Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) được biết đến là một di sản văn hóa có giá trị đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa tiêu biểu cho dòng chảy lịch sử văn hóa liên tục của trung tâm quyền lực, chính trị, văn hóa cao nhất Việt Nam.
Mặc dù có tính đặc thù cao, khó khăn trong công tác bảo tồn nhưng sau 4 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, thành phố Hà Nội cùng các cơ quan liên quan hợp sức nghiên cứu, bảo tồn các giá trị quý của khu di sản và đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực trạng tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long trong thời gian gần đây đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại bởi công tác bảo tồn đang gặp nhiều trở ngại.
Chưa nhất thể hóa công tác quản lý
Theo giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nhất thể hóa công tác quản lý là một nguyên tắc cơ bản để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Dù 4 năm qua, công tác này được ráo riết thực hiện. Đã có nhiều cuộc họp bàn giữa thành phố Hà Nội với Bộ Quốc phòng và hai gia đình đang sử dụng đất thuộc khu vực của Hoàng thành Thăng Long nhưng đến nay việc bàn giao mặt bằng vẫn chưa hoàn tất. Cụ thể, Nhà khách Bộ Quốc phòng và hai gia đình vẫn chưa được di dời. Thực trạng này kéo dài gây ảnh hưởng đến công tác quản lý di sản.
Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu bắt đầu được khai quật từ cuối năm 2002 và mở rộng với quy mô từ đầu năm 2003 do Viện Khảo cổ học thuộc Viện khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện. Nhưng gần 12 năm qua, công việc bàn giao mặt bằng di tích, di vật, hồ sơ khoa học giữa cơ quan khai quật với cơ quan quản lý rất chậm.
Theo đúng Luật Di sản, sau khi khai quật khoảng 6 tháng, với Hoàng thành Thăng Long có thể vài năm phải có sự bàn giao nhưng tại Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, việc bàn giao kéo dài tới 12 năm.
Từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, mặt bằng khu C-D và các di vật đã từng bước được bàn giao nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, các hồ sơ (nhật ký khai quật, báo cáo sơ bộ về khai quật) mới bàn giao một số bộ phận, nhiều di vật quý còn chưa bàn giao.
Thậm chí ngay cả chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề hoàn tất việc bàn giao, tiếp nhận trước ngày 30/4/2014 nhưng đến nay vẫn còn tồn đọng. Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội, toàn bộ hồ sơ khoa học khu A - B - C - D và các tài liệu liên quan đến nay vẫn chưa có kế hoạch bàn giao cụ thể.
Cấp thiết bảo vệ Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu
Liên quan đến việc đơn vị thi công xây dựng nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình không tuân thủ đúng quy định khi xây dựng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu di sản, vừa qua Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam vừa kiến nghị khẩn cấp lên Chính phủ cùng các cơ quan liên quan về việc bảo vệ Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Đó là, đơn vị thi công xây dựng con đường nội bộ với một bức tường bê tông cốt thép trong trong phạm vi di sản sát thành hố khai quật, một số đoạn đường ống nước cũng đào sâu vào phần đất của khu di sản, xâm hại tới một bộ phận di sản khảo cổ phía dưới.
Toàn bộ khu khảo cổ C - D bị biến thành công trường xây dựng ngổn ngang, đặc biệt gây phản cảm là dãy nhà vệ sinh công cộng, các hố khảo cổ bị ngập nước, thành hố bị xói lở, các di tích trong lòng hố bị xâm hại nghiêm trọng, các di vật không tránh khỏi bị xê dịch… Để xảy ra tình trạng này là do khi thành phố Hà Nội bàn giao mặt bằng khu di sản C - D cho Ban Quản lý dự án đã không đưa ra điều kiện bắt buộc phải chịu sự giám sát của cơ quan bảo tồn.
Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng: “Đây là vấn đề nguy cấp nhất, phải báo động. Tôi khẩn thiết kêu gọi Chính phủ xử lý ngay vấn đề này. Nếu chậm ngày nào di sản sẽ bị hủy hoại ngày đó. Trách nhiệm của chúng ta đối với nhân dân, đối với lịch sử, đối với UNESCO là cần phải cứu di sản, phải giữ gìn danh hiệu Di sản thế giới.”
Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng, nếu chúng ta không giải quyết ngay lập tức, sẽ không tránh khỏi cảnh báo của UNESCO. Nếu chúng ta thực hiện sớm, thì còn có thể giải thích được bằng việc đã nhận thấy và đang khắc phục vi phạm. Còn nếu họ ra cảnh báo trước mà chúng ta vẫn im lặng thì trách nhiệm rất nặng nề và di sản đứng trước nguy cơ bị rút khỏi danh sách Di sản thế giới.
Hiện nay, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đang được quy hoạch thành Công viên lịch sử văn hóa. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã lập Đồ án quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu di sản nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị quý của khu di sản. Tuy nhiên, các nhà quản lý di sản, các nhà khoa học tâm huyết với Hoàng thành Thăng Long đang mong muốn cấp thiết giải quyết những vướng mắc trên để làm cơ sở bảo tồn, phát huy tốt giá trị của khu di sản./.
Đinh Thị Thuận
- Vịnh Hạ Long: Ai quản lý không quan trọng mà phải là hiệu quả
- Cưỡng chế... container!
- TP.HCM: Nhiều khó khăn trong xây dựng các tuyến đường sắt đô thị
- Chung cư cũ - những khung hình "kinh điển"
- Hoàng thành Thăng Long: Cha chung không ai khóc!
- Cảnh hiện đại phía Tây Nam Thủ đô nhìn từ camera bay
- Sống khổ ở phố cổ Hà Nội: Khổ mấy cũng không muốn rời
- Trách nhiệm "siêu mỏng"
- Hà Nội: Loay hoay xử lý nhà siêu mỏng
- Đường đắt nhất Hà Nội phải lát lại vỉa hè: Thiếu tầm nhìn quy hoạch!