới sự phát triển bền vững trong mỗi lĩnh vực này.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã khởi xướng Chiến lược tăng trưởng xanh 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó khẳng định: Tăng trưởng xanh tại Việt Nam dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Tăng trưởng xanh nhằm mục tiêu khai thác lợi thế so sánh, tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh thông qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xoá đói, giảm nghèo, và tạo ra động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

UN-HABITAT Việt Nam hiện đang phối hợp các thành phố để tổ chức những khóa tập huấn về tăng trưởng xanh và quy hoạch đô thị sinh thái nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương để tham gia đóng góp vào sự phát triển đô thị bền vững.

Nhân Ngày Định cư Thế giới 01/10/2012, chúng tôi hi vọng tất cả chúng ta sẽ chung tay thay đổi các thành phố nơi mình đang sống để phát triển những thành phố tươi đẹp hơn, mang đến cơ hội sống tốt hơn cho tất cả mọi người.

TS Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-HABITAT)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: