Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tin tức Sự kiện Triển lãm 6 đồ án tiêu biểu tại cuộc thi kiến trúc, bảo tồn Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (Hoàng thành Thăng Long)

Triển lãm 6 đồ án tiêu biểu tại cuộc thi kiến trúc, bảo tồn Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (Hoàng thành Thăng Long)

Viết email In

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội theo quyết định số 2708/QĐ-UBND ngày 18/04/2013, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị - Đại học Xây dựng đã tổ chức “Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”


Buổi bảo vệ của các đơn vị tư vấn vào vòng 3, ngày 26/4/2014 (ảnh: Ashui.com) 

Cuộc thi tuyển nhằm chọn phương án thiết kế tốt nhất đảm bảo các nguyên tắc chung: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; Kiến trúc hài hòa với các công trình liền kề và cảnh quan chung của khu vực, tiến tới xây dựng một công viên Lịch sử - Văn hóa Hoàng thành Thăng Long, tôn vinh giá trị khu di sản.” 

Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo các đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc trong và ngoài nước, đến ngày 18/04/2014, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 24 đồ án tham gia của 23 đơn vị trong nước và quốc tế.

Để đánh giá, xếp hạng các phương án dự thi, Hội đồng thi tuyển bao gồm các chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc về lĩnh vực Kiến trúc, Quy hoạch, Văn hóa lịch sử, Bảo tồn và Khảo cổ học đã tiến hành chấm chọn từ ngày 21/4/2014 đến 26/4/2014. Với tinh thần nghiêm túc, công bằng và chuyên nghiệp qua 3 vòng chấm, hội đồng đã bỏ phiếu, thống nhất lựa chọn được 6 đồ án tiêu biểu.

Từ ngày 30/04/2014 đến hết ngày 8/5/2014, Ban tổ chức cuộc thi trưng bày 06 phương án trên để giới thiệu, lấy ý kiến công chúng tại Hội trường 19C đường Hoàng Diệu - Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

ĐẠI DIỆN BAN TỔ CHỨC CUỘC THI
TRUNG TÂM BẢO TỒN DI SẢN THĂNG LONG - HÀ NỘI 

Hình ảnh phối cảnh của 6 phương án: 

Một vài ý kiến về Kết quả: 

Đây là một cuộc thi rất khó. Với các mục tiêu bảo tồn tại chỗ các hố khảo cổ đã phát lộ, tiếp tục nghiên cứu các phần đất còn lại, tạo một Công viên Khảo cổ, một Không gian sinh hoạt Cộng đồng, một không gian cảnh quan hài hòa nhưng không chìm lấp trong tổng thể kết nối với tòa Nhà Quốc hội. 

Phần lớn các kiến trúc sư (dự thi) đều chú trọng vào tạo hình tạo khối (FORM) mà quên mất mục tiêu chính là Bảo tồn và Phát huy giá trị của Di tích. Việc xử lý Mái như thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị sao cho vừa bảo quản được di tích, vừa có thể tạo nên một công viên khảo cổ học – một không gian sinh hoạt của cộng đồng, lại phù hợp với tòa Nhà Quốc hội đã định hình về kiến trúc là một bài toán hết sức phức tạp.

Xét về mặt hình thái – trong 24 phương án về cơ bản có thể chia thành 2 xu hướng tổ hợp. Một là kiểu hữu cơ, hai là kiểu hình học.

Kiểu hữu cơ có tạo hình tự nhiên mềm mại, tạo một công viên xanh với hai lớp không gian: Bên dưới cho trưng bày khảo cổ, bên trên cho một không gian xanh cho phép đi dạo và ngắm cảnh. Và điều đó được các kiến trúc sư khai thác rất đa dạng và sinh động. Nó tạo ra một vẻ đẹp trong sự tương phản với tòa Nhà Quốc hội, làm mềm hóa kiến trúc Nhà Quốc hội, bằng một thảm xanh – một khu vườn khảo cổ có đường nét tự do. Tuy nhiên đối với kiểu hữu cơ, có 2 điểm cần phải lưu ý:

Một là: Hệ mái bao phủ khu khảo cổ với diện tích lớn sẽ đòi hỏi một hệ kết cấu đồ sộ, một dàn mái không gian lớn. Khi phần mái cũng là vườn và không gian đi dạo, thì tải trọng không phải là nhỏ. Hệ cột và móng cột sẽ làm ảnh hưởng tới phần đất bên dưới đang cộng sinh cùng di tích, là đối tượng chính cần bảo quản.

Hai là: Tổ hợp hữu cơ với các bề mặt uốn lượn có thể tạo nên một công viên đẹp những sẽ không tạo nên một không gian nội thất đẹp cho phần không gian bảo tồn di tích và trưng bày tham quan bên dưới. Cần nhớ rằng đối tượng bảo quản là di tích và đối tượng trưng bày cũng là di tích. Di tích cố định và không xê dịch trong lòng đất. Vì vậy, cần tập trung thị giác vào mặt đất (nhìn xuống), chứ không phải vào mặt trần (nhìn lên). Chuyên gia Daniel Boden cho rằng, các lỗ chiếu sáng trực tiếp từ trên mái chiếu xuống, kể cả đã được tổ hợp khéo léo theo các ý tạo hình, đều không có lợi trong việc bảo quản di tích. Các trang trí mặt tường bên trong cũng làm giảm sự tập trung thị giác cho đối tượng khảo cổ, mọi thứ cần phải đơn giản để làm nổi bật di tích trưng bày tại chỗ.

Phần lớn mọi người vẫn nhầm lẫn giữa bảo tàng trưng bày hiện vật và bảo tàng trưng bày tại chỗ. Đối với bảo tàng khảo cổ học, hiện vật trưng bày là các tầng lớp đất đá được phát lộ trên nền khảo cổ, ở đúng vị trí của nó (musée sur site). Vì vậy nếu có một cái cột to, hoặc nhiều cột nhỏ cắm xuống lòng đất, tức là nó đã động chạm vào di tích…Sau này việc xác định vị trí cột sẽ chắc chắn sẽ được cân nhắc kỹ bởi các chuyên gia khảo cổ học.

Kiểu hình học có ưu điểm tạo nên một sự hài hòa với hình thức Nhà Quốc hội, và ngay cả với quảng trường Lăng Bác cũng có dạng bố cục kẻ ô. Một số phương án bám sát hiện trạng tạo một mái lớn cho khu vực A-B, và một mái nhỏ cho khu vực D4 – D6. Ưu điểm là khả thi và tiết kiệm. Các mái chủ yếu làm nhiệm vụ che phủ nên mỏng và nhẹ, có thể tháo lắp cơ động. Nhược điểm về chất lượng và hình ảnh kiến trúc. Nếu chỉ chú trọng và phụ thuộc vào các hố khảo cổ thì kiểu này khó tạo nên một hình thái chung nhất quán, khó tạo nên một công viên xanh và một bộ mặt riêng cho khu vực khảo cổ. Tuy nhiên, theo hướng bố cục hình học, cũng có phương án đã phân tán không gian che phủ bằng các hệ mái nhỏ - nhẹ ra khắp khu vườn để tạo ra một công viên với các không gian nhỏ và các quán cà phê kết hợp ngắm di vật khảo cổ. Cách thức này có ưu điểm đã lôi kéo người dân tới gần lịch sử, có ý nghĩa về mặt giáo dục cộng đồng. Điểm khác biệt của kiểu mái này với mái kiểu hữu cơ là sự nhẹ nhàng và cơ động. Người dân ở dưới mái, vì vậy mái nhẹ hơn. Mặt khác, mặc dù con người chỉ loanh quanh ở mặt sân, nhưng rõ ràng là, việc không biến mái thành sân vườn đã giảm tải cho tải trọng mái rất nhiều, và tạo điều kiện để nó có thể linh hoạt và cơ động, có khả năng dịch chuyển tùy theo công tác khảo cổ còn tiếp tục sau này.

Về công năng, ngoài việc cần nhấn mạnh khả năng bảo quản và trưng bày di tích với sự chủ động về ánh sáng và độ ẩm đối với di tích, việc tạo các lưu tuyến tham quan là hết sức quan trọng. Làm sao để các điểm quan sát có thể xuất phát từ các vị trí khác nhau, ở những độ cao khác nhau, không bị che khuất, xuyên suốt và rộng mở. Nhiều phương án đã tạo ra các ban công, các tuyến đi có điểm nhìn thú vị. Điều quan trọng là trường nhìn đối với không gian trưng bày phải mở, tầm quan sát phải rộng, tránh việc chia lô từng ô đất, một cách lắt nhắt…

Ngoài chức năng bảo quản di tích, trưng bày di tích, cần phải làm sao để nơi đây luôn hấp dẫn và thu hút cộng đồng, kéo con người đến gần với không gian lịch sử. Có một số ít phương án đã tạo được sự thân thiện trong tổ chức các loại hình sinh hoạt cộng đồng trong một khu vực trung tâm chính trị. Yếu tố chinh trị đã cộng sinh với văn hóa xã hội một cách tinh tế.

Có một số phương án quá chú trọng hình thức, không tôn trọng các nguyên tắc bảo quản di tích. Họ thay đổi và xáo trộn bề mặt địa hình gốc, tức là đã trực tiếp xâm phạm vào di tích. Lại có một số phương án nhầm lẫn đối tượng trưng bày. Đó không phải là đào các di vật lên và đặt chúng vào một khung kính… Vấn đề là “Hãy để trả lại nó trong lòng đất, và ngắm nhìn nó ở thể nguyên trạng…”

Dù sao chúng ta cũng có được 6 phương án cuối cùng sau 3 vòng lựa chọn. Lãnh đạo Thành phố sẽ có quyết định trong thời gian tới… 

PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
+3 # Dragon 29/04/2014 21:01
Sao cuộc thi không có website chính thức nhỉ?!
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
+3 # NhuBien Nguyen 04/05/2014 23:00
quá ít thông tin để có thể bình chọn.bài viết chỉ như lời giới thiệu
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
+1 # Ashui Admin 05/05/2014 01:30
các bạn cần đến địa điểm triển lãm để tìm hiểu thêm thông tin. Hiện tại Ban tổ chức cuộc thi không có website để đăng tải thông tin đầy đủ..
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
+1 # Lâm Thị Mỹ Dung 05/05/2014 08:53
Không có website thì khó lấy ý kiến lắm, có phải ai cũng có điều kiện đến tận nơi đâu
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
+2 # nnd 05/05/2014 10:26
Nếu đã có trưng cầu ý kiến trên Web , Mong ban tổ chức đưa thông tin cụ thể của đồ án lên để người xem có thể tìm hiểu và chắc chắn hơn về ý kiến đánh giá - lựa chọn đồ án của mình !
Một PHỐI CẢNH không làm nên " giá trị của công trình" - 1 con én nhỏ không làm nên mùa xuân !
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
0 # Nguyễn Thị Hồng Tâm 05/05/2014 16:00
Theo ý kiến của tôi, phương án nào cũng có ưu - nhược điểm của nó. Tuy nhiên, để lựa chọn ra một phương án khả thi nhất chúng ta nên bám sát vào nhiệm vụ then chốt của đề bài, đó là BẢO TỒN và PHÁT HUY GIÁ TRỊ khu DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC. Do đó, phương án lựa chọn chắc chắn phải là phương án đưa ra nhiều thuận lợi cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học. Hay nói một cách khác, ta cần chọn phương án ĐI LÊN TỪ DI SẢN. Chỉ bằng phương phương này mới đảm bảo những yêu cầu nhiệm vụ. Xét về mặt tổng thể, phương án thiết kế kiến trúc RZ866 có thể đẩy sâu để triển khai thực tiễn.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
+1 # Phạm Vinh 05/05/2014 23:19
Cần bổ sung thêm bố cục, góc nhìn khác nhau cho mỗi phương án hoặc video giới thiệu dạng 3D theo lịch trình thăm viếng cho mỗi phương án. Rất ít người có thời gian đến trực tiếp.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo