Từ giữa thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, Bao Vinh là khu thương mại quan trọng, sầm uất của xứ Đàng Trong. Năm 1636, sau khi dời Phủ Chúa từ Phúc An vào Kim Long, chúa Nguyễn Phúc Lan đã chọn vị trí ngã ba Sình trông ra cửa khẩu Thuận An để mở cảng Thanh Hà và sau đó là Bao Vinh.
Cảng Thanh Hà ra đời trên phần đất ngày nay thuộc xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế - nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 cây số về phía đông bắc. Từ đầu thế kỷ XVII, các thương nhân người Hoa đến định cư, lập phố buôn bán, sinh sống bằng nghề buôn muối, gạo, nước mắm, hải sản rất phát đạt. Những thương thuyền khắp nơi như Hồng Kông, Ma Cao, Nhật Bản, Ấn Độ và từ một số nước châu Âu cập bến ở đây mua bán vật phẩm, hàng hoá.
Bao Vinh, nhìn từ sông Hương (Ảnh: vov.vn)
Học giả Đào Duy Anh trong bài “Phố - première colonie chinoise du Thua Thien” đăng trong tập san Đô Thành hiếu cổ (BAVH 1943) đã tả: phố cổ bên bờ sông Hương là một khu thương mại sầm uất, trên cảng Thanh Hà có một khu phố lớn tên là “Đại Minh khách phố” nhộn nhịp bậc nhất Đàng Trong. Vào năm 1990, các nhà khảo cổ thuộc khoa Sử đại học Khoa học Huế có tìm thấy ở Bao Vinh nhiều đồ gốm sứ và tiền cổ niên đại Khang Hy (1662), Ung Chính (1723) và Càn Long (1736).
Bao Vinh là địa điểm thứ hai của chuỗi cảng thị Thanh Hà - Bao Vinh, phố chợ này hình thành khi cảng thị Thanh Hà đã bị bồi lắng, nằm lùi sâu vào đất liền và lụi tàn.
Xưa kia, Bao Vinh còn nổi tiếng về các nghề đóng hòm, nghề khảm, cẩn xà cừ, nghề dệt vải mặt nhỏ, nghề thợ nề, làm gạch, ngói (xóm Ngõa tượng Địa Linh), nghề làm bột (La Khê). Năm 1885 kinh đô Huế thất thủ vào tay Pháp, Bao Vinh bị tàn phá và mai một dần từ đó. Đến khi vua Thành Thái cho lập phố Đông Ba thì Bao Vinh xuống cấp hẳn.
Ngày còn bé, tôi thường từ thành phố Huế đến Bao Vinh thăm chị tôi (làm dâu), đi bằng xe ngựa chở người và cả hàng hóa, mãi đến năm 1960 mới có xe buýt và xe lam thay thế. Nếu đi đường thủy, thì dùng thuyền từ bến Đông Ba đến bến Bao Vinh. Ngày nay du khách thường đến Bao Vinh bằng thuyền du lịch theo sông Đông Ba - con sông đào chạy dọc phía đông kinh thành, rồi đi bộ một quãng ngắn tới cầu Bao Vinh. Qua khỏi cầu là đến một con phố nhỏ hẹp, chỉ dài hơn 300 mét. Phố cổ Bao Vinh một thời sầm uất, phố thị giao thương quan trọng của kinh đô Huế nay đã lụi tàn, khác hẳn với phố cổ Hội An, cảng thị phát triển cùng thời kỳ nay trở thành di sản văn hoá thế giới.
Sông Đông Ba, hướng đi về Bao Vinh, nhìn từ cầu sắt Đông Ba. Bên trái là đường Huỳnh Thúc Kháng, đường bộ từ trung tâm TP. Huế đi Bao Vinh (Ảnh: Tư Miền Biển)
Năm 1991 Bao Vinh còn được 39 ngôi nhà cổ, niên đại từ 150 đến 200 năm tuổi. Đến nay, phần lớn bị hư hỏng nhiều, chủ nhà phá đi xây mới, chỉ còn 15 ngôi nhà cổ; trong đó, ngôi nhà của ông Lê Quang Chất ở số 105 khá nguyên vẹn. Các nhà cổ còn lại nằm nép mình dưới bóng những ngôi nhà cao tầng. Kèo cột, mái ngói không ngớt run rẩy trước giông bão, chịu sự hủy hoại khắc nghiệt của thời gian. Nhà mới mọc lên nhiều, khang trang chừng nào thì nhà cổ lại thấy tiều tụy, rách nát hơn. Cô Tôn Nữ Thanh Thiên, chủ nhân một ngôi nhà cổ, tỏ vẻ chán nản khi đưa tôi đi xem những mảng rêu xanh dày đặc trên mái ngói âm dương màu thâm nâu và trên những bức tường loang lổ gạch vỡ.
Đi thuyền trên sông Hương ngắm con phố Bao Vinh du khách có thể nhận ra nét hao hao giống phố cổ Hội An. Những ngôi nhà mái ngói liệt san sát, thấp lè tè. Con đường nhựa nhỏ chia hai dãy phố song song đối diện nhau. Đàng sau những ngôi nhà là dòng sông trong xanh, nhìn sang làng “hoa giấy ” Thanh Tiên và làng Sình chuyên nghề vẽ tranh thờ cúng. Phố chợ bây giờ nhộn nhịp và bề ngoài hiện đại hơn. Hiện tại Bao Vinh vẫn nổi tiếng về nhạc lễ, nhạc đình, những phường thợ mộc, thợ khảm, thợ nón, đóng hòm, làm hương…
Nhiều năm bị người địa phương lãng quên, thờ ơ, song Bao Vinh vẫn “đẹp” trong mắt du khách. Đâu đây vương vấn cái không gian lãng đãng đầy mê hoặc khi nắng chiều phủ vàng trên khu phố soi mình trên mặt nước sông Hương! Phố cổ hấp dẫn du khách nước ngoài, nhất là khách Nhật Bản, với phố - nhà cổ, cung Thiên Hậu, đền Quan Thánh, cầu một nhịp, cồn Bút, Nê Ngõa tượng đường (thờ ông tổ nghề làm ngói và thợ nề). Họ say mê ngắm nhìn và mua các món hàng chạm khảm, cẩn xà cừ, đan mây, tre, nứa… của Bao Vinh và cả nồi, niêu, bếp lò và nhiều sản phẩm bằng đất nung của các làng nghề Phước Tích, Nam Thanh.
Vũ Hào
- Chiếc "vương miện" giữa thành Warsaw
- Strasbourg, nước Pháp thu nhỏ
- Mật mã Tây Tạng bên hồ Issyk Kul
- Chùa Hang và những nghệ nhân nơi cửa thiền
- Đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung: linh thiêng một tình yêu
- Làng cổ Phước Tích: Miền cổ tích bên dòng Ô Lâu
- Về phố cổ Hội An nghe tiếng xưa
- Về thăm đất cù lao Long Trị ở thành phố Trà Vinh
- Kon Sơ Lăl: vẻ đẹp bị lãng quên
- Chùa Linh Sơn giữa phố núi Đà Lạt