Ashui.com

Sunday
Dec 29th
Home Tương tác Điểm đến Chùa Nôm - Ngôi chùa giữ kỷ lục về tượng đất

Chùa Nôm - Ngôi chùa giữ kỷ lục về tượng đất

Viết email In

Chùa Nôm - ngôi chùa cổ nổi tiếng, qui mô lớn ở đồng bằng Bắc bộ với hàng trăm pho tượng bằng đất sét được bảo tồn hàng trăm năm.  

Chùa Nôm – Nơi gìn giữ dấu ấn văn hóa Việt    

Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng chừng 30km về phía Đông có một ngôi chùa vẫn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ cổ kính của chùa cổ ở đồng bằng Bắc Bộ. Ngôi chùa ấy mang tên chùa Nôm, nằm ở làng Nôm thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên.Chùa Nôm có tên tự là “Linh thông cổ tự”. Theo truyền thuyết, xưa kia chùa Nôm nằm giữa một rừng thông cổ thụ, trên có một cái am nhỏ. Trải qua thời gian, chùa Nôm được trùng tu xây dựng vào thế kỷ thứ XVII.


Tam quan chùa Nôm nằm dưới những bóng cây cổ thụ tạo nên vẻ trầm mặc, thanh bình. Bước qua tam quan là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng hai bên. Ở lầu chuông ấy, ngày ngày tiếng chuông được thỉnh lên như một âm vang trong trẻo điểm xuyết vào sự yên bình của ngôi chùa cổ. 

Ngôi chùa cổ nằm ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ lớn. Hiện nay, chùa Nôm còn lưu giữ được hơn 122 pho tượng Phật bằng đất tuyệt đẹp có tuổi hàng trăm năm. Các pho tượng được tạc ở nhiều trạng thái, tư thế và chủ đề khác nhau. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên không phải là số lượng các pho tượng đất mà là độ bền vững không tưởng của chúng. Trải qua nhiều trận lụt lịch sử, các pho tượng vẫn còn nguyên vẹn và hiện chúng vẫn là một ẩn số mà các nhà khoa học chưa giải thích được. Điểm đặc biệt hấp dẫn du khách của chùa Nôm chính là khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, rộng rãi với nhiều công trình kiến trúc đặc sắc. Lầu Quan Âm của ngôi chùa nằm ở giữa hồ nước này như một đài sen nguy nga, lộng lẫy. Dẫn vào lầu Quan Âm là một cây cầu đá hình cánh cung mô phỏng cây cầu Nôm cổ, phía trước cầu là hai tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng tạo thành một cụm kiến trúc thống nhất làm mãn nhãn người xem.


Lầu Quan Âm của ngôi chùa nằm ở giữa hồ nước này như một đài sen nguy nga, lộng lẫy.


Dù ở bất cứ không gian, thời gian và góc hình nào, vẻ đẹp của chùa Nôm cũng giống như một một bức tranh thủy mặc.

Chùa Nôm nổi tiếng bởi 122 pho tượng đất nung cổ được bài trí khắp các gian thờ, mô tả về con đường thành Phật với các hình tượng quen thuộc như Tam Thế, Tam Thánh, Phật Bà, Thập bát La Hán… Chất liệu chính để làm nên những bức tượng tại đây là đất sét, vôi, mật, giấy bản và nhiều lớp sơn phủ bên ngoài.


Đến với chùa Nôm, có lẽ ấn tượng hơn cả vẫn là hệ thống tượng cổ làm bằng đất. Trải qua nhiều trận lụt lịch sử, bao thăng trầm, biến đổi của thời gian, hệ thống tượng chùa Nôm như vẫn trường tồn theo năm tháng. Không chỉ là hệ thống tượng cổ được bài trí ở Tòa Tam bảo.


Gian tiền đường trong chùa nổi bật bởi hai bức tượng Hộ Pháp cao hơn 3 m nếu tính cả bệ đỡ.


Dãy hành lang là nơi đặt tượng Bát Bộ Kim Cương, Tứ vị Bồ Tát, 18 vị La Hán… Các pho tượng được tạo tác với đủ tư thế, hình dáng, biểu cảm và nhiều kích cỡ khác nhau. Có những pho tượng to bằng người thật, trong khi số khác lại chỉ bé bằng nắm tay nhưng đều có những trạng thái riêng biệt. Theo các bia đá tại chùa ghi chép lại, chùa Nôm được xây dựng lại vào năm 1680 và trùng tu nhiều lần sau đó, tuy nhiên không ai biết rõ về lai lịch của các pho tượng và năm ra đời của chùa.


Pho tượng của một trong Bát bộ Kim Cương đặt tại nhà hành lang. Chùa Nôm từng trải qua ba trận lụt lịch sử năm 1945, 1971, 1986, nước ngập tận nóc làm lở tường, trôi cả mái chùa nhưng các pho tượng đất vẫn còn nguyên vẹn, hiện ra lớp sơn sáng bóng sau khi rửa lớp bùn đi.


Tượng Tuyết Sơn minh hoạ thời kỳ tu khổ hạnh của đức Thích Ca Mâu Ni trước khi thành Phật. Sự tạo tác tỉ mỉ của người xưa được thể hiện qua những đường gân đắp nổi ở tay, chân của tượng cùng gương mặt và nếp nhăn trên trang phục. Hiện vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh niên đại của tượng chùa Nôm. Một số nhà khoa học cho rằng phong cách điêu khắc tượng thuộc về thế kỷ 10 – 13, trong khi những nhà nghiên cứu khác nhận định đây là nghệ thuật tiêu biểu vào thế kỷ 18.


Những bức tượng tại chùa được đánh giá là mang đậm nét dân dã, thuần Việt và thoát tục. Chùa Nôm cũng được ghi nhận là nơi có nhiều tượng đất cổ nhất Việt Nam. Những chùa khác có tượng đất với số lượng ít hơn là chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Đất Sét (Sóc Trăng), chùa Mía (Hà Nội).


Những pho tượng nhỏ nằm dưới chân một vị La Hán cũng được tạo hình kỹ lưỡng. Đại đức Thích Đồng Huệ, trụ trì chùa cho biết, những bức tượng đã được người dân làng đóng góp tu sửa, sơn mới vào năm 1997.


Những pho tượng bên trong các hang động đắp bằng đất ở chùa Nôm. Đây cũng là nơi có nhiều tượng nhỏ nhất trong chùa.


Khoảng sân trong chùa là nơi đặt các hang động, vách đá, đối diện với gian thờ Mẫu.


Lối vào chùa Nôm là cây cầu đá 9 nhịp đầu rồng đã có từ hơn 200 năm trước, bắc qua sông Nguyệt Đức. Đây cũng là cây cầu đá bắc ngang sông duy nhất còn lại ở Hưng Yên.


Không chỉ đặc sắc ở hệ thống tượng, nét đẹp Chùa Nôm còn ở vẻ rêu phong, cổ kính của từng hạng mục công trình với họa tiết trang trí tinh tế, tài hoa và tâm huyết của các nghệ nhân dân gian.

Minh Chính

(phatgiao.org.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...