Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn Hành xử với cây xanh đô thị

Hành xử với cây xanh đô thị

Viết email In

Dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao của Hà Nội đòi hỏi phải chặt bỏ những cây xanh lâu năm gây xôn xao tiếc nuối cho dư luận. Theo Nghị định quản lý cây xanh số 64 NĐ-CP năm 2010 thì việc chặt hạ là được phép áp dụng đối với những cây xanh có ảnh hưởng tới các dự án của quy hoạch đô thị. Đối với những cây cô thụ thì cân nhắc kỹ hơn trước khi đưa ra quyết định.  

Cũng theo Nghị định này thì những cây có đường kính lớn hơn 50cm hoặc có tuổi thọ trên 50 năm đều được xếp loại là cây cổ thụ. Số tuổi cây như vậy cũng ảnh hưởng đến việc xếp loại cây để xử lý, tuy nhiên đọc qua những trang báo điện tử viết về hàng cây xà cừ cổ thụ phải chặt bỏ thì số tuổi cây được các báo nhắc đến rất khác nhau. Có báo nói hàng cây được trồng từ năm 1957, có báo dẫn lời một vị quan chức nào đó thị nói hàng cây được trên dưới 40 tuổi, cũng có báo nói hàng cây đã 80 năm. Báo chí kém hay chẳng có nguồn tài liệu xác minh cụ thể? 

Nhiều người tin rằng công lao xây dựng thủ đô xanh bắt nguồn từ thời chính quyền thực dân Pháp với những hàng cây còn đi mãi vào tâm trí người dân thủ đô. Chót vót sao đen Lò Đúc, Trần Hưng Đạo, Trần Phú lá sấu xanh rì, Lý Thường Kiệt cơm nguội sắp hàng, Hoàng Diệu 3 hàng cây xà cừ mát rượi. Lịch sử cây xanh trong quy hoạch pháp có lẽ là từ thế kỷ 17 khi cây xanh từ các khu vườn thượng uyển của giới quý tộc vươn ra trang trí cho các đường đi dạo và tạo ra những định hướng điểm nhìn cho các tòa lâu đài tráng lệ. Cho đến thế kỷ thứ 19, cây xanh mới thực sự là công cụ của những nhà quy hoạch khi Paris được xây dựng dưới thời Georges Eugène Haussmann và Jean-Charles Alphand. Alphand giải thích sự cần thiết phải đưa không gian tự nhiên vào đô thị để tạo sự cân bằng cho đô thị trong quá trình phát triển phục vụ cho vệ sinh môi trường. Các hình thức phát triển không gian xanh như trồng cây hai bên bờ sông tạo thành lối đi dạo, dọc theo các đại lộ, ở quảng trường được thực hiện. 

Mục đích mà Alphand đặt ra rất rõ ràng “Trước kia để hít thở không khí trong lành hay tận hưởng ánh nắng mặt trời phải đi ra những khu vườn dạo thậm chí ra hẳn khỏi Paris, ngày nay” ông tuyên bố “người dân paris có thể có những khu vườn ngay trong khu phố của mình”. 

Nhận thức đúng đắn về việc đưa các không gian tự nhiên vào đô thị từ Paris lan truyền ra các thành phố của Pháp, tuy nhiên đến thế kỷ 20, khi các thành phố trải qua quá trình hiện đại hóa thì cây xanh lại mất mát một lượng lớn do các ưu tiên về phát triển giao thông và các lợi ích kinh tế khác. Mãi cho đến những năm 1990 khi ảnh hưởng của Công ước Khung tại hội nghị thượng đỉnh Rio đã tác động mạnh đến ý thức phát triển bền vững của các thành phố tây âu, cây xanh mới được nhìn nhận trở lại đặc biệt qua những Cam kết giữa chính quyền địa phương về phát triển cây xanh.

Tuy nhiên xung đột giữa giữ gìn cây xanh như những di sản xanh của đô thị trong sự nghiệp phát triển thành phố vẫn thường xảy ra, sự việc tại Nimes năm 2011 là một ví dụ. 

Thành phố Nimes nổi tiếng với những đường phố trung tâm rợp bóng hàng cây cơm nguội và cây tiêu huyền được trồng từ thế kỷ 17 và đã đi vào bản sắc của khu phố cổ. 

Tháng 1 năm 2011, dự án xây dựng tuyến xe buýt làn đường riêng khởi công theo thiết kế sẽ lấy đi 80 cây cổ thụ hàng trăm tuổi đó. Lần lượt các cây bị chặt hạ lấy chỗ cho dự án giao thông hiện đại của thành phố với sự cho phép của các kiến trúc sư tham gia tư vấn thiết kế và quản lý.

Người dân lập tức phản đối và bảo vệ cây xanh đường phố với những hành động rất đa dạng như tổ chức thành các hội đoàn để chia nhau canh gác các cây thuộc phạm vi dự án, cũng như trình đơn kiện chính quyền thành phố vi phạm di sản xanh của đô thị. Một vài hành động khác như in những chiếc áo khẩu hiệu bảo vệ hàng cây, thu thập bản kiến nghị chung với 9000 chữ ký, những buổi hội thảo có mặt các chuyên gia cây xanh hàng đầu, một số tác phẩm kịch nghệ đương đại ủng hộ môi trường được thể hiện với sự có mặt của những tác giả nổi tiếng như Armand Gatti. Đặc biệt người dân lên án ông thị trưởng đã nuốt lời đã hứa trước đó trong chiến dịch tranh cử và đi ngược lại bản Cam kết bảo vệ cây xanh đô thị thành phố đưa ra trước đó ít lâu.

Tòa án hành chính sau đó đã xử thắng kiện cho người dân, đình chỉ hoạt động chặt hạ cây xanh của dự án đồng thời yêu cầu chính quyền thành phố Nimes phải trồng lại. Quyết định này sau đó được giữ nguyên tại tòa phúc thẩm. Người dân chiến thắng tuy nhiên họ chỉ cứu được 29 cây, 51/80 cây phạm vi dự án đã bị đốn hạ. Tuy được trồng lại nhưng cảnh quan đã ít nhiều sứt mẻ với hàng cây non thay thế. 

Một ví dụ trên để thấy cuộc chiến giữa cây xanh và các dự án hiện đại sẽ còn diễn ra dai dẳng trong sự nghiệp hiện đại hóa đô thị. Đặc biệt với sự tham gia của xã hội dân sự vào chính sách quản lý đô thị với những đòi hỏi cao hơn về năng lực hoạt động và tầm nhìn quy hoạch của chính quyền.

Hành xử với cây xanh đô thị

Cây xanh cũng giống như con người khi bắt buộc phải sống kẹt cứng giữa những đòi hỏi tự nhiên và đặc trưng của môi trường nhân tạo. Cách thức một đô thị hành xử với cây xanh cũng báo trước cách thức xã hội hành xử với những cá nhân con người bên trong nó. Trong đô thị cây xanh lặng lẽ bên cạnh con người như một người giúp việc âm thầm cho một ông chủ nghèo và tất bật. Cùng chia sẻ nguồn nước, không khí, cùng chịu đựng ô nhiễm bụi khí thải, cây xanh đứng đó như hình ảnh về của bản chất tự nhiên của con người bị đè nén giữa xã hội nhân tạo ồn ào.

Đô thị phải hy sinh những hàng cây cổ thụ để phục vụ cho những dự án giao thông hiện đại. Đó là điều cần chấp nhận trọng niềm luyến tiếc của những thị dân gắn bó phố phường. Nhưng cần hơn cả là việc rút kinh nghiệm để thay đổi tư duy ứng xử với cây xanh, để đón đầu bước phát triển của đô thị hiện đại, nơi con người có thể sống thịnh vượng bên cạnh những hàng cây xanh mát vững vàng ổn định.

Cây xanh cần được tôn trọng như một cơ thể sống, trong hiến chương cây xanh của Châu Âu quy định, một quy hoạch tốt không thể coi cây xanh như đồ nội thất trong “căn phòng” đô thị. Mỗi cây xanh là một công dân không được bỏ phiếu, nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng khi tham gia vào quá trình hô hấp và thanh lọc không khí cho con người, là đối tác cùng chia sẻ cuộc sống của cư dân đô thị. Thiếu cây xanh con người trở thành sinh vật đơn độc còi cọc đặc biệt là về tâm hồn giữa guồng máy của môi trường nhân tạo. Phải chăng việc tranh giành chen nhau ngắt hoa phổ biến, một phần là do chúng ta quá khao khát những nét đẹp tinh tế tự nhiên do cây xanh hoa cỏ mang lại?

Cây xanh cần được vị trí ưu tiên trong những dự án đô thị. Trước khi quy hoạch và thiết kế một đồ án, hãy suy nghĩ đến cây xanh như một tiêu chí không kém phần quan trọng so với đối tượng chính của dự án, tránh lối tư duy bố trí cây xanh vào những phần thừa còn lại của khu đất được đầu tư. Đó là tư duy quản lý hệ sinh thái của thời đại mới, khi cần phải “giải trung tâm” tư duy xây dựng quá chú trọng đến con người đã làm biến đổi môi trường và khí hậu.

Phát triển cây xanh cần có tầm nhìn và trình độ, từ việc chọn giống và lên kịch bản cho tương lai, dự trữ không gian phát triển. Kể cả kế hoạch chặt hạ những cây sống hết vòng đời để bớt gây tiếc nuối cho người dân khu phố. Chẳng hạn trồng xen kẽ những cây 50-100 năm với những cây 20, 30 năm tuổi đời, sau một số năm tương ứng lại hạ bớt những cây đến tuổi có thể khai thác hay đã sống hết vòng đời.

Phải thành thật với cộng đồng và chính mình, đừng nghĩ rằng 10 cây non có thể thay thế cho 1 cây cổ thụ, những ý nghĩ đó là sự bao biện về tài chính, bao biện với cộng đồng và môi trường sinh thái. Tuyên bố những con số hay kế hoạch lớn lao không bằng những cam kết chăm sóc sát sao với cây trồng. Trồng hàng cây non chỉ có mục đích phát động khai trương, việc khó nhất là chăm sóc chúng ít nhất là 2, 3 năm đầu tiên mới thực sự có ý nghĩa phát triển.

Đó là những điểm cần thiết trong tư duy hành xử đối với cây xanh nhằm hướng đến xây dựng một môi trường đô thị xanh sạch đẹp. Lịch sử quy hoạch cây xanh đô thị bắt nguồn từ mục đích tạo bóng mát và dẫn hướng đi trong các đô thị cổ, cây xanh đã trở thành công cụ trong việc quy hoạch môi trường sống của con người. Đến nay, cần có cách nhìn nhận mới với cây xanh để hướng tới tương lai đô thị bền vững cân bằng giữa tự nhiên và nhân tạo. 

Trần Quang 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo