Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Các bài học từ Phố Đông của Thượng Hải

Các bài học từ Phố Đông của Thượng Hải

Viết email In

Các khu đô thị mới và các khu kinh tế hầu như không được Nhà nước rót vốn đầu tư trực tiếp mà Nhà nước chỉ quy định chính sách và phương thức tạo vốn ban đầu. Do đó, nguồn vốn hình thành từ quỹ đất và các khoản thuế do Trung ương để lại. Ngoài ra, các cơ chế tạo vốn rất linh hoạt khác cũng được áp dụng.

Bài viết của tác giả Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trú miền Nam Bộ Nội vụ, người từng cùng đoàn công tác của TPHCM tham quan, tìm hiểu mô hình hoạt động của Phố Đông và Thâm Quyến (Trung Quốc) vào năm 2006, nhằm nhấn mạnh thêm kinh nghiệm dựng xây Phố Đông – Thượng Hải. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tầm nhìn quy hoạch

Về xuất phát điểm, trước khi hình thành khu đô thị “đặc biệt”, Phố Đông - Thượng Hải và Thủ Thiêm không khác nhau mấy- dù diện tích và dân số Thủ Thiêm chỉ 737ha và khoảng 130.000 người, trong khi Phố Đông có diện tích tới 522,75km2 và dân số hơn 2 triệu người. Tuy nhiên, phía bạn chú ý quy hoạch đầy đủ khu thương mại tài chính, khu chế xuất, khu công viên khoa học kỹ thuật cao, khu triển lãm kinh tế kỹ thuật, khu sân bay (cảng biển) quốc tế để tạo nên một thế mạnh tổng hợp cho Phố Đông.

Giá như ngay từ đầu, ta quy hoạch cả khu phía Đông Sài Gòn từ Thủ Thiêm tới Khu Công nghệ cao ở quận 9, kéo thẳng lên khu dự kiến làm sân bay quốc tế... thì có lẽ sẽ hình thành một đô thị đa chức năng tầm cỡ, đủ sức làm đầu tàu kéo nền kinh tế cả vùng, cả nước phát triển.

Giai đoạn đầu sau khi có chủ trương phát triển mỗi khu, chính quyền bạn tập trung xây dựng chính sách và đảm bảo quy hoạch chi tiết, cẩn thận, tỉ mỉ. Ví dụ, KCX Kim Kiều có 3 vấn đề: quy hoạch hạ tầng phải chú trọng môi trường; quy hoạch kinh tế phải đa năng, hài hòa; quy hoạch phát triển xã hội chú ý dân cư sinh sống và làm việc. Cần lưu ý: Quy hoạch không phủ kín hoàn toàn mà chừa lại một số diện tích đất để phát triển theo nhu cầu, tạo sự linh hoạt cho sự phát triển; Không thay đổi quy hoạch, không cho phép mở rộng khu khai phát đã quy hoạch mà giải quyết tốt mối quan hệ điều hòa giữa các khu chức năng với các khu vực xung quanh.


Phố Đông (góc trên bên trái) năm 1980. Đó là một vùng đất canh tác, hầu như không có ngôi nhà cao tầng nào. 


Phố Đông ngày nay

Tạo vốn đầu tư ban đầu

Phố Đông có nghĩa là "phía đông Hoàng Phố". Phố Đông được sông Hoàng Phố bao bọc phía tây và Biển Đông Trung Hoa ở phía đông. Diện tích: 522.8 km² với dân số khoảng 1,5 triệu người. Phố Đông đối diện với Phố Tây - phần phố cũ của Thượng Hải nằm ở bờ tây sông Hoàng Phố. Phố Đông là một quận lớn (bằng diện tích nội thành một thành phố lớn ở Việt Nam) và có thể được chia thành nhiều quận nhỏ hơn trong tương lai.

(Wikipedia
Các khu đô thị mới và các khu kinh tế hầu như không được Nhà nước rót vốn đầu tư trực tiếp mà Nhà nước chỉ quy định chính sách và phương thức tạo vốn ban đầu. Do đó, nguồn vốn hình thành từ quỹ đất và các khoản thuế do Trung ương để lại. Ngoài ra, các cơ chế tạo vốn rất linh hoạt khác cũng được áp dụng.

1. Tạo vốn từ quỹ đất:

Quyền sử dụng đất của khu khai phát được giao cho các công ty khai phát của Nhà nước để tạo vốn (ví dụ Phố Đông - Thượng Hải có 4 khu chức năng được giao cho 4 công ty). Nhà nước không giao trực tiếp mà thông qua hình thức vốn hóa quyền sử dụng đất để quay vòng tạo vốn. KCX Kim Kiều 27km2 (một khu phát triển của Phố Đông) được giao cho một công ty bằng hình thức: Nhà nước giao cho công ty một ngân phiếu, công ty đến sở quản lý đất đai nhận đất theo hình thức “giấy đỏ” như ở nước ta, đồng thời giao lại ngân phiếu cho sở này để trả lại cho Nhà nước.

Như vậy, Nhà nước lấy lại tiền nhưng công ty có đất để đưa vào khai thác - gọi là đất quay vòng bằng 0. Công ty thế chấp quyền sử dụng đất để có vốn giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng, sau đó được đấu giá cho các nhà đầu tư để thu hồi vốn. Điển hình là Công ty Phát triển khu Phố Đông - Thượng Hải (The Pufa Group) - một tập đoàn, một công ty trách nhiệm hữu hạn với 100% vốn Nhà nước, được thành lập để phát triển Phố Đông, vốn điều lệ là 3.990 tỷ NDT, đến cuối năm 2003 tổng tài sản lên đến 23.300 tỷ NDT… Công ty có chức năng phát triển quỹ đất đầu tư, xây dựng và quản lý hạ tầng kỹ thuật của Phố Đông, phát triển và quản lý bất động sản, xây dựng, dịch vụ tài chính, bảo vệ môi trường, kỹ thuật cao và xuất nhập khẩu. Công ty đóng vai trò chủ yếu trong việc cải thiện môi trường đầu tư Phố Đông, hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực, thúc đẩy hiện đại hóa TP.

2. Để lại các khoản thuế trong thời gian đầu:

Trong 5 năm đầu, Trung ương để lại toàn bộ khoản thuế thu được từ các khu phát triển để tái đầu tư cho khu. Do đó, việc phát triển các khu kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến cân đối ngân sách và không quá phụ thuộc vào ngân sách như ở Việt Nam. Giai đoạn sau, khi các ưu đãi đã hết thời hạn, nguồn vốn đầu tư chủ yếu lấy từ chính các khoản thu của địa phương, từ các hoạt động kinh tế trên địa bàn.

3. Xây dựng Quỹ phát triển các khu: được hình thành từ các khoản thuế nộp về Trung ương nhưng được để lại phát triển trong 5 năm đầu, kể cả thuế VAT.

4. Tìm các nguồn vốn khác:

- Vay ngân hàng: Để đầu tư xây cầu, hầm chính từ Phố Tây sang Phố Đông (hiện có 5 cầu lớn và 8 đường hầm), TP Thượng Hải vay tiền từ Ngân hàng Thế giới- ngân hàng tổ chức thu phí để hoàn vốn. Việc tổ chức thu phí tiến hành ở đường vành đai ngoài trước khi vào trung tâm. Sau đó, TP thấy việc thu phí ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế (lưu lượng xe qua lại khoảng 1 triệu xe/ngày) nên bỏ tiền mua lại quyền khai thác và không thu phí trực tiếp nữa mà thu thông qua việc mua xe hơi (như một khoản thuế).
 
- Hợp tác: Không chỉ các ngân hàng hay tập đoàn hợp tác để phát triển Phố Đông mà cả các bộ và các tỉnh khác cũng sẵn sàng hợp tác đầu tư vào đây.

- Phát hành trái phiếu: Các công ty khai phát Nhà nước, ngoài các khoản thu từ đấu giá đất, còn có thể phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán để thu hút vốn từ công chúng. Chỉ sau 2 năm, các công ty khai phát đã niêm yết bán trái phiếu trên các thị trường chứng khoán quốc tế lớn như New York, Tokyo...

- Ngân sách: đến nay, trong tổng vốn đầu tư hạ tầng Phố Đông 300 tỷ NDT (khoảng 60.000 tỷ VND), vốn ngân sách chỉ chiếm khoảng 10%.

5. Giải phóng mặt bằng giàu tính nhân văn: Ở Phố Đông, chính sách bồi thường thiệt hại, tái định cư và ổn định đời sống dựa vào 2 tiêu chí. Thứ nhất: Tạo chỗ ở cho người dân tốt hơn nơi cũ. Theo đó, công ty khai phát đứng ra bồi thường, giải phóng mặt bằng, không giải tỏa trắng như ở ta mà cố gắng bố trí gần chỗ ở cũ. Dân thấy chỗ ở mới tốt hơn nơi cũ nên hầu hết giao đất để xây dựng Phố Đông. Thứ hai: Tạo công ăn việc làm để dân có thu nhập sống được. Đối với người trẻ, công ty đào tạo và sắp xếp để tạo việc làm; nếu không còn tuổi lao động sẽ được hưởng chế độ BHXH để có thu nhập ổn định đến cuối đời; nếu đã lớn tuổi nhưng chưa hết tuổi lao động, chính quyền sắp xếp các công việc dịch vụ đô thị hoặc các dịch vụ khác trong khu khai phát để tạo việc làm.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo