Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Vẫn khóc những hàng cây

Vẫn khóc những hàng cây

Viết email In

LTS: Sau khi đăng bài “Đừng khóc những hàng cây(mời xem ở cuối) của tác giả Nguyễn Gia, báo Thể thao & Văn hóa nhận được bài viết của đạo diễn Việt Linh (hiện sống ở Paris, Pháp) chia sẻ thêm suy nghĩ riêng của chị… Đúng như tên gọi của định mục này: Diễn đàn văn hóa, Thể thao & Văn hóa luôn muốn nhận được những bài viết có tính trao đổi, phản biện. Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết này.  

1. Tôi nghĩ vậy khi đọc Đừng khóc những hàng cây của tác giả Nguyễn Gia. Tôi hoàn toàn đồng ý: “Để vươn tới hiện đại, sự thay đổi - động lực của phát triển là không thể tránh khỏi. Cái giá của văn minh sẽ chỉ đắt nếu sau này con cái chúng ta nhận được cái không xứng đáng với những điều chúng ta đã đánh đổi”. Đồng ý luôn câu kết của bài viết: “Thay vì tiếc nuối, chỉ cần hy vọng cái chúng ta nhận được sau này sẽ không rẻ mạt, sự hy sinh sẽ không vô nghĩa”. 

Nhưng như bình luận của độc giả Hà: “Tôi vẫn thích những bài của tác giả Nguyễn Gia, nhưng bài này, đặc biệt là câu kết, tôi không nhất trí. Muốn thôi tiếc nuối để hy vọng phải có căn cứ. Trước đây Hà Nội đã đánh đổi vườn đào Nhật Tân và Dinh Đào để có được cái gì; đã đánh đổi di tích Hỏa Lò để có được cái gì; đã đánh đổi rất nhiều diện tích Hồ Tây để có được cái gì - thì bây giờ chúng ta đã thấy” - tôi tin rằng những gì đã thấy qua bốn thập niên khiến chúng ta không thể dừng tiếc nuối. 

Tác giả Nguyễn Gia dẫn: 125 năm trước các trí thức lớn của Pháp đã phản đối kịch liệt việc xây dựng tháp Eiffel, gọi nó là con quái vật vô dụng, gớm ghiếc. Rằng: “Ngày hôm nay, khi ngắm Eiffel vươn lên giữa các tòa nhà cổ kính của Paris, người ta mới thấy ngưỡng mộ trước sự táo bạo của công trình…”. So sánh này sang trọng nhưng bất tương, bởi không thể đem vật thể kiến trúc làm “bài học” quy hoạch…

Trong bài Tháng bảy còn mãi, sau khi khuyến cáo xóa bỏ ký ức một vùng đất, một đô thị là cách tốt nhất làm con người mất gốc, TS Nguyễn Thị Hậu đã kêu lên mông lung nhưng xác đáng: “Cứ như vậy, sẽ không còn gì làm cầu Ô thước nối liền quá khứ và tương lai. Tháng Bảy cứ còn mãi, những gì đã mất sẽ không bao giờ siêu thoát…”. Có thể đa cảm, nhưng những người khóc cây không thiểu trí đến mức không biết “để vươn tới hiện đại, sự thay đổi - động lực của phát triển là không thể tránh khỏi”. Nhưng họ biết, như Nguyễn thị Hậu, vẫn có những phương pháp kỹ thuật để giảm thiểu sự hủy hoại di sản, nếu như nhà quản lý và đầu tư thực sự hiểu biết và quý trọng di sản.

2. Mười năm trước, trong một bài đăng trên tạp chí Nhà Đẹp tôi viết: “Một người bạn Pháp của tôi lần đầu đến Việt Nam đã đưa ra nhận xét: Nhà phố nước bạn mang nét đẹp vị kỷ. Chữ vị kỷ của khách khiến tôi giật thót. Mà có đâu xa, loanh quanh khu phố mình thôi: mỗi nhà một kiểu, đẹp, nhưng cả khu phố là quần thể lô nhô, thiếu vắng cái bản sắc mà thường chỉ lướt mắt, du khách có thể biết họ đang ở xứ nào”.

Với tư duy xây dựng vị kỷ, Việt Nam đang mất dần bản sắc với tốc độ điên đảo. Con gái tôi sinh trưởng ở Pháp, mỗi lần nhìn thấy di tích Việt Nam bị phá, cháu lại rên lên xót xa. Cháu tôi, sắp xong cử nhân kiến trúc ở Toulouse, đang muốn học tiếp ở Paris hoặc nơi khác vì Toulouse chỉ có khoa quy hoạch đô thị. Lý do, theo cháu, quy hoạch đô thị ở ta quá ít chỗ cho kiến thức căn bản.

Trong bài viết của mình, KTS Nguyễn Ngọc Dũng, sau khi nhận xét “Sài Gòn xưa giờ đang trở thành đô thị của một nước xa lạ nào đó”, đã than thở: “Quy hoạch mỹ miều 300 năm của Hòn ngọc Viễn Đông đang phải nhường chỗ cho đô thị hiện đại chưa được định dạng”. Tôi thì thấy nó đã ló dạng - đâu cần phải thất bại về khả năng tưởng tượng, bởi những gì ta thấy không “quái vật” đến mức phải hy vọng cái chúng ta nhận được sau này là gì. Nó đẹp, hữu ích cho cộng đồng nào đó, và phảng phất diện mạo… Singapore! 

Những người khóc cây vẫn khóc vì lịch sử đang bị đánh đổi cái hiện đại sao chép. Không phải khóc cây, khóc gỗ. 

Việt Linh 

Đừng khóc những hàng cây 

1. Nhiều người ở Hà Nội, Sài Gòn đang tiếc nuối những hàng cây cổ thụ bị chặt hạ. Ở Hà Nội là 30 cây xà cừ rợp bóng trên đường Kim Mã, dọc hồ Thủ Lệ - lá phổi xanh của thành phố. Sài Gòn cũng mất đi hàng cây cổ thụ hai bên đường Lê Lợi. Sự hy sinh ấy là để thành phố có hệ thống ga và tàu điện ngầm hiện đại, tiện ích.

Nhiều người lo một phần ký ức rất đẹp của Sài Gòn, Hà Nội vĩnh viễn ra đi. Sự lo âu đó là có lý do bởi ngoài trung tâm kinh tế, chính trị, đó còn là những thành phố nhân văn. Con người sống bằng hoài niệm rất nhiều, nhất là hình ảnh quá khứ lãng mạn, hàng cây, con đường, thềm hoa, góc phố... Hoài niệm ấy càng quắt quay khi thành phố đang ngày càng ngột ngạt vì mất đi những mảng xanh.

Nhưng để vươn tới hiện đại, sự thay đổi - động lực của phát triển là không thể tránh khỏi. Cái giá của văn minh sẽ chỉ đắt nếu sau này con cái chúng ta nhận được cái không xứng đáng với những điều chúng ta đã đánh đổi.

Có thể trong trí nhớ của nhiều người, Sài Gòn vẫn là một thành phố với những con đường rợp bóng me xanh. Tạp chí National Geographic trong một bài viết về Sài Gòn vào thập niên 1960, có đăng tấm ảnh một nữ sinh mặc áo dài trắng, đội nón lá, đi xe đạp, hai vạt áo dài lộng gió trắng tinh khôi. Hình ảnh ấy nay đã bớt đi tính lãng mạn khi các cô gái mang khẩu trang che kín mặt lúc ra đường, còn thêm cái mũ bảo hiểm trên đầu nếu đi xe máy.

Thành phố như một cô gái đẹp, không thể cứ mặc mãi một cái áo mà phải thay đổi cho hợp thời trang.

2. Có một công trình xây dựng từng phải đối mặt với thái độ còn gay gắt hơn sự hoài niệm, đó là sự phản đối kịch liệt. Cách đây 125 năm, các nhà văn, nghệ sĩ và học giả hàng đầu của Pháp đã cùng nhau phản đối kịch liệt việc xây dựng tháp Eiffel, công trình bị họ gọi là “con quái vật vô dụng và gớm ghiếc", nó sẽ phá nát không gian của Paris.

Ngày hôm nay, khi ngắm Eiffel vươn lên giữa các tòa nhà cổ kính của Paris, người ta mới thấy ngưỡng mộ trước sự táo bạo của công trình, cũng như trí tưởng tượng của các cá nhân đã tạo ra nó từ các xà thép, dựng nó lên đầy ngạo nghễ giữa một thành phố đẹp đẽ, thượng lưu như kinh đô ánh sáng của nước Pháp.

Và như thế các tác gia như Alexandre Dumas và Guy de Maupassant, các kiến trúc sư như Charles Garnier, các nhà soạn nhạc như Charles Gounod và những người nổi tiếng khác từng kịch liệt phản đối ngọn tháp đã trở thành những kẻ thất bại về khả năng tưởng tượng.

Nhà văn kiệt xuất của nước Pháp Anatole France người đoạt giải Nobel văn học năm 1921 nói rằng: “Con người không bao giờ được lãng phí thời gian vô ích để tiếc nuối quá khứ hay phàn nàn về những thay đổi khiến mình khó chịu, bởi thay đổi là bản chất của cuộc sống”. Và rằng: “Tất cả mọi thay đổi, thậm chí cả những thay đổi được trông chờ nhất, đều có nỗi u sầu; bởi điều chúng ta để lại sau lưng là một phần của chúng ta; chúng ta phải chết với một cuộc sống trước khi có thể bước vào một cuộc sống khác”.

Điều trên ứng với sự “hy sinh” của những người hoài niệm hôm nay. Không biết người Pháp vô tình hay có ý khi địa chỉ chính thức của tháp Eiffel ở số 5 đại lộ mang tên Anatole France.

Thay vì tiếc nuối, chỉ cần hy vọng cái chúng ta nhận được sau này sẽ không rẻ mạt, sự hy sinh sẽ không vô nghĩa.

Nguyễn Gia (07/08/2014) 

(Thể thao & Văn hóa) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo