Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Nhà chia lô nông thôn - xu thế hay hệ lụy?

Nhà chia lô nông thôn - xu thế hay hệ lụy?

Viết email In

Nhà chia lô nông thôn đã trở thành một vấn đề nóng. Có người nói đó là điều tất yếu, có người nói đó là xu thế. Vậy, nó là điều tất yếu hay là sản phẩm phát sinh cần giải quyết của quá trình đô thị hóa? Phải nhìn nhận một cách khách quan bởi tất cả mọi sự phát triển hiện nay vẫn còn rất thiếu sự điều tiết, thiếu quy hoạch, kế hoạch, định hướng. Cần hiểu rõ, nhà chia lô ở nông thôn là sự tự phát. Chúng ta thừa nhận để biết rằng nhà ở chia lô nông thôn hình thành cũng từ chính nhu cầu và xu hướng của cuộc sống chứ không hề vô lý.  

Trong các nhân tố làm thay đổi bộ mặt kiến trúc nông thôn nước ta, loại nhà chia lô xuất hiện gần đây đang có xu hướng phát triển ngày một nhanh và nhiều. Dù nằm trong phạm vi các thị tứ hoặc trải dài trên đường làng, bám theo các trục lộ giao thông… nhà chia lô ở nhiều vùng nông thôn đang là hiện tượng cần được xem xét, phân tích. Có người coi đây là một thảm họa, người lại cho rằng đó là một tất yếu cần có sự tiếp nhận và điều tiết. 


LÀNG QUÊ ĐANG Ở ĐÂU? 

Trên phương diện quản lý nhà nước, đơn vị hành chính cấp cơ sở ở nước ta hiện là xã, xã thường do một hoặc hai, ba làng xưa gộp thành. Làng quê một thời thấm đẫm văn hóa Việt và mang trong mình một cấu trúc đặc biệt đang nằm trong xã. Làng vốn là điểm dân cư lâu đời hình thành nên từ nền văn minh lúa nước, được định vị bằng các lớp không gian qua cổng làng, cổng xóm, cổng thôn, cổng ngõ đến cổng nhà. Từ cách bố cục của làng ở góc độ quản lý cũng như về kiến trúc quy hoạch đó là một vòng khép kín và hướng nội. Kiến trúc làng thường nhất quán trong một vài loại hình thức, đặc trưng về hình dạng, kiểu cách và phản ánh rất rõ mối quan hệ hộ tộc trên dưới, láng giềng thân thiện… Như vậy: làng - xã như ta vẫn nói, hàm chứa đầy đủ các nội dung của nông thôn Việt Nam từ truyền thống đến hiện tại. 

Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX đến nay, công cuộc đổi mới đất nước và chuyển đổi sang kinh thế thị trường đã tạo ra một động lực rất mạnh để phát triển xã hội. Ở thành phố, việc xây cất rầm rộ trong thời gian dài làm cho diện mạo kiến trúc đô thị đổi thay dễ thấy, nông thôn nhiều nơi cũng không kém. Nông thôn trong thời kinh tế thị trường, người dân có tiền không chỉ từ thu hoạch nông nghiệp, phương thức sản xuất thay đổi, chủ trương hiện đại hóa… đã kéo theo những nhu cầu mới, làm cho kiến trúc làng - xã cũng đổi theo. Sự đổi theo này về bản chất là hầu hết cấu trúc các làng quê không còn “hướng nội” thuần túy như trước mà đã bung ra “hướng ngoại”. Tụ điểm dân cư nông thôn cỡ vài trăm hộ dân bám đường hình thành nên các thị tứ, là thành phần mới trong quy hoạch xây dựng nông thôn thời kỳ đổi mới. Không chỉ ở các thị tứ làng xã, tại trung tâm các xã và trên một số tuyến đường đã và đang xuất hiện những dãy nhà dạng “phố” như đô thị, ngổn ngang những dãy nhà liên kế chia lô, có hoạt động dịch vụ và buôn bán sinh lợi. Đa số được hình thành và phát triển do chính quyền sở tại và người dân thỏa thuận và quyết định, nhiều điểm có đầu tư hệ thống đường sá khang trang, hạ tầng được trang bị tốt.

Vấn đề trong phạm vi bài viết đề cập đến là sự xuất hiện loại hình kiến trúc mới mà nhà chia lô nông thôn đã trở thành một vấn đề nóng, một đối tượng đang góp phần làm thay đổi nhanh diện mạo kiến trúc nông thôn, làm cho hình ảnh nhiều làng quê khác hẳn xưa thậm chí có không ít làng đã bị tan biến... Có ý kiến cho rằng đó là một thảm họa, ngược lại thì cho đó là điều tất yếu. Điều đó có thể là đúng hoặc không đúng trong từng phân tích cụ thể. Nhưng đối tượng nhà chia lô hay “nhà lô phố” đang hiện diện ngày một nhiều ở nông thôn là sản phẩm của quá trình xây dựng với tư duy đi “đô thị hóa” nông thôn? Trong thực tế khách quan, các bước phát triển nông thôn hiện nay vẫn còn rất thiếu cụ thể để điều tiết, thiếu quy hoạch, kế hoạch… Mới chỉ có định hướng chung chung từ phía nhà nước. Do vậy, nhà chia lô ở nông thôn thuộc trong số loại đang hình thành và phát triển tự phát, tự cân đối và tùy nghi nên kiến trúc biểu hiện nửa nọ nửa kia, bộc lộ sự lúng túng hoặc vô lý cũng là dễ hiểu, về hình thức nhiều khi chỉ đơn thuần là giải quyết nhu cầu thỏa mãn ý thích không đâu vào đâu.

Những “xóm mới” ngày nay thường bám đường, tranh thủ sự thuận lợi giao thông để tiện việc kinh doanh và tình trạng đường đi đâu là “chợ” đến đó… phát triển theo nhu cầu của cuộc sống nên kiến trúc phô trương rất dễ thấy. Dần dà, hình ảnh kiến trúc làng quê giờ đây nhan nhản khắp nơi thấy loại nhà chia lô nổi lên. Hải Dương, Nam Định, Thái Bình - vốn là những địa phương đặc trưng thuần nông của vùng Bắc Bộ, tại trung tâm xã, trên những trục đường đều “bùng nổ” loại nhà chia lô, diện tích mỗi lô tuy không quá nhỏ như thành phố, nhưng chiếm đa số cũng chỉ khoảng 60 - 70 m2. Phần lớn người dân nông thôn vẫn còn nghèo, phải tiết kiệm chi tiêu nhưng đôi khi trong tâm trạng “con gà tức nhau tiếng gáy” nên khi có lô đất, có ít tiền, người ta cũng cố kiếm một kiểu nhà cho giống nhà phố, rồi đắp điếm đủ kiểu cho “bằng anh, bằng em”… Và điều kéo theo, do ai cũng muốn có mặt đường nên chia lô kiểu “nhà ống” cũng đang xuất hiện ở một số điểm kinh doanh đắc địa... Mô hình quen thuộc nhất vẫn là dưới bán hàng, trên ở và phía sau có chỗ chăn nuôi, gia công, sản xuất khi cần. Một bộ phận không ít nông dân hiện có xu hướng “li nông” - thoát ly nông nghiệp bằng mọi cách, người của các làng nghề truyền thống lại càng có cơ hội bộc lộ và họ dần trở thành người dân phi nông nghiệp ngay trên đất nông nghiệp kèm theo cơ ngơi và thị hiếu của lớp người này thể hiện.


TẠI SAO NÔNG THÔN LẠI "ĐI LÀM" ĐÔ THỊ 

Khi nói về đô thị hóa, nhiều trường hợp trong nhận thức về đô thị hóa nông thôn hay nông thôn bị đô thị hóa lại không rõ ràng, còn trên thực tế nông thôn nhiều nơi đã rơi vào hiện tượng bị đô thị hóa, cho dù nông thôn đó không ở ven đô, không thuộc phạm vi mở rộng của đô thị nào nhưng vẫn bị đô thị hóa? đó là điều cần làm rõ. Đô thị hóa thì dễ nhưng để thành thị hóa thì còn rất nhiều nan giải. Đó là chuyện của đô thị, còn nông thôn bị đô thị hóa chính là nông thôn đang bị tác động và ảnh hưởng do xu hướng phát triển tự nhiên và hàm chứa những tiêu cực và hệ lụy. Đô thị hóa với biểu hiện dễ thấy nhất là sự bùng nổ những kiến trúc nhà ở mới “hoành tráng ở cái vỏ, nhưng dị biệt về nội hàm văn hóa và lối sống”, phá vỡ cảnh quan vốn có của làng quê, làm mai một và mất hẳn bản sắc riêng mà bao đời vun đắp làng quê Việt Nam mới có được.

Làng cổ Cự Đà là một ví dụ khá điển hình. Làng cổ với những ngôi nhà thuần Việt xen lẫn những biệt thự kiểu Pháp được xây dựng hàng trăm năm trước đã trở thành đại công trường xây dựng, ngổn ngang và nhem nhuốc. Nhiều ngôi nhà cổ bị mất đi, nhà cao tầng hiện đại mọc lên san sát nhau chẳng khác gì mặt đường phố lớn ở thành thị. Dễ nhận thấy khi đi vào làng là các ngõ nhỏ đều tập kết đầy vật liệu xây dựng. Những góc tường cũ hãy còn rêu phong bị đập phá nham nhở. Những nơi một năm trước là ngôi nhà cổ, nay được thay thế bởi ngôi nhà tầng hoành tráng... Đó là một trong số vô vàn những ngôi làng cổ khác của Việt Nam đang tự “xóa tên mình” khỏi danh sách làng quê cũ đằm thắm và tiến lên một thị tứ chen chúc với những biệt thự, nhà tầng. 

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, không có tiêu chí nào về kiến trúc. Hướng phát triển khó khăn thì tình trạng tự phát sẽ thay vào, nên rất cần được cụ thể ra trong những điều chỉnh sắp tới. Chúng ta đã vào cuộc xây dựng nông thôn và đang triển khai ở khắp nơi sẽ là một thời cơ để đặt kỳ vọng tạo lập nên được diện mạo kiến trúc nông thôn thời hiện đại có bản sắc dân tộc Việt! Phát triển trên cơ sở tiếp nối truyền thống ở mọi phương diện trong đó có kiến trúc chính là sự bền vững cần có cho nông thôn tương lai. Không để truyền thống bị mai một trong những toan tính, bức xúc nhất thời... Sự phát triển tự nhiên, tự phát suốt thời gian qua không phải tất cả đều vô lý, và khi thấy rằng nó bất cập thậm chí gây hệ lụy ở chỗ tại sao nông thôn lại bắt chước đô thị? Mọi việc diễn ra như kể trên sẽ định vị được, trong đó nhà chia lô nông thôn được chấp nhận với một tỷ lệ thích hợp trong quy hoạch phát triển ở mỗi địa phương cùng với hướng dẫn về mẫu mã kiến trúc. Với phần lớn, tại sao nhà ở nông thôn lại không phát triển theo mô hình kiến trúc xanh và những lớp không gian truyền thống? Những khu cư trú dù có hướng ngoại nhưng là tập hợp của những không gian ở tốt nhất (có cổng, có sân, có ao, có vườn trước sau bao quanh ngôi nhà). 


CẦN NHIỀU MẪU NHÀ CHIA LÔ CHO NÔNG THÔN

Nông thôn giờ có nhiều nhà chia lô, chúng ta cần chấp nhận thực tế này và quan trọng là điều tiết nó không để phát triển tự phát và tràn lan. Tạo lập được ngôn ngữ kiến trúc nông thôn thông qua việc sáng tác nhiều mẫu nhà để phổ biến áp dụng cũng như để quản lý xây dựng. Cũng là nhà chia lô, nhưng nhìn vào ta thấy nó "nông thôn" chứ không lẫn vào "lô phố". Đó là công việc mà các nhà chuyên môn cần nghiên cứu để góp sức vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, giúp nông thôn có một diện mạo kiến trúc đặc trưng, phản ánh được tính dân tộc và hiện đại. 


Chương trình “Gặp gỡ mùa thu” với chủ đề “Kiến trúc nông thôn Việt Nam, hiện trạng và đề xuất phát triển” do Hội KTS Việt Nam tổ chức ngày 12/12/2009 tại Chí Linh - Hải Dương 

Nhà chia lô hình thành ở nông thôn từ chính nhu cầu và xu hướng cuộc sống thực tế của người dân nông thôn phản ánh khả năng tiếp nhận cũng như thể hiện cái mới trong cơ ngơi của mình. Điều quan trọng là sự phù hợp của các mẫu nhà cho hiện tại và cả trong tương lai. Cũng không thể thiếu việc hướng dẫn thẩm mỹ. Các nhà chuyên môn sẽ nghiên cứu ra những phương án kiến trúc thông thái để có thể đáp ứng được sử dụng của người dân. Có lẽ không thừa khi phân tích nhà chia lô nông thôn khác nhà chia lô ở đô thị như thế nào để định ra hướng đi. Cũng là chia lô, nhưng ở đô thị đôi khi chiều rộng nhà mặt đường khoảng 3 - 4m, còn nông thôn chừng nào là vừa để phù hợp với hoạt động và những điều kiện kinh doanh, sản xuất? Nét đặc trưng văn hóa, lối sống của người nông thôn với sắc màu khác nhau… để mẫu nhà có được tính chất chung nhưng vẫn có nét riêng, tạo sự phong phú nhưng nhất quán? Về quan điểm, không đánh mất truyền thống nhưng cũng không nên áp đặt nhà ở nông thôn phải theo hình thức kiến trúc nhà truyền thống rập khuôn bởi đó là mô hình rất hay, rất xuất sắc, rất đại diện nhưng nó không tiêu biểu cho thời nay và nó là dấu ấn của một thời chứ không phải cứ đeo đẳng, nhại lại… Nếu từ những mái nhà tranh cổ truyền, không gian đặc trưng của nhà ở truyền thống nông thôn mà phản ánh được trong kiến trúc mới thì đó là điều mong đợi bấy lâu. Giờ, cái mới là gì? Hãy hướng về nông thôn phát triển và ta hãy diễn đạt nó bằng một tư tưởng mới khi tìm kiếm và sáng tác, chứ không phải bằng sự áp đặt. 

Ngày nay, hơn bao giờ hết thị trường phong phú về vật liệu xây dựng, đâu cũng thấy những quảng cáo làm người dân lúng túng khi chọn, nhiều khi người dân thích cái gì thì dùng cái đó, bắt chước nhau, nên rất cần những hướng dẫn, giúp dân chọn lựa phù hợp. Và cũng hơn bao giờ hết, điện đã đến nhiều vùng nông thôn, làm tiền đề đưa nông thôn đến hiện đại, văn minh nên kiến trúc cũng phải tương đồng. Có rất nhiều liên quan cần được nghiên cứu, tiếp cận khi thiết kế nhà cho dân nói chung và với loại nhà chia lô nói riêng. 

Trong sự chung tay của nhà nước với mỗi người dân nêu cao trách nhiệm bảo tồn các giá trị kiến trúc nông thôn truyền thống để định hướng phát triển hướng tới tương lai bền vững. Nhà chia lô ở nông thôn cần được chú ý và coi đó là xu thế tất yếu của tiến trình xây dựng để điều tiết theo chiều hướng tốt, tránh những hệ lụy để hướng dẫn chính quyền và người dân thực hiện. Nhà chia lô có ở đô thị trước đây và có câu chuyện riêng của nó, giờ đang có ở nông thôn không vội phê phán, đơn giản là người dân có yêu cầu thì vẫn phải quan tâm giải quyết nhu cầu. 

TS.KTS Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo