Sống trên phố phường với những cọc bê tông nhồi sâu trong đất lúa, chúng ta liệu có yên bình, nếu đất ấy chưa ráo nước mắt của bao người chủ cũ?
Trong vài thập niên qua, một triệu hécta đất ruộng đã biến thành đất phố, đất kinh doanh. Làng biến thành phường, nếu mỗi hécta ảnh hưởng đến sinh kế của 10 người, thì hàng chục triệu nông dân nước ta đã trở thành thị dân. Xu thế này chắc chắn còn tiếp diễn, 60% dân số sống ở khu vực nông thôn sẽ thu hẹp đáng kể xuống chỉ còn không quá 30% khi nước ta trở thành một quốc gia công nghiệp. Để cuộc chuyển hoá từ nông dân thành những thị dân diễn ra một cách bình yên, chúng ta phải làm gì?
Từ năm 1990 đô thị Việt Nam mới bắt đầu phát triển. Từ đó đến nay, đặc biệt là vài năm trở lại đây tốc độ đô thị hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng. (Ảnh minh họa: tinmoitruong.vn)
Thật đáng tiếc, phúc lợi tạo ra khi đất quê biến thành đất phố, đất kinh doanh đã không được chia công bằng giữa Nhà nước, nhà đầu tư và nhà nông mất đất. Bảy mươi vạn tranh chấp chủ yếu liên quan đến thu hồi và chuyển đổi đất đã dồn ứ từ các tỉnh lên tới trung ương chỉ trong ba năm qua. Không hiếm khi chính sách của Nhà nước chỉ có lợi nhiều cho nhà đầu tư và cư dân đô thị, người dân quê bị thu hồi đất, mất nghiệp làm nông, bỗng trở nên ngơ ngác ngay trên chính quê hương cũ của mình. Đại đa số các khiếu kiện đều liên quan đến giá đất và các khoản đền bù, tái định cư, số tiền ít ỏi này không đủ để người dân quê mất đất có được sinh kế thay thế trong thời buổi làm ăn ngày càng khó khăn. Đất nào mà chẳng có tiền chủ. Ông chủ mới liệu có bình an khi sống trong những căn nhà mới ẩn chứa đầy ấm ức của người chủ cũ vừa bị di dời?
Xuân mới, những mong trong sáu năm nữa, khi nước ta trở thành một quốc gia công nghiệp, người ta phải tìm cách điều chỉnh một cách công bằng hơn sự thịnh vượng được tạo ra khi làng xưa biến thành phố mới. Muốn làm được như vậy, một cuộc đối thoại và thương thảo ngang tầm mắt giữa ba nhà: Nhà nước, nhà nông mất đất và nhà đầu tư rất cần được diễn ra.
Nhà nước, nhất là chính quyền địa phương, mong ngóng tìm mọi cách tăng nguồn thu, nhất là khi các nguồn thu khác trở nên khó khăn và bấp bênh, thì bán quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư là một cách phổ biến để tăng thu ở địa phương. Không lạ, tỉnh nào cũng hăm hở công nghiệp hoá hoặc biến đất trồng lúa thành sân golf. Vì lẽ đó, Nhà nước vẫn ưa dùng quyền lực để thu hồi đất ruộng của nông dân. Muốn bớt bất công, quyền thu hồi ấy phải bị thu hẹp, quy trình thu hồi phải ngày càng chặt chẽ.
Nhà đầu tư nào cũng muốn kiếm lời, giá thu hồi rẻ và chi phí hợp lý mới mong dự án có lãi. Muốn bớt bất công, nông dân phải có quyền được thương lượng về giá của đất đai theo những quy luật của thị trường. Cùng với nhà đầu tư, nông dân cần được sáng tạo đề xuất các giải pháp tạo sinh kế bền vững, ví dụ thay vì nhận những cọc tiền đền bù họ cần có quyền tham gia cổ phần trong dự án sau khi đất được chuyển đổi.
Nhà Phật dạy về luật nhân quả, trí tuệ của chúng ta thật non nớt và nông cạn, đâu đã sớm hiểu hết tai ương ngày nay trên phố biết đâu đều có nguyên căn sâu thẳm ngày xưa từ những cuộc giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi và di dời cưỡng bức những chủ cũ phải lìa xa sản hữu yêu dấu của mình. Sống trên phố phường với những cọc bê tông nhồi sâu trong đất lúa, chúng ta liệu có yên bình, nếu đất ấy chưa ráo nước mắt của bao người chủ cũ?
Đô thị hoá, cầu mong sẽ mang lại phúc lợi chung cho Nhà nước, nhà đầu tư, và những nhà nông có đủ sự chủ động để thương thảo và tìm lấy cơ hội vững tin trở thành những chủ nhân của đô thị tương lai.
Phạm Duy Nghĩa (Người Đô thị)
- Tòa tháp hình búp sen và dấu ấn Vũ Quang Hội
- Hà Nội hạn chế tối đa chặt hạ cây cổ thụ nơi tuyến đường sắt đi qua
- Thay chủ đầu tư dự án: Tước quyền có dám trao quyền?
- Trọ ở Hà Nội xưa và nay
- Những biểu tượng của Sài Gòn ngày ấy - bây giờ
- Cuộc sống ở làng chài cuối cùng trên sông Sài Gòn
- PCI miền Trung: Khi Đà Nẵng sống giữa cạnh tranh
- Bảo tồn nhà sàn truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số
- Những tầng một bỏ hoang của chung cư Hà Nội
- Con đường gốm sứ xuống cấp: Cũng là điều bình thường!?