Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc sử dụng xe đạp ở TPHCM như là một trong những phương thức giao thông sạch, tốt cho môi trường, có lợi cho sức khỏe người sử dụng ở TPHCM, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức như thế nào? Với thực trạng giao thông, cơ cấu tổ chức đô thị, điều kiện kinh tế, ý thức của người dân, cơ chế, chính sách hỗ trợ việc tổ chức đi xe đạp sẽ được triển khai ra sao?... Đó là những nội dung được phân tích, đánh giá của các chuyên gia và cơ quan quản lý tại tọa đàm "Đi xe đạp ở TPHCM" do Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) và Công ty Truyền thông S.A tổ chức vào ngày 25/4.
Bà Lý Việt Trung, Phó Tổng biên tập Báo SGGP khai mạc tọa đàm.
Ô nhiễm giảm, sức khỏe tăng
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TPHCM, bày tỏ: Chủ trương của Thủ tướng Chính phủ hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta cần khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi lại, thay vì chỉ sử dụng xe gắn máy như hiện nay- vốn gây quá tải về hạ tầng giao thông. Trong đó, xe đạp đã được các nước trên thế giới sử dụng rất nhiều, nhất là các đô thị lớn, nhằm kết nối với các hình thức vận tải công cộng khác nhau như xe buýt, tàu điện ngầm. Ngoài ra, người dân có thể dùng xe đạp công cộng để lưu thông trong phạm vi bán kính 2km, hay khu trung tâm để tiết kiệm nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường như khi đi lại bằng xe gắn máy. Tuy nhiên, để chuẩn bị thực hiện đề án xe đạp đạt hiệu quả, cần phải có làn đường dành riêng cho xe đạp thay vì đi chung với xe gắn máy như hiện nay. Xây dựng các trạm để xe đạp công cộng (xe cùng chủng loại, cùng màu sơn đặc trưng…) không chỉ cho người dân mà cả du khách sử dụng thật thuận tiện. Thời gian đầu nên cho sử dụng miễn phí, sau đó mới tính giá thuê xe hợp lý nhằm khuyến khích mọi người sử dụng dịch vụ này… Sở Giao thông Vận tải TP có thể đề xuất thành phố thực hiện thí điểm trước ở một số nơi như các bến xe, khu du lịch…
Còn theo ông Trịnh Văn Chính, Trưởng khoa Quy hoạch Giao thông Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, đây là phương pháp khuyến khích người dân, nhất là sinh viên, học sinh, công nhân, đi lại bằng phương tiện công cộng, dễ dàng tiếp cận các điểm cần đến hoặc cần đi từ các trạm xe buýt hoặc bến xe, bến tàu một cách dễ dàng. Việc sử dụng xe đạp hoặc đi bộ vào khu trung tâm TP cũng chỉ trong bán kính 2km.
Ông Võ Kim Cương, Hội Quy hoạch TPHCM, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc TPHCM, bày tỏ quan điểm: Ý tưởng này đã được triển khai thành công ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, hy vọng sẽ được thực hiện thành công ở TPHCM. Đề án này rất hay. Phát triển xe đạp công cộng sẽ giúp bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan giao thông thân thiện. Dịch vụ xe đạp công cộng thật sự tiện lợi với những quãng đường ngắn dưới 2km. Nếu thành công, sẽ giúp thành phố tăng cường vận tải công cộng trên cơ sở kết hợp xe buýt, tàu điện ngầm, đồng thời điều tiết phương tiện vào trung tâm thành phố. Cần thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố để khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng.
Không dễ thực hiện
Mặc dù các chuyên gia đều ủng hộ dự án, tuy nhiên mục đích phát triển phương tiện vận tải công cộng là để giảm các phương tiện cá nhân, nếu dịch vụ cho thuê xe đạp để đi tiếp thì lượng xe này lại chiếm dụng lòng đường nhiều hơn xe gắn máy trong khi thời gian đi trên đường lâu hơn, không chở được nhiều người như xe gắn máy. Chưa kể, với thực trạng giao thông như hiện nay, dùng phương tiện xe đạp lưu thông không đảm bảo an toàn như xe gắn máy.
Bà Lý Việt Trung, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, nêu vấn đề: “Đứng ở góc độ người tham gia giao thông, tôi thấy không an tâm khi di chuyển bằng xe đạp. Tôi thường xuyên bị xe buýt “rượt đuổi” ép trước, ép sau, muốn quăng xe bỏ chạy. Đó là đi xe gắn máy, nếu đi xe đạp, còn mong manh thế nào?”. Do vậy, theo bà Lý Việt Trung, đề án cần phải cụ thể, chi tiết và được tuyên truyền thường xuyên để người dân hiểu lợi ích của việc sử dụng xe đạp. Bên cạnh đó, cần phải đầu tư hạ tầng dành riêng cho xe đạp. Trước hết, cần thí điểm thực hiện ở một vài nơi có lợi thế, không nên áp dụng đại trà, nếu không hiệu quả sẽ phản tác dụng.
Ông Võ Kim Cương cho rằng: “Một vấn đề nan giải hiện nay là thành phố đang gặp tình trạng quá tải về mặt đường, vỉa hè, nên việc dành riêng làn đường dành cho xe đạp rất khó. Nên chăng, chúng ta thực hiện thí điểm tại một vài khu vực trung tâm, những nơi có các tuyến xe buýt, nhiều làn đường để có thể dành riêng khu vực di chuyển cho xe đạp. Các cơ quan chức năng cần phải triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều loại hình giao thông công cộng khác, nhất là xe buýt và tàu điện ngầm để có thể kết nối chặt chẽ, hợp lý với xe đạp công cộng.
Ông Trịnh Văn Chính nhận định: Việc sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông công cộng các nước trên thế giới đã thực hiện nhiều năm qua. Việt Nam mới triển khai nhưng chưa thực hiện được do ảnh hưởng nhiều yếu tố như thời tiết khắc nghiệt, người dân có thói quen sử dụng xe gắn máy từ cửa đến cửa (từ cửa nhà đến cửa cơ quan, chỗ làm việc…). Chính vì điều này nên chủ trương sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông sẽ khó thực hiện ở TPHCM. Để thực hiện được chủ trương này thì làm sao để người dân biết rõ lợi ích của việc sử dụng xe đạp. Trước hết các đơn vị chuyên ngành cần phải khảo sát và đưa ra kế hoạch cụ thể, thật chi tiết từng nhóm khu dân cư nào có khả năng áp dụng được. Đơn cử như các trường đại học (hiện nay có khoảng 40% sinh viên sử dụng xe đạp), công nhân... Bên cạnh đó, cần dành riêng làn đường cho xe đạp.
Ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhấn mạnh, các đơn vị được giao xây dựng đề án cần nghiên cứu thật kỹ trước khi đưa vào áp dụng thí điểm ở một số khu vực. Sở Giao thông Vận tải cần có một cuộc điều tra xã hội học về vấn đề này ở những khu vực trước khi triển khai áp dụng. Thành phố cần có chính sách khuyến khích và áp dụng thí điểm ở một số tuyến đường.
Các chuyên gia cũng như nhà quản lý đều cho rằng, đề án khó có thể thực hiện đại trà trên địa bàn TPHCM dù những lợi ích mà việc sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông công cộng là rất nhiều. Cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được mục đích này. Để triển khai hợp lý đề án thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cần tham khảo ý kiến rộng rãi của người dân, nhất là các chuyên gia trong và ngoài ngành, để khi đưa vào thực hiện đạt được hiệu quả cao. Không quên kết hợp với nhiều đề án khác như phát triển giao thông công cộng, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, chấn chỉnh quản lý xây dựng quy hoạch đô thị, giải tỏa lòng đường, lề đường... Các địa phương phải lập một dự án chung, trong đó quy định về đường đi lối lại, điểm đậu xe, giá vé… để các doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu, đầu tư. Hy vọng dần dần người dân ủng hộ việc sử dụng xe đạp để di chuyển đến các trạm xe buýt.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Giám đốc Phòng Tiếp thị II Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng cho biết: "Hiện nay xe cộ trong thành phố rất đông, nếu triển khai sử dụng xe đạp sẽ rất khó vì không có bến bãi. Nếu chọn những khu dân cư cao cấp làm nơi thực hiện, sẽ khả thi hơn. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng theo hình bàn cờ, được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, nên có thể đáp ứng được việc đi xe đạp của dân cư. Tôi sẽ xin ý kiến của lãnh đạo công ty về quyết định có nên xem xét việc cùng thành phố triển khai thí điểm đề án này…".
Chia sẻ với các chuyên gia, ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TPHCM, cho biết, Sở GTVT đang thu thập ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà quản lý, đồng thời “đặt hàng” một nhóm trí thức trẻ ở Đại học Quốc gia TPHCM nghiên cứu sâu về nội dung này- tháng 6/2014, Giám đốc Sở GTVT Tất Thành Cang sẽ nghe báo cáo. Sở GTVT sẽ triển khai nhiệm vụ mà Thủ tướng giao với những bước đi hợp lý, khả thi. |
(SGGP)
- Hội chợ triển lãm quốc tế Năng lượng hiệu quả - Môi trường (ENTECH Hanoi 2014)
- Hội thảo "Xóa bỏ ngộ nhận về chi phí của công trình xanh"
- Đối thoại chính sách: "Quyền có chỗ ở phù hợp: Vai trò của cộng đồng đô thị trong tiến trình phát triển nhà ở"
- Triển lãm Quốc tế về Công nghệ chiếu sáng LED/OLED (LEDTEC ASIA 2014)
- Triển lãm 6 đồ án tiêu biểu tại cuộc thi kiến trúc, bảo tồn Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (Hoàng thành Thăng Long)
- Đại học RMIT: Hội thảo chuyên đề của kiến trúc sư CY Roan
- Hội nghị cấp cao sông Mekong lần 2 tại TP.HCM
- E4G AWARD: Thiết kế "Mầm non Xanh"
- Hội thảo "Kinh nghiệm trong Quy hoạch phát triển đô thị của TP Hồ Chí Minh và TP Seoul"
- Triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2014 lần 1
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này