Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Nhà mặt tiền

Nhà mặt tiền

Viết email In

Dưới nắng sớm, bờ kè hiện ra uốn khúc quanh co theo sự lượn lờ, lấp lánh của con rạch cũ, con đường xi măng nhỏ đi vào hẻm cụt đã thành đường tráng nhựa quanh co theo bờ kè với hai lề đường cao vượt mặt những ngôi nhà hai bên đường... 

Những thay đổi khiến người đi xa trở về khó lòng nhận ra con hẻm xưa. Mà nói gì người đi xa, bản thân người dân trong con hẻm nhỏ ven rạch này cũng ngỡ ngàng trước những biến đổi này nữa là... Dĩ nhiên là nhiều hộ dân đã không còn là dân cư ở đây nữa rồi.

Theo quy hoạch, những căn nhà cặp mé rạch đã bị giải tỏa trắng để tái định cư trong một phường mới, xóm cũ bị chia đôi, chỉ còn lại dãy nhà đối diện với con rạch. Nhưng có hề gì, xóm xưa tuy có “tan đàn xẻ nghé” nhưng lại hình thành một xóm mới, đông hơn gấp mấy lần. Bởi mấy nhà trong con hẻm kế bên đã nhô ra, quay mặt sang bên này. Nhà cửa lại san sát, người lớn, con nít chiều chiều túa ra dọc theo bờ kè đông đúc, náo nhiệt như nhóm chợ. 

Xe cộ từ ngày có con đường tráng nhựa cũng chạy vào ào ào để đi tắt được một khúc đường qua chợ. Nhiều hôm các du khách nước ngoài nhìn thấy bờ kè đẹp đẽ cũng rẽ vào tham quan, khách chạy xe đạp có, đi bộ có làm mấy đứa con nít chạy theo “Hello! Hello!” rào rào, vui ơi là vui! 

Đi một vòng quanh bờ kè từ bên này sang bên kia con rạch mới thấy hết chiều dài của con đường, thấy hết vẻ mềm mại uốn éo của con rạch nước trong lành một thời xa xưa cho dân cư hai bờ tha hồ tắm gội, giặt giũ. Rồi con rạch trở thành kinh nước đen lúc nào cũng bốc mùi hôi thối để đám sinh viên thỉnh thoảng xuống lấy nước về đo độ phèn, độ ô nhiễm. Và bây giờ, khi bờ kè xây lên, nước ra vào bắt đầu thông thoáng, những luồng gió mát từ mé rạch thổi lên sáng sáng, chiều chiều làm mát lòng người dân nơi này.

Cư dân trong mấy con hẻm giờ đã có chung một mặt tiền đường trong câu chuyện thường phấn khởi bảo nhau, có ai ngờ những người sống trong hẻm như bọn mình lại có ngày ra được mặt tiền! Đúng là “có phần không cần gì lo”.

Nhưng có phải được ra “mặt tiền” là vui? Nhìn đi nhìn lại, một số nhà đã xây cất lại, hực hở, khang trang để “ăn theo” con đường mới. Hầu hết các nhà mới đều lên lầu, từ một đến hai tấm ra vẻ nhà giàu có. Những hàng quán ồ ạt mọc lên, đa phần là quán nhậu, quán cà phê thu hút thêm một số khách bên chợ. Còn lại không ít nhà dọc theo bờ kè thì do con đường được nâng cao cả thước so với con hẻm trước đây nên bị lọt thỏm xuống, đi ra đi vào phải cúi đầu, khom lưng. Có nhà xây lại phần trước nhà để bằng với mặt đường, có nhà đắp một bậc xi măng làm cầu nối để dẫn xe lên đường, có nhà cứ để vậy, nhiều nhà cũng đã treo bảng “Bán nhà” trước cửa, có thể vì không có tiền nâng cấp ngôi nhà nên đành dời đi chỗ khác, lại chui rúc trong con hẻm nào đó.

Chiều chiều đi bộ dọc theo bờ kè, tôi cứ nghĩ hoài về cái xóm cũ, xóm mới này để cố làm quen với sự đổi thay trước mắt. Hình ảnh những người hàng xóm cũ, những kẻ ngụ cư mấy mươi năm trong con hẻm cụt ven rạch đang tiếp tục sinh sống trong khu tái định cư kia, không biết họ có ra được “mặt tiền” hay vẫn phải chui rúc như xưa. Những nông dân ruộng vườn thất bát chạy ra thành phố sinh nhai ấy cũng chưa bao giờ trở thành thị dân bởi cuộc sống vật lộn bươn chải mỗi ngày, nhọc nhằn quang gánh trên vai nào có khá gì hơn!

Ra đầu hẻm cũ, cây cầu sắt trước đây đã được dỡ bỏ để xây cầu mới nghe nói rộng tới mười mét cho xứng với bờ kè và con đường. Chợt nhớ những đêm khuya khoắt của năm nào, dân bên kia sông đi đò sang chợ chơi rồi trở về với tiếng gọi đò vang vọng cả mặt sông: “Đò ơ... đò...”. Thỉnh thoảng trong đêm khuya, tiếng gọi đò tha thiết ấy lại trở về trong ký ức còn tươi rói như mới hôm qua khiến lòng tôi bổi hổi, bồi hồi...

Mấy ngày nay trời bắt đầu mưa già, mấy dây bông leo vừa trồng trên mấy giàn hoa trên bờ kè đã vươn cao, mềm mại, nở hoa vàng rực cùng mấy bụi trâm ổi rực rỡ, thơm ngát bên dưới. Hàng cây bằng lăng trồng dọc theo kè cũng tươi xanh cành lá, không mấy chốc sẽ xòe tán tỏa mát cho cả dãy nhà mặt tiền này. Những cây bằng lăng đã phần nào khiến tôi đỡ nhớ nhung hai cây dừa xiêm trước cửa, cây mận cổ thụ ở góc nhà đã “hy sinh” cho bờ kè, cho cái hẻm cụt xưa trở thành đường phố khang trang.

Buổi sáng sớm, đứng trước nhà, nhìn xuống con rạch nước chảy lững lờ, nghe gió lồng lộng thổi dọc bờ kè uốn khúc như một dải lụa mềm, đẹp như một giấc mơ, sao trong tôi vẫn bâng khuâng về sự phân hóa trong xã hội, về niềm vui, nỗi buồn của những căn “nhà mặt tiền”! 

Nguyễn Ngọc Tuyết 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo