Sau gần 4 năm khánh thành nhân kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, "con đường gốm sứ" ven sông Hồng đã bị hư hỏng nặng. Bức tranh gốm dài gần 4 km đẹp lộng lẫy đến nay nhiều chỗ bong tróc, nham nhở. Có những mảng được sửa chữa, vá víu một cách cẩu thả. Mặc dù UBND TP. Hà Nội nhiều lần chỉ đạo việc tu bổ công trình này nhưng chỉ một thời gian sau, những vết nứt ngày càng lan rộng. “Nhưng theo như hiện tại việc hư hỏng này cũng bình thường…”, bà Nguyễn Thu Thủy – Họa sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Nghệ thuật Tân Hà Nội, chủ dự án Con đường gốm sứ nói.
Con đường gốm sứ đang bị bong tróc, nứt ngang dọc trầm trọng. (Ảnh: Thành An)
Sau khi Lao Động điện tử đăng tải những hình ảnh "Cận cảnh con đường gốm sứ kỷ lục Guinness xuống cấp trầm trọng", rất nhiều độc giả, công chúng quan tâm đến sự việc này đã gửi những câu hỏi, ý kiến đến cơ quan chức năng yêu cầu trả lời và làm rõ hiện trạng của con đường gốm sứ.
Trao đổi với Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội – đơn vị duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng Con đường gốm sứ, đơn vị này khẳng định, hiện tại con đường gốm sứ ven sông Hồng (Bức tranh tường gốm sứ) có nhiều đoạn tường gốm bị bong bật, nứt kết cấu, nứt tách giữa tường gạch xây trên kè bê tông, nứt cả theo chiều ngang và chiều dọc bức tranh, đoạn nứt tách nhìn thấy được dài khoảng 220 mét, đoạn dài có thể đã nứt tách bên trong lớp gốm sứ dài khoảng 1530 mét. Đến giờ, tiếp tục vẫn có hiện tượng bong tróc, nứt tách mới.
Ông Vũ Minh Tuấn – Phó giám đốc BQL Chỉnh trang đô thị Hà Nội cho biết: “Từ ngày 13/5/2011, khi BQL Chỉnh trang đô thị Hà Nội nhận bàn giao theo hiện trạng từ chủ đầu tư là Công ty TNHH nghệ thuật Tân Hà Nội đã phát hiện bong tróc, hỏng hóc, nứt tách các mảng gạch gốm. Lúc này công trình đang trong thời hạn bảo hành của đơn vị này nên việc sửa chữa, phục hồi lại các vị trí mảng gốm bị bong tróc do bên phía Công ty TNHH Tân Hà Nội thực hiện”.
Nói về nguyên nhân của sự việc này, bà Nguyễn Thu Thủy – Họa sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Nghệ thuật Tân Hà Nội, chủ dự án Con đường gốm sứ cho hay: “Bức tranh con đường gốm sứ nằm trên trục đường giao thông có lượng xe cộ chạy 24/24 giờ, đặc biệt đoạn đường này có nhiều xe tải lớn chạy qua do đó độ rung và nhiệt của con đường nhất là vào mùa đông, mùa hè chênh lệch nhau tạo nên độ giãn nở vật liệu khác nhau, không đồng đều dẫn đến tình trạng này”.
Nhưng theo bà Thủy thì tình trạng như hiện tại việc hỏng hóc này cũng bình thường. Bà Thủy cho biêt: "Không chỉ bức tranh gốm sứ ở nước ta mà nước ngoài cũng có nhiều bức tranh cũng với chất liệu như vậy cũng bị bong tróc như vậy. Ví như bức tranh con cá hồi ở Mỹ được đặt trong công viên rất yên tĩnh cũng xảy ra tình trạng này. Do vậy, việc con đường bức tranh gốm sứ ở nước mình bong tróc, hỏng hóc cũng là điều bình thường, chỉ cần sửa chữa là có thể yên tâm”.
Các công trình xung quanh gây ảnh hưởng đến bức tranh con đường gốm. (Ảnh: Thành An)
Tính đến nay, sau khi phát hiện ra đoạn tranh tường bị hỏng hóc từ tháng 5/2011, con đường gốm sứ đã nhiều lần được sửa chữa. “Tôi không phải dân xây dựng nên có thuê công ty Xây dựng Khách quan xây bức tường đấy. Họ có giằng sắt để đỡ bức tường nhưng không tính đến độ rung, lắc của con đường rất lớn. Vì vậy, sau khi phát hiện ra đã phải cưa thành các đoạn để tạo khe giãn nở. Sắp tới sẽ đề xuất UBND thành phố có sửa chữa về mặt lâu dài, giữa khe tường bê tông 30cm và đoạn xây thêm chỉ dày 20cm (chênh nhau 10cm) thì thêm giằng cố để cho tường gạch và đường bê tông chắc chắn hơn. Còn hiện nay chỉ gắn lại những đoạn bê tông bị bong tróc", bà Thủy nói về quá trình sửa chữa.
Về phía BQL Chỉnh trang đô thị Hà Nội, đơn vị này cho biết việc tu bổ, sửa chữa, chăm sóc con đường gốm sứ khá phức tạp vì con đường này có đến 3 cơ quan quản lý. BQL Chỉnh trang đô thị Hà Nội chỉ có nhiệm vụ sửa chữa bề mặt bức tranh, còn vỉa hè, cây xanh là của đơn vị khác nên việc bảo vệ, duy tu không đồng đều.
"Sau khi Công ty TNHH Tân Hà Nội hết thời hạn bảo hành (25/5/2013) BQL Chỉnh trang đô thị Hà Nội bắt đầu tổ chức thực hiện công tác duy tu sửa chữa công trình Con đường gốm sứ ven sông Hồng theo kế hoạch hàng năm. Năm 2013 đã duy tu phục hồi 35m2 gạch gốm sứ bị hư hỏng với mức kinh phí hơn 93 triệu đồng. Năm 2014, Sở Xây Dựng phê duyệt dự toán duy trì vệ sinh môi trường, duy tu sửa chữa hơn 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, để bảo tồn, tôn tạo, duy tu sửa chữa con đường gốm sứ trong thời gian tới, BQL Chỉnh trang đô thị đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội bố trí nguồn kinh phí cho phép BQL kí hợp đồng thuê đơn vị tư vấn đánh giá tổng thể mức độ hư hỏng, bong tróc, nứt tách kết cấu công trình để lập phương án sửa chữa.
Từ ngày 22/5/2014, BQL Chỉnh trang đô thị Hà Nội kết hợp cùng Công ty TNHH Tân Hà Nội lập kế hoạch duy tu sửa chữa cho khối lượng 38m2 tranh gốm bị bong tróc. Thời gian dự kiến đến 15/8/2014 sẽ sửa chữa xong", ông Vũ Minh Tuấn nói.
Việc quản lý không đồng đều của con đường gốm sứ gây ra nhiều khó khăn cho các đơn vị. (Ảnh: Thành An)
Bà Thủy cho hay: "Hiện phía UNESCO chưa biết đến tình trạng này cũng không có ý kiến gì, hiện trạng con đường gốm sứ cho đến bây giờ cũng không ảnh hưởng gì đến kỉ lục của bức tranh. Đến nay, đây vẫn là bức tranh gốm dài nhất trên thế giới.
Mỗi năm, những người bạn của tôi làm ở các cơ quan nước ngoài họ đều có những phản hồi rất tốt mỗi khi được dẫn đi thăm con đường gốm sứ, họ cũng có nhiều đóng góp để phát triển, quảng bá hình ảnh của con đường gốm sứ. Sắp tới, tôi sẽ đề xuất với UBND thành phố cho in một cuốn sách riêng tập hợp những hình ảnh của bức tranh con đường gốm sứ để giới thiệu cho công chúng. Đồng thời cũng đề xuất sẽ nối dài bức tranh với những hình ảnh ý nghĩa về lịch sử dân tộc Việt Nam".
"Với hiện trạng và tình hình như hiện nay tôi mong muốn giữ được uy tín và thương hiệu của con đường gốm sứ và sẽ cố gắng hết sức khắc phục trước những khó khăn khắc nghiệt của thời tiết để duy tu sửa chữa. Mong muốn công chúng hết sức thông cảm với việc tu sửa của con đường gốm sứ chậm trễ như hiện tại", bà Thủy chia sẻ.
Thành An (Lao Động)
- Để đô thị hoá bình yên
- Cuộc sống ở làng chài cuối cùng trên sông Sài Gòn
- PCI miền Trung: Khi Đà Nẵng sống giữa cạnh tranh
- Bảo tồn nhà sàn truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số
- Những tầng một bỏ hoang của chung cư Hà Nội
- Hàng cây cổ thụ ven hồ Thủ Lệ trước ngày bị đốn hạ để làm đường sắt nội đô
- Vịnh Hạ Long: Ai quản lý không quan trọng mà phải là hiệu quả
- Cưỡng chế... container!
- TP.HCM: Nhiều khó khăn trong xây dựng các tuyến đường sắt đô thị
- Chung cư cũ - những khung hình "kinh điển"