Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam đã đề xuất ý tưởng thành lập một mạng lưới theo dõi, phát huy, bảo tồn giá trị di sản thế giới ở khu vực Đông Nam Á nhằm mục đích nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với di sản, chung tay góp sức bảo vệ môi trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch một cách bền vững.
Đề xuất trên được Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam đưa ra tại Hội thảo "Công ước 1972 và phát triển bền vững gắn kết với chương trình con người và sinh quyển" diễn ra ngày 11/9 tại tỉnh Ninh Bình.
Hội thảo do Trung tâm Di sản thế giới phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức nhằm mục đích khuyến nghị các quốc gia thành viên có kế hoạch bảo vệ lâu dài và phát huy những giá trị của di sản gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Kishore Rao, Giám đốc Trung tâm di sản Thế giới của UNESCO nhấn mạnh, từ khi Công ước 1972 ra đời đã có 192 quốc gia trên thế giới tham gia ký kết nhằm điều chỉnh các hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đồng thời góp phần tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư.
Các ý kiến phát biểu tại hội thảo cho rằng, công tác bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là trong bối cảnh mối đe dọa của biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày một nghiêm trọng, khó lường.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản là một hoạt động không chỉ mang tính hành chính đơn thuần mà tự thân nó là một hoạt động khoa học mang tính chuyên sâu. Những công việc như nghiên cứu để hiểu giá trị các di sản, giám định di vật, cổ vật, nghiên cứu đề xuất các biện pháp bảo quản... đòi hỏi sự chung tay, góp sức của đội ngũ những người am hiểu chuyên môn, có kinh nghiệm, từ đó nâng cao lòng tự hào về truyền thống dân tộc.
Để phát triển bền vững, đòi hỏi các quốc gia thành viên phải xây dựng quy hoạch đồng bộ, thiết lập hệ thống theo dõi quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội để việc phát triển không quá nóng, không gây tác động xấu đến di sản. Cần phải có những biện pháp hữu hiệu để cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch.
Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Cao Phong nhận định, 25 năm qua, Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả Công ước 1972 về việc bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới đến các Bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương. Nhiều chủ trương, chính sách của nhà nước liên quan đến lĩnh vực này đã được triển khai sâu rộng, một mặt góp phần quảng bá hình ảnh của UNESCO, mặt khác góp phần gìn giữ tinh hoa của dân tộc cho các thế hệ con cháu mai sau./.
Vũ Anh Minh - Ảnh: Minh Đức (TTXVN)
- Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 47
- Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Dự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa”
- Hội thảo về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ xanh
- Diễn đàn Không gian Địa lý châu Á năm 2012 tại Hà Nội
- Triển lãm Quốc tế Vietbuild 2012 tại TP.HCM (đợt 2)
- Tuần lễ Mua sắm Nội thất lần thứ 2 (2012)
- Triển lãm “Christiane Baumgartner - Khắc gỗ trong thời đại kỹ thuật số”
- Triển lãm tranh khắc về nông dân của Henri Oger
- Hội thảo đối thoại và chia sẻ thông tin về biến đổi khí hậu khu vực phía Bắc
- Hội thảo "Thi hành pháp luật về đất đai ở Việt Nam hiện nay"