Ashui.com

Monday
Jan 06th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Câu chuyện xã hội hóa trong trùng tu di tích kiến trúc: Kinh nghiệm quốc tế

Câu chuyện xã hội hóa trong trùng tu di tích kiến trúc: Kinh nghiệm quốc tế

Viết email In

Khác với tình trạng có phần “tự phát” ở Việt Nam hiện nay, việc quản lý và sử dụng nguồn lực xã hội hóa ở các nước đều được quy định do một đơn vị chuyên môn tiếp nhận và sử dụng, để đảm bảo việc sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, tránh các tác động đáng tiếc tới di tích.  


Di tích thành cổ Mont Saint Michel tại CH Pháp, ví dụ điển hình thành công trùng tu di sản cấp quốc gia từ nguồn vốn xã hội hóa.

Tại Singapore, việc đóng góp kinh phí từ người dân được tập trung vào một quỹ chung cấp quận/ huyện có trách nhiệm tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nhất cho dự án trùng tu di tích trên địa bàn quận/ huyện. Hàng năm, trên cơ sở danh sách - kế hoạch các di tích cần đầu tư trùng tu, ngoài các dự án trọng điểm ưu tiên sử dụng vốn ngân sách, các dự án còn lại sẽ được giao xuống cho các đơn vị đại diện để huy động nguồn lực xã hội hóa từ DN, nhà hảo tâm, và cộng đồng. Tùy theo lượng kinh phí xã hội hóa này mà quỹ sẽ cấp phân bổ cho các dự án trùng tu di tích trên địa bàn chịu trách nhiệm. Tất cả việc trùng tu di tích tại thực địa vẫn được triển khai theo đúng các quy định pháp luật chung và chịu sự giám sát của chính quyền như với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách khác. Theo cách này mà trung bình hàng năm, Singapore đã huy động và sử dụng được cho 100 nghìn đô-la Singapore cho khoảng 10 dự án trùng tu di tích.

Tại Nhật Bản, một trong những quốc gia đi đầu trong công tác trùng tu di tích, các tổ chức phi chính phủ, nhưng chịu sự giám sát của Nhà nước để tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội hóa trong bảo tồn di sản. Hàng năm, quỹ đã tiếp nhận khoảng 10 triệu Yên đóng góp từ khu vực tư nhân và phân bổ cho các dự án bảo tồn di sản, nhưng đồng thời chịu trách nhiệm về chuyên môn bảo tồn đối với các dự án được tổ chức này tài trợ. Trường hợp của dự án trùng tu Điện Shuri tại Quận Okinawa - là di sản kiến trúc gỗ được UNESCO công nhận bị tàn phá sau trận hỏa hoạn ngày 31/10/2019. Bằng các hình thức huy động khác nhau, chỉ trong 1 ngày đầu tiên Quỹ Ginza Washita được chính quyền TP Okinawa đã huy động được hơn 100 triệu Yên và tổng cộng 335 triệu Yên. Sau đó, quỹ đã đứng ra tổ chức cuộc thi thiết kế tuyển chọn phương án, lập hồ sơ xin cấp phép, chọn đơn vị thi công dưới sự kiểm định cấp phép của chính quyền địa phương, cũng như tổ chức thực hiện các bước đầu tư trùng tu xây dựng tiếp sau.

Tại châu Âu, thấy rõ những vấn đề phức tạp có thể nảy sinh trong quá trình bảo tồn di sản và di tích kiến trúc, các nội dung quy chế về bảo tồn di sản sử dụng nguồn đóng góp xã hội hóa cũng đã được chính thức ban hành vào năm 2012 với tên gọi “Quy định tham gia về di sản văn hóa" (Joint Programming Initiative Cultural Heritage). Quy định đã nêu rõ vai trò quan trọng của việc huy động nguồn lực xã hội hóa đối với công tác bảo tồn di sản - trùng tu di tích, đồng thời phân loại rõ 5 loại tài trợ từ khu vực tư nhân bao gồm: nguồn đóng góp từ chính chủ sở hữu di sản, nguồn đóng góp từ các tổ chức phi chính phủ, nguồn đóng góp từ các hoạt động của bản thân di tích, và nguồn đóng góp từ các nhà hảo tâm. Ngân hàng đầu tư Châu Âu với nhiều chi nhánh của nó ở hầu khắp các địa phương tại các quốc gia thành viên được chỉ định là đơn vị tiếp nhận các khoản tài trợ, quyên góp từ xã hội phục vụ cho công tác bảo tồn di sản - trùng tu di tích.

Tuy nhiên, để thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của Nhà nước đối với di sản văn hóa và đảm bảo hiệu quả trong quản lý bảo tồn di sản, quy định cũng nêu rõ với các dự án trọng điểm không sử dụng quá 50% kinh phí huy động ngoài ngân sách. Đồng thời, các chi nhánh của ngân hàng tại các quốc gia thành viên cũng được giao trách nhiệm đánh giá và quản lý các dự án đã được tài trợ từ nguồn xã hội hóa, thuê chuyên gia để xem xét về kỹ thuật, đảm bảo di tích triển khai theo đúng hồ sơ đã được cấp phép. Ngay từ khi triển khai theo quy định mới, rất nhiều nguồn lực xã hội từ khu vực ngoài ngân sách đã được huy động. Điển hình nhất phải kể đến là dự án trùng tu di tích thành cổ Mont Saint Michel tại Pháp, có đến 30% nguồn kinh phí đầu tư được huy động từ xã hội hóa.

Bên cạnh đó, ở hầu hết các quốc gia phát triển, các quy định pháp luật về bảo tồn và trùng tu di tích kiến trúc cũng nhấn mạnh việc giám sát chặt chẽ các dự án trùng tu di tích phải đảm bảo đúng trình tự pháp luật, không có sự phân biệt hay “mở rào” cho các trường hợp trùng tu sử dụng các nguồn lực xã hội hóa từ cá nhân hay cộng đồng.

Chính quyền cấp quận có trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện đầu tư xây dựng trùng tu di tích theo đúng hồ sơ và giấy phép đã được duyệt. Đồng thời, hội đồng các chuyên gia về di sản cũng được trực tiếp phân công giám sát và cho ý kiến về các nội dung lĩnh vực chuyên môn, đảm bảo việc trùng tu di tích đúng theo hồ sơ đã được cấp phép, cũng như phản ánh khi phát hiện có những sai sót phát sinh trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng trùng tu di tích.

10 triệu Yên là số tiền đóng góp từ khu vực tư nhân mà Quỹ di sản Nhật Bản nhận được để phân bổ cho các dự án bảo tồn di sản.

ThS.KTS Phạm Hoàng Phương
Và các cộng sự Phòng Lý luận phê bình và lịch sử kiến trúc (Viện Kiến trúc Quốc gia)

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...