Ashui.com

Saturday
Nov 02nd
Home Tin tức Sự kiện Hội thảo "Xóa bỏ ngộ nhận về chi phí của công trình xanh"

Hội thảo "Xóa bỏ ngộ nhận về chi phí của công trình xanh"

Viết email In

Đây là chủ đề của hội thảo sáng ngày 16/5 tại Hà Nội do Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) tổ chức với sự tài trợ của Công ty TNHH Turner Việt Nam và Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác Tòa nhà VNPT. Hội thảo quy tụ các nhà phát triển, các nhà đầu tư và các cá nhân, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng góp tiếng nói xua tan những định kiến cản trở sự phát triển của công trình xanh ở Việt Nam.  


(ảnh: Ashui.com) 

Lợi ích của Công trình Xanh

Ông Yannick Millet, Nguyên Giám đốc Điều hành, Cố vấn Kỹ thuật của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam cho hay: "Công trình xanh là những công trình được thiết kế để sử dụng hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường và tạo ra không gian sống thoải mái cho người sử dụng trong suốt vòng đời 50 - 70 năm của nó. Vì vậy, công trình xanh không chỉ có lợi cho môi trường, cho chính người sử dụng mà còn đem lại lợi ích kinh tế cho các nhà đầu tư". 

Là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007 đến nay, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) luôn nỗ lực truyền tải những ưu điểm của công trình xanh và khuyến khích các nhà đầu tư có một cái nhìn toàn diện hơn, bao quát toàn bộ vòng đời của công trình, từ giai đoạn thiết kế, xây dựng, vận hành cho đến dỡ bỏ. 

Trước hết, ưu điểm của công trình xanh nằm ở chỗ chúng tiết kiệm năng lượng, nước và tài nguyên trong khi vẫn thỏa mãn các chức năng cần thiết. Chính vì vậy, lợi ích đầu tiên mà công trình xanh đem lại cho nhà đầu tư chính là chi phí vận hành thấp hơn hẳn, điều này vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi giá năng lượng, đặc biệt là điện tại Việt Nam không ngừng leo thang. Bên cạnh đó, lợi ích thứ hai phải kể đến là việc công trình xanh mang lại cho người sử dụng một môi trường sống không độc hại, một bầu không khí trong lành, yên tĩnh, đủ ánh sáng và tăng hiệu quả công việc. Nhờ đó, người sử dụng lao động có thể "nếm trái ngọt" là chất lượng và hiệu quả công việc của nhân viên không ngừng tăng lên - một nguồn lợi nhuận khổng lồ và lâu dài.

Cuối cùng, không thể không đề cập đến lợi ích của các chứng chỉ xanh trong việc nâng cao giá trị thương hiệu so với các công trình trung bình. Và như một lẽ đương nhiên, các nhà phát triển và người thuê công trình sẽ có được một đòn bẩy tốt trong quảng bá thương hiệu khi sử dụng công trình đã đạt được chứng chỉ công trình xanh. Theo ông Michael Doring, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Turner Việt Nam: "Xây dựng xanh đang trở thành một tiêu chuẩn. Hơn nửa số dự án của chúng tôi tại Hoa Kỳ đều đã được chứng nhận LEED. Ở Việt Nam, chúng tôi đang bắt đầu nhìn thấy xu hướng này và hai trong số các dự án hiện tại của chúng tôi là công trình trụ sở Vietinbank và Eximbank ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ được chứng nhận công trình xanh. Tôi nghĩ rằng quyết định dành cho các nhà phát triển ở đây là không chỉ xây dựng xanh mà còn là mức và loại hình chứng nhận nào sẽ thu hút được những người thuê tốt nhất". 


(ảnh: VGBC) 

Rào cản hiện tại cho sự phát triển Công trình Xanh

Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói: "Cải thiện để thay đổi, càng trở nên hoàn hảo hơn thì càng phải thay đổi nhiều hơn". Tuy nhiên, dù lợi ích mà công trình xanh, bền vững đem lại là quá rõ ràng, nhưng để thay đổi được một thị trường quốc gia thì cần sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan. 

Cho đến hiện tại, khó khăn đầu tiên mà chúng ta đang gặp phải, đó là sự thiếu vắng những ưu đãi và hỗ trợ cần thiết của chính quyền nhà nước các cấp. Những công trình đầu tiên tham gia đánh giá chứng chỉ công trình xanh đều là của các công ty tư nhân. Không chỉ như vậy, Việt Nam cũng đang thiếu nhận thức và kiến thức về công trình xanh, kéo theo đó là sự hạn chế về kỹ năng trong ngành và tạo cơ hội cho những kẻ lợi dụng chữ “xanh” nhằm đánh lừa khách hàng.Ở giai đoạn đầu của sự phát triển, những nghiên cứu và dữ liệu về thị trường Việt Nam còn thiếu và điều này dễ dẫn đến những sự hiểu lầm trên thị trường.

Dù đang gặp phải nhiều khó khăn, nhưng cũng giống như mọi quốc gia khác đã và đang đối mặt với khó khăn trong quá trình phát triển, Việt Nam được kỳ vọng sẽ dần dần cải thiện các khía cạnh và thị trường sẽ đi theo hướng bền vững, nếu không còn tồn tại những tin đồn thất thiệt.

Xóa tan những tin đồn...

Có rất nhiều tin đồn cho rằng công trình xanh đắt đỏ hơn rất nhiều so với các công trình thông thường, 30% hoặc thậm chí lên đến 70 - 80%. Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Điều hành, Hội đồng Công trình Xanh chia sẻ: "Ở bất cứ nơi đâu, khi khái niệm mới đang nổi lên và những tài liệuvới con số thực chưa có, ở đó, tin đồn sẽ tồn tại; tuy nhiên, khi vẫn còn thiếu dữ liệu để chứng minh cho các luận điểm, thì còn quá sớm để bất kỳ ai có thể khẳng định rằng chi phí xây dựng công trình xanh phải đắt đỏ".

Trái ngược với lời đồn, báo cáo Chi phí các dự án bền vững của Davis Langdon năm 2004 đã sử dụng dữ liệu thu thập được các nước có nền xây dựng xanh phát triển để cho thấy: "Các dự án bền vững, dù là thuộc loại công trình nào, đều có thể trở thành hiện thực với mức chi phí đa dạng và tính trung bình chúng không hề đắt hơn những dự án không bền vững". Điều này cũng hoàn toàn đúng với các dự án công trình xanh ở Việt Nam và tất cả các công trình tham gia chứng nhận LOTUS từ trước tới nay.

Ông Trần Văn Thành cũng cho biết: "VGBC tin tưởng rằng khi tất cả các bên liên quan cùng tham gia gánh vác trách nhiệm thúc đẩy xu hướng thị trường xanh ở Việt Nam ngay từ giai đoạn đầu, những thành phố, những cộng đồng và những công sở xanh hơn, thân thiện hơn với môi trường và sức khỏe con người sẽ là điều trong tầm tay. Chúng tôi hy vọng rằng hội thảo lần này sẽ là nỗ lực đầu tiên xóa tan tin đồn và khuyến khích các nhà phát triển/nhà đầu tư có tầm nhìn trên toàn quốc cùng chung tay và dẫn dắt xu hướng này vì một Việt Nam đáng sống hơn cho các thế hệ tương lai". 

Minh Hiếu 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo