Ashui.com

Wednesday
Apr 17th
Home Tin tức Sự kiện Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 47

Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 47

Viết email In

Làm thế nào để bảo vệ các di tích, di vật dưới mặt nước (sông ngòi, biển cả,...) đang là vấn đề đặt ra đối với ngành khảo cổ học, trong khi ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam chưa được thành lập và công tác quy hoạch khảo cổ học đang còn chưa được quan tâm đúng mức.  

Nhiều phát hiện khảo cổ có giá trị 

Sáng 27/9, Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 47 đã khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị là nơi để các nhà khảo cổ học trên toàn quốc giới thiệu về các công trình, phát hiện mới về khảo cổ. 


Lễ khai mạc Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 47 (diễn ra trong hai ngày 27 và 28/9/2012.) 

Tại Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 47, Ban tổ chức đã nhận được 481 thông báo, bài viết của các tác giả trong và ngoài nước về các công trình nghiên cứu, phát hiện mới về khảo cổ. 

Các thông báo này được phân bố trong 4 tiểu ban: khảo cổ học Thời đại đá (66 bài viết, 2 chương trình điều tra, giám sát và khai quật); khảo cổ học Thời đại kim khí (69 bài viết với 8 cuộc khai quật); khảo cổ học Lịch sử (310 bài viết và 15 cuộc khai quật) và khảo cổ học Chăm Pa – Óc Eo (36 bài viết và 4 cuộc khai quật, khảo sát).

Trong số đó có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết và các cuộc điều tra, khai quật có giá trị to lớn như: Chương trình nghiên cứu lớn của Ban Quản lý di tích Tràng An (Ninh Bình) phối hợp với Viện Khảo cổ học điều tra phát hiện mới 21 địa điểm hang động, niên đại kéo dài liên tục từ khoảng 20.000 – 4000 năm cách ngày nay; Sở VH-TT&DL Lai Châu phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật, di dời 7 di tích khảo cổ học ra khỏi lòng hồ thủy điện Huậy Quảng đã phát hiện thêm nhiều di tích, di vật mới; Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thăm dò tại khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã phát hiện thêm nhiều tư liệu quý giá và các dấu tích xưa của Hoàng thành...

Hầu hết số lượng và nội dung các thông báo tại Hội nghị đã bám sát các chương trình nghiên cứu lớn, các cuộc khai quật, điều tra, thăm dò, thám sát cùng các phát hiện, nghiên cứu về di tích di vật đã bổ sung những tư liệu mới có giá trị đối với các ngành khảo cổ học, sử học, văn hóa học...

Đánh giá về ý nghĩa của các công trình, thông báo phát hiện khảo cổ học tại hội nghị lần này, PGS.TS. Tống Trung Tín – Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: “Từ vài năm nay, tôi thường dự đoán rằng các bài thông báo tại Hội nghị sẽ dần giảm đi. Tuy nhiên con số thống kê đến trước ngày khai mạc là trên 474 bài. Điều đó chứng tỏ nỗ lực không ngừng của các nhà khảo cổ học. Nó cũng chứng tỏ sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà khoa học và tất cả các nhà nghiên cứu liên quan quan tâm tới khảo cổ học”.

“Thông báo nhiều, hiển nhiên, lượng thông tin khoa học đem lại sẽ là rất lớn, trong đó có nhiều phát hiện có giá trị khoa học rất cao”, PGS. TS. Tống Trung Tín khẳng định. 

Khó bảo vệ di sản dưới mặt nước

Tuy nhiên, cũng tại Hội nghị khảo cổ học lần thứ 47, một vấn đề khác cũng được nhiều nhà khảo cổ học quan tâm đó là làm thế nào để có thể bảo vệ những di tích, di vật còn sót lại ở dưới mặt nước. 

Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS. Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học bày tỏ lo ngại: Hiện nay, chúng ta đang theo dõi sự kiện ngư dân ào ạt mò vớt di vật trên con tàu đắm cổ Bình Châu (Quảng Ngãi) và việc UBND tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực đôn đốc công tác bảo vệ và chuẩn bị khai quật tàu bị đắm. Ở Hội nghị này, chúng ta cũng nghe Bảo tàng Nghệ An báo cáo về các trường hợp một người dân tự mò vớt được 2 khẩu súng thần công lớn được xem là thuộc một chiến hạm lớn thời Lê – Trịnh đắm trong lòng sông Lam. 

Điều đó một mặt cho thấy tiềm năng to lớn của khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam, nhưng mặt khác nó cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo: Làm thế nào để bảo vệ các di tích, di vật ở dưới mặt nước từ các sông cho đến các vùng biển khơi xa trong điều kiện ngành khảo cổ học dưới nước Việt Nam chưa được thành lập. 

Để giải quyết vấn đề trên, theo PGS.TS. Tống Trung Tín cần phải nhanh chóng tiến hành công tác quy hoạch khảo cổ học. 

Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS. Tống Trung Tín thì tiến độ quy hoạch khảo cổ học hiện nay còn chưa được quan tâm đúng mức và tiến độ còn chậm: “Năm ngoái, đơn vị tiên phong đó là UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo làm công tác quy hoạch khảo cổ học. Nhưng đến này công tác này rất chậm và ít ỏi. Nếu không hành động gấp, các di chỉ khảo cổ rất mong manh trong xã hội hiện đại sẽ biến mất rất nhanh”. 

(TT&VH) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo