Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Hoàng thành Thăng Long: Cha chung không ai khóc!

Hoàng thành Thăng Long: Cha chung không ai khóc!

Viết email In

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, khả năng UNESCO khuyến nghị cảnh báo đối với khu di sản Hoàng thành Thăng Long trong kỳ họp tới đây tại Đức là rất cao.  

Đã báo cáo với UNESCO thế giới

Là đại diện của Việt Nam tại Ủy ban Di sản thế giới (DSTG) UNESCO, PGS-TS Đặng Văn Bài vô cùng sững sờ trước hiện trạng bảo tồn của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên, ông Bài đã từ chối khéo không dự đoán về phản ứng của UNESCO khi biết thông tin hiện trạng ngập ngụa, cỏ mọc, bị xâm lấn, tầng văn hóa bị ảnh hưởng này. Điều duy nhất ông chia sẻ là: “Phải sửa ngay theo kiến nghị của các nhà khoa học thôi”. 

Theo quy chế của UNESCO, cứ 2 năm đều phải có một báo cáo hiện trạng của di sản. Tuy nhiên, trong trường hợp “khẩn cấp” hoàng thành bị ảnh hưởng như hiện nay, Văn phòng UNESCO Hà Nội đã gửi báo cáo về Ủy ban DSTG từ tuần trước. Trong đó, UNESCO Hà Nội có nêu rõ thực trạng của di sản được phản ánh qua truyền thông.

Ngày 25/7, một công văn khẩn cũng được Ủy ban Quốc gia UNESCO của VN gửi tới Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT-DL và UBND TP.Hà Nội. Công văn do Chủ tịch Ủy ban - Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn ký.

Trong đó, ủy ban đề nghị các đơn vị trên báo cáo Thủ tướng, đồng thời cho kiểm tra, đánh giá và sớm khắc phục hậu quả do những vi phạm gây ra đối với khu di sản. Ủy ban cũng đề nghị các bên tuân thủ nghiêm ngặt luật Di sản văn hóa và công ước của UNESCO về bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới. Đồng thời, ủy ban cũng đề nghị các bên lưu ý đến các khuyến nghị của Ủy ban DSTG đối với khu di sản này.

Công văn cũng nhấn mạnh Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã báo cáo Trung tâm DSTG UNESCO tại Paris về những vi phạm hiện nay đối với khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Vì thế ủy ban lưu ý nếu không sớm khắc phục hậu quả, nhiều khả năng Trung tâm DSTG UNESCO cử đoàn chuyên gia quốc tế đánh giá những vi phạm tại chỗ. Nguy cơ UNESCO đưa ra khuyến nghị cảnh báo đối với khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội tại kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban DSTG ở Đức (tháng 7/2015) là rất cao. “Việc này, nếu xảy ra, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của VN tại tổ chức UNESCO cũng như tại Ủy ban DSTG mà VN hiện là thành viên”, công văn do ông Sơn ký nhấn mạnh. 


Hoàng thành Thăng Long đang bị tổn thương (Ảnh: CTV cung cấp) 

Thói quen xấu hành chính hóa bảo tồn 

Chưa biết việc “thổi còi” của UNESCO với Hoàng thành Thăng Long sẽ diễn ra cụ thể như thế nào, nhưng có một việc chúng ta cần làm ngay là nhìn lại cách bảo tồn của mình. Hiện tại, theo một chuyên gia, việc bảo tồn tại đây đang được thực hiện theo cách “hành chính hóa”. Nghĩa là mỗi một khu vực liên quan lại được chia cho các đơn vị khác nhau chịu trách nhiệm. Chỗ này là Viện Hàn lâm KHXH quản lý, chỗ kia là Bộ Xây dựng. Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long là đơn vị quản lý hoàng thành, nhưng khi di sản sang dự án thì trung tâm tự dưng không còn vai trò gì nữa. “Thế là chết rồi. Về logic quản lý và chuyên môn đều sai. Như thế là hành chính hóa bảo tồn”, chuyên gia này cho biết.

TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, cho biết tuần tới sẽ có một cuộc gặp để Bộ Xây dựng báo cáo về hiện trạng diện tích họ đang quản lý tại Hoàng thành Thăng Long. 

Một nguồn tin khác cho biết hiện các nhà khoa học - đại diện các hội đã gửi kiến nghị về tình trạng di sản gồm Hội Khoa học lịch sử, Hội Khảo cổ, Hội Di sản - đều không được mời tham dự cuộc gặp này. 

Về việc này, khi được hỏi ý kiến, KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cho rằng đáng lý ra Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long cần phải được quản lý di sản, dù di sản đó đang nằm trong tay ai. Chẳng hạn, khi giao mặt bằng cho xây dựng thì trung tâm này vẫn phải được quyền quản lý, giám sát. Trên thực tế, theo các nhà khoa học, Hà Nội đã không thực hiện được điều này.

Việc quản lý kiểu hành chính hóa này còn dẫn đến một hậu quả khác là di sản không được chăm sóc theo đúng cách nó cần. Bởi di sản cần được chăm sóc theo chuyên môn sâu. Nhà khảo cổ nghiên cứu khảo cổ học. Người nghiên cứu vật liệu sẽ giúp bảo tồn vật liệu. Người nghiên cứu vi sinh sẽ nghiên cứu cách chống nấm mốc. Những nhà chuyên môn này sẽ bảo đảm cho di sản được khỏe mạnh từ răng đến tóc, bất chấp nhà quản lý về hành chính của nó là ai. “Nó giống như đứa con tòa chưa phân định bố hay mẹ nuôi, nhưng khi nó ốm người chữa bệnh vẫn phải là bác sĩ”, ông Vinh nói.

Một chuyên gia di sản quốc tế cũng cho biết, ở VN có một thực tế là người ta hay tách bạch việc của khảo cổ học và việc của người làm trùng tu, bảo tồn. Đây cũng là một trong nhiều lý do khiến Văn phòng UNESCO Hà Nội đã tổ chức một quy trình trùng tu khép kín, trọn vẹn tại di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Tại đó, trước khi trùng tu phải nghiên cứu khảo cổ để việc đào bới ít làm tổn thương di sản bị chôn vùi nhất. Kết quả nghiên cứu cũng là đầu vào cho trùng tu. Các nghiên cứu vật liệu sẽ giúp tái tạo lại gạch, chất kết dính...

Chính vì thế, trong tương lai, Hà Nội có lẽ cũng cần xem lại cơ chế quản lý và cơ chế bảo tồn tại Hoàng thành Thăng Long. Bởi việc bảo tồn nếu không được thực hiện đúng nguyên lý, đúng kỹ thuật sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. 

Trinh Nguyễn (Thanh Niên) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo