Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Tòa tháp hình búp sen và dấu ấn Vũ Quang Hội

Tòa tháp hình búp sen và dấu ấn Vũ Quang Hội

Viết email In

Từ sảnh cà phê trên sân thượng cao ốc cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, phóng tầm nhìn về phía trung tâm Sài Gòn, tôi bắt gặp một cảnh tượng đẹp lạ lùng. Trong ánh sáng của thành phố về đêm, một tòa tháp vươn lên trên bầu trời, sáng rực như một búp sen màu ngọc bích. 

Tôi ngẩn người trong bữa tiệc ánh sáng của một đô thị thời hiện đại, ngắm hình ảnh đổi màu liên tục của tòa tháp với những tia sáng lấp lóa dệt lên bảy sắc cầu vồng mà lần đầu tôi được chiêm ngưỡng từ trên cao.  

Màu sắc ấy không chỉ hấp dẫn những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp mà còn làm ngây ngất bao nhiêu con tim những con dân thành phố vốn được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông này. 

Người kiến trúc sư ngồi cùng với tôi có vẻ như chưa hết xúc động: “Tôi đã từng ngồi tại đây ngắm tòa tháp Bitexco Financial Tower nhiều lần nhưng không lần nào giống như lần nào. Tháp Bitexco xứng đáng là một điều kỳ diệu của kiến trúc Việt Nam thời hiện đại. Đó là lý do tôi quyết lôi bằng được anh lên sảnh cà phê này vào ban đêm”. 

Một sự khai phóng tư duy

Tôi hiểu nhã ý của người bạn vong niên. Tôi vốn mù mờ về kiến trúc và không mấy gì hiểu điều kỳ diệu của anh bạn kiến trúc sư nhưng ấn tượng mà tòa tháp mang lại lúc này thật đặc biệt.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên tôi nhận ra vẻ đẹp riêng biệt của tòa tháp, giữa tổng thể của những cao ốc bao quanh nó. Không đơn giản là tòa nhà chọc trời, một trong 3 tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam. Vẻ đẹp của nó là vẻ đẹp của một ý tưởng độc đáo, táo bạo, phá cách giữa điệp khúc tẻ nhạt của nhưng khối vuông hình hộp cũ kỹ giữa trung tâm đô thị Sài Gòn.

Đó là lý do Bitexco Tower đang trở thành địa điểm nhận dạng quen thuộc của người dân Tp.HCM. Không chỉ cư dân Sài Gòn, những người đến thành phố lần đầu tiên cũng không sợ mình đi lạc.

Cứ căn cứ vào vị trí tòa tháp người ta có thể tìm đường về trung tâm chẳng cần dùng la bàn, dù bạn đang đứng ở hướng nào.

Mọc lên giữa một khu vực sầm uất nhất của thành phố văn hóa thương mại lớn nhất nước, ra đời vào thời điểm kinh tế Việt Nam phát triển với tốc độ chóng mặt, Tòa tháp được đánh giá là biểu tượng của một Sài Gòn đổi mới, năng động và hội nhập.

Theo tạp chí Asean Affairs: “Tòa tháp BFT cao 262 m với 68 tầng đã trở thành biểu tượng kiến trúc trên bầu trời Tp.HCM và cũng là một biểu tượng của Việt Nam phát triển”. 

Những con số thật ấn tượng. Tòa nhà được xây dựng trên diện tích 6.000 m2 với tổng số tiền đầu tư 300 triệu USD. Có 37.000 m2 dành cho khu vực văn phòng. 8000 m2 cho khu vực thương mại từ tầng 1 đến tầng 6. 600 m2 được thiết kế cho khu vực ẩm thực ở tầng 50, một nhà hàng cao cấp trên tầng 51. Một khu vực rộng 300m2 trên tầng 52 dành cho doanh nhân. Một đài quan sát ở tầng 49 cho du khách tham quan có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh Sài Gòn. Tòa tháp cũng là dự án đầu tiên ở Việt Nam xây dựng sân đậu trực thăng trên cao ốc ở tầng 52.

Tòa tháp được thiết kế bằng bê tông cốt thép và kính và mang tính phức tạp bậc nhất trong kiến trúc mà tôi được thấy, người bạn kiến trúc sư nhấp ngụm cà phê và nhả từng chữ với tôi.

Quả đúng là phức tạp thật. Đầu tiên, đó chính là sân đậu trực thăng ở tầng 52 treo lơ lửng ngoài kết cấu chính của tòa nhà. Ở độ cao 191 mét so với mặt đất, sân đậu trực thăng có độ dài 40 mét, trong đó có 18 mét kết nối vào kết cấu chính của tòa nhà và mở rộng ra 22 mét so với cấu trúc chính của tòa tháp.

Sân đậu trực thăng nhằm tạo phương tiện giao thông khác cho khách đến giao dịch đề phòng nạn kẹt xe. Nằm ở tầng 52 chứ không nằm trên đỉnh, sân trực thăng tạo điều kiện cho khách tiếp cận không gian ấm cúng của tòa nhà một cách nhanh nhất.

Nhưng lắp ráp sân bay trực thăng giữa không gian là một điều không đơn giản. Đưa 250 tấn kết cấu sắt thép với hơn 4.000 bu lông và hàng trăm tấn xi măng lên trời và phải bảo đảm độ tải trọng giữa sân đậu trực thăng và cấu trúc bên trong tòa tháp là bài toán hóc búa đối với đơn vị thi công.

Để bảo đảm thành công, sân đậu trực thăng phải được lắp ráp thử nghiệm dưới đất trước. Sau một năm nỗ lực thử nghiệm và hoàn thiện, sân đậu đã hoàn thành, trong đó riêng việc lắp ráp ở tầng 52 đã ngốn hết thời gian 2 tháng.

Nhưng đâu chỉ sân đậu trực thăng. Anh bạn kiến trúc sư, có vẻ là một tín đồ của kiến trúc tòa tháp đã ra sức giảng giải về tính phức tạp của kỹ thuật và những đòi hỏi cao đối với các đơn vị thi công.

Tôi ngồi im nghe anh giải thích một cách say sưa và cảm nhận rõ ràng hơn cái mà anh gọi là tính cách mạng của kiến trúc tòa nhà, một biểu tượng của kiến trúc Sài Gòn thời đổi mới như lời anh khẳng định.

Thử thách lớn nhất là đối với đội ngũ kỹ sư và cán bộ thi công là thiết kế tòa nhà với lối kiến trúc không cân xứng khác hẳn kiểu kiến trúc truyền thống. Tất cả các tầng của tòa nhà có diện tích khác nhau, vì vậy 6.000 tấm kính ngăn tường đều khác nhau và phải cắt với kích thước không giống nhau.

Khó khăn còn ở chỗ trong 6.000 bức tường kính có đến 1.200 tấm có hình dạng cong sắp xếp theo hình trụ nghiêng chứ không đơn giản là hình chữ nhật xếp theo chiều thẳng đứng.

Với hình dáng thanh mảnh, để chịu đựng được sức gió, tòa nhà còn được gia cố bởi các thanh giằng. Anh bạn kiến trúc sư gật gù nói với tôi: Cái tôi bái phục là sự khai phóng tư duy của ông chủ tòa tháp, ông chủ tập đoàn Bitexco - một mẫu hình doanh nhân, một thần tượng của cánh kiến trúc sư trẻ chúng tôi.

Khởi đầu từ một cái xưởng dệt bé nhỏ của cha anh Vũ Quang Huy ở làng quê Thái Bình với Công ty TNHH Bình Minh (Bitexco). Năm 1997, Bitexco đã đi bước đột phá đầu tiên ra ngoài ngành dệt truyền thống.

Trước đó, Thái Bình với những giếng khoan thăm dò dầu khí đã làm phát lộ ra một nguồn tài nguyên mới - nước khoáng. Nhưng nguồn tài nguyên quý giá ở độ sâu 3.000 mét này chỉ được dùng cho những người khai thác dầu khí. Trong khi đó, nước khoáng đóng chai của nước ngoài đắt như tôm tươi và bán với giá ngang bằng giá xăng.

Óc kinh doanh nhạy bén của Vũ Quang Hội phát hiện ra một vùng đất màu mỡ gần như chưa được khai phá. Tư duy ấy cùng với lòng tự ái dân tộc “tại sao nước ngoài làm được mà ta không làm được” đã khiến anh quyết định đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này.

Gửi mẫu nước sang Italy, may thay, đây là mỏ nước có nhiều chất khoáng quý hiếm, rất có lợi cho sức khỏe con người. Nhãn hiệu nước khoáng Vital ra đời và trở thành một nhãn hiệu nổi tiếng bắt đầu từ đấy. 

Biểu tượng của Sài Gòn - Tp.HCM - Việt Nam

Với hành trang là những thành công ban đầu, Vũ Quang Hội đã thực hiện cuộc “hành trình về phương Nam” mà điểm đến là Tp.HCM. Đầu tiên, nguyên cớ là để thực hiện ước mơ của người cha sau khi về hưu từ năm 1982: được một lần vào thăm “hòn ngọc viễn Đông”.

Ước mơ ấy của cha đã thực sự thắp lên hoài bão của anh, không đơn giản là việc đưa cha vào thăm thành phố theo nghĩa thông thường mà là khát vọng cháy bỏng phải làm gì cho thành phố mang tên Bác.

Cơ duyên đến bất ngờ khi một buổi tối anh đi trên đường Nguyễn Huệ. Trong ánh sáng rực rỡ của thành phố về đêm, anh nhận ra một khu đất quây tôn kín, tối om. Hỏi ra mới biết đây là dự án bất động sản chủ đầu tư là Singapore bị phá sản do khủng hoảng kinh tế, đã rao bán nhưng không ai mua.

Một câu hỏi bất ngờ xuất hiện trong đầu Vũ Quang Hội: “Tại sao mình không thể biến cái người ta không thể thành cái ta có thể?”. Quyết định đầu tư địa ốc được đưa ra ngay sau đó. Anh đã mua mảnh đất trong sự ngạc nhiên của nhiều người.

Hai năm sau, trên mảnh đất đó đã xuất hiện một cao ốc văn phòng 20 tầng, trị giá 20 triệu USD. Một nước cờ táo bạo và khôn ngoan.

Vạn sự khởi đầu nan. Thừa thắng xông lên, Bitexco nhảy sang lĩnh vực đầu tư địa ốc cao cấp. Cái tên Bitexco đã trở thành bảo chứng với những công trình nổi tiếng ở Hà Nội và Tp.HCM như khách sạn J.W. Marriott tại Hà Nội, Văn phòng Bitexco - Nguyễn Huệ Tp.HCM, khu The Manor Nguyễn Hữu Cảnh, khu đô thị Nguyễn Cư Trinh, tháp The One tại Tp.HCM…

Nhưng cũng phải đến Bitexco Financial Tower, Vũ Quang Hội mới thật sự đặt được dấu ấn của mình. Chối bỏ cách làm thông thường,Vũ Quang Hội chọn cách làm được coi là không bình thường khi bay khắp thế giới tuyển mộ những công ty tư vấn, thiết kế kiến trúc, thi công xây dựng hàng đầu về thực hiện dự án.

Không ai biết ý tưởng xây dựng tòa nhà cao nhất Việt Nam lúc bấy giờ bắt đầu từ đâu. Nhưng có người cho rằng nó có thể bắt đầu từ chuyến xe từ sân bay Athens (Hy Lạp) về khách sạn của Vũ Quang Hội. Khi biết vị khách đến từ Việt Nam, người lái xe bản xứ hay chuyện buông cả hai tay lái giơ lên trời và reo lên: “ô Việt Nam, Việt Nam, Hồ Chí Minh”.

Nhưng ngay sau đó anh lại giơ tay, miệng kêu: pằng pằng pằng biểu lộ sự thiện cảm khiến Hội buốt ruột. Phải làm gì để người nước ngoài phải ghi dấu một Việt Nam phát triển và không chỉ nổi tiếng về chiến tranh? Phải chăng, đó là lý do khiến anh quyết tâm bỏ hàng trăm triệu USD vào dự án mà mọi người coi là điên rồ: dự án tòa tháp cao nhất Việt Nam lúc bấy giờ - Bitexco Financial Tower.

Đáp lại ý tưởng khác thường của Vũ Quang Hội, người được chọn thiết kế tòa tháp - ông Carlos Zapata - một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới mang quốc tịch Mỹ, đã bỏ qua sự cạnh tranh về độ cao để chọn một cách cạnh tranh khác: sự độc đáo. 

Nghĩa là phải làm sao thiết kế một tòa nhà khác thường, một tòa nhà chưa từng có và khó ai có thể vượt qua. Điểm nhấn của thiết kế, vì vậy, phải thể hiện sự riêng biệt của tòa tháp khiến người ta có thể nhận diện nó bất cứ lúc nào và dưới bất kỳ hình thức nào.

Carlos Zapata đã đi tìm cái thần của kiến trúc trong bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Cuối cùng ông định hình ý tưởng thiết kế từ hình dáng búp sen, biểu tượng của sự tinh khiết, thanh cao, lạc quan và khát vọng vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Theo ông, hình dáng búp sen thon thả, thanh lịch chính là hình ảnh nền văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa của tương lai. Kiến trúc tòa nhà được lồng ghép những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống. Những đường cong mềm mại của tòa tháp khiến người ta liên tưởng tới đường nét dịu dàng, bay bướm của tà áo dài Việt Nam.

Sân đậu trực thăng giống như chiếc nón lá yểu điệu của người thiếu nữ. Có lẽ, đó cũng chính là lý do CNN bình chọn Bitexco Financial Tower vào top 1 trong 25 tòa nhà biểu tượng của kiến trúc thế giới, không phải những tòa tháp cao nhất mà là những tòa tháp mang tính biểu tượng đặc trưng của chính thành phố nơi chúng được sinh ra: Sài Gòn- Tp.HCM - Việt Nam.

Tôi ngồi im. Người bạn kiến trúc sư cũng ngồi im. Trong cái se lạnh của trời đêm Sài Gòn, không biết anh bạn tôi nghĩ gì, còn tôi cứ ngắm nghía không chán vẻ đẹp của tòa tháp. Rồi nó bỗng hóa thành búp sen xanh, rũ sạch bùn đất, bay lên giữa sông nước mênh mông Tháp Mười, rực rỡ và tinh khiết.

Tôi như bất chợt bắt gặp dáng kiều diễm của người thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài truyền thống, chiếc nón lá duyên dáng trong tay, hóa thân vào tòa tháp- một tòa nhà chọc trời đã hội tụ làm nên biểu tượng năng động của Tp.HCM, biểu tượng của Việt Nam phát triển.

Tự nhiên, tôi bỗng nhớ đến câu dạy con của ông chủ Bitexco Vũ Quang Hội: Ai cũng đi một chuyến tàu cuộc đời và cũng xuống ga cuối cùng. Cuối cùng anh sẽ để lại cái gì giá trị cho đời… 

Gió từ sông Sài Gòn vẫn lồng lộng thổi về. 

Dương Trọng Dật (VnEconomy) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo