Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới PHÁP: Các khu đô thị vườn - từ mô hình trước đây tới các dự án thiết kế đô thị hiện nay

PHÁP: Các khu đô thị vườn - từ mô hình trước đây tới các dự án thiết kế đô thị hiện nay

Viết email In

Trong giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến, mô hình khu đô thị vườn đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các hình thái đô thị hoá của thành phố Reims (phía đông bắc nước Pháp, cách Paris 140 km) trước khi công cuộc tái thiết và trào lưu hiện đại xâm chiếm các khoảng không trong thành phố và lấp đầy bằng những khu chung cư cao tầng…Giờ đây, các nhà quy hoạch và kiến trúc sư đang cố gắng dựa vào mô hình này để làm phong phú thêm cho quá trình đổi mới đô thị ở Reims bằng những hình thái nguyên bản. Bài viết này như một phóng sự đồng hành trong quá trình đi tìm một mô hình đô thị vườn lý tưởng.

Quá trình quy hoạch đô thị ở Reims trong giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến đã chịu nhiều ảnh hưởng của mô hình khu đô thị vườn Chemin-Vert (có nghĩa là Con đường xanh). Nhiều thế hệ những người làm quy hoạch sau đó vẫn còn tiếp tục lấy cảm hứng từ khu đô thị này, thậm chí cho đến ngày nay, khi quy hoạch các khu đô thị ở Petit-Bétheny hay Mont d’Arène nằm gần thành phố Reims. Với một chút duy ý chí và ít nhiều đạt được những thành công nhất định, các nhà quy hoạch và cả những nhà tài trợ vốn cho các chương trình xã hội luôn cố gắng dung hoà giữa những phẩm chất của mô hình này thông qua một diện mạo mang tính nhân văn, sự cần thiết phải tạo ra một sự “đổi mới đô thị” nhất định và những bí quyết để đạt được sự phát triển bền vững.

Phương pháp của Howard

Được kiến trúc sư Jean-Marcel Auburtin thiết kế trong giai đoạn từ năm 1912 đến năm 1919, sau đó được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1921 đến năm 1933, khu đô thị Chemin-Vert gồm có 617 căn hộ có diện tích từ 60 đến 100 m2 dưới dạng nhà liền kề được bố trí thành từng cụm từ 2 đến 10 căn hộ và tất cả cùng chung một khu vườn riêng. Sự đa dạng về chủng loại và tầm vóc của cây xanh, vị trí của các khối nhà, những điểm khác biệt của các đầu hồi nhà và các khung mái gỗ đã góp phần xoá đi sự lặp lại nhàm chán, đó là chưa kể đến trí tưởng tượng phong phú của chủ nhân mỗi ngôi nhà.


Khu đô thị vườn Chemin-Vert nhìn từ trên cao
© A. Coscia-Moranne


Hơn nữa, do được xây dựng trên một địa thế hình elíp và theo phong cách của các khu đô thị vườn kiểu Anh, toàn bộ khu đô thị này được cấu trúc để đảm bảo mỗi ngôi nhà có được khoảng lưu không tối thiểu 25 mét, điều đó đảm bảo cho 4.000 cư dân sinh sống tại đây (số liệu của giai đoạn 1935-1940, hiện nay con số này thấp hơn nhiều do phần lớn các căn hộ chỉ có trung bình từ 2 đến 3 nhân khẩu) có đủ ánh nắng, tạo cảm giác ấm cúng và luôn tràn đầy ánh sáng.

Theo Alain Coscia-Morane, kiến trúc sư, nguyên Giám đốc phụ trách xây dựng của Foyer Rémois – công ty xây dựng nhà ở xã hội – thì khu đô thị này đã đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về nhà ở sau cuộc chiến Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) bởi thành phố khi đó đang trong tình trạng đổ nát. Cũng chính do những tổn thất nặng nề trong chiến tranh nên khu đô thị này đã được xây dựng với tốc độ rất nhanh dựa trên những nguyên tắc gợi mở từ các nguyên tắc của Ebenezer Howard. Chemin-Vert đã trở thành một trong những khu đô thị điển hình nhất tại Pháp vào thời điểm đó bởi tất cả các công trình hạ tầng xã hội cần thiết cho người dân như trung tâm y tế, nhà trẻ, nhà thờ, hội trường, trường học… – có tính đến các mục tiêu nâng cao tỷ lệ sinh đẻ sau những tổn thất về người của “cuộc đại chiến” – đều đã được dự kiến và xây dựng ngay từ đầu. Có một nghịch lý là vào thời điểm bàn giao, có rất nhiều ngôi nhà chỉ có những phụ nữ một mình nuôi con hoặc người già được tái định cư. Tỷ lệ nam giới khi đó thiếu trầm trọng. Rất lâu sau khu vực đã từng bị tàn phá này mới khôi phục lại được sự cân bằng dân số về mặt giới tính.

Một quá trình cải tạo nghiêm túc

Trải qua nhiều thế hệ, khu đô thị vườn này đã vận hành rất tốt, hầu như không phải cải tạo nhiều để có thể đáp ứng được một hiện tượng phổ biến là sự thay đổi dần về cấu trúc của các gia đình. Nhưng rồi khu vực này cũng dần bị xuống cấp. Năm 1953, chính quyền thành phố Reims đã dần dần quy hoạch lại các không gian công cộng và đường xá thông qua việc hạ ngầm các mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và sửa chữa mặt đường. Hiện nay chương trình này vẫn được tiếp tục thực hiện. Năm 1994, một chiến dịch cải tạo các căn hộ được bắt đầu. Hàng loạt biện pháp được thực hiện như sử dụng vật liệu cách âm cho mặt tiền các ngôi nhà, nâng cao mức độ cách nhiệt, thay thế các phần kết cấu bằng gỗ và sử dụng những gam màu hoàn toàn tôn trọng mẫu thiết kế ban đầu. Chương trình này hoàn thành vào năm 2000 với khoản đầu tư bình quân cho mỗi căn hộ là 30.000 euro. Một phần kinh phí được lấy từ nguồn thu nhờ tăng giá thuê nhà (15%) đều đặn trong 6 năm. Các công trình hạ tầng công cộng cũng được cải tạo nhiều. Hiện nay, có thể đánh giá rằng khu đô thị vườn đã giữ lại được tất cả vẻ duyên dáng của mình và không hề bị xuống cấp. Từ thành công này, việc áp dụng một mô hình kiểu mẫu cho các khu quy hoạch mới không còn là điều quá xa vời.


Không gian xanh trong khu đô thị vườn Chemin-Vert
© A. Coscia-Moranne


Một sự quan tâm đặc biệt đối với môi trường

Đây chính là khía cạnh mà công ty Foyer Rémois đã thực hiện thành công đối với khu Petit-Bétheny khi chuyển đổi một khu đất công nghiệp bị bỏ hoang rộng 6,3 hecta nằm ở ngoại vi thành phố Reims, trên địa bàn xã Bétheny, theo hình thức khu đô thị vườn. Thoạt tiên, môi trường ở khu vực này không hề thuận lợi. Trong những năm 90, khi các chi nhánh công ty thực phẩm Docks Rémois di dời đi nơi khác đã để lại một khu đất trống không hề có hình thù cụ thể và thoạt nhìn rất kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Do đặc điểm địa chất của khu vực này rất yếu nên để khôi phục lại được giá trị của khu đất, chính quyền ở đây đã đặc biệt quan tâm đến các vấn đề môi trường. Chính điều này đã khiến công ty Foyer Rémois hình thành ý tưởng ngay từ năm 1995 sẽ xây dựng một khu đô thị vườn với những ngôi nhà khung gỗ để tạo cảm giác bớt nặng nề.


Những ngôi nhà ở Petit-Bétheny có gara nằm ngay ở mặt trước

Được bắt đầu quy hoạch từ năm 2000, khu đô thị vườn này bao gồm 111 ngôi nhà biệt lập (trong đó có 42 nhà đã được xây dựng) và 120 căn hộ chung cư. Cấu trúc không gian của khu đô thị dựa trên những khu vườn và những con đường liền kề giống như các lối đi trong công viên thay vì những tuyến đường thẳng kiểu truyền thống. Các ngõ cụt dẫn vào bên trong các “cụm nhà” khiến người ta liên tưởng tới mô hình các Phố cụt mà Raymond Unwin đã thiết kế cho những khu đô thị vườn đầu tiên ở Anh và được nhiều chủ thầu (Laurent Debrix/Công ty kiến trúc BCDE và 4 nhóm kiến trúc sư khác) đánh giá như những “không gian sử dụng chung” có ý nghĩa tạo thuận lợi cho đời sống xã hội. Ngoài ra, trước yêu cầu phát triển bền vững, dự án này cũng phải thể hiện được chất lượng môi trường. Do đó, trong khuôn khổ một thoả thuận với Tổng công ty Điện lực Pháp (EDF) và Cơ quan Môi trường và kiểm soát Năng lượng (Ademe), các cư dân sinh sống tại đây cũng được giảm đáng kể tiền điện dành cho hệ thống sưởi. Khi đi dọc theo những ngôi nhà đầu tiên được xây dựng, khung cảnh đương nhiên không giống như ở khu đô thị vườn Chemin-Vert, song ý đồ quy hoạch thể hiện rất rõ và không gian hoàn toàn rất dễ chịu. Một điểm độc đáo khác ở đây là các gara được làm bằng gỗ và được bố trí ngay ở mặt trước của mỗi ngôi nhà giống như một hình thức giấu cửa ra vào chính.

Những hạn chế của chủ nghĩa duy ý chí

Tiếp tục cuộc du ngoạn với những ấn tượng về các khu đô thị vườn. Từ gần 20 năm qua, hai dự án quy hoạch được thực hiện trên cùng một khu đất công nghiệp cũ rộng 3 hécta ở phía sau nhà ga Clairmarais đã cố gắng khôi phục lại một khu vực bị bỏ hoang để dành cho các chương trình xây nhà ở xã hội. Dự án thứ nhất do công ty Effort Rémois thực hiện trong những năm 80 bao gồm 220 căn nhà (trong đó có cả nhà biệt lập và nhà chung cư với quy mô vừa phải). Dự án thứ hai được triển khai năm 1994 trong khuôn khổ của khu quy hoạch theo thoả thuận (ZAC) của Mont d’Arène có tên gọi là Europan 3 bao gồm 250 căn hộ được xây dựng theo ba đợt và quy hoạch các không gian công cộng, trong đó có một tuyến đường dạo được trồng cây xanh sẽ nối liền khu vực này với một nhà ga của tuyến tàu cao tốc TGV trong tương lai.

Toàn bộ khu đô thị này chưa được hoàn thiện nhưng những ưu điểm cũng như những hạn chế đã bắt đầu xuất hiện. Một số vật liệu sử dụng không chịu được tần suất đi lại hàng ngày và nhiều không gian công cộng được thiết kế quá tỉ mỉ đã tạo ra sự nhàm chán và ít kích thích khả năng tưởng tượng của người dân – yếu tố vốn được thực hiện rất thành công đối với các khu đô thị vườn. Về mặt kiến trúc có một số chỗ không tránh khỏi những chi tiết rườm rà dạng như những tượng thần kiểu cổ điển ở mặt tiền các khu nhà mà sự hiện diện của chúng khiến cho ngay cả những người đến thuê nhà cũng như khách vãng lai không tránh khỏi cảm giác thắc mắc. Đây quả là điều đáng tiếc ! Chắc chắn không dễ gì nhân rộng một mô hình đã từng được áp dụng thành công trong quá khứ và điều có thể thực hiện được trong thời kỳ giữa hai cuộc đại chiến Thế giới không hề có liên hệ gì với những chi phí và thực tế hiện nay. Do vậy, đây chính là điều nan giải đối với các nhà quy hoạch cũng như các kiến trúc sư. Nhưng tại sao họ không tự sáng tạo ra những hình mẫu riêng của mình ? Quá trình cải tạo đô thị hiện nay tại thành phố Reims sẽ cần phải có nhiều ý tưởng táo bạo hơn nữa trong lĩnh vực này.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo