Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh cần phải nghiên cứu, đánh giá lại dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh một cách đầy đủ để có hướng phân bổ nguồn vốn ODA đầu tư cho phù hợp.
Phát biểu tại buổi làm việc giữa Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với Ban quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh ngày 31/7, ông Phan Xuân Dũng cho rằng, với 8 tuyến Metro có các nhà đầu tư khác nhau sẽ dẫn đến công nghệ, cách quản lý, vận hành cũng khác nhau.
Đây là một thách thức lớn vì có thể gây khó khăn trong việc tiếp cận, đào tạo cán bộ kỹ thuật, quản lý của Việt Nam.
Hàng loạt cây xanh ở hai bên đường Lê Lợi-Nguyễn Huệ, quận 1, được di dời để xây dựng nhà ga ngầm thuộc Dự án tuyến đường sắt metro số 1. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Ban quản lý Đường sắt đô thị cần đưa ra những giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết những vướng mắc để các ngành có cơ sở tháo gỡ.
Việc nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là khá muộn so với sự phát triển của đô thị, và để đẩy nhanh được tiến độ lại gặp rất nhiều khó khăn.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống đường sắt đô thị thành phố sẽ gồm 8 tuyến tàu điện ngầm (Metro) xuyên tâm với chiều dài 172km và ba tuyến xe điện chạy trên mặt đất (hoặc monorail) có chiều dài 56,5km.
Ngoài ra, hệ thống này được nghiên cứu kéo dài để kết nối với các đô thị vệ tinh của Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang cho biết đặc thù của thành phố là đô thị cũ cùng với những khu đô thị mới phát triển xung quanh, có lõi là trung tâm ở khu vực Bến Thành. Các tuyến đường sắt được quy hoạch hầu hết đều hướng qua trung tâm này.
Trong khi đó, quy hoạch trước đây chưa tính đến đường sắt đô thị, nên khi xây dựng các tuyến đường sắt gặp nhiều khó khăn vì vướng các công trình hiện hữu ở khu vực trung tâm Bến Thành.
Hiện nay, ngoài hai tuyến đã có vốn đầu tư (Bến Thành-Suối Tiên và Bến Thành-Tham Lương) và một tuyến đã được cam kết tài trợ vốn (cầu Sài Gòn-bến xe Cần Giuộc mới), các tuyến còn lại vẫn đang đăng ký vay vốn ODA và các hình thức kêu gọi khác.
Ông Hoàng Như Cương, Phó Ban quản lý Đường sắt đô thị thành phố cho biết, đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới tại Việt Nam, do đó gặp không ít những vướng mắc.
Hiện Việt Nam chưa có đầy đủ các quy phạm pháp luật về đường sắt đô thị để làm cơ sở thực hiện thống nhất giữa các tuyến được đầu tư bằng vốn ODA từ nhiều nguồn khác nhau như quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật cấp nhà nước, quy định về công tác vận hành, nội dung đào tạo…
Trong khi đó, thủ tục đầu tư và xây dựng của Nhà nước và các quy định của các nhà tài trợ vốn cũng còn nhiều sự khác biệt, gây khó khăn trong thu hút đầu tư./.
(TTXVN)
- Những tầng một bỏ hoang của chung cư Hà Nội
- Con đường gốm sứ xuống cấp: Cũng là điều bình thường!?
- Hàng cây cổ thụ ven hồ Thủ Lệ trước ngày bị đốn hạ để làm đường sắt nội đô
- Vịnh Hạ Long: Ai quản lý không quan trọng mà phải là hiệu quả
- Cưỡng chế... container!
- Chung cư cũ - những khung hình "kinh điển"
- Hoàng thành Thăng Long: Cha chung không ai khóc!
- Nhiều trở ngại trong bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long
- Cảnh hiện đại phía Tây Nam Thủ đô nhìn từ camera bay
- Sống khổ ở phố cổ Hà Nội: Khổ mấy cũng không muốn rời