Quảng Ngãi có 6 huyện miền núi, tập trung chủ yếu là người đồng bào các dân tộc Cor, H’rê và Cadong cùng chung sống.
Thời gian qua, một số hộ đồng bào ở đây đã xây dựng nhà cửa theo kiến trúc mới, hiện đại. Bên cạnh đó, nhiều gia đình vẫn xây dựng nhà sàn theo kiến trúc truyền thống của của dân tộc mình. Điều này vừa phù hợp với nếp sinh hoạt, vừa góp phần bảo tồn nét văn hóa của đồng bào dân tộc.
Ngôi nhà sàn của gia đình ông Hồ Văn Tân, ở xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng được xây dựng từ năm 2012, với kiểu đổ các trụ bê tông thay cho các trụ gỗ ngày xưa, nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Nhà chia làm hai phần theo chiều ngang. Bên ngoài là nơi thờ tổ tiên và tiếp khách nam giới, bên trong là bếp cũng là nơi sinh hoạt của phụ nữ. Nhà sàn người Cor còn ước định phân chia theo chiều dọc thành các phần bên trên và bên dưới.
Theo quan niệm, những người lớn tuổi hay khách quan trọng thường được ngồi bên trên gần bàn thờ gia tiên. Những người có vị thế thấp hơn ngồi bên dưới gần bếp.
Ông Tân chia sẻ: "Bây giờ nhiều gia đình xây nhà sàn mới to, đẹp lắm, nhưng về cơ bản vẫn giữ lại những nét truyền thống của nhà sàn xưa. Chỉ có điều là thay trụ gỗ bằng trụ bê tông vì gỗ bây giờ khan hiếm. Cũng ít nhà lợp tranh mà dùng ngói, nhưng ba bên bốn bề vẫn vách ván và sàn làm bằng cây lồ ô. Hai đầu ngôi nhà cũng được cải biên để cho ngôi nhà rộng rãi hơn, mùa hạ thoáng mát và mùa đông ấm áp. Giờ cũng không nhiều người còn nhớ được nhà sàn truyền thống của dân tộc mình, vì vậy dù con cháu có xây nhà to đến mấy, nhiều tiền đến mấy, tui cũng bảo chúng phải dựng theo kiểu nhà sàn."
Hiện nay, để bảo tồn và phát huy nét đẹp của nhà sàn truyền thống, tại một số huyện miền núi, lãnh đạo địa phương đã có chủ trương khuyến khích người dân được hưởng lợi từ dự án 167 cũng xây dựng nhà theo kiểu nhà sàn, đồng thời vận động đồng bào dân tộc thiểu số ăn ở hợp vệ sinh theo đời sống mới.
Điển hình, tại huyện Sơn Tây, huyện đã xây dựng hơn 2.700 ngôi nhà cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số theo chương trình 167. Bà Đinh Thị Gieo, xã Sơn Dung, tâm sự: "Gia đình bà được Nhà nước hỗ trợ tiền để xây nhà mới, vui lắm, nhưng mà bao đời nay đồng bào Cadong quen ở nhà sàn rồi, nay được xây nhà mới cũng phải làm theo kiểu nhà sàn mới phù hợp. Đây cũng là cách để giữ lại nét văn hóa truyền thống để con cháu sau này hiểu và gìn giữ."
Ông Phạm Hồng Khuyến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sơn Long, huyện Sơn Tây cho hay, trong quá trình xây dựng, xã vận động một số hộ gia đình trẻ nên ngăn một phòng riêng, bếp riêng để thuận tiện sinh hoạt vì đồng bào Cadong thường sống theo kiểu 2, 3 thế hệ. Đồng thời khuyên bà con không được nuôi gia súc dưới nhà sàn, xây dựng hố xí ở cách xa cho hợp vệ sinh.
Nhà sàn đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi. Có nhiều ngôi nhà sàn được trả giá vài trăm triệu đồng nhưng người dân kiên quyết không bán.
Ông Đinh Kà Để, Bí thư huyện ủy Sơn Tây cho biết trước thực trạng nhà sàn truyền thống của đồng bào Cadong đang được thay thế bằng những ngôi nhà xây kiến trúc mới, huyện đã chỉ đạo các địa phương phải tuyên truyền, định hướng cho người dân giữ gìn và bảo tồn tốt các nếp nhà sàn truyền thống./.
Đinh Thị Hương (TTXVN)
- Trọ ở Hà Nội xưa và nay
- Những biểu tượng của Sài Gòn ngày ấy - bây giờ
- Để đô thị hoá bình yên
- Cuộc sống ở làng chài cuối cùng trên sông Sài Gòn
- PCI miền Trung: Khi Đà Nẵng sống giữa cạnh tranh
- Những tầng một bỏ hoang của chung cư Hà Nội
- Con đường gốm sứ xuống cấp: Cũng là điều bình thường!?
- Hàng cây cổ thụ ven hồ Thủ Lệ trước ngày bị đốn hạ để làm đường sắt nội đô
- Vịnh Hạ Long: Ai quản lý không quan trọng mà phải là hiệu quả
- Cưỡng chế... container!