Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Để tài nguyên sông Sài Gòn không bị mai một

Để tài nguyên sông Sài Gòn không bị mai một

Viết email In

Lễ hội thuyền đăng diễn ra tối 9/9/2014 trên sông Sài Gòn được truyền thông khá rầm rộ nhưng chỉ kéo dài chưa đến hai giờ đồng hồ, mang tính sân khấu hóa, chưa thể gọi là dấu ấn. Nhưng điều mà nó làm được, đó là gợi mở cho những ý tưởng khai thác khía cạnh văn hóa của dòng sông Sài Gòn… 

Không thể phủ nhận, sông Sài Gòn là một nguồn tài nguyên quý giá. Song, việc khai thác hiện nay gần như chỉ dừng lại ở lĩnh vực giao thông và một phần rất nhỏ, là dịch vụ vận chuyển du lịch. Tức, mới chỉ ở mức độ khai thác mang tính “vật lý”. Trong khi đó, khía cạnh văn hóa, sự gắn bó máu thịt với thăng trầm lịch sử, nhịp phát triển của đô thị Sài Gòn chưa được chú trọng thực sự.  


Người dân Sài Gòn và du khách xem Lễ hội thuyền đăng trên sông Sài Gòn tối 9/9/2014 từ phía Thủ Thiêm (Q2).
(Ảnh: Nguyễn Vinh) 

Cách đây chừng một năm, TP.HCM có đưa ra chiến lược phát triển du lịch đường sông Sài Gòn. Lúc đó, Saigon Tourist là nơi được giao thực hiện chùm tour đầu tiên, đầy hào hứng. Nhưng sau một năm, chùm 7 tour du lịch công bố ban đầu đã có quá nửa là bất khả thi hoặc "sống còn" nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn, chỉ vì gặp phải những trở lực từ cơ sở vật chất (như độ tĩnh không của các cây cầu không đảm bảo để những du thuyền quy mô lớn có thể lưu thông, mạng lưới cầu phao, bến dừng chưa đảm bảo…), từ môi trường (một số tuyến kênh chính trên sông Sài Gòn ô nhiễm khá nặng) và điều quan trọng nhất, đó là từ sự thiếu vắng những ý tưởng sáng tạo độc đáo gia tăng giá trị (hành trình tham quan nội đô bằng đường sông chưa có các dịch vụ cộng thêm ven bờ, những điểm dừng chân khám phá sinh hoạt văn hóa gắn với yếu tố bản địa...) 


Hai du khách nước ngoài trong một tour đường sông Sài Gòn - Củ Chi vào tháng 8/2013, khi chùm 7 tour đường sông Sài Gòn vừa được chào bán. (Ảnh: Nguyễn Vinh) 

Nhìn lại quá khứ, có lý khi các bản đồ án kiến trúc, xây dựng cơ sở hạ tầng của đô thị Sài Gòn thời kỳ đầu mà người Pháp thiết kế đều đặt trên nguyên tắc chính: hướng giang, tức, xem dòng sông là một thực thể gắn bó máu thịt, thậm chí, là trung tâm của sự phát triển đô thị. Nhưng cái tinh thần “hướng giang” đó gần như mai một qua thời gian, để đến hôm nay, cùng với sự trương nở của dân số và mật độ xây dựng, với sự phi chuẩn trong quy hoạch, thì dòng sông cùng nhiều chi tuyến kênh rạch huyết mạch của nó trong thành phố đã bị tổn hại nghiêm trọng. Một số dòng kênh đã trở thành kênh chết, một số khúc sông thường xuyên ô nhiễm nặng.

Những kế hoạch, dự án cải thiện cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch đường sông Sài Gòn đã và đang được tiến hành theo hình thức nhà nước tiến hành hoặc kêu gọi đầu tư, xã hội hóa. Có thể kể: kế hoạch đầu tư xây dựng lại cảng du lịch Bạch Đằng hay việc quyết tâm cải thiện ô nhiễm trên tuyến kênh Bến Nghé, Tàu Hủ, Nhiêu Lộc, Thị Nghè… Sự chuẩn bị về mặt vật chất là cần thiết, nhưng một trong những điều quan trọng để có thể đánh thức tài nguyên đó chính là nhận diện lại về hình ảnh của nó trong lịch sử, văn hóa, sự tác động vào đời sống tinh thần, tính cách thị dân để từ đó, xây dựng, sáng tạo ý tưởng phát triển sâu sắc, bền vững hơn trong tương lai.


Chiến lược khai thác tiềm năng sông Sài Gòn cần chú ý tới chiều sâu văn hóa. (Ảnh: Nguyễn Vinh) 

Hai sự kiện Lễ hội Nghinh Ông ở Cần Giờ và Lễ hội thuyền đăng tại Bến Nhà Rồng tuy không có một sự gắn kết nào trong ý tưởng, nhưng diễn ra trong khoảng thời gian đầu tháng 9/2014 này hẳn gợi cho những người quan tâm đến yếu tố văn hóa trong du lịch sông nước Sài Gòn ít nhiều cảm hứng. Đời sống sinh hoạt của cư dân ven bờ, tính chất cảng thị, sức sống vùng cửa biển đầy phóng khoáng... của sông Sài Gòn đang cần được hệ thống và ghi nhận lại để có những chiến lược khai thác hợp lý, bền vững, vừa đảm bảo khía cạnh môi trường thiên nhiên vừa làm giàu có thêm nguồn tài nguyên nhân văn.

Đừng dừng lại ở những sự kiện “son phấn”, rời rạc và cảm tính nhất thời. 

Nguyễn Vinh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo