Quy hoạch đô thị phải hướng đến mục đích tạo ra giá trị và chất lượng để người dân được hưởng lợi và doanh nghiệp có được cơ hội phát triển, ghi nhận tại hội thảo góp ý đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 do Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM phối hợp UBND thành phố Thủ Đức (TPHCM) tổ chức ngày 21/10.
Thành phố Thủ Đức diện tích tự nhiên là 211,56 km2 chiếm khoảng 10% diện tích TPHCM và quy mô dân số khoảng 1,2 triệu người, chiếm 10% tổng dân số TPHCM. (Ảnh: TL)
Tại hội nghị, khi báo cáo phương án đề xuất đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn quốc tế EnCity, nêu ra những điểm quan trọng mang tính chiến lược đối với thành phố như tạo quỹ đất công viên cây xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác yếu tố văn hóa lịch sử, cảnh quan sông nước, sử dụng đất linh hoạt, thích ứng để đón các cơ hội…
Bên cạnh đó, quy hoạch hướng đến đô thị đa tâm để tạo cơ hội khác nhau cho người dân, ngoài trung tâm Thủ Thiêm còn có 2 khu vực khác là Trường Thọ và Long Phước. Đối với giao thông, ông Dũng đánh giá đây là thách thức lớn của đô thị Việt Nam nói chung và đơn vị tư vấn nhấn mạnh đến việc hoàn thiện hệ thống giao thông gắn liền với khai thác quỹ đất và mở ra cơ hội đầu tư mới.
Với định hướng là đô thị thông minh Thủ Đức cũng phải có mô hình tạo ra hạ tầng để nhà nước quản lý hiệu quả, nhưng đồng thời cũng giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận dịch vụ công, dữ liệu, thông tin để “từ thông minh trở nên sáng tạo”.
TP Thủ Đức có 8 nhà ga trong tổng số 11 ga thuộc tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên. (Ảnh: TL)
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng thành phố Thủ Đức có nhiều điện kiện về đầu mối giao thông nên quy hoạch phải làm thật tốt để giúp đồng bộ hạ tầng giao thông trong tương lai.
Đồng thời, việc quy hoạch cũng cần kế thừa, tiếp tục triển khai các định hướng lớn của thành phố, và đồng bộ với các quy hoạch ngành và các địa phương lân cận.
“Việc quy hoạch phải cho người dân có chất lượng sống cao hơn và doanh nghiệp thấy rằng đây là cơ hội để bắt đầu cho việc phát triển, tuy nhiên, các góp ý về quy hoạch cũng cần tính đến độ khả thi và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của thành phố”, ông Hoan nhấn mạnh.
Tương tự, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nhận định rằng thành phố Thủ Đức có một thuận lợi về sông nước nên trong quá trình triển khai chi tiết đồ án cần phát huy lợi thế sông nước của thành phố Thủ Đức.
Cùng với đó, cần giải quyết vấn đề bài toán về giao thông và phát triển giao thông công cộng là bài toán cơ bản cũng như định hướng để phát triển đô thị bền vững.
Góp ý kiến với vai trò nhà quy hoạch, ông Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng để đồ án có tính khả thi cao cần chú trọng vào yếu tố là tính pháp lý về đất đai và phương thức kết hợp đầu tư công tư.
Minh Hoàng
(KTSG Online)
- Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
- TPHCM: Trung tâm dữ liệu và điều hành thông minh Quận 3 giúp điều hành đô thị tốt hơn
- Hà Nội ủy quyền cho 5 huyện lập đề án thành lập quận
- Bộ Xây dựng ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030”
- Kỳ vọng TPHCM ngang tầm thành phố lớn châu Á trong 10-25 năm tới
- Huế sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương
- TPHCM sẽ có thêm 3 bãi đậu xe ô tô lắp ghép
- Thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thuộc tỉnh Khánh Hòa
- Nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô rất chậm so với yêu cầu
- Phân loại đô thị theo vùng miền, yếu tố đặc thù