Chuyện “khủng hoảng mô hình quản lý di sản”, mà Báo Thanh Niên từng đề cập, đang được hâm nóng sau khi Bộ VH-TT-DL yêu cầu nghiên cứu lộ trình nâng cấp bộ máy quản lý các di sản thế giới ở nước ta.
Di sản có cần “mô hình chung”?
Cả 2 di sản văn hóa thế giới ở Quảng Nam - khu di tích Chăm Mỹ Sơn và khu phố cổ Hội An - đang phải cân nhắc giữ nguyên hay phải “nâng” mô hình, sau khi Bộ VH-TT-DL chính thức yêu cầu kiện toàn bộ máy quản lý di tích trên cả nước. Văn bản số 2946/BVHTTDL-DSVH ngày 27/8/2014 của Bộ VH-TT-DL ghi rõ: đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, các địa phương cần nghiên cứu lộ trình nâng cấp bộ máy quản lý trực thuộc UBND cấp tỉnh.
- Ảnh bên: Đô thị cổ Hội An là “di tích sống” nên khó tách rời sự quản lý của chính quyền TP.Hội An (Ảnh: H.X.H)
“Hội An sẽ nát liền !”
Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP.Hội An, quả quyết như thế khi bàn chuyện “nâng cấp” mô hình quản lý phố cổ. Hàng chục năm nay, chính quyền thành phố đã quản lý, khai thác, bảo tồn phố cổ khá hiệu quả, vì thế yêu cầu thay đổi lập tức bị phản đối. “Hoàn toàn không nên, chuyện này nói nhiều năm nay rồi! Phố cổ Hội An là di tích có chủ nhân, không giống như Mỹ Sơn hay Huế. Nếu cứ quản lý theo kiểu hành chính đơn thuần, Hội An sẽ nát liền”, ông Giảng thẳng thắn.
"Hiện có nhiều mô hình quản lý khác nhau và chồng chéo, thuộc về vấn đề lịch sử. Chúng tôi đang sắp xếp để ngồi lại, nghe các địa phương phản ánh để tháo gỡ. Nhưng ứng xử quá nguyên tắc với di sản cũng không tốt." Ông Nguyễn Chín, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam |
Phạm vi giới hạn của phố cổ Hội An gồm vùng lõi phường Minh An, cùng với một phần của phường Cẩm Phô và Sơn Phong. Chính quyền các phường khi thực thi nhiệm vụ quản lý lãnh thổ tức là đang quản lý khu vực phố cổ, còn quản lý dân cư cũng có nghĩa đang quản lý di tích nhà cổ. Đấy chính là đặc thù của “di tích sống” Hội An. Theo ông Giảng, nguy cơ “nát phố cổ” sẽ đến từ việc mô hình quản lý cấp tỉnh không thể sâu sát phố cổ như một tổng thể gồm mấy ngàn di tích, mấy trăm hộ dân...
Một cán bộ quản lý di tích cấp tỉnh ở Quảng Nam cũng thừa nhận rất khó tách rời quản lý hành chính với bảo tồn di tích tại khu phố cổ, chưa kể đến phần hồn của di sản cần được bảo tồn và nuôi dưỡng.
Chiếc áo chật ở Mỹ Sơn
Ngược lại với Hội An, khu di tích Mỹ Sơn từ lâu đã được gợi ý nên chuyển đổi mô hình. Nằm gọn trong thung lũng, khá tách biệt và không có dân cư, Mỹ Sơn có nét giống với khu vực thành nhà Hồ hay cố đô Huế. Tuy nhiên, trong khi các di sản văn hóa thế giới ở Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế đang được quản lý bởi một đơn vị trực thuộc tỉnh, thì Mỹ Sơn vẫn loay hoay ở cấp huyện.
Ngay cả UNESCO cũng sớm nhận ra sự cần thiết chuyển giao quản lý đối với Ban quản lý (BQL) di tích Mỹ Sơn. Năm ngoái, khi tổng kết 10 năm triển khai dự án bảo tồn di sản thế giới Mỹ Sơn (2003 - 2013), Văn phòng UNESCO tại VN đã đề cập khía cạnh quản lý về mặt thể chế của Mỹ Sơn. Với danh hiệu di sản thế giới và tầm quan trọng của BQL di tích Mỹ Sơn trong việc bảo tồn các giá trị toàn cầu của khu di sản, UNESCO khuyến nghị chuyển giao BQL hiện nay ở Mỹ Sơn (đang nằm dưới sự quản lý trực tiếp của UBND H.Duy Xuyên) sang UBND tỉnh hoặc Sở VH-TT-DL. “Sự chuyển giao này sẽ tạo điều kiện nâng cao khả năng ra quyết định và trao quyền cho BQL di tích trong các vấn đề liên quan đến đầu tư bảo tồn và phát huy di sản”, khuyến nghị của UNESCO viết.
Hội An không hưởng ứng thay đổi mô hình, còn Mỹ Sơn cần cân nhắc, điều này khiến cho lộ trình nâng cấp mô hình quản lý di sản thế giới ở Quảng Nam gặp trở ngại lớn. Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL, nhìn nhận đây là câu chuyện dài, chính quyền cấp tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt mới có thể triển khai được. Hội An, Mỹ Sơn là những di tích sinh lời, tạo nguồn ngân sách nên có tính “cát cứ” cũng là điều dễ hiểu. “Có đưa ra mô hình nào thì cũng phải có sự gặp gỡ, thống nhất quan điểm với các địa phương đó. Xét về lý, đúng là 2 di sản thế giới nên thuộc quản lý cấp tỉnh, nhưng chưa chắc đưa ra áp dụng trên thực tế thì thực hiện được”, ông Tịnh nhận xét thêm.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Chín, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói: “Hiện có nhiều mô hình quản lý khác nhau và chồng chéo, thuộc về vấn đề lịch sử. Chúng tôi đang sắp xếp để ngồi lại, nghe các địa phương phản ánh để tháo gỡ. Nhưng ứng xử quá nguyên tắc với di sản cũng không tốt”.
Hứa Xuyên Huỳnh (Thanh Niên)
- Những cổng làng trong lòng thành phố Hà Nội
- Hành xử với cây xanh đô thị
- Công trình “đội vốn” và gánh nặng nợ công
- Có chứng chỉ hành nghề trùng tu vẫn phá di tích
- Xây dựng xanh ở Việt Nam: Nhu cầu bức thiết hay cơ hội phát triển?
- Để tài nguyên sông Sài Gòn không bị mai một
- Ở chung cư thì nên... đi xe máy?
- Siêu dự án tỷ đô: Thành tích cao hay hội chứng ảo
- Vẫn khóc những hàng cây
- Nhà mặt tiền