Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Góc nhìn Có chứng chỉ hành nghề trùng tu vẫn phá di tích

Có chứng chỉ hành nghề trùng tu vẫn phá di tích

Viết email In

Nhiều vụ việc xảy ra liên tiếp vừa qua cho thấy dù cầm chứng chỉ hành nghề trong tay nhưng những người làm công tác trùng tu vẫn vô tư phá di tích.

Cách đây hơn một năm, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VH-TT-DL) ban hành Thông tư 18 quy định các tổ chức và cá nhân tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có chứng nhận, chứng chỉ hành nghề. Đây được coi là biện pháp “căn cơ” của nhà quản lý nhằm giảm tình trạng trùng tu tùy tiện, làm biến dạng, phá hỏng di tích tồn tại trong suốt nhiều năm. Nhưng thực tế những vụ việc xảy ra trong thời gian qua lại cho thấy chứng chỉ hành nghề đã bị vô hiệu hóa.

Trong số những ví dụ có thể kể ra là câu chuyện trùng tu tại hai di tích được xếp hạng quốc gia đình Quang Húc (Ba Vì, Hà Nội) và đình Tiên Canh (Vĩnh Phúc, Hà Nội). Ngôi đình cổ Quang Húc gần 400 năm đã bị biến dạng, trong khi đình Tiên Canh đã trở nên tan hoang sau khi trùng tu. Cả hai đơn vị thi công hai ngôi đình đều được công nhận đạt đủ yêu cầu, tức là có chứng chỉ hành nghề.


Cửa đình Quang Húc làm sai quy cách sau khi trùng tu
(Ảnh: Nam Nguyễn)

“Giờ em mới biết mình toàn đi phá di tích”

Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) cấp chứng chỉ hành nghề dựa theo nhiều điều kiện, trong đó yêu cầu phải có kinh nghiệm thực tiễn (chẳng hạn đã tham gia thực hiện ít nhất ba công trình), bên cạnh đó là phải có giấy chứng nhận đã tham gia lớp học bồi dưỡng về tu bổ di tích.

Viện Bảo tồn di tích đã chủ động mở lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ tu bổ di tích từ cách đây 4 năm. Trong các khóa học, đến giờ KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, vẫn bị ám ảnh bởi một học viên trong khóa bồi dưỡng đến từ Bắc Giang vừa khóc vừa nói với ông: “Khi học rồi em mới hiểu hóa ra từ trước đến nay mình toàn phá di tích mà không biết”. Câu chuyện mà ông Vinh kể cho thấy một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc trùng tu như... phá hiện nay là vì người làm trùng tu “không biết mình phá”. Khóa bồi dưỡng là rất cần thiết, tuy nhiên, một khóa như vậy kéo dài trong 4 tuần, trong khi đào tạo ngắn ngày thực tế chỉ có thể đủ bù lấp những kiến thức thiếu hụt cơ bản nhất mà chưa đủ trình độ lẫn kiến thức để trùng tu di sản.

"Trùng tu di tích là một chuyên ngành khoa học liên quan đến nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật... không thể học trong thời gian ngắn mà làm tốt ngay được".

KTS Lê Thành Vinh,
Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích

Theo ông Vinh, chứng chỉ cần chứ chưa đủ cho việc trùng tu di tích. Chứng chỉ hành nghề đơn giản chỉ có ý nghĩa là tờ giấy thông hành, hợp thức hoạt động trùng tu cho đúng luật, chứ không thể đảm bảo việc người được cấp chứng chỉ có đủ hiểu biết để không làm biến dạng, phá hỏng di tích.

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền thì cho rằng: “Những người tu bổ di tích có người làm đúng, có người làm sai mà những người làm sai nhiều hơn những người làm đúng. Trước hết, nhận thức về di sản chưa đến nơi đến chốn. Thứ hai là hình thức tu bổ theo kiểu đấu thầu. Người ta đã đi đến đấu thầu là quan tâm đến vấn đề kinh tế, làm sao để lấy được nhiều tiền nhất, lợi nhuận nhất, điều đó rất tai hại với di sản văn hóa”. Tuy nhiên, chứng chỉ hành nghề, theo ông, có còn hơn không. “Điều đó sẽ giúp loại bỏ phần nào những người trùng tu không tử tế, nhưng phải có quy định chặt chẽ thì mới hy vọng di sản được bảo vệ”, ông nói.

Không thể đào tạo ngắn hạn

Ông Lê Thành Vinh nói thêm, những người làm công tác trùng tu di tích cần phải được đào tạo một cách bài bản, thay cho những khóa học ngắn hạn như hiện nay chỉ mang tính chất bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực này. “Trùng tu di tích là một chuyên ngành khoa học liên quan đến nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật... không thể học trong thời gian ngắn mà làm tốt ngay được”, ông Vinh nhận định.

Thêm nữa, nhận thức và hiểu biết thấu đáo về khoa học trùng tu là yêu cầu cần thiết đối với tất cả các đối tượng liên quan đến hoạt động này, từ những cán bộ kỹ thuật tham gia các nhiệm vụ lập dự án, thiết kế, tổ chức thi công, giám sát đến những người thợ trực tiếp thi công, những người quản lý di tích, quản lý dự án và cả các cấp quản lý nhà nước, các cấp quyết định đầu tư. “Thực tế thì không ít những công trình chúng ta sai lầm ngay từ chủ trương. Không có đầy đủ cứ liệu khoa học nhưng chúng ta vẫn cứ quyết định phục dựng những di tích đã mất chỉ từ những dấu vết nền móng, với quy mô rất lớn để cho xứng tầm”, ông Vinh nhấn mạnh.

Cần mở chuyên ngành đào tạo

Thực tế cho thấy từ lâu đã có một khoảng trống trong việc giáo dục bảo tồn di sản. Nhiều ý kiến cho rằng cần có những chương trình đào tạo di sản trong các trường học, hay ngay như trùng tu di tích cũng cần trở thành một môn học trong các trường đại học chuyên ngành. “Viện Bảo tồn di tích đang tiếp tục xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực ngành tu bổ di tích cho các giai đoạn tiếp theo. Chúng tôi sẽ khảo sát thực trạng đội ngũ làm nghề hiện nay, nhu cầu và khả năng thực tế về bảo tồn di tích để xây dựng đề án gần nhất với thực tế. Đáng lẽ đây là việc chúng ta cần phải làm từ lâu rồi. Nếu không làm ngay thì càng lúc chúng ta sẽ chỉ càng mất mát thêm các giá trị của di sản vì sự thiếu hiểu biết”, ông Vinh nói.

Minh Ngọc (Thanh Niên)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo