Tổng vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong giai đoạn 2010-2015 đạt khoảng 175.588 tỉ đồng, tức hơn 8 tỉ đô la Mỹ, từ nhiều nguồn khác nhau, và phần lớn nguồn vốn tập trung vào các công trình đường bộ.
Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải tại hội nghị “Tổng kết 5 năm công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải vùng Tây Nam bộ” được tổ chức tại Thành phố Cần Thơ ngày 10/12, cho thấy lĩnh vực đường bộ giai đoạn này đã có 58 dự án với tổng vốn trên 129.000 tỉ đồng. Trong đó, có 34 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư hơn 52.470 tỉ đồng và 24 dự án còn lại đang tiếp tục thực hiện với tổng đầu tư hơn 76.530 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018.
Trong 5 năm qua đã có hơn 175.000 tỉ đồng được “rót” vào ĐBSCL. Trong ảnh là cầu Rạch Miễu- công trình có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của ĐBSCL (Ảnh: Trung Chánh)
Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, 5 năm qua đã đầu tư 6.887 tỉ đồng, trong đó đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) nối TPHCM với tổng vốn đầu tư 787 tỉ đồng. “Các dự án đang tiếp tục triển khai, gồm dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL (dự án WB5) hợp phần đường thủy với kinh phí đầu tư 6.100 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm nay”, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho biết.
Trong lĩnh vực hàng hải, đã hoàn thành xây dựng cảng biển An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang) với tổng đầu tư 198 tỉ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trong khi dự án luồng tàu biển vào sông Hậu với tổng đầu tư 9.781 tỉ đồng được khởi công vào năm 2013 đang tiếp tục được triển khai.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng với lĩnh vực hàng hải, mặc dù đầu tư không nhiều, nhưng khi dự án luồng tàu biển vào sông Hậu được hoàn thành, thì tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải ra/vào được rất dễ dàng.
“Như vậy, đây sẽ là điều kiện rất tốt giúp phát triển kinh tế- xã hội của vùng, nhất là lĩnh vực xuất khẩu khi có thể đưa hàng hóa trực tiếp ra nước ngoài”, ông cho biết.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực hàng không, giai đoạn này đã hoàn thành bốn dự án với tổng mức đầu tư 5.331 tỉ đồng, trong đó có dự án cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đậu máy bay thuộc Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; dự án nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang) và dự án xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu máy bay của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc bằng nguồn vốn của Tồng công ty quản lý bay Việt Nam.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, cũng đã có gần 24.380 tỉ đồng vốn đầu tư để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo khoảng 44.084 km đường giao thông nông thôn khu vực ĐBSCL, và nâng cấp, xây dựng mới 19.877 cầu nông thôn thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị thời gian tới, các bộ ngành có liên quan cần tập trung quy hoạch hạ tầng giao thông cho ĐBSCL một cách đồng bộ, từ đường bộ, đường thủy nội địa, cho đến đường biển, hàng không và cảng biển.
“Nếu chúng ta không có kế hoạch quy hoạch đồng bộ cho hạ tầng giao thông, thì chi phí vận chuyển hàng hóa sẽ cao, khiến cho khả năng cạnh tranh nhất là hàng nông thủy sản trong bối cảnh hội nhập chắc chắn sẽ chịu rất nhiều thua thiệt”, ông Ninh cho biết.
Ngoài ra, theo ông Ninh, Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án/công trình đang triển khai, đặc biệt các dự án/công trình kết nối quan trọng của ĐBSCL nhằm tạo động lực và góp phần phát triển kinh tế- xã hội cho vùng này.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, trong giai đoạn 2016-2020, khu vực ĐBSCL tiếp tục cần khoảng 87.000 tỉ đồng vốn đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông, trong đó phần lớn là dành cho đường bộ.
Cụ thể, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải được trình bày tại hội nghị xúc tiến đầu tư, du lịch ĐBSCL diễn ra hồi đầu tháng 7/2015 cho thấy riêng đối với lĩnh vực đường bộ cần khoảng 64.000 tỉ đồng vốn đầu tư.
Trong giai đoạn này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung đầu tư các công trình trọng điểm như tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, xây dựng cầu Đại Ngãi (nối Trà Vình và Sóc Trăng), xây dựng tuyến tránh TP Long Xuyên, đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 2, xây tuyến N1 (đoạn từ Đức Huệ đi Châu Đốc), đường Hồ Chí Minh (đoạn từ Gò Quao đi Vĩnh Thuận) và đầu tư nâng cấp, mở rộng một số tuyến quốc lộ trong khu vực.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết ngày 12/12, Bộ sẽ tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 để nối Trà Vinh với Sóc Trăng.
Ông Nguyễn Văn Thể, cho rằng việc xây dựng cầu Đại Ngãi được xem là đường tắt đi về TPHCM sẽ giúp rút ngắn được khoảng 80 km so với việc di chuyển đường vòng như hiện nay. Đây là cây cầu cao nhất ĐBSCL với độ cao thông thuyền lên đến 45 mét, cao hơn cầu Cần Thơ đến 6 mét. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành sau ba năm thi công, tức vào cuối năm 2018.
Trung Chánh
(TBKTSG Online)
- Thương xá Tax sẽ được bảo tồn cả bên trong và ngoài
- Hà Nội: Duyệt quy hoạch phân khu đô thị GN(C), tỷ lệ 1/5000
- WB: mỗi năm đô thị Việt Nam cần 374.000 căn nhà mới
- Phát hiện thêm nhiều dấu tích kiến trúc quy mô lớn ở Hoàng thành Thăng Long
- Hà Nội sẽ có thêm nhiều vườn hoa, sân chơi công cộng
- Ashui Awards 2015: Bắt đầu bình chọn các danh hiệu của năm
- Điều chỉnh quy hoạch bảo tồn di tích ở Côn Đảo
- Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm
- Duyệt cơ chế đặc thù cho đô thị hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài
- TP.HCM đề xuất lập đặc khu kinh tế với thời hạn thuê đất 99 năm