Những người nghèo Hong Kong (Trung Quốc) cảm thấy đi cách ly, thậm chí ngủ ngoài đường còn an toàn hơn ở trong nhà trọ "quan tài" chật hẹp, bí bách của mình.
Zing.vn trích dịch bài viết trên South China Morning Post về thực trạng dân nghèo Hong Kong phải nhốt con cái trong nhà hàng tháng, thà đi cách ly, ngủ ngoài đường còn hơn sống trong những căn hộ "quan tài" giữa mùa dịch Covid-19.
Guo Yongfeng (66 tuổi) sống trong một căn hộ 47 m2 được chia nhỏ ra cho tới 17 người khác. Căn phòng chật hẹp chỉ đủ cho ông ngả lưng, tứ phía đều là những đồ đạc lỉnh kỉnh.
Guo sống trong căn nhà "lồng" chỉ đủ diện tích để ông ngả lưng. (Ảnh cắt từ clip)
Guo Yongfeng chỉ là một trong số 210.000 người thu nhập thấp đang sống trong những căn hộ được chia nhỏ trái phép ở Hong Kong (Trung Quốc), thường được gọi là "nhà lồng" hay căn hộ "quan tài".
Toàn bộ căn phòng lớn nơi Guo ở chỉ có đúng một cửa sổ. Các "lồng" xếp chồng lên nhau. Mỗi "lồng" có một cửa trượt. Với thu nhập ít ỏi, ông vẫn phải cố gắng trả 2.000 đô la Hong Kong (gần 6 triệu đồng) tiền thuê mỗi tháng.
"Thật không thoải mái gì khi 18 người sống cùng nhau. Mỗi người có một công việc khác nhau. Họ ra ngoài mỗi ngày và chẳng biết họ tiếp xúc với ai cả".
Dịp Tết Nguyên đán, ông về thăm quê Cáp Nhĩ Tân (Hắc Long Giang, Trung Quốc đại lục). Khi ông trở lại Hong Kong, những người cùng nhà phát hiện ra và rất tức giận.
Hồi tháng 2, ông được đưa đi cách ly tại Sai Kung. Ở đó, Guo ở chung phòng với 6 người, được chính quyền cấp 3 bữa ăn một ngày.
"Mỗi người có giường riêng. Điều kiện trong đó khá tốt, tốt hơn nơi tôi sống bây giờ. Chỗ tôi thuê chỉ là những cái lồng, ít nhất khi cách ly chúng tôi có một căn phòng hẳn hoi".
Giữa tình hình dịch bệnh căng thẳng, những người thu nhập thấp tại Hong Kong như Guo đang phải đối mặt với khó khăn lớn gấp nhiều lần.
Họ có nguy cơ bị và lây nhiễm virus cao khi sống trong những căn "nhà lồng" chật chội, đông đúc, thiếu vệ sinh. Nhiều gia đình phải nhốt con cái trong nhà hàng tháng liền vì không có khẩu trang, nước rửa tay.
Thà ngủ ngoài đường còn hơn
Một thực tế đang diễn ra là nhiều người nghèo ở Hong Kong thấy rằng thà đi cách ly, thậm chí ngủ ngoài đường còn tốt hơn ngủ trong căn hộ "quan tài" của mình giữa mùa dịch Covid-19.
Peter (66 tuổi) là một trong hàng chục người đang ngủ tại một đường hầm đi bộ dưới Trung tâm Văn hóa Hong Kong mỗi đêm. Bỏ tiền thuê một căn hộ chia nhỏ tại Tin Shui Wai, nhưng Peter lại chọn ngủ trên những hộp các tông ngoài đường.
"Tôi sợ virus dễ dàng phát tán từ 'lồng' này qua 'lồng' khác. Ở đây an toàn hơn. Dù đây là đường hầm thì vẫn có thông gió từ trên cao xuống".
Giữa mùa dịch, nhiều người nghèo thà ngủ ngoài đường còn hơn nằm trong nhà trọ chật hẹp, bí bách.
Theo các chuyên gia y tế, các căn hộ chia nhỏ như Guo và Peter đang sống cần có hệ thống thông gió thích hợp và các bề mặt phải được làm sạch thường xuyên để ngăn ngừa lây nhiễm virus corona.
Thực tế, những căn hộ dạng này đều không đạt yêu cầu trên. Điều kiện an toàn yếu kém tại đây cũng bị đánh giá có khả năng cao gây nên hỏa hoạn hay các bệnh truyền nhiễm.
"Thông gió kém khiến nồng độ virus tăng cao, bởi vậy càng có nhiều người lây nhiễm", giáo sư David Hui Shu-cheong - chuyên gia y học về đường hô hấp tại Chinese University - phân tích. Tuy nhiên ông cũng trấn an mọi người hiện chưa có ghi nhận bệnh truyền nhiễm nào liên quan đến các khu nhà "quan tài".
Theo Yiu Ching-hei, thành viên của nhóm nghiên cứu về đất đai Cộng đồng nghiên cứu tự do, sự bùng phát của Covid-19 đã phơi bày điều kiện xây dựng ảnh hưởng đến các hộ gia đình nghèo nhất thành phố - những người đang sống và tự cách ly trong những căn hộ chia nhỏ.
"Tôi nghĩ đây là thời điểm để nhìn nhận lại chính sách nhà ở của Hong Kong, tập trung hơn vào việc cải thiện điều kiện của những khu nhà hiện có".
"Họ không có gì cả"
Bà Lai (52 tuổi) sống trong một căn hộ 74 m2, được chia nhỏ cho 9 hộ gia đình khác. Từ cuối tháng 1 tới nay, hai đứa con của bà chỉ được ra ngoài 2 lần.
Sống chung với nhiều gia đình khác trong một căn hộ nên bà không muốn hai đứa con của mình đi lại lung tung vì sợ lo chúng nhiễm bệnh.
"Tôi biết chúng chán và bức bối. Nhà tôi còn chẳng có tivi nên chúng chỉ giải trí bằng cách đọc sách. Con trai tôi cứ hỏi suốt xem khi nào được đi học lại để gặp bạn bè trong lớp".
Những đứa trẻ nhà nghèo phải ở nhà hàng tháng trời vì dịch bệnh.
Bà Lin (40 tuổi) cũng lo lắng bởi dịch bệnh khiến hai đứa con gái 7 và 5 tuổi hiếm khi được rời khỏi căn hộ ở Tsuen Wan.
Trong căn hộ chật chội không có giường, gia đình 4 người nằm ngủ trên tấm nệm trải dưới nền nhà. Hai đứa con của bà cùng học chung trên một chiếc bàn gấp.
"Tôi cảm thấy con gái lớn của mình đã thay đổi tính nết. Khi hai đứa con chơi với nhau, bé lớn la hét và cáu bẳn, nó rất kích động".
Hai tuần qua, Lu (34 tuổi) phải để hai con trai sinh đôi 7 tuổi của mình ở nhà để đi mua đồ ăn ở khu chợ Tsuen Wan. Cô biết để con ở nhà mà không có người lớn trông là phạm pháp. Bởi theo luật pháp Hong Kong, đối xử tệ bạc hoặc bỏ bê trẻ em là hành vi phạm tội với mức phạt cao nhất 10 năm tù.
Lu cho hay không có lựa chọn khác khi cô là người duy nhất chăm sóc cho con giữa đại dịch Covid-19, còn trường học thông báo đóng cửa từ tháng 2.
"Chợ thì đông đúc. Tôi không muốn con mình nhiễm virus".
Căn hộ của cô chỉ rộng 11 m2, nằm ở tầng 4, cạnh lối cầu thang bộ của Tsuen Wan - một tòa nhà tại Tân Giới (Hong Kong).
Lu lo rằng con mình sẽ gặp nguy hiểm khi tháng trước, một bé gái 4 tuổi tử vong vì rơi từ tầng cao của khu dân cư tại Tuen Mun. Cha cô bé bị nghi ngờ để con gái ở nhà một mình với lý do tương tự như cô.
Nhiều bậc phụ huynh khổ sở giữa mùa dịch vì vừa phải đi làm, vừa phải chăm con.
Những gia đình thu nhập thấp tại Hong Kong đang đối mặt nguy cơ lớn nhất từ việc thiếu hụt khẩu trang y tế, các sản phẩm vệ sinh, khử trùng. Sự thiếu thốn những đồ bảo hộ cơ bản buộc phụ huynh các gia đình này phải để con cái trong nhà.
Mặt khác, các chuyên gia cảnh báo, việc trẻ ở lâu trong nhà có thể sẽ khiến chúng gánh chịu những vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Brent Horner - nhà tâm lý học lâm sàng tại Phòng khám Y khoa London tại Hong Kong - trích dẫn một nghiên cứu về trẻ em được công bố trên tạp chí Frontiers in Psychology từ ngày 26/2, cho thấy những đứa trẻ được ra ngoài, kết nối với thiên nhiên thường hạnh phúc hơn.
Theo Horner, việc liên tục ở trong nhà thời gian dài phá vỡ những cảm quan về đời sống bình thường, an toàn của trẻ, khiến chúng dễ gặp các vấn đề tâm lý.
"Việc bắt con trẻ ở trong nhà là việc khá phổ biến trong tình hình này, đặc biệt là các gia đình sống trong căn hộ chia nhỏ. Nguyên nhân chính là không có khẩu trang nên cha mẹ không dám để con ra ngoài vì sợ chúng nhiễm bệnh", Josephine Leung - giám đốc điều hành The Hub - nói.
The Hub là trung tâm cộng đồng hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp tại Sham Shui Po - quận nghèo nhất tại Hong Kong.
Leung cho biết cô quen biết khoảng 80 gia đình sống trong những căn hộ "quan tài". "Họ chẳng có gì cả. Không có nước rửa tay, trường học thì đóng cửa vì thế họ không thể cho con cái ra ngoài chơi, thật đáng buồn", cô nói.
Đinh Phạm
(Zing.vn /theo South China Morning Post)
- Covid-19: Những ngôi nhà tí hon cho người vô gia cư Mỹ tự cách ly
- Malaysia: Chịu cảnh sống chen chúc, người lao động nghèo lo sợ nhiễm virus
- Câu chuyện xã hội hóa trong trùng tu di tích kiến trúc: Kinh nghiệm quốc tế
- Cuộc sống trên ban công thời Covid-19
- Giao thông và khủng hoảng Covid-19: Thế giới bị ngưng trệ
- Vườn cây đủ hoa trái của nhà thiết kế thời trang ở Đan Mạch
- Reusing Posidonia – Dự án dân cư thân thiện với môi trường
- Vessel - cầu thang trị giá 150 triệu đô được ví như "tháp Eiffel của New York"
- Ngôi nhà được xây từ ý kiến của 2 triệu người
- Huyền thoại về tắc đường: Bế tắc của các nhà quy hoạch giao thông Đức