Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Vịnh Hạ Long: Ai quản lý không quan trọng mà phải là hiệu quả

Vịnh Hạ Long: Ai quản lý không quan trọng mà phải là hiệu quả

Viết email In

Trong khi những tiêu chí để chọn nhà đầu tư chưa có, chưa thể công khai rộng rãi cho giới đầu tư, thời gian thực hiện lại quá ngắn, thì việc tìm người quản lý vịnh Hạ Long khó thuyết phục về tính công bằng và hiệu quả. 

Tuần rồi cả hai tập đoàn lớn là Bitexco và Tuần Châu đều đề nghị được quyền khai thác và quản lý vịnh Hạ Long, danh thắng thu hút du khách bậc nhất của Việt Nam. Di sản thiên nhiên thế giới này thu hút khoảng 3.000-4.000 lượt khách tham quan mỗi ngày. Chỉ tính riêng tiền bán vé tham quan, số khách này đã đem đến cho tỉnh Quảng Ninh cả chục triệu đô la Mỹ mỗi năm, chưa tính nguồn thu lớn từ khoảng 500 tàu du lịch kinh doanh trên vịnh và vô số cơ sở cung cấp dịch vụ ở đây.  

Chính vì thế, “cuộc đua” của hai tập đoàn nói trên đã trở thành tâm điểm bàn luận của nhiều người, đặc biệt là những người đang kinh doanh dịch vụ tại nơi này hoặc đang đưa du khách đến vịnh. Ý kiến tranh luận ngày càng nhiều hơn khi có thông tin đề cập đến việc, trong đề xuất nhượng quyền, phía Bitexco muốn được quyền chia sẻ doanh thu với các bên cung cấp dịch vụ khác như chủ tàu, chủ khách sạn. 


Tàu du lịch đón khách tham quan vịnh Hạ Long.
(Ảnh: Kinh Luân) 

Thực tế, việc cho doanh nghiệp quản lý danh thắng không mới. Ngay sát Việt Nam, Campuchia cũng đã cho doanh nghiệp thay nhà nước thu phí tham quan di sản Angkor Watt từ nhiều năm qua. Trong nước, tuy không nói ra nhưng một vài nơi cũng đang rục rịch thực hiện. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp chính thức đề nghị được quản lý, thu phí tham quan danh thắng nên được nhiều người quan tâm. 

Một số ý kiến không đồng ý vì cho rằng không thể giao tài sản quốc gia cho tư nhân quản lý. Số khác, tuy không phản đối và cho rằng có thể doanh nghiệp sẽ đem lại một diện mạo mới cho dịch vụ, hạ tầng của điểm đến, nhưng lo ngại với năng lực quản lý như hiện nay, chính quyền khó có thể giám sát, buộc doanh nghiệp thực hiện đúng các cam kết để mang lại quyền lợi công bằng cho những đơn vị khai thác dịch vụ khác, người dân địa phương và khách du lịch. 

“Ai quản lý cũng được nhưng phải có quy chuẩn quản lý, quy chuẩn về giá vé vào thăm những danh thắng, có luật và đặc biệt là phải có chế tài để xử khi phạm luật chứ đừng như cách có địa phương đang làm là cứ để tư nhân mặc quyền quản lý và định giá vô tội vạ”.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt 

Ông Trần Trọng Kiên, Giám đốc điều hành tập đoàn Thiên Minh, cho rằng việc giao doanh nghiệp quản lý, phát triển dịch vụ tại những điểm đến như thế này rất đáng hoan nghênh, đặc biệt là với vịnh Hạ Long - nơi thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm nhưng dịch vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ du khách chưa chuyên nghiệp. Tuy nhiên, “đây là vấn đề rất khó và có thể với năng lực quản lý như hiện tại thì chúng ta chưa thể làm được”, ông Kiên lo ngại.

Theo ông Kiên và nhiều doanh nghiệp khác, khó có thể so sánh việc Campuchia cho doanh nghiệp quản lý, thu phí tham quan Angkor Watt với việc nhượng quyền quản lý và thu phí vịnh Hạ Long bởi thực tế phạm vi Angkor Watt nhỏ, doanh nghiệp ở Campuchia cũng chỉ đảm đương việc thu hộ phí tham quan và trích một phần kinh phí để cải tạo môi trường, phát triển thêm dịch vụ. Với Hạ Long và Bái Tử Long, quy mô dự án lớn hơn nhiều, bao gồm cả quần thể rộng lớn của danh thắng với hàng chục ngàn người dân sinh sống, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, cũng có nhận định tương tự khi cho rằng việc Quảng Ninh mở cửa cho doanh nghiệp quản lý, phát triển dịch vụ tại đây là dấu hiệu tích cực ban đầu nhưng hiệu quả như thế nào thì khó có thể nói trước. Thông thường, nhiều người cho rằng tư nhân quản lý thì sẽ tốt hơn Nhà nước nhưng nếu đặt trong bối cảnh nhiều quy định pháp luật chưa có tính chất răn đe, buộc doanh nghiệp thực hiện theo cam kết thì có thể quyết định mở cửa này sẽ tạo nên một doanh nghiệp độc quyền cung cấp dịch vụ. “Ai quản lý cũng được nhưng phải có quy chuẩn quản lý, quy chuẩn về giá vé vào thăm những danh thắng, có luật và đặc biệt là phải có chế tài để xử khi phạm luật chứ đừng như cách có địa phương đang làm là cứ để tư nhân mặc quyền quản lý và định giá vô tội vạ”, ông Mỹ bày tỏ.

Nhiều doanh nhân cho rằng, cách tốt nhất để Hạ Long phát triển là tỉnh đưa ra những yêu cầu cụ thể, công khai rồi kêu gọi đấu thầu. Không những thế, trong điều kiện các biện pháp chế tài còn chưa thực sự mạnh thì một điểm đến nhạy cảm như vịnh Hạ Long nên áp dụng đồng thời cả hai biện pháp. Chính quyền lo việc quản lý nhà nước với sự tư vấn chung của một ủy ban tư vấn bao gồm các chuyên gia du lịch, quy hoạch… nhằm đề ra những nội dung cần làm để danh thắng bảo tồn nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế. Sau đó, căn cứ vào những nội dung, dịch vụ cần phát triển, Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu.

Trao đổi với phóng viên, một quan chức của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực sự tỉnh chưa có những yêu cầu cụ thể để mời thầu rộng rãi. Từ lâu, tỉnh đã ấp ủ kế hoạch tìm một đối tác mạnh để có thể cùng chính quyền phát huy giá trị của vịnh Hạ Long nhưng chưa tìm được nhà đầu tư. Do đó, Bitexco được hoan nghênh khi là nhà đầu tư đầu tiên đề nghị làm việc này. “Theo nguyên tắc thì phải có hồ sơ mời thầu mời chào rộng rãi nhưng hiện tại tỉnh chưa nghĩ ra đầu bài, yêu cầu cụ thể, chi tiết là gì”, vị này nói.

Ngay khi có thông tin Bitexco và Tuần Châu đề nghị nhượng quyền quản lý và khai thác vịnh Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đã lên tiếng giải thích rằng mọi việc chưa có quyết định chính thức. Tỉnh chỉ tính đến việc giao doanh nghiệp quyền phát triển dịch vụ, không phải quyền quản lý danh thắng và những công ty khác có thể tham gia. Tuy nhiên, cũng thông tin từ tỉnh này, ngay trong tháng 8 tới, chính quyền sẽ trả lời nhà đầu tư về việc chấp thuận hay từ chối dự án. 

Đào Loan 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo